Xem mẫu

VAI TRÒ CỦA NHÀ NƯỚC TRONG VIỆC THỰC HIỆN TRÁCH NHIỆM XÃ
HỘI CỦA DOANH NGHIỆP (CSR) Ở VIỆT NAM HIỆN NAY

LƯU MINH VĂN(*)

TÓM TẮT

Thực hiện trách nhiệm xã hội là một yêu cầu không thể thiếu trong quá trình hội nhập
của các doanh nghiệp Việt Nam, lợi ích của nó không chỉ với doanh nghiệp, mà cả với xã hội,
nó tác động lớn đến khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, của quốc gia. Ở Việt Nam vấn đề
thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp còn khá mới. Để thực hiện điều đó cần sự hợp
tác hành động của các yếu tố: doanh nghiệp – nhà nước – xã hội. Thực tế việc thực hiện trách
nhiệm xã hội của doanh nghiệp hiện nay ở nước ta cho thấy sự định hướng, tạo điều kiện,
giám sát của nhà nước đối với doanh nghiệp là yếu tố có vai trò quyết định.

ABSTRACT

Implementing social responsibility is very nessessary in integrating process of
Vietnam’s enterpries, its benefit is not only for enterpries but also for society, it affects
competitive ability of enterpries, nation. In Vietnam, implementing social responsibility
problem of enterpries is still very new. Needing cooperation of actions include: enterprise –
state – society to implement social responsibility. In fact, the implementation of social
responsibility of enterprise in Vietnam today is showing orientation, making condition,
controlling of state in enterpries is an element keeping a decisive role.

1. Năm 1970 nhà kinh tế học M. Friedman đưa ra luận điểm “Trách nhiệm xã hội của
doanh nghiệp sẽ làm tăng lợi nhuận của họ”. Qua gần 4 thập kỉ, quan điểm “Trách nhiệm xã
hội của doanh nghiệp” (Corporate Social Responsibility – CSR)1 đã phát triển và phổ biến
rộng rãi. Nó không chỉ thể hiện những yêu cầu đạo đức, mà quan trọng là nguyên tắc này đã
được luật hoá, được lượng hoá và được công nhận trên sân chơi toàn cầu. Nghĩa là nó đã trở
thành một nguyên tắc bắt buộc với các công ty, các tập đoàn ở các quốc gia. Ngày 11.01.2007
Việt Nam đã trở thành thành viên chính thức của tổ chức WTO, điều đó đặt ra một cách gay
gắt hơn về sự ý thức đầy đủ và thực hiện các quy định về trách nhiệm xã hội của các doanh
nghiệp khi tham gia sân chơi này.

Khái niệm “trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp” có thể có những cách hiểu khác
nhau, nhưng về căn bản nó được hiểu là "sự cam kết của doanh nghiệp đóng góp cho việc
phát triển kinh tế bền vững, thông qua những việc làm nâng cao chất lượng đời sống của
người lao động, cho cộng đồng và toàn xã hội, theo cách có lợi cho cả doanh nghiệp cũng như
phát triển chung của xã hội”2.

Trong các kiến giải lí thuyết về khái niệm trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, một
cách chung nhất, nó thể hiện ở các “cam kết” của doanh nghiệp trên những lĩnh vực chủ yếu
sau: thứ nhất, trách nhiệm bảo vệ môi trường; thứ hai, trách nhiệm với người lao động và
người tiêu dùng; thứ ba, trách nhiệm đối với sự phát triển chung của cộng đồng. Qua quá trình
phát triển, quan niệm về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp ngày càng hoàn thiện và đạt

(*)
TS, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội
1
Trong bài này chúng tôi sử dụng chữ viết tắt “CSR” (Corporate Social Responsibility ) và cụm từ “Trách
nhiệm xã hội của doanh nghiệp” như những cụm từ tương đương.
2
Xem: “Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp: công cụ tạo dựng lợi thế cạnh tranh”,
http://kinhdoanh.com.vn/mtkd/So4/4-baiviet
được sự đồng thuận xã hội ở hầu hết các nước, nhất là các nước phát triển. Quan niệm này
đang phát triển theo hướng hoàn thiện những bộ tiêu chuẩn về trách nhiệm xã hội của doanh
nghiệp3.

Vậy doanh nghiệp được gì khi thực hiện các bộ tiêu chuẩn CSR? Hàm ý trực tiếp của
câu hỏi này liên quan đến vấn đề về lợi nhuận của doanh nghiệp. Luận đề của M. Friedman
sau này được đúc kết về những “cái lợi” chính doanh nghiệp có được: giảm chi phí và tăng
năng suất; tăng doanh thu; nâng cao giá trị thương hiệu và uy tín của công ty; thu hút nguồn
lao động giỏi.4Hay nói cách khác việc thực hiện CSR sẽ nâng cao lợi thế cạnh tranh của
doanh nghiệp, đó là cái lợi trực tiếp, lớn hơn đó chính là tạo lập môi trường phát triển bền
vững – triết lí căn bản về phát triển hiện nay mà loài người đang nỗ lực thực hiện.

2. Ở Việt Nam, vấn đề CSR mới được quan tâm nhiều hơn trong khoảng hơn một thập
kỉ gần đây và ngày càng gia tăng. Bức tranh thực hiện CSR ở nước ta hiện nay về cơ bản khá
u ám. Để minh họa nhận định này chúng ta hãy chú ý tới một loạt những dữ kiện của năm
2008: Công ty Vedan và cái chết của sông Thị Vải; một số lâm trường nhà nước tiếp tay phá
rừng phòng hộ, rừng nguyên sinh; sự gia tăng về số lượng các cuộc đình công tự phát của
công nhân đòi cải thiện chế độ tiền lương và điều kiện làm việc; hiện tượng sử dụng lao động
thời vụ không đóng bảo hiểm khá phổ biến ở nhiều doanh nghiệp thuộc khu vực nhà nước và
tư nhân; vấn đề an toàn thực phẩm thực sự đang trở thành “hiểm họa” với hàng loạt doanh
nghiệp xuất khẩu thủy sản, nông phẩm do mất dần thị trường ở các nước phát triển và số
lượng các vụ ngộ độc thực phẩm ngày càng gia tăng, v.v. Những dữ kiện kể trên trong chừng
mực nhất định phản ánh tình trạng đáng báo động trong bài toán phát triển của doanh nghiệp,
của xã hội Việt Nam hiện nay và đều tác động trực tiếp đến những vấn đề căn bản của việc
thực hiện tiêu chuẩn CSR.

3. Hiện nay nền kinh tế Việt Nam đã ngày càng hội nhập sâu với kinh tế thế giới, môi
trường kinh doanh của doanh nghiệp mang tính toàn cầu. Và yêu cầu của thị trường toàn cầu
ngày càng khắt khe với các tiêu chuẩn CSR. Vì vậy việc bàn doanh nghiệp Việt Nam có cần
thực hiện CSR hay không ít ý nghĩa hơn vấn đề thực hiện nó như thế nào?

Như chúng ta đã biết, yêu cầu cơ bản của bộ công cụ CSR là hướng đến giải bài toán
thiết lập quan hệ hài hòa, bền vững giữa ba mục tiêu: kinh tế, môi trường và xã hội trong
hoạch định phát triển của các doanh nghiệp.

Bài học thực hiện CSR ở các nước, nhất là các nước phát triển cho thấy, sự tiến bộ
trong thực hiện chức năng xã hội của doanh nghiệp là kết quả của sự tương tác giữa ba yếu tố
cơ bản: nhà nước – doanh nghiệp – xã hội. Chừng nào ba yếu tố này tác động cùng chiều
thuận theo yêu cầu của quy luật phát triển bền vững thì khi đó CSR mới có thể thực hiện tốt.
Vì vậy các giải pháp thực hiện CSR cần phân tích thấu đáo qua tam giác ba yếu tố nêu trên.
Trong đó doanh nghiệp là nhân tố chủ thể, nhà nước và xã hội đóng vai trò như là môi trường
phát triển và là nhân tố giám sát, kiểm soát việc thực hiện CSR.

Phân tích nguyên nhân của bức tranh thực hiện CSR (mục 2) ở nước ta hiện nay thì ấn
tượng chung sẽ là: cả ba nhân tố tác động nhà nước, doanh nghiệp và xã hội đều chứa đựng
những khiếm khuyết. Có thể minh họa nhận định này ở sự kiện Vedan: yếu tố xã hội – các
phương tiện thông tin đại chúng phát đi lời kêu gọi người tiêu dùng tẩy chay bột ngọt của

3
Ở đây có thể kể đến: Bộ tiêu chuẩn đánh giá tuân thủ trách nhiệm xã hội trong kinh doanh (Business Social
Compliance Initiative) ban hành năm 2003, hoặc các bộ tiêu chuẩn SA8000, FSC, ISO 14001, WRAP…
4
Xem thêm: Ansel M. Sharp, Charles A. Register, Paul W. Grimes: Kinh tế học trong các vấn đề xã hội, Nxb
Lao động, 2005
Vedan, nhưng không tìm được sự ủng hộ của cộng đồng người tiêu dùng; yếu tố nhà nước –
Bộ tài nguyên và môi trường yêu cầu xử lí nghiêm công ty Vedan, có thể xét thu hồi giấy
phép hoạt động thì chính quyền địa phương lại chưa xử Vedan; công ty chủ động đổ chất thải
độc hại chưa xử lí ra môi trường để giảm chi phí, thu lợi bất chính.

Trong điều kiện hiện tại của nước ta, trong ba yếu tố trên nhấn mạnh tác động chủ
động, hợp lí của nhà nước trong thực hiện CSR là sự lựa chọn cần thiết. Vì trong khi chúng ta
chưa có xã hội dân sự và một nền kinh tế thị trường đúng nghĩa thì nhà nước với hệ thống
pháp luật và các công cụ cưỡng chế của mình mới có thể tác động hiệu quả đến sự thay đổi,
điều chỉnh hành vi và hoạt động của doanh nghiệp theo hướng phát triển bền vững.

Để nâng cao vai trò của nhà nước trong thực hiện CSR, theo chúng tôi trước mắt cần
tập trung vào những vấn đề sau:

Thứ nhất, hoàn thiện hệ thống pháp luật và các văn bản quy phạm pháp luật về trách
nhiệm xã hội của doanh nghiệp, trước hết là việc xây dựng và hoàn thiện một số bộ luật cơ
bản liên quan đến các lĩnh vực như: bảo vệ và khai thác tài nguyên môi trường; bảo vệ lao
động (nhất là cấm sử dụng lao động trẻ em); hoạt động và trách nhiệm doanh nghiệp; bảo hộ
tiêu dùng, v.v.

Thứ hai, cải thiện tính hiệu quả giám sát thực thi pháp luật của bộ máy nhà nước, nhất
là ở cấp địa phương. Trong chừng mực nhất định có thể thấy đây là lĩnh vực còn nhiều khiếm
khuyết, yếu kém về năng lực, về trách nhiệm của hệ thống công quyền. Để tăng hiệu lực kiểm
soát của nhà nước với việc thực hiện CSR, từ kinh nghiệm thực tế của Việt Nam và các nước,
chỉ chú trọng tới các biện pháp hành chính như sự cấm đoán (kiểm soát trực tiếp) là không đủ,
mà còn phải sử dụng hiệu quả các công cụ thuế (kiểm soát gián tiếp).

Thứ ba, sử dụng có hiệu quả hệ thống thông tin đại chúng trong giám sát hoạt động
của doanh nghiệp liên quan đến thực hiện CSR và giáo dục ý thức về thực hiện CSR đối với
các doanh nghiệp và đối với toàn xã hội.

Trên đây là một vài ý kiến của chúng tôi về chủ đề CSR. Công việc của chúng ta, theo
chúng tôi, không phải là xây dựng lí thuyết mới về CSR, mà là làm cho triết lí của lí thuyết
này trở thành mục tiêu hành động của doanh nghiệp, của chính phủ và của mỗi người dân. Để
các mục tiêu CSR đi vào cuộc sống, việc cụ thể hoá, lựa chọn những tiêu chí hợp lí với điều
kiện phát triển hiện tại của Việt Nam và dần phù hợp với chuẩn mực quốc tế cũng là điều cần
tính tới.



TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Ansel M. Sharp, Charles A. Register, Paul W. Grimes: Kinh tế học trong các vấn
đề xã hội, Nxb Lao động, 2005.
2. Bàn tròn về trách nhiệm xã hội doanh nghiệp của Thời báo kinh tế VN,
http://www. Economy.com, 28.01.2005.
3. Lester C. Thurow: Làm giàu trong nền kinh tế tri thức, Nxb. Trẻ, 2003.
4. Hệ thống quản lí trách nhiệm xã hội SA 8000, http://www.cepaa.org, 23.09.2008
5. Nguyễn Chính Tâm: Trách nhiệm xã hội đi tìm vai trò của xã hội dân sự, báo
“Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần” số 213/ 31.08.2007.
nguon tai.lieu . vn