Xem mẫu

  1. Vài chia sẻ về xây dựng nhóm nghiên cứu khoa học Trong điều kiện năng lực nghiên cứu và phát triển còn thấp, tính liên kết và cạnh tranh khoa học chưa cao, kinh phí nghiên cứu khoa học còn ít ỏi và dàn trải như ở Việt Nam, mô hình nghiên cứu khoa học (NCKH) theo nhóm sẽ có tác dụng khuyến khích phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và tạo ra những bước đột phá trong một số lĩnh vực cần tập trung phát triển. Vậy làm thế nào để xây dựng được nhóm NCKH mạnh? Dưới đây, tác giả chia sẻ một số ý kiến và kinh nghiệm về vấn đề này. KHÁI NIỆM VỀ NHÓM NCKH Nhóm NCKH không giống với một cơ quan hành chính (nhà nước), cũng không giống với cấu trúc nghiệp đoàn. Nhóm làm việc trên tinh thần không có lương cơ bản. Các khoản thu, chi của nhóm phụ thuộc vào kết quả nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, phụ thuộc vào các đề
  2. tài/dự án khoa học. Do vậy, cấu trúc của nhóm cần gọn nhẹ, linh hoạt tối đa. Nhóm NCKH có vai trò như một yếu tố có tính chất quyết định tới hình thức, quy mô và chất lượng của một hoạt động khoa học, công nghệ nào đó. Đồng thời là nền tảng quan trọng bậc nhất trong đào tạo, nhất là đào tạo sau đại học (đối với các trường đại học). Trong đào tạo, nhóm NCKH chính là môi trường ươm tạo người tài, mảnh đất sinh sôi nảy nở các thủ lĩnh khoa học trong tương lai. Bên cạnh đó, nhóm NCKH còn là đơn vị cơ sở cho các hoạt động chuyển giao công nghệ, đặc biệt thuận lợi đối với công nghệ cao. Nhìn chung, có thể hiểu nhóm NCKH là một tập thể các nhà khoa học và học thuật có năng lực chuyên môn tốt, có tâm huyết, đạo đức nghề nghiệp, sự chân thật trong công việc (honesty), có khát vọng định hướng cùng một mục đích, một lĩnh vực chuyên môn nhất định; thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu và đào tạo tại một đơn vị hạt nhân (hay xoay quanh đơn vị hạt nhân đó); được dẫn dắt bởi một (hay một vài) nhà nghiên cứu có uy tín khoa học, đạo đức và đồng thời phải có khả năng tổ
  3. chức, giao tiếp, tập hợp…; có văn hóa nhóm riêng biệt. Nói một cách khái quát, mọi thành quả của nhóm phải xuất phát từ năng lực nội sinh. Trong quá trình hoạt động, nhóm NCKH phải tương tác với lãnh đạo chuyên môn, cũng như các thành viên của tổ chức khác (giao tế – communication), qua đó mọi thành viên trong nhóm có cơ hội học tập, tiếp thu, nắm bắt các kiến thức, kỹ năng, kỹ thuật mới cần thiết. Nhờ vậy, nhóm sẽ có đủ yếu tố tối thiểu, đưa vào chương trình nghiên cứu của mhóm, tạo ra các ý tưởng mới, các thành tựu khoa học mới cũng như các sản phẩm đào tạo và công nghệ mới. Đặc biệt, với tiêu chí này, nhóm NCKH sẽ tránh được yếu tố lạc hậu, lặp lại hay “chậm chân” so với khu vực. CÁC YẾU TỐ QUYẾT ĐỊNH SỰ THÀNH CÔNG CỦA NHÓM NCKH Tiêu chí đánh giá mức độ thành công đối với nhóm NCKH đòi hỏi rất cao. Trước hết, nhóm phải hoàn thành được nhiệm vụ chuyên môn, tức là phải tạo ra được công trình khoa học có chất lượng cao. Thứ hai, phải
  4. tạo ra được một đội ngũ những người tài làm việc có tinh thần đồng đội (team work). Thứ ba, phải có ảnh hưởng tới nền kinh tế – xã hội ở một mức độ nào đó, trong một phạm vi nào đó. Và cuối cùng, với vai trò trung tâm, nhóm phải tạo dựng được một môi trường học thuật tự do, công bằng, sáng tạo, có tinh thần tập thể trong đào tạo và nghiên cứu khoa học. Điều này phải có sức lan tỏa và lũy tiến, tác động tốt trong cơ quan hay trong địa phương. Để làm tiền đề cho sự thành công của một nhóm NCKH, theo tôi có ba yếu tố quyết định: Tập hợp đúng người, đúng việc Trong bất kỳ trường hợp nào, con người luôn đóng vai trò quyết định. Nhóm – tức là số nhiều, để hình thành được một nhóm NCKH, tức là phải tập hợp được nhiều người làm khoa học (hoặc hoạt động trong lĩnh vực khoa học). Nguồn nhân lực được tập hợp trước hết phải có chất lượng cao và đặc biệt cần có tính chuyên nghiệp. Hai tính chất này phải được cộng hưởng nhằm tạo sức mạnh mới cho toàn nhóm. Trong quá trình tập hợp nhân
  5. sự, nên chú trọng các nhân tố kế thừa. Trong một đề tài lớn có thể có nhiều hướng nhỏ, mỗi hướng nhỏ cần phải tìm được người có khả năng làm chủ được chuyên môn và triển khai thực hiện. Trên cơ sở đó, các thành viên được lựa chọn sẽ tạo thành nhóm chủ lực, trực tiếp phụ trách nghiên cứu (Chief Investigators), những người khác làm công tác hỗ trợ. Nhiệm vụ của từng thành viên cần được quán triệt chi tiết và cụ thể. Lý lịch khoa học của mỗi thành viên trong nhóm chủ lực phải được hệ thống. Có phong cách riêng Phong cách của một nhóm NCKH được tạo dựng một cách có chủ đích ngay từ ban đầu bởi người thủ lĩnh, và nó phụ thuộc rất nhiều vào khát vọng, cá tính… của người thủ lĩnh đó, ví dụ: Năng động – Hiệu quả – Ham học hỏi – Làm việc hết mình. Đó là một phong cách riêng. Phong cách ấy phải được bồi bổ thường xuyên để trở thành biểu tượng và sau đó trở thành niềm tự hào của tập thể. Nó sẽ ăn sâu vào tâm trí của mỗi thành viên, biến thành kim chỉ nam cho mỗi hành động của mỗi cá nhân.
  6. Phong cách riêng sẽ để lại dấu ấn rất sâu trong mỗi chương trình làm việc của cá nhân, trong các hoạt động nghiên cứu cũng như các sinh hoạt khác. Những người không hoà nhập được với phong cách của nhóm sẽ tự động rút lui. Tác dụng của phong cách riêng rất lớn: Để thực hiện điều này phải chú trọng tới những chi tiết nhỏ nhất, chẳng hạn khi mỗi thành viên đều nhất trí mặc đồng phục, hiệu quả sinh hoạt và lao động của tập thể sẽ khác hẳn trong không gian khoa học của nhóm; hoặc là tạo các khẩu hiệu (slogan) cho nhóm. Mỗi thành viên cần làm quen với tất cả các hoạt động chuyên môn của hướng nghiên cứu riêng trong nhiệm vụ chung. Người thủ lĩnh Người thủ lĩnh cần có các vai trò sau: - Vai trò “nam châm”: Thu hút sự chú ý ngay từ khi thực hiện các công đoạn đầu tiên đi “lượm lặt”, tìm kiếm và tập hợp nhân sự, cũng như tìm
  7. kiếm các điều kiện cần thiết khác, để có thể kiến tạo được một nhóm NCKH đủ tầm. - Vai trò “điểm tựa”: Phải làm cho mỗi thành viên hiểu rằng, họ có thể hợp tác trong nhóm một cách bền vững, lâu dài và đôi bên cùng có lợi. Mỗi thành viên đều tin vào năng lực chuyên môn và tư cách đạo đức của thủ lĩnh. Đặc biệt, đối với sinh viên hay cán bộ trẻ, người thủ lĩnh phải tranh thủ được cả niềm tin của gia đình, người thân của các thành viên trong nhóm (nên tận dụng tối đa, có hiệu quả các vai trò của người thầy, người cha hay người anh). - Vai trò “đèn pha”: Có đủ khả năng hướng dẫn, dẫn dắt như một kim chỉ nam về chuyên môn, các mối quan hệ, giao tiếp nghề nghiệp… Với vai trò này, người thủ lĩnh phải giỏi về chuyên môn, luôn làm chủ được các vấn đề, kiến thức liên quan tới các nghiên cứu trong nhóm, giúp các thành viên lựa chọn hướng chuyên môn thích hợp.
  8. - Vai trò “nội trợ”: Khi cần, người thủ lĩnh sẵn sàng chăm lo tới những chi tiết dù nhỏ nhất trong công việc hàng ngày, cũng như trong một số mặt sinh hoạt của thành viên (nếu có thể). - Vai trò “cận vệ”: Mỗi thành viên trong nhóm luôn yên tâm tin rằng, mình luôn có được sự bảo vệ, che chở của thủ lĩnh nếu như mình thực hiện đúng các ý tưởng, kế hoạch đã được thông qua. Nói cách khác, người thủ lĩnh luôn sẵn sàng nhận các trách nhiệm cá nhân thay cho thành viên nếu nảy sinh các rắc rối với họ khi thực hiện nhiệm vụ theo đúng kế hoạch. - Vai trò “nổi lửa”: Người thủ lĩnh luôn hun đúc cho mỗi thành viên những mong muốn phấn đấu và cống hiến. Khi ở cạnh, hay khi nghĩ về thủ lĩnh, mỗi thành viên đều cảm thấy khát vọng sống, khát vọng học tập và khát vọng làm việc. Đặc biệt là vai trò cộng hưởng sức mạnh. - Vai trò “chất keo”: Trong một tập thể đông người rất dễ xảy ra các va chạm, do vậy người thủ lĩnh phải là tâm điểm xây dựng, bảo vệ sự đoàn kết, thống nhất…
  9. - Vai trò “hoạt náo viên”: Các hoạt động sáng tạo trong NCKH luôn trầm lặng và căng thẳng, người thủ lĩnh cần biết cách tạo ra không khí tươi vui lành mạnh, như vậy hiệu quả làm việc sẽ tăng, đồng thời không gây sự nhàm chán. - Vai trò “ngòi nổ”: Tất cả (hoặc hầu hết) các ý tưởng nghiên cứu, các cải cách lớn, quan trọng đều phải xuất hiện đầu tiên ở người thủ lĩnh, hoặc do người thủ lĩnh khởi động. Tất nhiên phải rất chú trọng kích thích sự sáng tạo của mỗi thành viên. Nói chung, người thủ lĩnh phải biết cách tạo ra chất sống và sức sống, phát triển sức sống ấy cho nhóm NCKH. - Vai trò “bà đỡ”: Đón nhận, triển khai các nhiệm vụ nghiên cứu, đưa vào ứng dụng hoặc chuyển giao kết quả, liên kết… Nói cách khác, người thủ lĩnh không những phải biết cách đón nhận “đầu vào” mà còn cần biết triển khai tốt “đầu ra”. PHƯƠNG PHÁP LẬP NHÓM NCKH Nguyên tắc chung: Khi tiến hành thành lập nhóm NCKH, cần tuân thủ các nguyên tắc sau:
  10. Tinh thần “Optimum” – nhân sự tối thiểu, hiệu quả công việc tối đa; chấp nhận thử thách, mạo hiểm, thậm chí rủi ro; gắn liền nghiên cứu – đào tạo – triển khai ứng dụng; hợp tác các bên cùng có lợi (hợp tác trong và ngoài nhóm); phải có hướng nghiên cứu mũi nhọn, trọng điểm, theo nhu cầu của xã hội; phải có sự hỗ trợ của hội đồng khoa học hoặc thủ trưởng trực tiếp; tranh thủ có được các đề tài lớn, cơ sở vật chất, trang thiết bị; phải dựa tối đa vào năng lực của đơn vị; hình thành một không gian khoa học lành mạnh, hiệu quả. Các tiêu chí thành lập nhóm NCKH Tiêu chí 5 không: Không giới hạn: Không gian, thời gian, số lượng, trình độ, chuyên môn. Tiêu chí 5 có: Có chung: Ý tưởng, khát vọng, quyền lợi, niềm tin, nghĩa vụ. Tiêu chí 10 hợp tác: Hợp tác và chia sẻ: Trí tuệ, thông tin, quy trình kỹ thuật, các mối quan hệ, cơ sở vật chất, nhân sự, thời gian, sản phẩm, sự cảm thông, trách nhiệm.
  11. Yêu cầu đối với từng thành viên: Trình độ, kỹ thuật, thời gian, hiệu quả công việc, khả năng làm việc theo công thức dây chuyền và liên kết, các yêu cầu khác (sức khoẻ, hoàn cảnh gia đình…). Tiến trình hoạt động xây dựng nhóm: Công tác thăm dò, giới thiệu và tập hợp; thảo luận chương trình hành động; công tác chuẩn bị (cơ sở vật chất, hành chính…); ký kết các hợp đồng; thử nghiệm giai đoạn tiền kết hợp. VẬN HÀNH CỦA NHÓM NCKH Trong vận hành hoạt động của nhóm NCKH, cần chú ý các vấn đề sau: - Một dự án nghiên cứu bắt đầu với một đề cương nghiên cứu. Tốt nhất, người thủ lĩnh cần phải có thời gian tìm hiểu, thậm chí trước đó nên tiến hành một số nghiên cứu ở mức độ sơ bộ (pilot study), còn gọi là nghiên cứu “tiền trạm”. Trên cơ sở đó thành lập các tiểu ban bình duyệt để xét duyệt; thiết lập các quy chế nội bộ nhằm quản lý các hoạt động khoa học, công nghệ sao cho minh bạch và hiệu quả; thiết lập các quy chế
  12. quản lý nguồn nhân lực hiệu quả – theo phương thức quản lý thông qua giá trị. - Tổ chức thành tiểu nhóm (cán bộ giỏi phụ trách khoa học và học thuật, là nhân lực hiện có). - Tạo nguồn kinh phí và sử dụng kinh phí: Kinh phí nhà nước cấp (các nguồn đầu tư, các đề tài); kinh phí liên kết (từ các hợp đồng nghiên cứu với các công ty, tổ chức…); kinh phí tự tạo (bán sản phẩm, chuyển giao công nghệ, nguồn khác…). - Tổ chức các seminar, kế hoạch “săn lùng” đề tài, sàng lọc thông tin theo chủ đề. - Liên kết với các đoàn thể, chương trình khoa học của thanh niên. - Các sinh hoạt ngoại khoá. KINH NGHIỆM XÂY DỰNG NHÓM NCKH TẾ BÀO GỐC PGS-TS Trần Linh Thước (nguyên là Trưởng khoa Sinh học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Tp Hồ Chí Minh) là
  13. người đầu tiên trong Khoa khởi xướng xây dựng nhóm NCKH (1995- 1996). Mô hình này đã thành công ngay từ thời gian đầu mà kết quả của nó là sự ra đời của Phòng thí nghiệm (PTN) Công nghệ sinh học phân tử (2000) – một PTN đạt hiệu quả rất cao trong đào tạo và hiệu quả đặc biệt trong NCKH. Bản thân tôi (và nhiều đồng nghiệp khác trong Khoa) đã cố gắng tiếp cận và học tập mô hình này. Qua đó, Khoa Sinh học đã hình thành được nhiều nhóm NCKH tốt. PTN Tế bào gốc và Nhóm NCKH tế bào gốc của chúng tôi ra đời là kết quả tất yếu của một quá trình phát triển mà tập thể cán bộ của Khoa, đặc biệt là tập thể PTN Công nghệ sinh học phân tử đã cố gắng để đạt được. Hiện tại, Nhóm NCKH tế bào gốc có 58 người, trong đó có 17 người đang học ở nước ngoài (12 TS, 5 ThS). Trong số 17 người đang học ở nước ngoài, có 8 là biên chế nhà nước, còn lại 9 người là hợp đồng thời vụ với PTN. Trong số 41 người trong nước có 23 người biên chế nhà nước, còn lại 18 người hợp đồng thời vụ. Ngoài ra còn có các GS, PGS làm cố vấn. Trong 10 năm hoạt động, Nhóm NCKH tế bào gốc đã đạt được các kết quả: Hình thành được một hướng đào tạo mới về công nghệ
  14. cao; tạo dựng được PTN Tế bào gốc đầu tiên ở Việt Nam; đưa công nghệ cao vào ứng dụng trong xã hội với các hướng: Tạo động vật trong ống nghiệm, tạo động vật biến đổi gen, đào tạo cán bộ thụ tinh ống nghiệm trên người, công nghệ tái tạo mô người bằng tế bào gốc, thao tác biến đổi in vitro tế bào gốc; công nghệ tế bào gốc ứng dụng trong y sinh học, công nghệ sinh dược phẩm… Về đào tạo, đã có được 2 TS, 5 NCS, 18 ThS, 267 cử nhân công nghệ sinh học và sinh học hướng công nghệ tế bào và tế bào gốc; đào tạo giúp các đơn vị bạn 35 cán bộ kỹ thuật; thực hiện 2 đề tài nhánh cấp nhà nước; 9 đề tài cấp bộ, 5 đề tài cấp thành phố, 4 đề tài cấp tỉnh, 4 đề tài cấp Đại học Quốc gia Tp Hồ Chí Minh, 3 đề tài hợp tác quốc tế, 4 đề tài vườn ươm và nhiều đề tài cấp cơ sở, tạo được một số sản phẩm và đã chuyển giao (tế bào phôi động vật, màng vật liệu y sinh và thẩm mỹ, một số chế phẩm sinh học…). Đăng tải 16 bài báo khoa học trên các tạp chí chuyên ngành trong nước, 6 bài trên các tạp chí nước ngoài, có hàng chục báo cáo khoa học tại các hội thảo khoa học trong nước và quốc tế, xuất bản 4 cuốn sách khoa học chuyên sâu.
nguon tai.lieu . vn