Xem mẫu

  1. Truyền thông đánh đố độc giả Truyền thông Việt Nam đang bắt kịp tiến bộ kỹ thuật công nghệ cao nên thông tin đến với độc giả rất phong phú, đa dạng. Nhưng về mặt nào đó, cũng chính truyền thông đôi khi đã gây ra nhiều hoang mang với độc giả bởi những thông tin mập mờ như đánh đố… Ảnh minh họa: photobucket Thông tin kiểu đánh đố độc giả "Đừng đốt", "Huyền thoại bất tử" và "Chơi vơi" có tên trong danh sách tuyển chọn chính thức khu vực A Window on Asian Cinema (Cửa sổ nhìn ra điện ảnh châu Á) tại LHP Pusan diễn ra từ 8-16/10 tại Hàn Quốc (theo VietNamNet). Nhưng thực ra 3 phim này chỉ là phim được mời và trình chiếu trong LHP Pusan ở phần "Cửa sổ điện ảnh Châu Á", không phải qua tuyển chọn, không tham dự tranh giải. Liên hoan phim Venice lần thứ 66 vừa kết thúc và có tin phim "Chơi vơi" của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên (Hãng phim Truyện I) đoạt giải của Hiệp hội Phê bình Điện ảnh Quốc tế (Fipresci Prize). Một số báo còn đưa tin trong danh mục giải thưởng phụ của Liên hoan phim, "Chơi vơi" đoạt giải Phim Orizzonti hay nhất và giải của những nhà phê
  2. bình trong tuần do Hiệp hội Các nhà phê bình điện ảnh quốc tế Fipresci bình chọn. Rốt cuộc "Chơi vơi" đoạt giải gì? Theo trang web cineuropa.org, ở hạng mục Fipresci Prize của Hiệp hội Các nhà phê bình điện ảnh quốc tế - Fipresci có tên phim "Lourdes" và phim "Chơi vơi"."Chơi vơi" của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên là Phim hay nhất ở giải Horizons And Critics' Week ( Phim triển vọng và Tuần lễ phê bình phim), nôm na là một giải phụ của giải phụ bên lề LHP Venice, không liên quan gì đến LHP. Fipresci có mặt ở hầu hết các LHP quốc tế, giải thưởng độc lập với các LHP, thậm chí các giải thưởng không "ăn nhập" gì với phim đọat giải của LHP. Cũng như ở phim "Đừng đốt", một số báo thông tin đoạt giải duy nhất tại LHP châu Á - Thái Bình Dương 2009 đang diễn ra tại Fukouka, Nhật Bản. Trên thực tế, "Đừng đốt" giành giải khán giả bình chọn của LHP Fukuoka (The Fukuoka Audience Award) diễn ra tại Fukuoka, Nhật Bản từ 18- 27/9. LHP Fukuoka là một trong hơn 50 sự kiện liên quan đến văn hoá nghệ thuật diễn ra trong "Tháng châu Á" được thành phố Fukuoka tổ chức vào tháng 9 hằng năm từ năm 1990. Kể từ năm 1991, LHP quốc tế Fukuoka lấy chủ đề Focus on Asia nhằm giới thiệu những bộ phim hay của châu Á với mục tiêu cao nhất là tăng cuờng sự hiểu biết, thúc đẩy văn hoá, quan hệ quốc tế giữa các quốc gia châu Á. Hay như với phim "Trăng nơi đáy giếng" được giải đạo diễn ở LHP Madrid (Tây Ban Nha), nhưng "tầm" của LHP này vào hạng nào trong các LHP quốc tế giới truyền thông không hề cho thông tin. Được biết đây là LHP không nằm trong LHP được xếp hạng A theo tiêu chí của Hiệp hội các nhà sản xuất phim thế giới (FIAPF). Những giải thưởng hay sự tham dự của phim Việt Nam ở các LHP quốc tế luôn được giới truyền thông đưa tin theo kiểu "một nửa" như thế, nghĩa là đưa ra cái tên giải thưởng, tên LHP nhưng "tầm" của nó và uy tín của giải thưởng, của LHP đó như thế nào thì gần như không có thông tin. Đó là về phim điện ảnh. Trong giới nhiếp ảnh nghệ thuật, sự "mập mờ" của thông tin cũng gây ra những hiểu sai ở độc giả, chưa nói tới là bị truyền thông làm cho "rối trí'. Như việc đăng tải các thông tin về giải thưởng nhiếp ảnh quốc tế do FIAP, PSA bảo trợ, hay ở các quốc gia Châu Á, Châu Âu...
  3. Độc giả không biết FIAP, PSA là gì, tầm cỡ ra sao, uy tín thế nào, chất lượng nghệ thuật đạt ở trình độ chuyên nghiệp hay nghiệp dư... trong nghệ thuật nhiếp ảnh thế giới...Chỉ biết Việt Nam đọat nhiều giải vàng, bạc... mang cái "đuôi" Intenational-quốc tế, Global-toàn cầu...của các cuộc thi do FIAP bảo trợ, thậm chí có nhiều nhiếp ảnh gia được đứng trong hàng Top 5, Top 10... của PSA, thế là vinh dự và tự hào. Nhưng có biết đâu FIAP là một "sân chơi" của những nhà nhiếp ảnh nghiệp dư thế giới. PSA là Hiệp hôi nhiếp ảnh Mỹ và cũng phân chia ra 2 "khu vực": Big-lớn, Small-nhỏ mà các nhiếp ảnh gia Việt Nam tham gia là ở "Small", khu vực thường rất ít những nhiếp ảnh gia người Châu Âu hay Mỹ tham gia. Đấy là chưa kể có nhiều thông tin mà khi thẩm định lại thì nó không hề có. Như một nhiếp ảnh gia đứng hàng Top 5 của PSA- Small, thông tin cho truyền thông là tác phẩm và tên của mình có trong một tạp chí nhiếp ảnh của Mỹ vào tháng đó, nhưng tìm mãi ở tạp chí này (có bán ở Việt Nam) không có lấy 1 dòng nào đề cập. Nhưng độc giả đâu có dư thời gian mà kiểm tra thông tin. Truyền thông là chính xác mà!!! Gần đây nhất, liên tiếp trong 2 ngày 30.9, 1.10.2009, thông tin Quan họ và Ca trù được UNESCO ghi danh vào danh mục "Di sản văn hóa phi vật thể...", nhưng có sự phân lọai Ca trù- là Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp, Quan họ- Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân lọai.Nhưng gần như giới truyền thông quá hân hoan nên đã "quên" ghi rõ và giải thích 2 phạm trù này của việc ghi danh, không những thế có báo còn "vống" lên là "Ca trù, Quan họ được cả thế giới tôn vinh"! Độc giả thiếu thông tin, với người kỹ tính thì như bị đánh đố, hoang mang, không biết thực hư, với người dễ tính thì lạc quan đến ảo tưởng vào "tầm cỡ" của giải thưởng, của giá trị tác phẩm nghệ thuật, mà số người này thì chiếm đa số. Khi những thông tin thiếu thông tin Không riêng gì về điện ảnh hay nhiếp ảnh, mà ở các ngành khác trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật như mỹ thuật, âm nhạc, sân khấu... truyền thông không phải lúc nào cũng có sự chính xác, đầy đủ về thông tin. Có thể không ai nghĩ hoặc có nghĩ mà chưa nói ra, chính những thông tin không đầy đủ, chính xác về những thành tích, những cái hay, cái đẹp...một
  4. cách vô tội vạ đã gây sự "thiệt hại" về thưởng thức nghệ thuật, làm suy yếu cũng như tạo nên sự sai lạc về thẩm mỹ đối với độc giả, khán giả của truyền thông. Người Việt Nam nào ít nhất cũng một lần có giấc mơ lãng mạn về những thành tích của nghệ thuật Việt Nam với thế giới. Khi truyền thông mang đến những thông tin "đẹp" như mơ, ai không hào hứng và phấn chấn với sự lạc quan về vị trí, tầm cỡ của Việt Nam "sánh vai" các cường quốc 5 Châu. Và đó chính là sự nguy hiểm tiềm ẩn đối với những giá trị thẩm mỹ bị "đánh lận". Thông tin thiếu thông tin sẽ gây sự lầm tưởng vào những giá trị ảo trong nghệ thuật, đánh mất khả năng thẩm định của chính mình, bị truyền thông "dẫn dắt" vào những gì đã thông tin. Không những thế, còn tạo ra một sự ảo tưởng về tài năng của những người được truyền thông "đánh bóng". Điều này thời gian qua đã được thực tế chứng minh rất nhiều, thậm chí lên tiếng báo động về trình độ thẩm mỹ dân trí đang có chiều đi xuống. Lỗi tại truyền thông Có 2 mặt của vấn đề. Có thể do phóng viên cẩu thả, chưa quan tâm thẩm định vội tin vào "người trong cuộc" cung cấp, có thể họ cũng không biết chính xác, hoặc biết rõ nhưng cố tình vì nhiều lý do khách quan, chủ quan, kết quả là truyền thông đưa ra những thông tin thiếu chính xác hay mập mờ, thậm chí sai lạc tới "vạn dặm". Song cũng có thể lỗi do trình độ của phóng viên "có vấn đề" như thiếu kiến thức, thiếu nhạy cảm về những lọai thông tin chuyên biệt chuyên ngành. Chính vì thiếu kiến thức, nên khi tiếp cận thông tin, không đủ khả năng thẩm định, đánh giá chính xác vấn đề. Chưa kể là phóng viên lười, không cần xử lý thông tin, thậm chí "mượn" của nhau để đồng loạt đưa tin bài. Không phải giới truyền thông không thấy được những thiếu sót, yếu kém của mình, nhưng có lẽ do áp lực của cuộc "chạy đua" thông tin trong giới truyền thông, càng nhanh càng tốt để ít nhất được "độc quyền" thông tin dù chỉ là vài phút ngắn ngủi trên internet, không cần phải "giải thích" lôi thôi dài dòng. Và thêm một lần nữa, truyền thông Việt Nam, trong khi luôn đòi hỏi các ngành nghề khác phải chuyên nghiệp trong các bài báo của mình, cũng nên
  5. phải chuyên nghiệp bản thân mình. Khi viết gì, nhất là trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật phải có cái nhìn chuyên nghiệp mới bảo đảm thông tin chính xác.
nguon tai.lieu . vn