Xem mẫu

  1. Để gió cuốn đi TRUYỆN NGẮN CỦA HOÀNG HIỀN Nắng! Cái nắng khô với những cơn gió Lào khe khắt làm nó kiệt sức! Biết thế này quyết định sớm hơn một chút tới nơi vào buổi sáng có khá hơn không? Đúng là tự làm khổ mình! Cả vùng đất Gia lai trong mắt nó nhuộm màu vàng đỏ, màu vàng hoe hoét của hoa Cúc quỳ, của bạt ngàn cao su đang mùa trút lá, của màu đất đỏ đáng ghét, lì lợm bám rịt lấy cái quần trắng tinh của nó! Thật nực cười một đứa học mĩ thuật như nó lại mặc một cái quần vàng đỏ với cái áo màu xanh! Nó bực bội! Không biết nó đang hằn học với mảnh đất nắng gió này hay nó hậm hực với ngôi nhà có người con gái nó đang tìm đến kia! Có lẽ… cả hai. Nó khát! Hai tay nó nặng trĩu đồ đạc. Chao ôi! Ước gì mà có anh Ba Na hay Gia- rai gì gì đó tới giúp nó qua con dốc này thì tốt biết mấy! Cả một quả đồi, căng mắt ra mới thấy hai ba mái nhà! Mà cay cú nhất là mái nhà nó tìm tới nằm tận trên đỉnh đồi! Ở đây có sợ người ta nâng đường như ở Sài Gòn đâu mà làm nhà chi cao thế không biết!? Đột nhiên nó ghét cả con đường! Miên man, vơ vẩn mãi vận động hết sức lực của tứ chi, ngũ quan rồi thì nó cũng bò tới nơi!
  2. Chà! Nhà gỗ! Đẹp! Giàn hoa giấy yểu điệu trườn trên mái nhà giống như những bức tranh vẽ vùng cao nguyên mà nó từng được xem. Tự nhiên, nó thấy ngại. Cơn khát bay đâu mất, mặc dù vừa mới đây thôi nó nghĩ mình có thể đánh bay bất cứ một vại nước nào mà nó vớ phải! Năm năm- đủ để cho giàn hoa giấy lớn lên bây nhiêu đó, và cũng đủ để vùi chôn bao ân nghĩa của bao người! Nó giận chị! Nó ghét chị! Chị ích kỷ! Chị tham lam! Nó đã từng hét vào tai chị như vậy khi chị gọi điện cho nó, mời nó lên dự đám cưới của chị với cái anh chàng lạ hươ lạ hoắc mà nó chưa từng nghe tên. Kệ! không cần biết anh ta là ai, chỉ cần đó không phải là anh Toàn là nó ghét chị, nó hận chị! Thế thôi! Chị chỉ điềm tĩnh. “Hiểu cho chị em nhé! Chị rất mong em.” Rồi nó chỉ nghe tiếng tút tút đầu dây- khô khốc. Nó đã tự nhủ không biết bao nhiêu lần, không bao giờ nó đến dự đám cưới chị cả. Dù ngày xưa nó yêu chị, thương chị đến mức nào. Chị Ngà thật thà, chăm chỉ đã biến khỏi mắt nó từ khi phụ bạc anh Toàn! Thế mà không hiểu ma xui quỷ khiến thế nào nó lại bò lên đến tận đây, để nhọc xác thế này. *** Ngày ấy chị Ngà yêu nó như đứa em ruột mình. Những ngày đầu mới lên nhập học ở Sài Gòn nó được gọi là “cô bé cái gì cũng không biết”, chị Ngà phải đạp xe chở nó tới từng nơi mà nó cần phải đến những ngày sắp tới để nó nhớ đường, chị đi xe buýt cùng nó, dẫn nó đi thăm thú vài nơi. Rồi nó cũng quen. Nó không thể nào quên được những ngày cuối tuần mấy chị em trong phòng mổ tiền cả phòng tiết kiệm đi uống sinh tố lề đường, những đêm mưa chị ngồi kể chuyện về vùng cao của chị, về tuổi thơ, về con người vùng đất Tây Nguyên. Có những chuyện chị kể đi kể lại nhiều lần nó đã thuộc. Tự nhiên nó liên tưởng chị với thím Tường Lâm trong
  3. truyện ngắn của Lỗ Tấn. Chị hay mở đầu là “nhà chị nghèo lắm” rồi thế nào cũng phải kết thúc bằng “Đấy em còn sướng chán, ráng học nghe không!”. Phải rồi nhà chị Ngà nghèo lắm. Ba mẹ chị bán nhà cửa từ Quảng Bình dắt díu lên đây tìm kế sinh nhai. Cái giàu chẳng ai mang cho, cái nghèo cũng chẳng ai tới lấy. Nắng gió Tây Nguyên với bốn lần sinh nở không kiêng cữ đã quật ngã mẹ chị. Mẹ nằm một chỗ, chỉ cử động được một nửa người còn nửa kia như là thứ không thuộc về mẹ nữa. Chị chưa đủ khôn để hiểu rằng mẹ bị liệt nửa người mà cứ nghĩ rằng mẹ làm nhiều quá nên mỏi. Đêm nào chị cũng thức bóp tay cho mẹ tới gần sáng rồi mệt quá ngủ gục lúc nào chẳng hay. Chị tin rằng Chúa sẽ giúp Mẹ khỏi bệnh. Chị chẳng bỏ buỗi lễ nào để cầu nguyện cho Mẹ. Nhưng đôi tay của chị không giúp Mẹ hết mỏi. Chúa cũng bận rất nhiều việc của thế gian. Chị bất lực nhìn mẹ không thể gọi được tên mình, rồi xót xa khi thấy Mẹ không bao giờ rời được chiếc giường tre cũ. Cái tuổi đang tuổi ăn tuổi chơi của bao đứa trẻ khác cũng chính là lúc chị tập làm người lớn! Chị lễ mễ cắp rổ rau lang ra chợ để mỗi ngày mua về được hai lon gạo xấu- bữa đói, bữa no… Rồi chị cũng lớn lên, cái nắng cao nguyên không đủ lửa để làm cho làn da trắng ngần của chị sạm đen, cái gió không đủ mạnh để làm mái tóc đen mượt của chị nhuốm màu đất đỏ. Chị đẹp! Chị là niềm tự hào của 3 đứa em. Chị học giỏi! Công việc vất vả không đủ sức quật ngã niềm say mê học hành trong chị. Khổ nhất là chị lại yêu Văn. Cái nghèo đói không nghiền nát được tâm hồn chị!... Ngày chị khoác ba lô xuống Sài Gòn nhập học, Mẹ chỉ nhìn chị chăm chăm! Hai hàng nước mắt đục bò xuống hai hõm má làm đôi chân chị không thể bước đi, may mà có anh Toàn.. Nghe chị kể ngày nhỏ anh Toàn hay bắt nạt chị lắm, rồi anh đi bộ đội, hôm xuất ngũ anh đi ngang qua nương cà phê nhà chị, thấy chị oằn lưng kéo ống nước mà cái ống kéo chị còn khỏe hơn, anh thấy “ngứa mắt” quá chẳng nói chẳng rằng cứ thế vào kéo nước tưới cà phê! Chị vừa xấu hổ lại vừa thương…
  4. Những đêm trăng vùng cao chị và anh hẹn hò dưới những rặng cà phê trổ bông trắng như bông tuyết. Chị và anh yêu nhau. Tình yêu trong sáng, đẹp như nhưng bông cà phê vậy. Ngày chị nhập học cũng là lần đầu tiên anh dám nắm lấy tay chị hẹn hò. Bốn năm… anh sẽ chờ! Chị đi. Sài Gòn ồn ã, Sài Gòn của đèn và hoa. Sài Gòn không dành vị trí cho những người như chị. Chị lao vào kiếm tiền, những ngày tiếp thị mỹ phẩm, những lần đóng người bông, những trưa phát tờ rơi dưới trời chang chang nắng… chị đã trải qua. Nó hạnh phúc lây với chị khi cuối tuần chị đi nghe điện thoại của anh! Những ngày viêm màng túi được anh cứu trợ! Cả phòng nó bàn lễ cưới của chị nhiều hơn lễ tốt nghiệp. Nhất định nó sẽ lên Gialai. Nó sẽ bưng lễ cho chị và biết đâu kiếm được một anh dân tộc tốt hơn anh Toàn cũng nên! Thế mà… *** - “Chị Hiền. Chị Hiền lên chị Ngà ơi!” Là thằng Quý- em út chị Ngà đây mà! Cái thằng cứ như bắt được vàng, lao ầm tới níu tay, xách ba lô cho nó. - “Cao lớn thế này cơ à? Làm sao biết tên chị?” - “Chị Ngà bảo thế nào chị cũng lên mà. Em chờ hai ngày nay rồi đấy!” Vừa nói nó vừa cười hóm hỉnh. Chị Ngà cầm cái cây cời bếp chạy ra, chị định chạy lại ôm lấy nó mà chợt khựng lại. -“Em…” Đôi mắt chị chợt ầng ậc nước.
  5. Bấy nhiêu thôi bao nhiêu hờn giận, bao nhiêu bực bội dồn nén nửa tháng nay nó quên hết. Nó thấy thượng chị quá! Ngày mai chị về nhà chồng mà hôm nay còn như thế này sao? Vẫn cái áo sờn vai, vẫn đôi tay quấy cám chẳng có không khí gì của trước ngày hôn lễ. Đón ca nước từ tay Quý, nó đưa mắt ngắm gian nhà gỗ. Trên ban thờ vẫn lạnh khói hương. Dòng nước mát nó cố dồn xuống cổ mà cứ tràn lên mắt cay xè! -“Ba đâu chị?” -“Ông Ba chị vẫn ở nhà Bà Phương mai mới về!” -“Ở nhà Bà Phương?” -“Từ ngày chị ra trường Ba trao tất cả gánh nặng gia đình lên đôi vai gầy của chị, người ta bảo ba đi theo nhịp đập của con tim chưa tắt nhịp yêu! Thỉnh thoảng ba có ghé nhà rồi lại đi ngay! Tối nay chắc Ba về chị ạ!” Thằng Quý liến láu. Nó ngồi bên chị nghe tiếng củi nổ tanh tách mà lòng trồng rỗng. Thế còn anh… Toàn. Anh Toàn! Anh Toàn… Bỗng dưng chị bật khóc nức nở. Đôi vai gầy của chị run rẩy. Mãi một lúc sau bằng giọng nghèn nghẹn: -“Chị không ngờ!” -“Chẳng lẽ có chuyện gì… chị…” -“Không! Anh Toàn giờ khác xưa nhiều em ạ! Chị nghe mọi người kể anh ấy theo người ta lên rừng chặt gỗ lậu kiếm được nhiều tiền lắm! Giờ xây ngôi nhà bự nhất bản, bố mẹ anh ấy giờ cũng khỏe!” -“Vậy sao… chị lại…” -“Chị hiểu! em ạ, hạnh phúc thật sự không mua được bằng tiền! Ngày chị mang tấm bằng sư phạm về anh liếc ngang rồi cười khẩy: “
  6. - anh chỉ cần em dạy lũ con của anh thôi. Cái bằng này cho vào sọt được rồi đấy em ạ”- anh cười ngạo nghễ. Anh không còn là anh nữa em à! Hôm ấy nhà trai xuống nói chuyện của anh chị với Ba. Ba nói: -“ Toàn này! Bấy lâu Ba đã coi con như con cái trong nhà. Nhưng dạo này mày khác quá, con nên bớt rượu chè đi, chí thú làm ăn, đừng để cho con Ngà nó khổ. Đồng tiền tội lỗi không bền đâu con. Ba nghe người ta nói…” Không để Ba nói hết câu anh đập bàn đánh rầm làm nước bắn tung tóe và chỉ thằng vào mặt Ba gầm lên:- “Thằng này không cần ai dạy khôn, không có tiền rừng tiền biển thằng này làm ra thì con gái ông có ngày hôm nay chắc? Gái trong bản này thừa. Sợ con khổ thì sống với nó cả đời đi. Thằng này đếch cần”. Rồi anh quảy quả ra về. Chị chạy theo anh xuống cuối con dốc, anh hét lên:-“ Từ nay tôi và cô không còn liên quan gì tới nhau nữa” Mặc chị năn nỉ, mặc chị xin anh bình tĩnh, chị cầu xin anh hãy quay lại xin lỗi Ba nếu không thì cái gì anh cho chị, anh quay lại lấy rồi hãy về. Anh đã xé chiếc áo khoác chị đang mặc, chiếc áo anh mua gửi xuống tặng chị vào mùa đông đầu tiên chị ở Sài Gòn và tuyên bố: “ Áo này tôi mua, tôi có quyền xé”. Chị hiểu… tình yêu của chị với anh không còn ý nghĩa mất rồi” Chị im lặng rất lâu. Nó cũng ngồi im nhìn lửa cháy đỏ rưng rức trong bếp! nó nghe hai bên má nóng ran! Có tiếng ho sù sụ ngoài cồng - Ba về! - Ba! - “Ngà này! Lên nhà trên Ba bảo! Kêu thằng Quý canh Bếp cho!” Nó len lén nhìn theo! Hình như Ba chị có chuyện gì nghiêm trọng lắm!
  7. Trong tiếng củi nổ nó nghe tiếng Ba chị loáng thoáng bên tai: “Ba cho con! Con giữ lấy cho ấm thân! Khi nào cần thì mang ra dùng! Nhà mình nghèo, nhà thằng Kha cũng…” Tếng Ba tan vào trong tiếng lửa! Nó tỳ cằm lên đầu gối để mặc cho nước mắt rơi! Nó nghĩ oan cho chị! Chị ơi! Đêm cuối cùng là con gái! Chị mang cho nó xem đôi bông tai bằng bạc mà anh Kha tặng dùng làm vật hứa hôn. Chị cười! -“ Cô cũng mau mau có bạn trai cho chị nhờ! Hát bài made in độc thân mãi không chán à? Yêu đi! Dù có phải khóc em ạ!” Chị nhìn nó đăm đăm -“ Chân thành đấy!” -“ Chị! Sao chị và anh Kha yêu nhau?” -“Yêu à?... không phải!” -“Vậy sao chị lấy?” -“Thương thôi!” -“Thương?” -“ Ừ! Cũng hôm ấy chị không trở về nhà! Chị men theo con suối, lúc đó chị chỉ muốn tan vào dòng nước. Chị thấy rất nóng, nóng lắm em à! Con người! sống- chẳng qua cũng chỉ là quá trình chờ đợi cái chết phải không em?... đừng nhìn chị như vậy! Chị vẫn ngồi bên em đấy thôi! Lấy cũng khổ mà không lấy thiên hạ lại bảo mình có học hành, được người ta cưu mang giờ lại phụ bạc người ta! Chị thế nào xong thôi chứ ba Mẹ chị khổ cả đời rồi… -“ anh Kha cứu chị à?”
  8. -Như là cổ tích! Phải không em!” Nó nghe chị nén một tiếng thở dài! Qua đêm! Sáng sớm, nó nghe tiếng mái nhà rung chuyển, nó hoảng hốt chạy ra. Chị đang ra sức chặt giàn hoa giấy! -“ Chị”. Chị cười: -“ Nó đã sống đủ một đời rồi em ạ! Nó đã làm tròn bổn phận của kẻ làm chứng suốt 5 năm”. Nó nhìn chị ngồi chải tóc! Chị mặc thêm chiếc áo dài trắng may hồi đi thực tập! Chị vẫn đẹp! đẹp trong tấm áo vu quy ngả màu, đẹp trên gương mặt không son phấn, trên cả mái tóc buông dài đen lánh ngang lưng, trong cả những bước đi ngập hồng hoa giấy thay xác pháo. Chị thành con gái người ta. Gió vẫn thổi, cái nắng vẫn hanh hao vàng, con đường vẫn đỏ và sâu! Đứng trên đỉnh dốc nhìn ra xung quanh nó nghe gió thổi vào tai ràn rạt.Đám cúc quỳ vẫn vàng quạch một màu! Đám cỏ lau vẫn kiên trì theo gió đi ươm mầm sống! Hoa thường héo! Cỏ thường tươi! Đôi tay chị vẫn mềm! - “Những gì không thể níu giữ! Em à! Hãy để gió cuốn đi!” Để gió cuốn đi! Thế mà đã lại thu! Thảo nào Cúc quỳ cùng nở cùng vàng và cùng tan biến! Đám cỏ lau vẫn dai dẳng theo nó về thành phố. Dưới kia, con dốc nghỉ ngơi!
nguon tai.lieu . vn