Xem mẫu

1

Trương Vĩnh Ký: Nhà Văn Hóa Lỗi Lạc

Lời giới thiệu : Bài viết “Trương Vĩnh Ký : Nhà văn hoá lỗi lạc” đã đăng trong Đặc San Quốc
Gia Hành Chánh, Toronto, tỉnh Ontario , Canada vào dịp Xuân Kỷ Mẹo (1999). Bài này đã được
đăng lại trong Đặc San Petrus Ký 2002 do Hội Ái Hữu Cựu Học Sinh Petrus Ký Bắc California ,
USA thực hiện. Vào tháng 6 năm 2005, 3 cựu học sinh Petrus Ký là TS Trần Văn Đạt , Lê Thành
Lân và Phạm Hồng Đảnh đã chủ biên tuyển lựa các bài viết về Petrus Ký trong nhiều thập niên
qua để kết tập lại thành một tuyển tập lấy tên là “Hiện Tượng Trương Vĩnh Ký”, đây là tựa bài
viết của GS Thạc Sĩ Hồ Hữu Tường đã đăng trong tờ Bách Khoa số 404, ngày 5 tháng 9 năm
1974. Đây cũng là bài nói chuyện của GS Hồ Hữu Tường (1910-1980) tại trụ sở Trung Tâm Văn
Bút Việt Nam ở Sài Gòn vào sáng ngày Chúa Nhật 28 tháng 07 năm 1974. Tuyển tập này gồm có
27 bài viết của 27 nhà biên khảo đầy uy tín như TS Trần Văn Đạt, Phạm Hồng Đảnh, GS TS
Nguyễn Thanh Liêm, Trần Ngọc Thạch, GS Đổ Quang Vinh, GS Vũ Ký, Phạm Đình Tân, Nguyễn
Văn Trấn, Quán Phong, GS Lê Văn Đặng, Tân Văn Hồng, GS Dương Ngọc Sum, Nguyễn Vy
Khanh v..v.. và tôi. Tuyển tập này dày 463 trang, khổ sách 14 cm x 21 cm.
GS Nguyễn Vĩnh Thượng
Nhà bác học Trương Vĩnh Ký là một vì sao sáng của người trí thức Việt Nam. Nhắc đến Trương
tiên sinh ai ai cũng biết ông là nhà tiền phong trong việc phát triển chữ Quốc ngữ, và là Chủ
nhiệm kiêm chủ bút của tờ Gia Định Báo là tờ báo và cũng là công báo viết bằng chữ Quốc ngữ
đầu tiên của nước ta. Bên cạnh đó, Trương tiên sinh còn là nhà hành chánh lỗi lạc có nhiều khả
năng chuyên môn cùng với nhiều đức tính đáng quý mến của một người cha mẹ của dân (dân chi
phụ mẫu) như tinh thần duy lý, chí công vô tư, thanh liêm trong lúc thi hành nhiệm vụ. Trước
khi tìm hiểu Trương tiên sinh trong lãnh vực hành chánh, tôi xin trình bày vắn tắt tiểu sử và sự

2

nghiệp văn hóa của ông để soi sáng một phần nào về con người của ông, một nhà minh triết sống
trong thời kỳ mà lịch sử nước ta đã bước vào cơn sóng gió.

1.

Tiểu Sử:

Trương Vĩnh Ký sanh ngày 6 tháng 12 năm 1837 tại Cái Mơn, làng Vĩnh Thạnh, tổng Minh Lệ,
huyện Tân Minh, hồi đó thuộc tỉnh Vĩnh Long nay thuộc tỉnh Bến Tre. Trương tiên sinh là tín đồ
đạo Thiên Chúa, có tên rửa tội là Jean Baptiste, và tên thêm sức là Petrus Ký; tên đầy đủ là
Petrus Jean Baptiste Trương Vĩnh Ký, thường gọi là Petrus Ký. Tiên sinh có tự là Sĩ Tải. Cha là
Trương Chánh Thi, làm quan võ dưới triều Minh Mạng và Thiệu Trị. Mẹ là Nguyễn Thị Châu.
Ông có một người chị và một người anh. Mồ côi cha từ lúc lên 3 tuổi: cha ông bị bịnh và mất ở
Nam Vang, đang lúc thi hành nhiệm vụ cho triều đình Huế. Mẹ ông tảo tần nuôi con và cho ông
đi học chữ nho và đạo lý của Nho giáo với ông thầy đồ ở cùng xóm khi ông lên 5 tuổi. Năm ông
lên 9 tuổi, một vị Linh mục, tục gọi là cố Tám, thấy thương tình cảnh mồ côi cha của ông và lại
thấy bản chất thông minh của ông nên đã xin ông đem về nuôi nấng và dạy dỗ chữ La Tinh và
chữ Quốc ngữ ở chủng viện Cái Nhum (Vĩnh Long). Khi cố Tám chết, một vị linh mục khác, tục
gọi là cố Long, ở bên Pháp qua, được phái đến giáo phận Cái Nhum. Cố Long đem ông lên Nam
Vang (Cao Miên) và cho vô trường đạo Pinhalu, lúc ấy ông được 11 tuổi, để tiếp tục học đạo
Thiên Chúa, học tiếng La Tinh (1848 - 1852). Ông Hiệu trưởng trường này là một vị Linh mục,
tục gọi cố Hòa. Trường đạo Pinhalu là nơi quy tụ nhiều học sanh ở khắp các xứ Miên, Lào, Thái,
Trung Hoa... Chính do sự tiếp xúc với các học sanh từ các nước khác nhau đã làm nẩy nở khả
năng thiên phú của ông về ngoại ngữ. Ông là một học sanh xuất sắc, nên khi học hết lớp ở trường
Pinhalu thì được cố Long gởi đi học ở trường Giáo Hoàng (Collège constantinien), một trường
nhà chung tối cao cho Á Đông (Seminaire général) ở đảo Pulau Penang, thuộc Malaysia bây giờ,
ở ngoài khơi Ấn Độ dương do người Anh cai trị. Lúc ấy ông ước mơ sẽ trở thành một linh mục.
Ông học ở đây từ năm 1852 đến 1858: là tu sanh trau dồi tiếng La Tinh. Ở trường này, ông được
tiếp xúc với nhiều bạn học từ khắp nơi đến nên ông có cơ hội học tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng
Nhật, tiếng Ấn Độ . . . Ông luôn luôn tìm tòi các nền văn minh và văn hóa của các dân tộc gắn
liền với các ngoại ngữ mà ông thông thạo.
- Năm 1858, mãn khóa học 6 năm, lúc 21 tuổi, ông trở về quê vì mẹ ông đã qua đời rồi. Ngày
bước chân trở lại Sài Gòn, ông cảm thấy bầu trời u ám, mẹ ông không còn nữa. Chiến tranh Việt
Pháp bùng nổ ở Tourane (Đà Nẳng) ngày 01 tháng 9 năm l858; rồi ở Sài Gòn ngày 17 tháng 2
năm 1859, sau đó đến Gia Định năm 1861. Pháp lần lượt chiếm 3 tỉnh Biên Hoà (1861), Định
Tường (1861), Vĩnh Long (1862).
- Năm 1860, Giám Mục Lefèbvre, ở Sài Gòn, tiến cử ông làm thông ngôn cho Pháp, ông thường
được cử đi làm thông ngôn trong các cuộc tiếp xúc quan trọng giữa Pháp và triều đình
Huế.
- Năm 1861, Petrus Ký lập gia đình, do Linh mục Đoan làm mai. Ông cưới thiếu nữ Vương Thị
Thơ, con gái ông Vương Văn Ngươn, thầy thuốc làm chức Hương chủ trong làng Nhơn Giang
(Chợ Quán).
- Năm 1863, triều đình Huế cử một phái đoàn qua Pháp để thương lượng việc chuộc lại bằng tiền
3 tỉnh đã mất:

3

- Hiệp biện Đại học sĩ Phan Thanh Giản: chánh sứ,
- Tả Tham tri Bộ lại Phạm Phú Thứ: phó sứ,
- Trương Vĩnh Ký: thông ngôn.

Phái đoàn rời bến Sài Gòn ngày 14 tháng 7 năm 1863, đến Paris ngày 13 tháng 9 năm 1863,
Hoàng đế Napoléon III đã cho phái đoàn vào chầu ở cung điện Tuileries. Hoàng đế Pháp và cả
triều thần đều hết sức khen cái tài nói tiếng Pháp rất trôi chảy và thanh tao của ông. Sau khi làm
xong phận sự, phái đoàn Phan thanh Giản đã đi chu du nhiều tỉnh của nước Pháp, Tây Ban Nha
và Ý Đại Lợi: Alicante, Barcelone, Madrid, Gênes, Florence, Rome. Tại Rome, phái đoàn Việt
Nam được Giáo Hoàng Pio Nono IX tiếp kiến trọng thể. Đức Giáo Hoàng Pio Nono IX trị vì tại
toà Thánh Vatican từ năm 1846 đến 1878. Ngài là một trong những vị Giáo Hoàng đã có thời
gian trị vì lâu nhất ở Toà Thánh Vatican. Ngài đã triệu tập cộng đồng Vatican I với nhiều cải tổ
mới để đẩy mạnh phong trào canh tân Thiên Chúa giáo.
Chuyến công du 8 tháng nầy đã là một sự kiện rất quan trọng đối với cuộc đời của Trương tiên
sinh, nhờ tài ăn nói thông thạo tiếng Pháp và các ngoại ngữ khác ở Âu châu, lại thêm vào đó sự
lịch thiệp trong cách cư xử mà ông đã kết bạn được nhiều danh nhân, văn hào, khoa học gia ở
Paris như Victor Hugo, Ernest Renan, Paul Bert . . .Petrus Ký đã viết. “Trong dịp đó tôi trở về
với tâm hồn sung sướng vô cùng. Thành phố Ba Lê một đô thị uy nghi nhứt hoàn cầu mà tôi có
dịp thăm viếng vào năm 1863 và tôi cũng đã gặp gỡ nhiều thân hữu danh tiếng và bác học, nhứt
là văn học và khoa học.
Khi xa rời những buổi học tập cao quý đó, tôi đã thu thập nhiều kinh nghiệm và nhiều kiến
thức.”

4

Trương Vĩnh Ký và phái đoàn về tới Sài Gòn ngày 18 tháng 3 năm 1864. Trở về Sài Gòn, ông lại
tiếp tục làm thông ngôn cho Súy phủ Sài Gòn.
- Từ năm 1864 đến 1868, ông được bổ làm giáo sư và rồi trở thành ông Đốc Học của trường
Thông Ngôn (Collège des Interprètes), được thành lập từ ngày 16 tháng 7 năm 1864. Đồng thời
ông cũng được bổ làm trợ bút cho tờ công báo đầu tiên bằng chữ Quốc ngữ là tờ Gia Định Báo từ
đầu năm 1868, rồi được Thống Soái Nam Kỳ G. Ohier cử làm Chủ nhiệm kiêm Chủ bút tờ này
vào tháng năm 1869.
- Tháng l năm 1871, ông được bổ làm giáo sư trường Sư phạm thuộc địa và được phong chức
Huyện.
- Tháng 6 năm 1872, ông được cử làm thông ngôn cho phái bộ Y Pha Nho ra Huế để điều đình
với triều đình Huế về việc mở nghị ước giao hảo và buôn bán.
- Năm 1873, Ông được mời dạy Hán văn và Việt văn ở trường Tham Biện Hậu Bổ (Collège des
Stagiaires), rồi làm Chánh Đốc học trường này vào năm 1875.
Petrus Ký đã hưởng được danh vị “Khuê Bài Dũng Sĩ Cứu Thế” vào tháng 10 năm 1868 và làm
hội viên của nhiều hội đoàn ở Pháp như Hội Nhân Văn Khoa Học vùng Tây Nam nước Pháp,
Hội Nhân Chủng Học, Hội Giáo Dục, Hội Á Châu, Hội Địa Lý Paris.
- Năm 1874, một danh dự lớn lao đã đem đến cho “người thầy giáo xuất chúng của đất Nam Kỳ”
(Le maître très brilliant de la Cochin chine) là việc Ông được đề cử vào cuộc chọn lựa “Toàn
Cầu Bác Học Danh Gia”, Petrus Ký đã được đoạt giải và đứng vào hạng thứ 17 trong số 18 văn
hào thế giới: “Thế Giới Thập Bát Văn Hào”, đó là một phần thưởng xứng đáng cho sự nghiệp
trước tác và sáng tác của Ông.
Hoàn cảnh lịch sử nước ta biến chuyển mãnh liệt: đất Nam Kỳ lần lượt lọt vào tay người Pháp,
tháng 2 năm 1861, Đô đốc Charner chiếm đồn Chí Hòa rồi tiến chiếm Tây Ninh, Mỹ Tho… đến
tháng 6 năm 1867, Đô Đốc De Lagrandière chiếm luôn 3 tỉnh miền Tây; Vĩnh Long, An Giang
và Hà Tiên. Ở đất Bắc Kỳ, vào tháng l l năm 1873 Thiếu tá Francis Garnier tấn công thành Hà
Nội và mở đầu cuộc xâm lăng Bắc Kỳ. Hà Nội thất thủ. Rồi Pháp tiến chiếm các tỉnh Hưng Yên,
Bắc Ninh, Thái Nguyên, Hải Dương, Ninh Bình, Nam Định.
- Năm 1878 (Ất Hợi), Ông được Thống Đốc Duperré cử ra Bắc Kỳ trong 3 tháng để nghiên cứu
về tình hình chính trị vào lúc bấy giờ. Ông vừa làm công việc nghiên cứu cho Súy phủ Pháp ở
Sài Gòn, và nhân cơ hội đó Ông vừa đi thăm viếng các di tích lịch sử và tìm hiểu thêm về đời
sống của người dân xứ Bắc để viết tập hồi ký: “Chuyến Đi Bắc Kỳ năm Ất Hợi”. Trở về Sài Gòn,
nhân lúc chính quyền Pháp tổ chức Xã Tây (Municipalité Francaise), Ông được đề cử làm hội
viên của Hội đồng thành phố này, rồi được cử làm hội viên Hồi đồng học chánh thuộc địa, và
được bổ làm Officier d’Académie năm 1883, với chức vị mới này, Ông đã có những đề nghị hữu
ích và được chấp thuận:
- Việc bắt các quan hậu bổ người Pháp học tiếng Annam.
- Việc dạy tiếng Pháp cho học trò nhỏ Annam.
- Việc cấp học bổng và cho thanh niên du học ở bên Pháp.

5

Trương tiên sinh đã bắt đầu sự nghiệp viết lách từ năm 1863 về các loại ngữ pháp, lịch sử, hồi ký
. . . , đến năm 1882, có một sự chuyển hướng: Ông viết về các loại tùy bút, triết học, dịch các bài
văn Annam, và Trung hoa ra chữ Quốc ngữ, phê bình sách. Chúng tôi sẽ liệt kê sự nghiệp trước
tác và sáng tác của Ông trong 30 năm ở phần sau này.
- Năm 1881, con ông là Félix Trương Vĩnh Ký chết lúc mới lên 3 tuổi.
- Năm 1882, lại một người con nữa tên Trương Vĩnh Tiên chết.
- Ngày 5 tháng 7 năm 1885, kinh đô Huế thất thủ, cả nước Việt Nam đã lọt vào tay người Pháp.
- Tháng l năm 1886, Paul Bert, bác sĩ y khoa, tiến sĩ khoa học, hội viên hội Hàn lâm khoa học,
giáo sư trường đại học Bordeaux rồi Paris, Bộ Trưởng bộ Giáo Dục, được cử làm toàn quyền xứ
Annam và Bắc Kỳ. Paul Bert đã biết năng lực học thức của Petrus Ký nhân khi phái đoàn Phan
Thanh Giản đến Paris hồi năm 1863, cho nên, khi Paul Bert đến Sài gòn tháng 2 năm 1886, ông
đã đến thăm Trương Vĩnh Ký. Tháng 4 năm 1886, Paul Bert ra Hà Nội. Paul Bert đã trọng dụng
và cử Petrus Ký làm việc bên cạnh triều đình Huế vào tháng 4 năm 1886. Nhân đó Ông dạy Pháp
văn cho vua Đồng Khánh và được vua phong làm Hàn Lâm Viện Thị Giản Học sĩ. Ở Huế vài
tháng thì Ông bị bệnh phổi nên xin trở về Sài Gòn dưỡng bịnh vào tháng 8 năm 1886. Vua Đồng
Khánh rất quý tài của Ông nên đã ban biệt hiệu Nam Trung Ẩn Sĩ và tặng nhiều bửu vật và một
bài thơ chữ Hán để tỏ lòng lưu luyến, bài thơ nầy đã được Ông Trương Vĩnh Tống, con ông, dịch
ra thơ lục bát bằng chữ quốc ngữ. Tháng 11 năm 1886, Paul Bert qua đời, Petrus Ký liền cáo
bịnh để xin từ chức quan ở triều đình Huế. Trở về Sài Gòn, Ông tiếp tục làm việc cho Súy phủ
Sài Gòn.
- Năm 1887, Liên Hiệp Đông Dương ra đời: Nam Kỳ, Trung Kỳ, Bắc Kỳ và Cao Miên; tháng 4
năm 1888, ông được cử đi Bangkok để giải quyết vấn đề giữa Thái Lan với các nước Đông
Dương.
- Năm 1888, trường Thông Ngôn đóng cửa, ông chỉ đi dạy chữ Hán và tiếng Miên tại trường Hậu
Bổ. Từ đây, ông dành nhiều thì giờ cho việc viết văn và in sách và lấy đó làm niềm vui trong
những ngày cuối của cuộc đời ông. Năm 1888, Trương tiên sinh tự bỏ tiền túi ra xuất bản tạp chí
Thông Loại Khóa Trình với mục đích phổ biến văn hóa dân tộc, đạo lý cổ truyền và có nhiều bài
thơ chống chính phủ thuộc địa Pháp của Nguyễn Chánh Chiếu, Nguyễn Tri Phương, Bùi Hữu
Nghĩa.
Những ngày cuối đời, Ông bị bịnh hoạn liên miên và sống trong cảnh nghèo túng. Nhưng Ông
vẫn tiếp tục say mê viết lách, vẫn tiếp tục xuất bản sách. Càng chăm chú vào việc viết sách, càng
khiến Ông bị lao tâm và suy giảm sức khỏe. Càng xuất bản sách, càng làm cho nợ nần chồng
chất vì sách bán rất chậm. Lê Thanh trong bài biên khảo về Trương Vĩnh Ký trong “Phổ Thông
Chuyên San” số 3, tháng 9 năm 1943 ở Hà Nội có trích dẫn mấy dòng tâm sự của Trương tiên
sinh ở trong nhật ký, có mấy chỗ bị mối ăn không còn chữ:
“Bị hai cái khánh tận, nhà in ... nơi nhà ... mất hơn năm sáu ngàn đồng bạc. Phần thì sách vở
bán không chạy, mắc nợ nhà in Rey ét Curiol, phần thì bị... phải bảo lãnh nợ cho nó hết hơi. Lại
thêm phát đau hư khí huyết ...”

nguon tai.lieu . vn