Xem mẫu

HỌC VIỆN NÔNG NGHIỆP VIỆT NAM

ĐẶNG THỊ HOA

NGHIÊN CỨU SỰ THÍCH ỨNG VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU
TRONG SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP CỦA NGƯỜI DÂN
VEN BIỂN TỈNH NAM ĐỊNH

CHUYÊN NGÀNH: KINH TẾ NÔNG NGHIỆP
MÃ SỐ: 62 62 01 15

TÓM TẮT LUẬN ÁN TIẾN SĨ

HÀ NỘI, NĂM 2017

Công trình hoàn thành tại:
HỌC VIỆN NÔNG NGHIỆP VIỆT NAM

Người hướng dẫn: PGS.TS. QUYỀN ĐÌNH HÀ

Phản biện 1: GS.TS. PHẠM THỊ MỸ DUNG
Hội Kinh tế nông lâm

Phản biện 2: PGS.TS. LÊ TRỌNG HÙNG
Bộ Giáo dục và Đào tạo

Phản biện 3: PGS.TS. LÊ HÀ THANH
Trường Đại học Kinh tế quốc dân

Luận án sẽ được bảo vệ trước Hội đồng đánh giá luận án cấp Học viện họp tại:
Học viện Nông nghiệp Việt Nam
Vào hồi giờ phút, ngày tháng năm 2017

Có thể tìm hiểu luận án tại thư viện:
- Thư viện Quốc gia Việt Nam
- Thư viện Học viện Nông nghiệp Việt Nam

PHẦN 1. MỞ ĐẦU
1.1. TÍNH CẤP THIẾT CỦA ĐỀ TÀI NGHIÊN CỨU
Biến đổi khí hậu là một hiện tượng đã và đang diễn biến trong quá khứ cũng
như hiện tại và được phỏng đoán là có thể biến động nhanh hơn trong tương lai (Lê
Anh Tuấn, 2011). Theo Dasgupta et al. (2007), Nguyễn Mậu Dũng (2010), Việt
Nam là một trong 5 quốc gia dễ bị tổn thương nhất trên thế giới do sự biến đổi của
khí hậu. Trong những năm gần đây, tác động của BĐKH đến SXNN là vô cùng to
lớn. Các hiện tượng thời tiết cực đoan gia tăng về cả tính biến động và tính dị
thường như nắng, nóng, rét, bão, lũ, mưa lớn, hạn hán, giông tố, lốc..., đặc biệt là
trong những trường hợp liên quan đến hoạt động của El-Nino, La-Nina.
Hiện nay, SXNN của người dân ở vùng ven biển (VVB) tỉnh Nam Định phát
triển ở mức thấp với những hoạt động chủ yếu như trồng trọt, chăn nuôi, quản lý
bảo vệ rừng ngập mặn, NTTS…. Hàng năm, những hoạt động này của vùng phải
chịu nhiều đợt tàn phá do khí hậu, thời tiết thay đổi bất thường mang đến nên đã
làm cho SXNN của người dân, đặc biệt là những người dân nghèo, ngày càng trở
lên khó khăn hơn (Sở NN&PTNT tỉnh Nam Định, 2015).
Tìm cách để giảm bớt các tác động tiêu cực của BĐKH là một trong những
vấn đề hiện nay đang được Nhà nước, Chính phủ và các bộ ngành địa phương hết
sức quan tâm. Nghiên cứu của IUCN, SEI và IISD (2003) “Sinh kế và biến đổi khí
hậu” cho thấy cách tiếp cận tổng hợp trong việc giải quyết sinh kế bền vững với
BĐKH nhằm làm giảm khả năng bị tổn thương do BĐKH gây ra. Nghiên cứu của
Selvaraju et al. (2006) về “Thích ứng với sự thay đổi và biến đổi khí hậu trong
những khu vực bị hạn hán ở Bangladesh” đã sử dụng phương pháp thảo luận nhóm
và phỏng vấn sâu để phân tích những thay đổi của khí hậu trong quá khứ, hiện tại
và dự báo cho tương lai, phân loại các đối tượng bị tổn thương trước tác động của
BĐKH và đề xuất các giải pháp thích ứng với hạn hán trong SXNN ở Bangladesh.
Bài viết về “Mô hình thích ứng với biến đổi khí hậu cấp cộng đồng tại vùng trũng
thấp ở tỉnh Thừa Thiên Huế” của Lê Văn Thăng và cs. (2011) đã đưa ra một số mô
hình thích ứng với BĐKH. Nghiên cứu của Đinh Vũ Thanh và Nguyễn Văn Viết
(2012) về “Tác động của biến đổi khí hậu đến các lĩnh vực nông nghiệp và giải
pháp ứng phó” cho thấy BĐKH đã có những tác động nhất định đến trồng trọt, lâm
nghiệp, thủy sản, tài nguyên nước và thủy lợi. Đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ
sở của Đặng Thị Hoa và Chu Thị Thu (2013) về “Giải pháp nâng cao khả năng
thích ứng với BĐKH trong sản xuất nông nghiệp của người dân ven biển huyện
Giao Thủy, tỉnh Nam Định” đã nghiên cứu sự thích ứng của người dân ven biển
huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định. Như vậy, cho đến nay đã có một số nghiên cứu
1

liên quan tới BĐKH, tới sự thích ứng với BĐKH cho các vùng khác nhau ở trên
thế giới và trong nước, tuy nhiên một đề tài nghiên cứu về sự thích ứng với BĐKH
trong SXNN của người dân ven biển tỉnh Nam Định thì chưa có nghiên cứu nào
thực hiện.
Trước nguy cơ ảnh hưởng và cảnh báo về BĐKH, Nam Định nói chung và
VVB tỉnh Nam Định nói riêng cần phải có các giải pháp thích ứng với BĐKH
nhằm ứng phó với hiểm họa này. Để thực hiện được mục tiêu ứng phó và giảm nhẹ
BĐKH của tỉnh, việc tìm ra các giải pháp thích ứng cho vùng ven biển Nam Định
cần được nghiên cứu, trao đổi.
1.2. MỤC TIÊU NGHIÊN CỨU
1.2.1. Mục tiêu chung
Đánh giá sự thích ứng với BĐKH trong SXNN của người dân ven biển tỉnh
Nam Định, từ đó đề xuất các giải pháp nâng cao thích ứng với BĐKH cho người
dân ven biển trong SXNN những năm tới.
1.2.2. Mục tiêu cụ thể
- Hệ thống hóa và làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn về sự thích ứng với
BĐKH trong SXNN của người dân ven biển;
- Đánh giá thực trạng và phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến sự thích ứng
với BĐKH trong SXNN của người dân ven biển tỉnh Nam Định;
- Đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao thích ứng với BĐKH trong SXNN
của người dân ven biển tỉnh Nam Định những năm tới.
1.3. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHẠM VI NGHIÊN CỨU
1.3.1. Đối tượng nghiên cứu
Để đạt được mục tiêu và những nội dung nghiên cứu, đối tượng nghiên cứu
của đề tài bao gồm khách thể nghiên cứu và chủ thể nghiên cứu. Khách thể nghiên
cứu chính là những vấn đề lý luận và thực tiễn về thích ứng với BĐKH trong SXNN
của người dân ven biển tỉnh Nam Định; các điều kiện tự nhiên – kinh tế - xã hội, các
tác nhân có liên quan đến sự thích ứng với BĐKH trong SXNN của người dân địa
phương. Chủ thể nghiên cứu của luận án là các hộ nông dân đang sinh sống ở VVB
có hoạt động sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp.
1.3.2. Phạm vi nghiên cứu
- Về không gian: (i) Đề tài nghiên cứu SXNN theo nghĩa rộng, bao gồm:
trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, diêm nghiệp và chỉ trong lĩnh vực sản xuất, không
nghiên cứu những vấn đề liên quan đến thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp;
(ii) Đề tài nghiên cứu trên phạm vi các huyện vùng ven biển tỉnh Nam Định, trong
đó tập trung nghiên cứu sâu tại các xã ven biển có SXNN chịu tác động trực tiếp của
2

BĐKH. Các xã được khảo sát chuyên sâu đó là: xã Giao Xuân, Giao An, Giao
Thiện, TT Quất Lâm (huyện Giao Thủy); xã Hải Đông, Hải Chính, Hải Triều (huyện
Hải Hậu); xã Nghĩa Lợi, Nghĩa Phúc, Nam Điền (huyện Nghĩa Hưng).
- Về thời gian: Các thông tin phục vụ cho nghiên cứu này được thu thập từ
năm 2015 trở về trước, các giải pháp đề xuất có thể áp dụng cho giai đoạn 20172020 và tầm nhìn đến năm 2030.
- Về nội dung: (i) Tập trung nghiên cứu các biểu hiện của BĐKH ở vùng ven
biển tỉnh Nam Định; (ii) Nghiên cứu sự ảnh hưởng của BĐKH đến SXNN của
người dân ven biển tỉnh Nam Định; (iii) Đề tài tập trung nghiên cứu và phân tích
sâu các biện pháp thích ứng với BĐKH trong SXNN đang được người dân áp dụng
tại địa phương; (iv) Phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến sự thích ứng với BĐKH
trong SXNN của người dân ven biển tỉnh Nam Định.
1.4. NHỮNG ĐÓNG GÓP MỚI CỦA LUẬN ÁN
- Luận án đã chỉ ra được những biểu hiện của BĐKH (bão, xâm nhập mặn,
nhiệt độ, lượng mưa, số giờ nắng, độ ẩm, hạn hán, nắng nóng và rét thay đổi bất
thường....) và ảnh hưởng của BĐKH đến SXNN ở vùng ven biển Nam Định.
- Luận án đã chỉ ra được các biện pháp thích ứng người dân ven biển Nam
Định đã và đang áp dụng trong SXNN (thay đổi giống cây trồng/vật nuôi, thay đổi
kỹ thuật canh tác, chuyển đổi cơ cấu cây trồng/vật nuôi, chuyển mục đích sử dụng
đất, nâng cấp/gia cố khu nuôi trồng, chấp nhận tổn thất...) và đề xuất được các giải
pháp nâng cao sự thích ứng với BĐKH cho người dân trong thời gian tới (phát
triển cơ sở hạ tầng, chuyển mục đích sử dụng đất, lồng ghép SXNN với các kế
hoạch phát triển khác của vùng ven biển tỉnh Nam Định...).
1.5. Ý NGHĨA KHOA HỌC VÀ THỰC TIỄN CỦA LUẬN ÁN
- Luận án đã góp phần hệ thống hóa và làm sáng tỏ thêm cơ sở lý luận, cơ sở
thực tiễn và khung lý thuyết, khung phân tích phù hợp về sự thích ứng với BĐKH
trong SXNN của người dân ven biển.
- Luận án đã làm rõ được thực trạng và các yếu tố ảnh hưởng tới sự thích
ứng với BĐKH trong SXNN theo các nhóm hộ giàu, trung bình, nghèo ở từng
ngành sản xuất: trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp, nghề muối, đồng thời
đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao sự thích ứng với BĐKH trong SXNN cho
người dân vùng ven biển Nam Định.
- Luận án làm cơ sở khoa học cho các nhà quản lý xây dựng phương án ứng
phó với BĐKH của tỉnh Nam Định giai đoạn 2016 - 2020, tầm nhìn 2030. Từ đó,
hoạch định chính sách hỗ trợ người dân SXNN ở vùng ven biển từ tổ chức thực hiện
đến tiêu thụ sản phẩm nông sản và chiến lược phát triển SXNN trong thời gian tới.

3

nguon tai.lieu . vn