Xem mẫu

ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
TRUNG TÂM NGHIÊN CỨU TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG



NGUYỄN THỊ MỸ VÂN

Chính sách quản lý rừng và sinh kế bền vững
cho cộng đồng các dân tộc thiểu số ở vùng núi
tỉnh Thừa Thiên Huế

Chuyên ngành: Môi trường trong phát triển bền vững
Mã số: Chương trình đào tạo thí điểm

TÓM TẮT LUẬN ÁN TIẾN SĨ KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG

Hà Nội, 2013

MỞ ĐẦU
1. TÍNH CẤP THIẾT CỦA ĐỀ TÀI
Từ xưa đến nay rừng luôn đóng vai trò quan trọng đối với môi trường cũng như sự sống của con người. Tuy
nhiên, với sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, sự gia tăng dân số nhanh cùng với quá trình đô thị hóa, công
nghiệp hóa của Việt Nam trong những thập niên vừa qua đã gây sức ép lên môi trường, khiến cho tài nguyên
rừng của Việt Nam ngày càng cạn kiệt. Số liệu thống kê cho thấy trong vòng 15 năm từ 1976 đến 1990, Việt
Nam đã mất hơn 2,6 triệu ha rừng, chiếm khoảng 24% tổng diện tích rừng tự nhiên của cả nước [Nguyễn
Quang Tân và Thomas Sikor, 2012]. Diện tích rừng tự nhiên bị thu hẹp đã kéo theo nhiều hệ lụy không chỉ
về vấn đề môi trường, mà còn ảnh hưởng đến sự sinh tồn của hơn 25 triệu người dân Việt Nam, trong đó
phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS).
Trước thực trạng đó, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách nhằm hạn chế sự suy thoái rừng và
quản lý bền vững hơn nguồn tài nguyên quý giá này. Trong đó, giao đất giao rừng (GĐGR) là một chính
sách lớn được thế giới đánh giá là một kỳ tích của Chính phủ Việt Nam trong quản lý rừng và có tác động
nhiều nhất đến sinh kế của người dân.
Kết quả khảo sát tại các xã trên địa bàn huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế cho thấy kể từ khi triển khai
chính sách Giao đất giao rừng (năm 2003) đến nay, cuộc sống của người dân đã có nhiều thay đổi. Việc thực thi
chính sách đã góp phần đem lại sự thành công về tỷ lệ tăng trưởng rừng, tạo điều kiện cho người dân có cơ
hội được tiếp cận với nhiều nguồn sinh kế mới, các dịch vụ xã hội cơ bản… Tuy nhiên, bên cạnh đó, người
dân cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức mới như diện tích và chất lượng đất canh tác ngày càng suy
giảm; tình trạng bất bình đẳng trong tiếp cận đất ngày càng gia tăng... Việc thiếu đất canh tác, thiếu việc làm
và bất bình đẳng trong tiếp cận đất dẫn đến tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng, gia tăng đói
nghèo và bất ổn xã hội ở các cộng đồng DTTS huyện A Lưới; các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng
đang bị xói mòn; tệ nạn xã hội nảy sinh gây ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân và sự phát triển
kinh tế, xã hội của địa phương.
Thực trạng nêu trên cho thấy nhu cầu cấp thiết phải có một nghiên cứu về hiệu quả của việc thực thi chính
sách GĐGR liên quan đến sinh kế bền vững cho người dân ở huyện A Lưới, bởi mục tiêu mà Chính phủ đặt
ra đối với chính sách GĐGR là góp phần nâng cao đời sống cho đồng bào DTTS và đây cũng là một trong
những nhiệm vụ trọng tâm của Đảng và Nhà nước ta trong giai đoạn hiện nay. Việc nghiên cứu, đánh giá để
chỉ ra những ưu điểm và những khiếm khuyết trong quá trình thực thi chính sách là điều hết sức quan trọng
để từ đó đề xuất các khuyến nghị nhằm góp phần hoàn thiện hơn quá trình thực thi chính sách GĐGR và góp
phần nâng cao đời sống cho người dân vùng núi huyện A Lưới nói riêng, và các vùng đồng bào DTTS ở Việt
Nam nói chung.
2. MỤC TIÊU NGHIÊN CỨU
Mục tiêu tổng quát của luận án là phân tích hiệu quả của việc thực thi chính sách GĐGR đối với sinh kế bền
vững của cộng đồng các tộc người ở huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Mục tiêu cụ thể:
(i) Phân tích thực trạng của việc thực thi chính sách GĐGR trên địa bàn huyện A Lưới.
(ii) Phân tích hiệu quả của việc thực thi GĐGR đối với sinh kế của cộng đồng các tộc người ở huyện A Lưới.

1

(iii) Trên cơ sở phân tích thực trạng và hiệu quả của việc thực thi chính sách GĐGR đến sinh kế của người
dân, để đề xuất các khuyến nghị nhằm cải thiện đời sống cho người dân huyện A Lưới.
3. ĐỐI TƯỢNG, KHÁCH THỂ VÀ PHẠM VI NGHIÊN CỨU
3.1. Đối tượng nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu của luận án là chính sách quản lý rừng (cụ thể là chính sách giao đất giao rừng) và
sinh kế bền vững của các tộc người ở huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế.
3.2. Khách thể nghiên cứu
Khách thể nghiên cứu của luận án là cộng đồng bốn tộc người (Kinh, Cơ Tu, Tà Ôi và Pacoh) ở huyện A
Lưới và lãnh đạo các cấp chính quyền địa phương huyện A Lưới.
3.3. Phạm vi nghiên cứu
Chính sách GĐGR được lựa chọn để phân tích hiệu quả của quá trình thực thi đối với sinh kế bền vững của
người dân huyện A Lưới.
Luận án lựa chọn 6/21 xã của huyện A Lưới làm điểm khảo sát. Sinh kế của các hộ gia đình chủ yếu được
phân tích trong quãng thời gian 10 năm (từ 2003 đến nay), vì đây là thời điểm huyện A Lưới thực hiện chính
sách GĐGR cho dân quản lý.
4. CÂU HỎI NGHIÊN CỨU
- Chính sách GĐGR được triển khai ở huyện A Lưới như thế nào?
- Việc thực thi chính sách GĐGR có thực sự đem lại hiệu quả đối với sinh kế cho người dân huyện A Lưới
hay không? Những bất cập trong quá trình thực thi?
- Để đem lại sinh kế bền vững cho người dân ở huyện A Lưới, những nội dung nào của chính sách GĐGR
cần được điều chỉnh?
5. GIẢ THUYẾT NGHIÊN CỨU
- Việc thực thi chính sách GĐGR đã làm thay đổi các nguồn vốn sinh kế của hộ gia đình ở huyện A Lưới.
- Quá trình thực thi chính sách GĐGR đã gây nên hiện tượng bất bình đẳng về cơ hội giữa các nhóm hộ trong
cộng đồng.
- Việc triển khai chính sách GĐGR đã ảnh hưởng đến vấn đề an ninh lương thực của địa phương
CHƯƠNG 1. TỔNG QUAN VỀ VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU
1.1. TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU Ở NƯỚC NGOÀI
Ở bất cứ nơi đâu trên trái đất, bất kể nước giàu hay nước nghèo, nước phát triển hay đang phát triển, rừng
luôn đóng vai trò quan trọng đối với sự sống của con người và hệ sinh thái. Tuy nhiên ở mỗi thời kỳ khác
nhau, nhu cầu sử dụng rừng của con người và các quy định liên quan đến quản lý, bảo vệ rừng cũng hoàn
toàn khác nhau. Từ xa xưa các nước như Trung Quốc, Ấn Độ và các nước châu Âu đã thiết lập các chính
sách về quản lý rừng và phần lớn diện tích rừng trên thế giới đều do nhà nước quản lý [FAO, 2012]. Đến
những năm 80 của thế kỷ 20, thế giới đã chứng kiến sự thất bại của nhà nước trong quản lý rừng, gây ảnh
hưởng nghiêm trọng đến sinh kế của hàng triệu người dân sống dựa vào rừng [Scott, 1998].

2

Trước thực trạng đó, người ta đã hoài nghi và đặt ra nhiều câu hỏi về vai trò của nhà nước trong quản lý
rừng, các giải pháp “từ trên xuống” (top-down) trong quản lý rừng của nhà nước đã không phát huy hiệu quả.
Vì vậy, các phương thức “quản lý rừng vì sự phát triển của cộng đồng”, “rừng vì con người” đã ra đời cùng
với các phong trào “lâm nghiệp cộng đồng”, “lâm nghiệp xã hội”, “quản lý rừng có sự tham gia” được xây
dựng. Nhờ vậy, chính sách lâm nghiệp của các quốc gia đã có những thay đổi đáng kể, từ chương trình “rừng
vì nhà nước” sang chương trình “rừng vì người dân” [Hobley, 2007].
Song song cùng với đó, cấu trúc quản lý rừng cũng có nhiều thay đổi trên khắp thế giới. Phi tập trung hóa đã
trở thành một định hướng quan trọng trong quản lý rừng. Mặc dù vậy, sở hữu nhà nước về rừng vẫn chiếm
ưu thế, hơn 86% diện tích rừng trên thế giới vẫn thuộc sở hữu công. Châu Á, châu Phi, châu Âu là những
khu vực có tỷ lệ rừng thuộc sở hữu công lớn nhất thế giới với tỷ lệ tương ứng là 98%, 95% và 90% [FAO,
2011].
Mặc dù vậy nhưng nhiều nước đã chú trọng đến sự tham gia của cộng đồng trong quản lý rừng, điển hình
như trường hợp Việt Nam, Lào và Bangladesh [Alam, 2009] và thực hiện trao quyền sử dụng đất cho các cá
nhân, hộ gia đình và các tổ chức như trường hợp Việt Nam, Trung Quốc và Philippine [Yasmi, 2010]. Các
nước châu Phi cũng đang tìm cách huy động sự tham gia của cộng đồng vào việc quản lý rừng [Poffenberger,
2012]. Một số nước khác chú trọng đến hoạt động xóa đói giảm nghèo cho người dân như trường hợp của
Bangladesh, Trung Quốc và Việt Nam [Alam, 2009; Démurger Sylvie, Hou Yuanzhao and Yang Weiyong,
2012].
Bên cạnh đó quyền hưởng dụng đất rừng cũng được quan tâm nhiều hơn. Nhiều nghiên cứu đã cho thấy đảm
bảo các quyền hưởng dụng đất rừng là một trong những cơ chế quan trọng nhất để kiểm soát, quản lý rừng và
hướng tới xóa đói giảm nghèo. Chúng ta thấy điều này qua trường hợp của Peru và Venezuela trong các
nghiên cứu của Taylor [2006], trường hợp của Trung Quốc qua nghiên cứu của Romano, Francesca and
Dominique Reeb [2006] và của Nepal qua nghiên cứu của Bhattarai Sushma et al. [2009].
Cùng đồng thời xuất hiện các tranh cãi về người dân miền núi là nguyên nhân hay nạn nhân của phá rừng và
gây suy thoái môi trường? Các tranh luận này được thể hiện trong các nghiên cứu của Michon Genevieve et
al. [2000], Yos [2003], Li [1999], Vandergeest [1996], Terry Rambo [1995], CIFOR [2005] và Sunderlin
[2008].
Tổng quan các nghiên cứu trên thế giới cho thấy hầu hết các nước đã có sự chuyển đổi về cách thức quản lý
rừng từ quản lý tập trung sang phi tập trung hóa, và từ việc quản lý rừng chủ yếu để khai thác lợi ích kinh tế
từ rừng sang quản lý rừng bền vững. Sự chuyển đổi này đã và đang có những tác động tích cực đến sinh kế
của hàng triệu người dân trên khắp hành tinh và góp phần vào việc ứng phó với biến đổi khí hậu trên khắp
toàn cầu.
1.2. TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU Ở TRONG NƯỚC
Ở Việt Nam, sự suy kiệt rừng tự nhiên trong những thập niên vừa qua là do việc khai thác, sử dụng tài
nguyên rừng không hợp lý và do phương thức quản lý rừng tập trung trong một thời gian dài. Để góp phần
hạn chế sự suy thoái rừng và huy động sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế vào quản lý rừng, Đảng và
Nhà nước đã ban hành chính sách GĐGR và triển khai rộng rãi trên phạm vi cả nước từ năm 1994. Sau gần
20 năm thực hiện, đã có khá nhiều các công trình nghiên cứu của các tổ chức phi chính phủ, các viện nghiên
cứu, các nhà khoa học trong và ngoài nước quan tâm nghiên cứu và đánh giá. Sau đây là tổng hợp một số
điểm chính về chính sách GĐGR:
3

Phân quyền trong quản lý rừng: Sự thành công nhất của chương trình GDGR là thu hút được sự tham gia
ngày càng nhiều các thành phần kinh tế khác nhau vào công tác quản lý rừng [Nguyễn Quang Tân và
Thomas Sikor, 2012; Hà Công Bình, 2010; Trần Đức Viên và cộng sự, 2005].
Cải thiện sinh kế cho cộng đồng địa phương: GĐGR đã tạo điều kiện để người dân có cơ hội hưởng lợi từ
rừng, góp phần cải thiện sinh kế của người dân và thực hiện chủ trương xóa đói giảm nghèo của nhà nước
[Hà Công Bình, 2010], [Đinh Đức Thuận, 2005], [Vương Xuân Tình, 2008].
Rừng được quản lý tốt hơn: Nhiều nghiên cứu cho thấy sau khi rừng được giao cho cộng đồng, rừng được
bảo vệ tốt hơn trước, như trường hợp ở Đăk Lăk [Hà Công Bình, 2010], ở Thanh Hóa [Vương Xuân Tình,
2003], ở xã Phúc Sen, huyện Quảng Uyên, tỉnh Cao bằng [Nguyễn Huy Dũng, 2010] và ở Đắk Nông [Vương
Xuân Tình, 2008].
Mặc dù vậy, trong quá trình thực thi, chính sách cũng đã vấp phải những bất cập dẫn đến những cái không
thành công như mong đợi.
Tác động tiêu cực đến vấn đề an ninh lương thực do chương trình chưa đưa ra các giải pháp hỗ trợ sinh kế
cho người dân, các chính sách, chế độ hưởng lợi chưa rõ ràng, chưa đáp ứng được nhu cầu của cộng đồng
[Thanh Hoài và Phúc Bản, 2009; Ngô Trí Dũng và Bùi Phước Chương, 2010; Hữu Phúc, 2010; Bechstedt,
2010].
Sự khác biệt giữa luật pháp và luật tục: Mô hình giao đất rừng hiện nay đang gây nên những xáo trộn cho
phát triển rừng ở miền núi, làm mai một các hệ thống quản lý tài nguyên truyền thống do sự khác biệt giữa
luật pháp và luật tục [Nguyễn Văn Sản và Gilmour, 1999:28 trích trong Sunderlin và Huỳnh Thu Ba, 2004;
Bechstedt, 2010; Vương Xuân Tình, 2008].
Góp phần tạo nên sự bất bình đẳng trong cộng đồng: Nghiên cứu của Tô Xuân Phúc [2003], Vương Xuân
Tình và Peter Hjamdah [1996], Nguyễn Quang Tân [2008] cho thấy quá trình giao đất giao rừng gây nên
hiện tượng bất bình đẳng trong tiếp cận đất rừng giữa các nhóm hộ trong cộng đồng.
Tổng quan các nghiên cứu trên cho thấy GĐGR là một chủ trương đúng đắn của Việt Nam, đã nhận được sự
quan tâm ủng hộ của toàn xã hội, tuy nhiên quá trình thực thi vẫn còn nhiều bất cập gây ảnh hưởng đến đời
sống của người dân và mục tiêu đặt ra của Đảng.
CHƯƠNG 2. CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN
2.1. CƠ SỞ LÝ LUẬN
2.1.1. Các khái niệm công cụ
Khái niệm rừng, giao đất giao rừng, cộng đồng, chính sách, phân tích chính sách, sinh kế, sinh kế bền vững,
dân tộc thiểu số, tộc người.
2.1.2. Một số lý thuyết chính
Lý thuyết xung đột, lý thuyết sự lựa chọn hợp lý, lý thuyết giới, lý thuyết Phát triển bền vững.
2.1.3. Cách tiếp cận
Tiếp cận Sinh thái nhân văn; Tiếp cận Sinh kế bền vững; Tiếp cận quản lý tài nguyên dựa vào cộng đồng.

4

nguon tai.lieu . vn