Xem mẫu

HỌC VIỆN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA HỒ CHÍ MINH

ĐINH NGỌC QUÝ

TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH
VỀ LÃNH ĐẠO XÃ HỘI

TÓM TẮT LUẬN ÁN TIẾN SĨ
CHUYÊN NGÀNH: CHÍNH TRỊ HỌC

Mã số: 62 31 02 01

HÀ NỘI - 2017

Công trình được hoàn thành tại
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Người hướng dẫn khoa học: 1. PGS.TS Phạm Ngọc Anh
2. PGS.TS Trịnh Thị Xuyến

Phản biện 1:

Phản biện 2:

Phản biện 3:

Luận án được bảo vệ trước Hội đồng chấm luận án cấp Học viện
họp tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
Vào hồi

giờ

ngày

tháng

năm 2017

Có thể tìm hiểu luận án tại: Thư viện Quốc gia và
Thư viện Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

1
MỞ ĐẦU
1. Tính cấp thiết của đề tài
Tư tưởng Hồ Chí Minh về lãnh đạo xã hội là một bộ phận hợp thành tư
tưởng Hồ Chí Minh, bao gồm hệ thống các quan điểm lí luận sâu sắc và toàn
diện về mục tiêu, đường lối phát triển xã hội đúng đắn của cách mạng Việt Nam,
về tổ chức các lực lượng xã hội để thực hiện mục tiêu, đường lối đó trong suốt quá
trình đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng
con người, với mục đích không ngừng cải thiện và nâng cao dần đời sống của
nhân dân lao động, hướng tới các giá trị chân, thiện, mỹ. Nghiên cứu tư tưởng
Hồ Chí Minh về lãnh đạo xã hội, chúng ta sẽ nắm bắt một cách hệ thống
những quan điểm cũng như sự chỉ đạo thực tiễn của Người trong lãnh đạo xã
hội trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội qua các giai đoạn lịch
sử; thấy được ý nghĩa to lớn của tư tưởng ấy đối với việc xây dựng lí luận lãnh
đạo xã hội Việt Nam thời kỳ mới.
Sau hơn 30 năm đổi mới đất nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản
Việt Nam, chủ thể của quá trình lãnh đạo xã hội, chúng ta đã đạt được những
thành tựu quan trọng, có ý nghĩa lịch sử trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn
hóa, xã hội, làm thay đổi mọi mặt của đời sống xã hội, nâng cao uy tín, vị thế của
Việt Nam trên trường quốc tế. Tuy vậy, trong quá trình lãnh đạo xã hội, chúng ta
cũng phải đối diện với không ít khó khăn, thách thức và những hạn chế, bất cập,
đặc biệt là, tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tham
nhũng, lãng phí của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có
những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, kể cả một số cán bộ cao cấp, làm giảm sút
niềm tin của nhân dân đối với Đảng, tạo ra một trong những nguy cơ, thách thức
đối với sự tồn vong của chế độ.
Chính vì vậy, yêu cầu đặt ra đối với Đảng và toàn xã hội trong tình hình
mới là phải quán triệt và thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh về lãnh đạo xã hội,
xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo kỷ cương, liêm chính, xứng đáng là lực
lượng tiên phong trong sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại
hóa đất nước.
Việc nghiên cứu một cách sâu sắc nội dung tư tưởng và rút ra ý nghĩa đối
với quá trình lãnh đạo xã hội của Đảng, nhất là trong thời kỳ đổi mới là cần thiết
và cấp bách, góp phần vận dụng vào việc giải quyết một số vấn đề thực tiễn đặt
ra trong công tác lãnh đạo của Đảng hiện nay.

2
Xuất phát từ các lí do trên, tôi chọn vấn đề: “Tư tưởng Hồ Chí Minh về
lãnh đạo xã hội” làm đề tài luận án tiến sĩ, chuyên ngành Chính trị học.
2. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu
2.1. Mục đích nghiên cứu
Luận án làm rõ một cách hệ thống tư tưởng Hồ Chí Minh về lãnh đạo xã
hội và rút ra ý nghĩa lí luận, ý nghĩa thực tiễn đối với quá trình lãnh đạo của
Đảng, đặc biệt trong sự nghiệp đổi mới.
2.2. Nhiệm vụ nghiên cứu
- Xác định các khái niệm và nội hàm các khái niệm có liên quan đến đề tài.
- Làm rõ cơ sở hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh về lãnh đạo xã hội.
- Phân tích, làm rõ cấu trúc tư tưởng Hồ Chí Minh về lãnh đạo xã hội: mục
tiêu, chủ thể, đối tượng, nội dung, phương pháp, phong cách lãnh đạo xã hội.
- Rút ra ý nghĩa của tư tưởng Hồ Chí Minh về lãnh đạo xã hội đối với
cách mạng Việt Nam, nhất là với sự nghiệp đổi mới hiện nay.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
3.1. Đối tượng nghiên cứu
Hệ thống các quan điểm của Hồ Chí Minh về lãnh đạo xã hội.
3.2. Phạm vi nghiên cứu
- Hệ thống các quan điểm của Hồ Chí Minh về lãnh đạo xã hội, được thể
hiện trong các trước tác của Người.
- Cuộc đời và các hoạt động chính trị thực tiễn của Hồ Chí Minh.
- Phạm vi chủ thể lãnh đạo xã hội: Đảng Cộng sản Việt Nam và đội ngũ
cán bộ của Đảng.
- Phạm vi đối tượng lãnh đạo xã hội: Giai cấp công nhân và phong trào
công nhân; giai cấp nông dân và phong trào nông dân; tầng lớp trí thức.
- Phạm vi nội dung lãnh đạo xã hội: Trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế,
văn hóa, xã hội.
4. Cơ sở lí luận và phương pháp nghiên cứu
4.1. Cơ sở lí luận
Thực hiện đề tài, tác giả dựa trên cơ sở lí luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư
tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về lãnh đạo xã hội.
4.2. Phương pháp nghiên cứu
Trên cơ sở phương pháp luận khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin, tác giả
vận dụng các phương pháp chung, các phương pháp liên ngành và chuyên ngành

3
để thực hiện mục đích đề tài đã đặt ra, như: Phương pháp lôgíc, lịch sử, phân tích,
tổng hợp, kết hợp phân tích với tổng hợp, phương pháp chuyên gia, văn bản học…
5. Đóng góp mới của luận án
Trên cơ sở khảo cứu các nguồn tư liệu có liên quan, luận án bước đầu đưa
ra khái niệm tư tưởng Hồ Chí Minh về lãnh đạo xã hội; Xác định rõ cơ sở khách
quan và chủ quan dẫn đến hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh về lãnh đạo xã hội;
Phân tích, làm rõ cấu trúc, nội dung cơ bản tư tưởng Hồ Chí Minh về lãnh đạo
xã hội; Rút ra được ý nghĩa lí luận và thực tiễn tư tưởng Hồ Chí Minh về lãnh
đạo xã hội. Trong đó, nhấn mạnh tới việc tạo cơ sở lí luận xây dựng lí luận lãnh
đạo xã hội ở Việt Nam, cũng như đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối
với hệ thống chính trị và toàn xã hội, xây dựng, kiện toàn đội ngũ cán bộ lãnh
đạo trong thời kỳ mới.
6. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn của đề tài nghiên cứu
6.1. Ý nghĩa khoa học
- Góp phần phát triển và làm sâu sắc thêm giá trị lãnh đạo xã hội trong
truyền thống dân tộc Việt Nam.
- Góp phần cụ thể hóa và nêu bật sự phát triển sáng tạo của Hồ Chí Minh
về lí luận lãnh đạo Mác - Lênin trong điều kiện Việt Nam.
- Đặt cơ sở lí luận cho việc xây dựng lí luận lãnh đạo xã hội ở Việt Nam,
nhất là trong thời kỳ đổi mới.
6.2. Ý nghĩa thực tiễn
- Góp phần vận dụng vào việc giải quyết một số vấn đề thực tiễn đặt ra
trong công tác lãnh đạo của Đảng hiện nay.
- Luận án có thể dùng làm tài liệu tham khảo cho những người nghiên
cứu, tìm hiểu tư tưởng Hồ Chí Minh về lãnh đạo xã hội.
- Góp phần phục vụ công tác nghiên cứu, giảng dạy các bộ môn Chính trị
học, Lãnh đạo học, Hồ Chí Minh học (trong đó chú trọng tới tư tưởng Hồ Chí
Minh về hệ thống chính trị nói chung, về Đảng Cộng sản Việt Nam nói riêng,
nhất là nội dung lãnh đạo xã hội)...
7. Kết cấu của luận án
Ngoài phần mở đầu, kết luận, danh mục công trình đã công bố của tác giả
có liên quan đến đề tài luận án, danh mục tài liệu tham khảo, nội dung luận án
gồm 4 chương, 11 tiết.

nguon tai.lieu . vn