Xem mẫu

  1. Tôi đã “nuôi” những chuyến đi như thế Ngay từ năm thứ nhất trong trường đại học, tôi đã được các anh chị khóa trên gợi ý: “Làm báo càng đi xa càng có nhiều đề tài để viết, đặc biệt khi về miền núi”. Điều đó cũng thật dễ hiểu, bởi ở những nơi xa xôi này không phải lúc nào các nhà báo ở Hà Nội cũng có mặt. Vậy nên, mảng đề tài về miền núi luôn được các tờ báo “ưu ái” hơn, bài viết cũng dễ được đăng hơn… Tuy nhiên, để có thể thực hiện được những chuyến đi, nhất là những chuyến đi xa, vấn đề đầu tiên vẫn là kinh phí, bao gồm tiền tàu xe đi lại, tiền ăn ở cùng bao nhiêu khoản phát sinh, mà chi phí này luôn tỷ lệ thuận với cuộc hành trình. Trong khi hoàn cảnh gia đình lại rất khó khăn tiền chu cấp hàng tháng bố mẹ gửi lên cho tôi chỉ đủ để trang trải tiền nhà trọ, tiền ăn và tiền học. Ngoài ra khoản dôi dư không đáng kể. Vậy nên chuyện thực hiện những chuyến đi xa với tôi là… ngoài sức tưởng tượng. Năm thứ nhất trôi qua một cách lặng lẽ, tôi chỉ chuyên tâm vào việc học và cũng chưa viết được một bài báo nào. Năm thứ hai, tôi bắt đầu viết. Đó là những bài viết dưới dạng ý kiến về những sự kiện, vấn đề thời sự và được đăng báo. Dù khoản nhuận bút không nhiều song tôi cũng đã có thêm một nguồn thu nhập để phụ vào các khoản như mua sách vở hay sắm cho mình bộ quần áo mới mà không cần phải xin thêm bố mẹ. Dần dấn, số lượng bài viết đăng báo của tôi đã nhiều hơn, nhưng cũng chỉ là những bài viết ngắn. Thi thoảng tôi mới có được những bài báo “thực thụ”
  2. viết về chính cuộc sống của sinh viên. Trong khi nhiều bạn bè của tôi, vì gia đình có điều kiện về kinh tế nên họ đã đi được nhiều nơi ở xa Hà Nội và viết được những bài báo “dài hơi” (tất nhiên khoản nhuận bút cũng “rủng rỉnh”). Tôi đã bắt đầu nghĩ đến những chuyến đi… Tôi còn nhớ chuyến đi đầu tiên của tôi là về Thị xã Sơn Tây (Hà Tây trước đây) để phỏng vấn anh Bí thư Thị đoàn về công tác Đoàn và phong trào Thanh niên. Kết quả là bài phỏng vấn đó đã được phát sóng trên Đài Tiếng nói Việt Nam. Khỏi phải nói tôi vui mừng đến mức nào khi thấy rằng chuyến đi của mình đã không vô ích. Tôi cũng nghiệm ra một điều: chính nhuận bút từ những bài báo ngắn trước đó đã giúp tôi thực hiện chuyến đi này. Từ đó, tôi viết một cách hăng say, về bất kể điều gì tôi thấy ở xung quanh. Đó có khi chỉ là một cái tin về nắp cống trước cổng trường bị sụp, gây nguy hiểm cho người đi đường. Đó là tấm gương bạn sinh viên nghèo vượt khó, năm nào cũng được nhận học bổng của trường và 6 lần tham gia hiến máu nhân đạo. Đó là tình trạng mua bán pháo lậu ở quê tôi khi Tết Nguyên đán đến gần… Khoản nhuận bút tôi nhận được hàng tháng cũng đều đặn hơn, “ổn định” hơn. Một phần nhuận bút tôi dành để trang trải tiền nhà trọ (bố mẹ cũng đỡ đi phần nào nỗi lo chi phí ăn học cho tôi), một phần khác tôi giữ lấy để khi có dịp sẽ dùng để đi thực tế. Đến nay, tôi đã đi được một số nơi xa như Sơn La, Bắc Kạn, Nam Định từ chính khoản nhuận bút của mình. Và kết quả sau mỗi chuyến đi là những bài viết cuả tôi đã được đăng báo hoặc phát sóng. Tôi đã thực hiện những chuyến đi xa như thế. Còn bạn?
  3. Vũ Thị Thanh Thủy Lớp Phát thanh K25 Học viện Báo chí và Tuyên truyền
nguon tai.lieu . vn