Xem mẫu

  1. Thừa cân – gánh nặng của phụ nữ hiện đại Tỉ lệ béo bụng ở nữ giới cao hơn nam giới, đặc biệt béo bụng ở phụ nữ càng tăng dần theo tuổi, trong khi nam giới lại giảm đi sau tuổi 54 Thống kê của Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho thấy gần 10% phụ nữ VN trong độ tuổi sinh đẻ bị béo phì do ảnh hưởng của lối sống hiện đại. Hiện nay, béo phì là một vấn đề lớn về sức khỏe trên thế giới và gần đây bắt đầu xuất hiện ở VN. Nỗi lo béo bụng Một tin không vui cho chị em khi kết quả nghiên cứu mới đây tại 63 quốc gia vừa được công bố đã cho thấy phụ nữ bị béo bụng nhiều hơn nam giới. mặc dù tỉ lệ thừa cân ở phái nam (40%) có cao hơn so với tỉ lệ thừa cân ở phái nữ (30%), nhưng tỉ lệ béo phì ở nam thì thấp hơn, chỉ có 24% nam giới
  2. béo phì so với 27% ở nữ. Đặc biệt béo phì bụng (eo) ở phái nữ cao hơn nhiều so với nam giới vì có 40% ở nữ nhưng nam là 29%. Theo các bác sĩ dinh dưỡng, người VN thường gặp tình trạng béo bụng dù nhiều người về tổng trạng không béo, nhưng vùng bụng lại nhô lên. Theo khảo sát và đánh giá của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, tỉ lệ béo bụng ở người trưởng thành trong nước là 7,7% - cao hơn so với tỉ lệ chung về béo bụng của các nước là 6,6%. tỉ lệ béo bụng ở nữ trong nước cao hơn nam giới và đặc biệt béo bụng ở phụ nữ càng tăng dần theo tuổi, trong khi nam giới lại giảm đi sau tuổi 54. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, sở dĩ phụ nữ béo bụng nhiều hơn nam giới là vì cơ bụng của phụ nữ lỏng lẻo (nhất là phụ nữ sau sinh) khiến mỡ dễ tích tụ tại vùng bụng, nếu không có chế độ dinh dưỡng, vận động hợp lý. Tỉ lệ béo ở vòng eo của những người sống tại các TP lớn cao gấp 3 lần so với vùng nông thôn. Mỡ dư thừa ở nam giới tích tụ nhiều ở thành bụng dưới trở thành đệm mỡ ở thành bụng. Ở nữ giới, mỡ dư thừa tích tụ nhiều ở phần dưới eo lưng và phần mông. Mẹ không cho con bú dễ bị béo phì Bác sĩ Phan Vương Huy Đổng, Hội Y học TDTT TPHCM, cho rằng những người dễ bị thừa cân thường do làm việc tĩnh tại, ít hoạt động thể lực, thời gian xem tivi, chơi điện tử và đọc sách, báo nhiều. Hoặc đó là những người có thói quen dùng các thức ăn có năng lượng cao (như thức ăn chiên, quay, béo, ngọt, nếp, bột mì...) hoặc có thói quen ăn vặt, ăn khuya, ăn nhiều bữa trong ngày. Phụ nữ sau sinh, đặc biệt không cho con bú sữa mẹ hay người
  3. đang lao động nặng, tập luyện mạnh nhưng trở nên ít vận động và cả người bước vào độ tuổi trung niên cũng dễ bị béo phì. Thạc sĩ – bác sĩ Đào Thị Yến Phi, giảng viên Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch TPHCM, cho biết người ta không đánh giá béo phì đơn thuần dựa trên cân nặng mà vấn đề là tình trạng tích tụ mô mỡ. Các chỉ số thường được sử dụng là tỉ số vòng eo/vòng mông, chỉ số khối lượng cơ thể BMI (Body Mass Index). Không chỉ về mặt thẩm mỹ, béo ở vùng eo và béo cả tổng trạng có liên quan đến tỉ lệ mắc bệnh tim mạch và bệnh đái tháo đường. Nhưng béo bụng có mối tương quan mạnh hơn, hai loại bệnh này còn được ghi nhận ở những người có tổng trạng gầy nhưng béo vùng bụng. Béo bụng làm tăng nguy cơ mắc đái tháo đường type 2, vì béo bụng làm tăng sự đề kháng insulin (một hoóc-môn có tác dụng làm điều hòa lượng đường trong máu). Những người béo vùng bụng sẽ có nguy cơ mắc bệnh tim do mạch vành và nguy cơ đái tháo đường type 2 gấp 2 lần so với người không béo bụng. Ngoài ra, béo phì có thể là yếu tố nguy cơ của nhiều loại bệnh tật như ung thư vú, ung thư tử cung... Việc thừa cân không chỉ làm giảm chất lượng sống do bệnh tật mà còn gây tác động đến tâm lý, đặc biệt đối với phái nữ chuyện vóc dáng rất quan trọng thì tình trạng thừa cân làm cho chị em trở nên mặc cảm và tự ti trong giao tiếp, khó hòa nhập cộng đồng, có tư tưởng nổi loạn hay bi quan. Về mặt xã hội, người béo phì thường bị giảm các cơ hội thành công trong công việc và cả cuộc sống tình cảm. Nguy cơ vô sinh cao hơn do béo phì
  4. Theo bác sĩ Hồ Mạnh Tường, Hội Nội tiết sinh sản và vô sinh TPHCM, ở phụ nữ dư cân và béo phì có tác động rất lớn đến khả năng sinh sản thông qua các tác động sau: rối loạn kinh nguyệt, không rụng trứng, hiếm muộn, đáp ứng kém với các kỹ thuật điều trị, tăng tỉ lệ sẩy thai, đề kháng insulin, tiểu đường... Các nghiên cứu trên thế giới cho thấy rằng tình trạng béo phì càng nặng thì khả năng sinh sản càng bị ảnh hưởng nhiều. Cần hiểu rằng không phải tất cả phụ nữ béo phì đều bị hiếm muộn. Nhiều phụ nữ béo phì vẫn có thể sinh con bình thường. Tuy nhiên, nguy cơ hiếm muộn sẽ cao hơn nếu người phụ nữ trở nên béo phì.
nguon tai.lieu . vn