Xem mẫu

Trường Đại học Tây Bắc

Bản tin Thông tin KH&CN số 1- 6.2013

KHOA HỌC GIÁO DỤC
---------------------------------

HÀNH ĐỘNG HỨA VỚI VĂN HÓA ỨNG XỬ
TRONG GIAO TIẾP CỦA NGƯỜI VIỆT

TS. Vũ Tiến Dũng
ThS. Bùi Thị Phương Anh*
Khoa Ngữ văn

Tóm tắt: Hứa là một hành động nói trong đó người nói ràng buộc mình phải thực hiện hành động trong
tương lai mà bản thân người nói hay người nghe đang quan tâm, và phải chịu trách nhiệm với nội dung lời nói
mà mình nói ra.
Hành động hứa trong văn hóa trọng chữ tình, trọng chữ tín của người Việt, thông thường có chức năng
bày tỏ sự cam kết, tạo dựng niềm tin ở phía người nghe; còn trong văn hóa giao tiếp mang tính xã giao, hứa
nhằm hướng việc xây dựng mối quan hệ xã hội giữa những người tham gia đối thoại, tạo lập hình ảnh cá nhân và
đôi khi đảm bảo cho mối quan hệ liên nhân bền vững hơn. Như vậy, hành động hứa có liên quan tới phép lịch sự
trong hoạt động giao tiếp.

Ở Việt Nam đã có khá nhiều công trình nghiên cứu về các hành động nói và kết quả
nghiên cứu đạt được cũng rất đáng tin cậy và có ý nghĩa về mặt khoa học. Đặc biệt, nghiên
cứu hành động nói trong mối quan hệ với văn hóa giao tiếp, trong mối quan hệ với phép lịch
sự đang thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu ngôn ngữ - xã hội học. Bài viết
nhỏ này cũng là một sự tiếp nối về một hướng tiếp cận nghiên cứu ngôn ngữ - xã hội học, có ý
nghĩa về phương diện lí thuyết, đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn giao tiếp đang đặt ra – góp
phần giúp cho mỗi cá nhân, nhất là các bạn nam nữ thanh niên đạt được mong muốn đặt ra
trong mỗi cuộc tương tác.
1. Khái niệm hành động hứa
Searle sử dụng các tiêu chí: đích ở lời, hướng khớp ghép, trạng thái thái tâm lí, nội
dung mệnh đề, đã phân lập được năm loại hành động tại lời (illocutionary act). Đó là các hành
động: tái hiện (representatives), điều khiển (directives), cam kết (commissives), biểu cảm
(expressives), tuyên bố (declarations). Cam kết, theo Searle như hứa hẹn, tặng, biếu…có đích
ở lời là trách nhiệm phải thực hiện hành động tương lai mà Sp1 bị ràng buộc; hướng khớp –
ghép hiện thực - lời; trạng thái tâm lí là ý định của Sp1 và nội dung mệnh đề là hành động
tương lai của Sp1.
Trong Từ điển tiếng Việt, tác giả Hoàng Phê đã định nghĩa: Cam kết là chính thức
cam đoan làm đúng những điều đã hứa. Cam kết theo Austin thì những hành động này ràng
buộc người nói vào một chuỗi những hành động nhất định: hứa hẹn, bày tỏ lòng mong muốn,
giao ước, thề nguyền, thông qua các quy ước, tham gia một phe nhóm... Như vậy, hứa là một
hành động nói thuộc nhóm hành động cam kết. Bên cạnh hành động hứa trong tiếng Việt còn
bao gồm những hành động thề, cam đoan, đảm bảo cũng thuộc nhóm hành động cam kết. Để
hiểu được khái niệm hành động hứa, chúng ta cần tìm hiểu những khái niệm về các hành động
cùng nhóm hành động cam kết: Cam đoan là nói chắc và hứa chịu trách nhiệm về lời nói của
mình để cho người khác tin. Đảm bảo là nói chắc và chịu trách nhiệm về lời nói của mình để
cho người khác yên lòng. Thề là nói chắc, hứa chắc một cách trịnh trọng, viện ra vật thiêng
liêng hay cái quý báu nhất để đảm bảo. Hứa là nói với ai, với ý thức tự ràng buộc mình, là sẽ
làm điều gì đó mà người ấy đang quan tâm [2].
-----------------------------------------------------------------(*): Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

1

Trường Đại học Tây Bắc

Bản tin Thông tin KH&CN số 1- 6.2013

Như đã chỉ ra sơ bộ, nhóm hành động cam kết có sự phân biệt giữa những hành động
nhỏ trong nhóm này. Cam kết bao hàm trong nó những hành động nói trực tiếp được nhắc đến
như: cam đoan, hứa, đảm bảo, thề. Theo định nghĩa chung nhất trong Từ điển tiếng Việt có
thể thấy trong bản thân mỗi hành động nói này có sự phân biệt với nhau. Cam đoan là hành
động nói mà người nói phải chịu trách nhiệm về lời nói của mình để tạo lòng tin của người
nghe vào điểu mình nói. Hứa là một hành động nói mà người nói bị ràng buộc trách nhiệm
vào điều mình nói ra như hành động cam đoan nhưng giữa chúng điểm khác nhau. Hứa là
hành động nói mà người nói chịu trách nhiệm thực hiện một hành động trong tương lai gắn
với nội dung của phát ngôn được nói ra. Tuy nhiên, hành động hứa hướng vào vấn đề đang
được người nghe hay bản thân người nói đang quan tâm, chú ý đến. Còn hành động cam đoan
là việc người nói phải chịu trách nhiệm về hành động mình đưa ra, người nói chủ yếu hướng
vào việc tạo dựng niềm tin ở người nghe. Hành động thề là hành động nói mà người nói cũng
phải chịu trách nhiệm về lời nói của mình nói ra. Để cho lời nói của mình có sức nặng, người
nói thường lấy những vật linh thiêng hay những vật quý giá đối với bản thân để đảm bảo
trong quá trình thực hiện hành động này. Hành động đảm bảo được hiểu một cách chung nhất
là người nói chịu trách nhiệm về việc mình nói ra để người khác yên lòng. Như vậy, chúng ta
có thể hiểu một cách chung nhất về hành động hứa như sau:
Hứa là một hành động nói trong đó người nói ràng buộc mình phải thực hiện hành
động trong tương lai mà bản thân người nói hay người nghe đang quan tâm, và phải chịu trách
nhiệm với nội dung lời nói mà mình nói ra.
2. Tiêu chí nhận diện hành động hứa
Để nhận diện một hành động nói có rất nhiều tiêu chí khác nhau được đưa ra. Ngữ
pháp truyền thống thường dựa vào tiêu chí hình thức để nhận diện một hành động nói. Chẳng
hạn, việc nhận diện hành động mời trong tiếng Việt thường căn cứ vào sự xuất hiện của động
từ ngôn hành: mời. Nói cách khác, hành động có chứa động từ ngôn hành mời trong phát ngôn
thì được coi là hành động mời. Cách nhận diện hành động mời như vậy chỉ thích hợp với các
hành động mời trực tiếp. Ví dụ:
(1) Cháu mời bác uống nước!
Cháu mời hai bác ăn cơm!
Tuy nhiên, tiêu chí nhận diện này không giải quyết triệt để việc nhận diện hành động
mời nói riêng mà ở tất cả các hành động nói khác, nhất là các hành động nói thiếu vắng động
từ ngôn hành. Từ đây, người ta phải tìm đến các tiêu chí nhận diện khác để đáp ứng được yêu
cầu nhận diện một hành động nói cụ thể.
Theo Searle (1976), một hành động nói có thể được nhận diện dựa trên bốn tiêu chí
chính: Đích ở lời, hướng khớp ghép, trạng thái tâm lí, nội dung mệnh đề.
Các tiêu chí nhận diện các hành động tại lời của Searle cũng tương ứng với các điều
kiện sử dụng các hành động tại lời. Tiêu chí đích ở lời tương ứng với điều kiện căn bản, tiêu
chí trạng thái tâm lí tương ứng với điều kiện chân thành và tiêu chí nội dung mệnh đề tương
ứng với điều kiện nội dung mệnh đề. Chỉ có tiêu chí hướng khớp ghép hiện thực - lời không
2

Trường Đại học Tây Bắc

Bản tin Thông tin KH&CN số 1- 6.2013

có trong các điều kiện này.
Thực tiễn cho thấy việc nhận diện một lời hứa trong tiếng Việt không mấy khó khăn.
Hứa là hành động được thực hiện bằng lời, thường căn cứ vào sự xuất hiện của động từ ngôn
hành: hứa. Tuy vậy, lời hứa cũng có thể xuất hiện một cách gián tiếp khi nội dung của lời nói
đó thực hiện theo hướng nhận lời với ai đó sẽ thực hiện một hành động nào đó. Trong những
trường hợp đó cần có sự tinh tế, nhạy cảm của những người tham gia hội thoại mới có thể
nhận biết được. Ví dụ như phát ngôn: Anh sẽ đưa em đi Sầm Sơn chơi vào chủ nhật tuần này
nhá. được xác định là một lời hứa khi nó đảm bảo các tiêu chí sau:
1 Đích ở lời: hướng sự ràng buộc vào Sp1, Sp1 phải thực hiện hành động đã nói trong
phát ngôn của mình.
2 Hướng khớp ghép: có sự phù hợp giữa hiện thực và lời nói.
3 Trạng thái tâm lí: Sp1 mong muốn thực hiện hành động đó.
4 Nội dung mệnh đề: Sp2 đang mong chờ điều Sp1 thực hiện.
Tuy nhiên, cần phân biệt lời hứa với các phát ngôn trần thuật. Chúng ta phải căn cứ
vào hoàn cảnh giao tiếp để phán đoán. Thông thường, hứa sẽ được Sp1 hướng về Sp2 nhiều
hơn, mong muốn sẽ thực hiện hành động đó cho Sp2. Còn phát ngôn trần thuật có tính chất
khảo nghiệm, xác tín hay khẳng định mình sẽ làm một việc gì đó nhiều hơn là hứa hẹn. Ví dụ:
(2) Sp1: - Tao có lỗi gì với mày.
Sp2: - Lỗi lầm gì. Tao sẽ chém chúng nó. (Trần Thùy Mai)
Phát ngôn: Tao sẽ chém chúng nó mang tính chất là một lời khẳng định, mang tính
chất đe dọa hơn là một lời hứa. Mục đích của hành động nói này không phải là hứa hẹn với
Sp1 mà nó là lời Sp2 khẳng định quyết tâm của bản thân phải thực hiện hành động mà mình
đã phát ngôn. Do đó, phát ngôn này thiên về tính trần thuật (có thể có dụng ý đe dọa nữa) hơn
là sự cam kết của Sp2 với việc thực hiện hành động mà Sp2 đã nói ra.
3. Hứa – xét theo góc độ của văn hóa giao tiếp
3.1. Nguồn gốc văn hóa ứng xử của người Việt
Người Việt chủ yếu là những cư dân thuộc nền văn hóa lúa nước. Chính những đòi hỏi
của nền sản xuất nông nghiệp nên người Việt thích sống quần tụ thành những tập thể cư dân
để đáp ứng đòi hỏi về sức mạnh tập thể trong quá trình gieo trồng, thu hoạch, chống hạn,
chống úng hay thực hiện những công trình thủy lợi… Điều này đã làm nên một tổ chức nông
thôn chặt chẽ và nền văn hóa làng xã đặc thù trong cộng đồng của người Việt.
Bắt nguồn từ nền văn hóa làng xã đã hình thành nên đăc trưng thứ nhất của nông thôn
Việt Nam là tính cộng đồng chặt chẽ. Những người trong cùng làng xã rất coi trọng nhau,
điều này được ghi lại trong lời ăn tiếng nói của người Việt như: Bán anh em xa mua láng
giềng gần; Hàng xóm tối lửa tắt đèn có nhau. Cũng bởi lối sống quần tụ nên đã hình thành
nên đặc trưng cơ bản thứ hai của nông thôn Việt Nam là tính tự trị. Các làng xã tồn tại khá
biệt lập, mỗi làng lại có quy định riêng.
Chính từ hai đăc trưng bao trùm của nông thôn Viêt Nam là tính cộng đồng và tính tự
trị đã chi phối mạnh mẽ đến cách thức ứng xử của người Việt, tạo nên những đặc trưng trong
3

Trường Đại học Tây Bắc

Bản tin Thông tin KH&CN số 1- 6.2013

giao tiếp của họ.
Giao tiếp là một hình thức để con người bộc lộ bản chất của mình. Trước hết xét về
thái độ đối với giao tiếp, người Việt vừa thích giao tiếp lại vừa rụt rè. Do phải sống phụ thuộc
lẫn nhau trong mối quan hệ sản xuất nên người Việt rất coi trọng và giữ gìn các mối quan hệ
trong giao tiếp với mọi người. Giao tiếp tạo ra cho họ mối quan hệ: Dao năng liếc năng sắc,
người năng chào năng quen. Sự giao tiếp còn có tác dụng củng cố tình thân hữu: Áo năng
may năng mới, người năng tới năng thân. Như vậy đối với người Việt, giao tiếp là một trong
những con đường tạo nên mối quan hệ thân hữu giữa người với người.
Xét về quan hệ giao tiếp, người Việt lấy tình cảm làm nguyên tắc ứng xử, thiên về
tình hơn là về lý; người Việt có quan niệm: Một trăm cái lý không bằng một tí cái tình. Từ
đó, người Việt coi trọng tình cảm hơn các giá trị khác.
Xét về chủ thể giao tiếp, người Việt rất hay hỏi (từ đặc điểm này làm cho người nước
ngoài do không hiểu văn hóa giao tiếp của người Việt đã đánh giá là tò mò thái quá). Tuy
nhiên, người Việt có cách ứng xử khá linh hoạt trong giao tiếp: Đi với bụt mặc áo cà sa, đi
với ma mặc áo giấy.
Xét về cách thức giao tiếp, người Việt ưa sự tế nhị, ý tứ, nhã nhặn và trọng sự hòa
thuận. Người Việt thường có thói quen giao tiếp theo kiểu vòng vo tam quốc, ít khi mở đầu
bằng cách trực tiếp nói thẳng vào vấn đề như người phương Tây. Lối nói gián tiếp, ưa tế nhị,
kín đáo và ý tứ là sản phẩm của lối sống trọng tình và tư duy trọng các mối quan hệ. Nó tạo
thói quen đắn đo, cân nhắc kĩ càng khi nói năng: Ăn có nhai, nói có nghĩ hay Chó ba quanh
mới nằm, người ba năm mới nói. Chính sự đắn đo, cân nhắc nên người Việt Nam có lối nói
nước đôi trong ứng xử:
Người khôn ăn nói nửa chừng
Để cho người dại nửa mừng nửa lo.
Từ tâm lý ưa hòa thuận khiến cho người Việt Nam luôn có chủ trương nhường nhịn:
Một điều nhịn chín điều lành; Chồng nói thì vợ bớt lời – Cơm sôi nhỏ lửa có đời nào khê.
Đặc biệt, người Việt rất coi trọng chữ tín, đề cao chữ tín trong quan hệ, ứng xử và
những người thất tín thường bị mọi người trong cộng đồng nhìn nhận thiếu tích cực: Một lần
bất tín, vạn sự bất tin. Muốn giữ gìn chữ tín phải thực hiện được những điều mình nói. Điều
này liên quan đến quan niệm về lời hứa của người Việt trong giao tiếp: đã hứa thì phải có
chủ trương thực hiện lời hứa.
3.2. Hứa – theo góc nhìn của văn hóa giao tiếp
Mỗi cộng đồng dân tộc có một bản sắc văn hóa, phong tục, tập quán riêng gắn với
cách tư duy trong ứng xử của các cá nhân trong cộng đồng dân tộc đó. Bởi vậy, chúng ta
không thể cho rằng văn hóa của dân tộc này văn minh hơn dân tộc kia, cũng không thể khẳng
định dân tộc này lịch sự hay kém lịch sự hơn dân tộc khác mà cần phải thấy rằng văn hóa của
các dân tộc là bình đẳng và nó tạo nên bản sắc riêng của từng cộng đồng dân tộc. Xuất phát từ
cái phông văn hóa đó mà mỗi cộng đồng dân tộc có những cách thức sử dụng ngôn ngữ khác
nhau để biểu đạt nội dung phát ngôn trong hoạt động giao tiếp.
4

Trường Đại học Tây Bắc

Bản tin Thông tin KH&CN số 1- 6.2013

Hành động hứa cũng chịu ảnh hưởng, tác động và bị chi phối bởi văn hóa giao tiếp của
mỗi cộng đồng dân tộc. Có thể dễ nhận thấy rằng với bất kì cộng đồng dân tộc nào, hành động
hứa cũng hướng tới đích đầu tiên là tạo đựng niềm tin ở đối tác, xây dựng hình ảnh về cá nhân
người thực hiện lời hứa gắn với những điều kiện và khả năng nhất định của họ. Hay nói cụ thể
hơn, hành động hứa trong văn hóa giao tiếp thông thường có chức năng bày tỏ sự cam kết, tạo
dựng niềm tin ở phía người nghe, còn trong văn hóa giao tiếp mang tính xã giao, hứa nhằm
hướng tới việc xây dựng mối quan hệ xã hội giữa những người tham gia đối thoại, tạo lập
hình ảnh cá nhân và đôi khi đảm bảo cho mối quan hệ liên nhân bền vững hơn. Trong văn hóa
giao tiếp mang tính chất thân cận, hành động hứa có tác dụng duy trì tình bằng hữu, sự thân
cận giữa những người tham gia giao tiếp.
Ví dụ, có một cuộc nói chuyện thân mật giữa người mẹ với con gái và trước đòi hỏi
của con gái, người mẹ nói với con gái yêu: Mẹ hứa, ngày mai mẹ con mình cùng đi mua quần
áo mới con gái yêu nhé. Như vậy, hành động hứa ở đây là sự cam kết của người nói với người
nghe (giữa mẹ và con gái) và nó có tác dụng làm tăng cường thêm sự thân mật, gần gũi trong
quan hệ giữa mẹ và con. Nhưng trong một cuộc giao tiếp xã giao thì có thể thấy hành động
hứa lại được nhìn nhận khác. Chẳng hạn, như trong cuộc giao tiếp để kí hợp đồng giữa giám
đốc của công ty A và giám đốc của công ty B, kết thúc buổi làm việc sau khi đã kí xong hợp
đồng, giám đốc công ty A bày tỏ mong muốn sự hợp tác giữa hai bên sẽ tốt đẹp, giám đốc
công ty B phát biểu ý kiến: Tôi hứa sẽ cố gắng hết sức. Đây là phát ngôn chứa đựng trong đó
tính chất cam kết nhưng thực chất lại nghiêng về thực hiện chức năng quảng giao, xây dựng
hình ảnh cá nhân của giám đốc công ty B nhiều hơn là chức năng cam kết.
Trong hoạt động giao tiếp, cách thức biểu đạt lời hứa không hoàn toàn giống nhau
trong từng ngữ huống giao tiếp. Lời hứa được diễn đạt như thế nào trong từng ngữ cảnh được
đánh giá là thích hợp còn tùy thuộc vào nhận thức của mỗi cá nhân và quan niệm của cộng
đồng dân tộc đó. Trong văn hóa giao tiếp người Việt, tùy vào mối quan hệ thân sơ giữa những
người tham gia giao tiếp và thoại trường mà người hứa lựa chọn hình thức ngôn từ diễn đạt
sao cho phù hợp với quan hệ liên nhân, phù hợp với hoàn cảnh giao tiếp cụ thể để đạt được
mục đích trong mỗi cuộc tương tác.
3.3. Hứa – xét theo góc độ của lịch sự
Lịch sự là một trong những phương tiện hữu hiệu để đạt được hiệu quả trong giao tiếp
xã hội. Hiểu và dùng ngôn ngữ một cách lịch sự sẽ giúp con người thành công trong giao tiếp,
đạt được hiệu quả giao tiếp mong muốn. Ngược lại, không ý thức rõ ràng về lịch sự và sử
dụng ngôn ngữ không tính đến yếu tố lịch sự sẽ có thể đưa đến những thất bại trong giao tiếp
hoặc có thể không thành công trong việc thiết lập các mối quan hệ xã hội. Lịch sự vừa có tính
phổ quát, lại vừa có tính đặc thù của mỗi cộng đồng, nó được quy định bởi văn hóa riêng của
từng cộng đồng.
Mỗi dân tộc, mỗi cộng đồng đều có phông văn hóa riêng của mình. Chính phông văn
hóa riêng biệt đó giải thích tại sao cách nói trung hòa về tính lịch sự ở dân tộc này lại có vẻ
như thô thiển đối với dân tộc khác; hay cách nói đầy tính trang nhã, lịch sự của cộng đồng này
5

nguon tai.lieu . vn