Xem mẫu

  1. Sử dụng bừa bãi thuốc Đông y điều trị bỏng: “Gậy ông đập lưng ông” Hiện nay, tỷ lệ tự ý sử dụng hay sử dụng theo sự hướng dẫn của thầy lang về thuốc gọi là gia truyền hay y học cổ truyền để điều trị các vết thương bỏng ngày càng phổ biến. Tuy nhiên những loại thuốc này được sử dụng không rõ nguồn gốc, không đúng chỉ định chỉ làm tổn thương bỏng ngày càng nặng hơn và có thể gây ra những hậu quả thương tâm. Từ một trường hợp cụ thể Vừa qua, Viện Bỏng Quốc gia tiếp nhận bệnh nhi Nguyễn Thị H., 2 tuổi, quê ở Thụy Lôi- Thụy Lâm- Đông Anh- Hà Nội trong tình trạng diện tích bỏng 34% cơ thể, trong đó 20% bỏng sâu, vết thương bỏng bị hoại tử thứ phát, toàn thân phù nề, da vàng, thở ậm ạch, chân tay lạnh, mắt, mũi, mồm xuất huyết, nghi ngờ nhiễm trùng, nhiễm độc và theo dõi nhiễm khuẩn huyết, nhiễm độc gan. Tình trạng bệnh lý nặng nề của cháu H. là hậu quả của quá trình tự ý sử dụng thuốc Đông y không rõ nguồn gốc để điều trị vết thương bỏng. Theo lời kể của gia đình, khi cháu H. bị bỏng canh nóng (nước luộc bí), gia đình đã đưa cháu đến thầy lang để điều trị. Thầy lang hứa sẽ chữa khỏi vết bỏng cho cháu trong một tuần và bôi cho cháu H. một dung dịch đặc quánh, màu nâu đen đựng trong lọ thuỷ tinh, bên ngoài chỉ ghi chữ “tàu”, không đọc được, không hiểu được, không rõ hạn sử dụng cũng như thành phần, chỉ định, chống chỉ định và dặn cháu 3-4 ngày sau, thậm chí một tuần sau đến khám lại để tiếp tục bôi thuốc. Sau bốn lần đến thầy lang để điều trị mà vết bỏng của H. không khỏi cộng thêm một số biểu hiện của cháu như ho, vàng mắt, vàng da... gia đình đã đưa cháu đến trạm y tế khám và được chuyển lên tuyến trên điều trị. Nhưng thật đáng tiếc là cháu H. đã không qua khỏi. Đây không chỉ là bài học cho gia đình cháu H. mà còn là kinh nghiệm đối với tất cả mọi người trong việc chữa trị các vết thương bỏng. Và ý kiến thầy thuốc
  2. Theo TS. Nguyễn Hữu Lâm - Chủ nhiệm khoa Hồi sức cấp cứu Viện Bỏng quốc gia thì trường hợp của cháu H. hoàn toàn có thể điều trị được nếu cháu được đưa đến viện ngay từ đầu. Nguyên nhân gây ra hậu quả đáng tiếc của cháu H. là việc sử dụng thuốc Đông y không đúng chỉ định và chăm sóc dinh dưỡng sau bỏng không đảm bảo. Cháu H. chỉ được thầy lang bôi thuốc tại chỗ mà không được khám xét, theo dõi toàn trạng thông qua các xét nghiệm cần thiết trong điều trị bỏng vì các xét nghiệm chỉ có thể thực hiện được ở bệnh viện. Vì thế không được chăm sóc xử trí đúng nên cơ thể cháu bị suy mòn. Bên cạnh đó, việc giữ vệ sinh tổn thương bỏng rất được chú trọng tránh nhiễm độc, nhiễm khuẩn nhưng trong trường hợp của cháu H. quá trình này đã không được thực hiện. Đây chính là nguyên nhân gây hoại tử vết thương bỏng và nhiễm khuẩn huyết. Không chỉ riêng trường hợp của cháu H. mà còn rất nhiều trường hợp khác sử dụng thuốc Đông y sai chỉ định đã gây ra hậu quả nặng nề. Khoa khám bệnh Viện Bỏng quốc gia đã thống kê mỗi năm có đến hàng trăm trường hợp điều trị bỏng bằng thuốc Đông y của thầy lang không hiệu quả, rửa và đắp vết bỏng bằng nước lá cây, sử dụng thuốc tạo màng sai chỉ định gây biến chứng nghiêm trọng. Nhiều trường hợp trong số đó bị hoại tử vết thương bỏng phải cắt cụt chi, tàn phế suốt đời. Theo TS. Lâm, việc điều trị vết thương bỏng bằng thuốc Đông y phải đặc biệt chú trọng đến chỉ định của thuốc như vị trí bôi thuốc, phương pháp sử dụng và tính chất của vết thương. Ví dụ đối với thuốc tạo màng, đây là thuốc được cấm chỉ định đối với các vết thương bỏng ở các hốc tự nhiên, vết thương vòng tròn như quanh ngón tay, cổ tay... do đặc điểm của tổn thương bỏng là gây ra sự phù nề, nếu bôi thuốc tạo màng băng ép lại rất dễ gây hoại tử vùng tổn thương và phải cắt bỏ. Để tránh hậu quả đáng tiếc xảy ra, khi bị bỏng, dù nguyên nhân do đâu, người bệnh cần được sơ cứu kịp thời bằng cách ngâm vết thương vào nước lạnh, sạch từ 15- 30 phút, sau đó băng ép diện tích bỏng và đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất. Không nên sử dụng thuốc Đông y bữa bãi để điều trị vết thương bỏng nhằm tránh biến chưng và có thể gây tử vong.
nguon tai.lieu . vn