Xem mẫu

  1. Quản trị tri thức để "Xây dựng đội ngũ trí thức" Ths. Nguyễn Huy Hoàng Tâm Việt Group TRI THỨC, QUẢN TRỊ TRI THỨC VÀ KINH TẾ TRI THỨC Tri thức Để hiểu rõ khái niệm tri thức ta phân biệt tri thức với các khải niệm tương đồng khác là dữ liệu, thông tin, trí tuệ. Dữ liệu là những con số hoặc dữ kiện thuần túy, rời rạc mà quan sát hoặc đo đếm được không có ngữ cảnh hay diễn giải. Dữ liệu được thể hiện ra ngoài bằng cách mã hóa và dễ dàng truyền tải. Dữ liệu được chuyển thành thông tin bằng cách thêm giá trị thông qua ngữ cảnh, phân loại, tính toán, hiệu chỉnh và đánh giá. Thông tin là những mô hình hay tập hợp dữ liệu đã được tổ chức lại và diễn giải đặt trong bối cảnh và nhằm một mục đich cụ thể. Thông tin là những thông điệp thường được thể hiện theo dạng văn bản hoặc giao tiếp có thể thấy được hoặc không thấy được... nhằm mục đích thay đổi cách nhận thức của người nhận thông tin về vấn đề cụ thể, và gây ảnh hưởng đến sự đánh giá và hành vi của người nhận. Vì thông tin là những dữ liệu được tổ chức lại vì một mục đích nào đó, vì vậy mà nó sẽ giảm bớt sự không chắc chắn. Đó cũng chính là sự khác biệt của thông tin với dữ liệu. Tương tự như dữ liệu, thông tin được mã hóa và tương đối dễ dàng truyền tải. Tri thức là thông tin được cấu trúc hóa, được kiểm nghiệm và có thể sử dụng được vào mục đích cụ thể. Tri thức thường thể hiện trong những hoàn cảnh cụ thể kết hợp với kinh nghiệm và việc phán quyết hay ra quyết định. Để truyền tải thì đòi hỏi sự học tập của người tiếp nhận tri thức. Như vậy nếu một thông tin giúp chúng ta nhận thức và đưa ra quyết định thì là tri thức. Thông tin trở thành “đầu vào” được nạp vào trong não, qua quá trình xử lý sẽ tạo ra tri thức. Nhưng quá trình xử lý này với mỗi một cá nhân khác nhau sẽ cho ra những “đầu ra” khác nhau. Có nghĩa là cùng một thông tin như vậy nhưng với mỗi cá nhân thì tri thức mà anh ta nhận thức được sẽ khác với tri thức mà người khác nhận thức. Thông tin là những dữ liệu được cấu trúc hóa được thể hiện ra ngoài và ai cũng có thể tiếp cận. Nhưng tri thức thiên về những thông tin được cấu trúc hóa và cá nhân hóa nằm trong mỗi con người cụ thể, do đó khả năng tiếp cận khó hơn và sự thể hiện ra ngoài không phải lúc nào cũng chính xác.
  2. Trí tuệ là khả năng sử dụng tri thức một cách không ngoan nhằm đạt được mục đích của mình. Trí tuệ gắn liền với con người và sự đánh giá, phán xét và hoạch định các hành động. Cùng có tri thức như nhau nhưng mỗi người sẽ hành xử một cách khác nhau vì trí tuệ của mỗi người là khác nhau tức là khả năng sử dụng tri thức của mỗi người là khác nhau nên sẽ tạo ra kết quả khác nhau. Tri thức là những dữ liệu, thông tin được cấu trúc hóa, kiểm nghiệm và sử dụng được vào một mục đích cụ thể tạo ra giá trị. Chúng ta có thể chia ra làm 3 loại tri thức: Một là tri thức nổi (explicit knowledge); hai là tri thức ngầm (tacit knowledge) và ba là tri thức tiềm năng (implicit knowledge). Tri thức hiện (Explicit knowledge): Đây là những tri thức được giải thích và mã hóa dưới dạng văn bản, tài liệu, âm thanh, phim, ảnh thông qua ngôn ngữ có lời hoặc không lời, nguyên tắc hệ thống, chương trình máy tính, chuẩn mực hay các phương tiện khác. Những tri thức có cấu trúc thường được thể hiện ra ngoài và dễ dàng chuyển giao. Ví dụ như các tri thức về chuyên môn được trình bày trong giáo trình, sách, báo, tạp chí... Những tri thức đã được cấu trúc hóa thường là tri thức hiện. Trong tác phẩm có sức ảnh hưởng rất mạnh của mình–Công ty Sáng tạo Kiến thức–Nonaka và Takeuchi đã phân biệt tri thức hiện và tri thức ngầm. Tri thức hiện là các tri thức được hệ thống hóa trong các văn bản, tài liệu, hoặc các báo cáo, chúng có thể được chuyển tải trong những ngôn ngữ chính thức và có hệ thống. Tri thức ngầm (Tacit knowledge): Tri thức mà một người có được một cách tự giác vô thức. Tri thức ẩn có thể không lý giải hay lập luận được bởi vì (1) tri thức ẩn không được hiểu cặn kẽ, (2) nó quen thuộc, tự động và vượt qua ý thức người sở hữu nó. Ví dụ như: bí quyết, niềm tin, kinh nghiệm, sự nhạy cảm trong công việc… Nonaka và Takeuchi cũng cho rằng: tri thức ngầm là nhưng tri thức không thể hoặc là rất khó được hệ thống hóa trong các văn bản, tài liệu, các tri thức này mang tính cá nhân, gắn liền với bối cảnh và công việc cụ thể. Tri thức ngầm rất khó để thể hiện trên các tài liệu, nhưng lại có tính vận hành cao trong bộ não của con người. Những tri thức này là dạng tri thức nằm trong đầu con người. Nhiều người cho rằng đây là phần lớn tri thức bên trong một tổ chức. Những gì mà con người biết thì thường giá trị hơn là những gì được viết ra. Vì vậy tạo ra mối liên hệ giữa người không biết và người biết là một khía cạnh hết sức quan trọng của một tổ chức. Mục tiêu của quản trị tri thức là giúp chia sẻ những tri thức ngầm bên trong một tổ chức sao cho mọi người đều có thể sử dụng những kiến thức chuyên môn trong một lĩnh vực nhất định để giải quyết vấn đề cho khách hàng và tạo
  3. nên những sản phẩm hiệu quả hơn. Ta có thể ví tri thức trong mỗi con người và tổ chức giống như tảng băng trôi, nếu tri thức bộc lộ là phần nổi thì tri thức ngầm là phần chìm. Tri thức tiềm năng (Implicit knowledge – còn gọi là “potential knowledge”): Tri thức được chứa dưới dạng ngôn ngữ có lời hoặc không lời, hành động (cả khi ghi hình hay thể hiện dưới dạng một phần của hệ thống truyền thông), mạng lưới những bộ óc đã được đào tạo, tri thức gắn trong công nghệ, văn hóa, thực tiễn... Hầu hết các doanh nghiệp đều có những dữ liệu thể hiện doanh số bán hàng, khách hàng. Những doanh số này thể hiện tri thức tiềm năng – là những số liệu mà từ đó tri thức mới có thể rút ra được nếu như dữ liệu này được truy cập và phân tích. Như vậy, nếu nhìn nhận tri thức trong phạm vi của tổ chức, chúng ta thấy bất kỳ tổ chức nào cũng đều tồn tại ba dạng tri thức trên, chỉ có điều tổ chức có biết mình đang nắm giữ những tri thức nào? chúng nằm ở đâu? ai nắm giữ? và cách thức sử dụng như thế nào? để khai thác một cách hiệu quả tri thức nhắm phục vụ cho quá trình hoạt động hay sản xuất kinh doanh chính của tổ chức để tạo ra giá trị mà thôi. Quản trị tri thức Quản trị tri thức là một khái niệm mới đang có nhiều tranh luận. Tuy nhiên dù tranh luận thế nào thì bản chất Quản trị tri chức vẫn là một. Sự khác biệt chỉ là cách chúng ta tiếp cận nghiên cứu và ứng dụng. Sau đây chúng tôi trình bày tổng quan về các khái niệm về quản trị tri thức đang được các học giả trong và ngoài nước sử dụng, từ đó đưa ra khái niệm chung nhất mang tính ứng dụng. Có rất nhiều cách tiếp cận và định nghĩa khác nhau tuỳ theo cách nhìn và phương thức của mỗi cá nhân hay tổ chức. Chúng bao gồm có quản lý, việc học hỏi của cá nhân và tổ chức, giao tiếp, công nghệ và các hệ thông thông tin, trí tuệ nhân tạo, tài sản tri thức,…Không có một định nghĩa hay một cách tiếp cận thống nhất về quản trị tri thức nào cả, nhưng lại có những nội dung có thể bao quát toàn bộ. quản trị tri thức bao gồm con người, các cách thức và quá trình, các hoạt động, công nghệ và một môi trường rộng hơn thúc đẩy việc định dạng, sáng tạo , giao tiếp hay chia sẻ, và sử dụng các tri thức cá nhân cũng như tri thức của tổ chức. Nó là về những qui trình quản lý việc tạo ra, phát tán và sủ dụng tri thức để đạt được mục tiêu tổ chức. Nó đòi hỏi sự kết hợp giữa nhận thức kinh doanh, thái độ và thực tiễn sáng tạo, những hệ thống, chính sách, và những thủ tục được tạo ra để giải phóng sức mạnh của thông tin và ý tưởng. Trong cuốn sách “People-Focused Knowledge Management”, Karl M. Wiig định nghĩa: Quản trị tri thức là quá trình sáng tạo, phát triển và ứng dụng tri thức một cách có hệ thống và minh bạch nhằm tối đa hóa hiệu quả hoạt động liên quan đến tri thức và giá trị doanh nghiệp từ tri thức và tài sản trí tuệ sẵn có.
  4. Quản trị tri thức nhằm đến các quá trình sáng tạo, nắm bắt, chuyển giao và sử dụng tri thức để nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức. (Public Service Commission of Canada, 1998) Quản trị tri thức đưa tri thức ngầm lên bề mặt, tổng hợp chúng thành những dạng dễ dàng lưu trữ và truy cập hơn, đồng thời thúc đẩy tính sáng tạo của nó. (Birket) Quản trị tri thức là quá trình tạo mới, phân phối và sử dụng tri thức một cách hiệu quả. (Davenport) “Quản trị tri thức là quá trình có hệ thống của việc nhận dạng, thu nhận, và chuyển tải những thông tin và tri thức mà con người có thể sử dụng để sáng tạo, cạnh tranh, và hoàn thiện” (Trung tâm Năng suất và Chất lượng Hoa Kỳ - Trích dẫn bởi Serban và Luan). Quản trị tri thức là một quá trình, một công cụ quản lý hiệu quả nhằm chia sẻ, thu nhân, lưu giữ, lựa chọn, sáng tạo tri thức và cung cấp đúng người, đúng nơi, đúng lúc nhằm nâng cao hiệu quả quyết định, hiệu quả thực thi và khả năng thích ứng của tổ chức. Kinh tế tri thức Ở Việt Nam, chủ đề “kinh tế tri thức” đã được đề cập, bàn bạc, đặc biệt là trong giới các nhà nghiên cứu, các nhà hoạch định chính sách, các nhà quản lý… “Kinh tế tri thức” đã được nhìn nhận dưới nhiều góc độ khác nhau, với những chiều kích, tầm mức, phạm vi… khác nhau. Tuy nhiên trong các văn bản chính thức của đảng và Nhà nước ta, chưa có văn bản nào nêu ra định nghĩa về kinh tế tri thức. Mặc dù vậy, trong số những định nghĩa về kinh tế tri thức được bàn đến, dường như có một định nghĩa nổi lên và được công nhận bởi nhiều người. đó là định nghĩa do OECD và APEC nêu ra năm 2000, định nghĩa rằng: “Kinh tế tri thức là nền kinh tế trong đó sự sản sinh ra, truyền bá và sử dụng tri thức là động lực chủ yếu nhất của sự tăng trưởng, tạo của cải, tạo việc làm trong tất cả các ngành kinh tế”. Định nghĩa này nhấn mạnh việc sử dụng tri thức trong tất cả các lĩnh vực kinh tế. Nhiều người cho rằng sự xuất hiện của kinh tế tri thức đánh dấu sự chấm hết của xã hội công nghiệp hiện đại lấy “tư bản” làm hạt nhân, và báo hiệu sự ra đời của xã hội hậu công nghiệp lấy “tri thức” làm hạt nhân. Các tiêu chí của nền kinh tế tri thức bao gồm: • Cơ cấu GDP: Hơn70% do các nghành sản xuất và dịch vụ ứng dụng công nghệ cao. • Cơ cấu giá trị gia tăng: Hơn 70% do lao động trí óc mang lại. • Cơ cấu lao động: Hơn 70 % là “công nhân tri thức”. • Cơ cấu tư bản: Hơn 70 % là Tư bản con người. Tuy hiện nay Việt Nam chưa xây dựng một chiến lược phát triển kinh tế tri thức,
  5. giống như một số nước khác trong khu vực và trên thế giới, song một số văn bản chính thức của đảng và Nhà nước ta đã khẳng định công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá nước ta rất coi trọng vận dụng các yếu tố của kinh tế tri thức. Trong hoàn cảnh hội nhập quốc tế và đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, việc phát triển một đội ngũ trí thức làm cơ sở cho việc dịch chuyển sang nền kinh tế tri thức là một việc quan trọng và cấp bách. Điều này cũng thể hiện rất rõ trong chính sách của Đảng ta trong giai đoạn hiện nay. Hội nghị trung ương lần thứ 7 BCH khóa X của Đảng ta cũng dành trọng tâm cho việc xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ hội nhập. Chúng ta cần tạo ra một môi trường môi trường kinh tế - xã hội tạo điều kiện thuận lợi nhất cho sự sản sinh, phổ biến và sử dụng tri thức. Trong nền kinh tế tri thức, việc chuyển biến tri thức thành sức mạnh sản xuất đạt tới trình độ cao. Do vậy, tri thức trở thành yếu tố sản xuất quan trọng nhất và đội ngũ trí thức ngày càng đóng vai trò quan trọng trong công cuộc xây dựng đất nước. TRÍ THỨC VÀ NHẬN DẠNG TRÍ THỨC Việc xây dựng tiêu chí để phân định và nhận dạng trí thức trong giai đoạn hiện nay phải dựa vào những khái niệm nền tảng như tri thức, quản trị tri thức, kinh tế tri thức. Việc định nghĩa và phân loại trí thức phụ thuộc rất nhiều vào mục đích phân loại để làm gì?”. Về phương diện chính trị, những người làm cách mạng cần định nghĩa và phân loại để xây dựng liên minh giai cấp nhằm xây dựng các thể chế khác nhau. Theo cách đó họ quan niệm những người có học vấn, tư tưởng tiến bộ là trí thức. Nhưng trên phương diện sản xuất kinh doanh, trí thức là những người nào có khả năng tiếp nhận, nắm giữ, sáng tạo và ứng dụng tri thức để tạo ra sản phẩm trí tuệ hay sản phẩm vật chất cụ thể cho xã hội. Ví dụ: Công ty Tâm Việt làm đào tạo và tư vấn, có những em sinh viên năm thứ nhất đã giảng dạy được và tạo ra dịch vụ cho xã hội, thu nhập cho công ty thì là trí thức chứ không nhất thiết em đó phải tốt nghiệp đại học hay cao đẳng. Theo quan niệm của chúng ta từ trước tới nay, những người tốt nghiệp đại học hoặc cao đẳng mới là trí thức và chính vì quan niệm này nên chúng ta tạo nên một trào lưu học để lấy bằng cấp. Muốn trở thành trí thức thì chúng ta phải cố để lấy một cái bằng đại học dù là chính quy, tại chức hay bằng II... Điều này tạo ra những con người có kinh nghiệm đi thi nhưng lại thiếu tri thức và kỹ năng để làm việc. Họ có kỹ năng giỏi nhất là kỹ năng thi nhưng làm việc thì lại không thể. Một thực tế rất buồn trong giới sử dụng lao động. Họ thử việc nhiều sinh viên xuất sắc, thậm chí là thủ khoa các trường đại học nhưng cuối cùng đành phải ngậm ngùi chia tay vì các em có nhiều thông tin nhưng lại thiếu tri thức và kỹ năng để làm việc cụ thể. Được hỏi cái gì cũng biết nhưng giao việc cụ thể thì lại không làm được. Dù đất nước chúng ta đi xuống, đi ngang hay đi lên, dù kinh tế đất nước suy thoái hay phát triển... thì trong tất cả những giai đoạn ấy đều cần những người làm được việc. Những người không làm được việc thì chẳng có lý do gì tồn tại cả. Đó là một triết lý đơn giản của những người làm sản xuất kinh doanh.
  6. Nếu chúng ta quan niệm và phân loại trí thức theo bằng cấp thì không hợp lý. Hiện nay có nhiều người không bằng cấp gì nhưng lại làm những việc phi thường và tạo ra những kết quả phi thường. Chúng ta có thế lấy một vài ví dụ: Em Trương Ngọc Đại 13 tuổi học sinh lớp 8A trường THCS Ngô Gia Tự, Hà Nội, đã làm ra phần mềm "An toàn khi tham gia giao thông" là cá nhân duy nhất lọt vào vòng chung khảo cuộc thi Trí tuệ Việt Nam 2007. Em đã viết 4 phần mềm, có hơn 40 bằng khen, giấy khen. Vậy thì em Đại có phải là trí thức hay không? Nếu không phải là trí thức thì làm sao em ấy có thể tạo ra được phầm mềm mà các kỹ sư phầm mềm không tạo ra được? Nhưng nếu xét theo bằng cấp thì rõ ràng em ấy mới chỉ học lớp 8 làm gì có bằng đại học, cao đẳng hay tiến sĩ! Như vậy chúng ta còn có tiêu chí thứ hai, đó là tiêu chí về kỹ năng làm việc. Có những người là thạc sĩ, tiến sĩ, kỹ sư.... được đào tạo rất bài bản, học từ nước ngoài về, nhưng lại không vận hành nổi máy móc, không tạo được sản phẩm trí tuệ hay sản phẩm vật chất phục vụ xã hội. Còn có những người, đặc biệt là các anh chị trong giới doanh nhân, nông dân, công nhân, họ không được học hành chính quy, không bằng cấp nhưng họ là những tấm gương đáng để chúng ta ngưỡng mộ. Ví dụ: anh Vũ Văn Tuyến – Giám đốc công ty Vận tải Hoàng Long. Anh xuất thân là một người thợ sửa chữa ôtô không có điều kiện học hành. Nhưng tôi đảm bảo rằng những hiểu biết về ô tô của anh bây giờ có thể hơn bất cứ một sinh viên nào được đào tạo về ôtô tại các trường đại học. Hiện nay anh đang làm chủ một thương hiệu vận tải nổi tiếng là Hoàng Long. Một ví dụ nữa là: Tâm Việt Group có một công ty thành viên tại Thái Nguyên có một giám đốc điều hành rất trẻ, em Đoàn Quang Cường sinh năm 1987 và đang là sinh viên năm thứ 2 ĐH Kinh tế Thái Nguyên. Thực tế chứng minh là em có khả năng và làm được và làm rất tốt. Nếu xét về bằng cấp thì rõ ràng em Cường đang năm thứ 2 thì trình độ chưa đạt mức cao đẳng và cũng chưa tốt nghiệp đại học nhưng xét về công việc thì thực sự em đang làm một công việc mà nhiều người có bằng cấp không làm nổi. Người nông dân cũng có thể làm những công việc yêu cầu hàm lương tri thức cao và họ cũng cần phải học hỏi rất nhiều. Vậy vấn đề đặt ra là những tri thức phục vụ trong cuộc sống, trong kinh doanh, nằm trong đầu mỗi con người... được đo lường như thế nào và nên chăng chúng ta có thể định nghĩa và phân loại trí thức dựa trên kỹ năng và khả năng sáng tạo và sử dụng tri thức đó không. Như vậy: Trí thức là một bộ phận tinh hoa của tất cả các giai tầng xã hội (có thể là doanh nhân, có thể là nông dân, có thể là công nhân...) có khả năng chia sẻ, thu nhận, lưu giữ, lựa chọn, sáng tạo tri thức để đóng góp vào quá trình tạo ra của cải cho xã hội. Để phân định và nhận dạng trí thức, chúng ta dùng tiêu chí phân loại là khả năng nắm giữ tri thức và vận dụng tri thức vào công việc của anh ta để sản xuất ra những sản phẩm cụ thể.
  7. QUẢN TRỊ TRI THỨC VÀ GIẢI PHÁP XÂY DỰNG ĐỘI NGŨ TRÍ THỨC Theo quan điểm định nghĩa và phân loại trí thức như trên thì việc việc đánh giá phụ thuộc rất nhiều vào kết quả của việc sử dụng tri thức để tạo ra cái gì. Trước đây chúng ta coi trọng kết quả tạo ra là sản phẩm trí tuệ. Và chúng ta coi những người làm ra sản phẩm trí tuệ thì mới gọi là trí thức. Như vậy vô hình chung chúng ta coi những người làm công tác khoa học mới là trí thức. Thực tế trong sản xuất kinh doanh hiện nay thì có những sản phẩm có hàm lượng tri thức rất cao, và chúng ta cũng đang bàn nhiều về kinh tế tri thức. Mà kinh tế tri thức lại được đánh giá bằng hàm lượng tri thức đóng góp trong GDP. Như vậy để xây dựng và phát triển đội ngũ tri thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế liên quan rất nhiều đến môi trường để trí thức phát huy sức mạnh của mình. Chúng tôi xin đề xuất 2 giải pháp: Giải pháp thứ nhất: Chính sách sử dụng trí thức Chúng ta có nhiều người tài, người giỏi nhưng không sử dụng, dẫn đến một thực tế là chúng ta trải thảm đỏ mời họ nhưng lại không có chính sách sử dụng hợp lý nên họ lại ra đi. Chúng ta có các chính sách thu hút đầu vào nhưng lại thiếu những cơ chế và cá nhân đủ mạnh để duy trì liên tục. Trong các cơ quan và doanh nghiệp Nhà nước con đường thăng tiến vẫn bị chi phối quá nhiều bởi yếu tố quan hệ, thâm niên công tác mà ít dựa vào tài năng và đóng góp thực sự. Nhiều trí thức rơi vào tình trạng “ngồi chơi xơi nước”, “dao sắc thời gian, cắt gọt tâm hồn”. Nhiều người đầy kỹ năng, đầy nhiệt huyết nhưng không có cơ chế để họ phát huy. Thù lao cũng là điều rất quan trọng cần xem xét. Trước đây văn hóa Đảng ta xây dựng nên là “cống hiến, hi sinh”, chúng ta huy động cả đất nước lao ra mặt trận, mỗi người làm việc gấp 2 gấp 3. Nhưng bây giờ thế giới thay đổi, thời kỳ chiến tranh không còn mà thay vào đó là thời kỳ xây dựng đất nước. Chính vì vậy văn hóa cũng phải thay đổi cho phù hợp. Người ta không thể cống hiến hết mình trong khi bụng đói, nhu cầu cơ bản không được đảm bảo. Người ta không thể chuyên tâm nếu như lương không đủ trang trải cho cuộc sống hàng ngày của họ. Chúng ta cần xây dựng lại chính sách thu hút, sử dụng, đánh giá và đãi ngộ trí thức theo hướng thực tế hơn và biến nó thành hiện thực chứ không chỉ nằm trên giấy tờ. Giải pháp thứ hai: Triển khai chương trình quốc gia về quản trị tri thức Để trí thức phát huy sức mạnh và vai trò của mình thì cần có môi trường. Quản trị tri thức là một lĩnh vực mà thế giới đã nhắc đến cách đây chục năm nhưng lại là một lĩnh vực còn mới mẻ đối với Việt Nam. Khi bắt tay vào nghiên cứu thì chúng ta chỉ có thể học được từ nước ngoài như ở Malaysia và Mỹ... Nếu tìm khắp Việt Nam thì sẽ tìm ra được một người nghiên cứu về Quản trị tri thức là GS Hồ Tú Bảo nhưng ông lại đang dạy ở một trường đại học ở Tokyo. Như vậy chúng ta vẫn chưa thực sự tiếp cận và quan tâm đúng mức đến việc nghiên cứu,
  8. phát triển và ứng dụng quản trị tri thức vào cuộc sống. Quản trị tri thức giúp chúng ta chia sẻ, đánh giá, lưu giữ, sáng tạo và phát triển tri thức. Nó tạo ra môi trường để bẩt cứ cá nhân nào cũng có thể tiếp nhận, nắm giữ, chia sẻ, sáng tạo và ứng dụng tri thức để chúng ta trở thành những con người trí thức có thể vận hành công việc ở các vị trí cụ thể. Quản trị tri thức cũng giúp các doanh nghiệp không còn đau đầu về bài toán nhân sự như hiện nay và những vấn đề như một người nắm giữ nhiều tri thức của doanh nghiệp và khi đi thì doanh nghiệp rơi vào tình trạng điêu đứng. Hiện nay, các doanh nghiệp lại là người tiên phong nghiên cứu và ứng dụng quản trị tri thức chứ không phải là giới nghiên cứu và hoạch định chính sách. Công ty Tâm Việt đã tổ chức một hội thảo về Quản trị tri thức ngày 19-20.3 vừa qua. Hội thảo được rất nhiều doanh nghiệp quan tâm và có đồng chí Lê Bộ Lĩnh – Phó chủ tịch ủy ban khoa học và giáo dục của Quốc hội đã đến dự và phát biểu ý kiến. Ngoài ra Tâm Việt cùng đã phối hợp với giới truyền thông như Đài truyền hình kỹ thuật số VTC, Đài truyền hình Hà Nội HTV để giúp các doanh nghiệp thay đổi nhận thức và từng bước ứng dụng quản trị thi thức trong công việc sản xuất kinh doanh.. Để kinh tế có sự dịch chuyển thực sự sang nền kinh tế tri thức, để xây dựng được đội ngũ trí thức mạnh đáp ứng như cầu phát triển, chúng ta cần xây dựng và triển khai một chương trình quốc gia về Quản trị tri thức triển khai rộng rãi trong các cơ quan, doanh nghiệp. Có như vậy chúng ta mới thực sự tăng hàm lượng tri thức trong sản phẩm, dịch vụ, trong GDP. Chúng ta không phải xuất khẩu nguyên liệu thô nữa mà huy động được trí tuệ tập thể từ công nhân viên cho đến lãnh đạo. Để triển khai việc này, Đảng và Chính phủ phải có quan tâm đầu tư và giao cho các bộ, ngành, viện nghiên cứu để nghiên cứu về vấn đề này. Giao cho Hội các nhà Doanh nghiệp trẻ Việt Nam và Hội tri thức trẻ Việt Nam làm lực lượng nòng cốt để triển khai. Chỉ có giới trẻ mới là lực lượng tiên phong, dám nghĩ, dám làm thì chúng ta mới làm được. Nếu chúng ta cứ làm theo cách cũ thì chắc chắn chúng ta không nhận được kết quả như cũ vì thế giới thay đổi quá nhanh nên bắt buộc chúng ta thay đổi tư duy và thay đổi cách làm. KẾT LUẬN Như vậy, trí thức là một bộ phận tinh hoa của tất cả các giai tầng xã hội (có thể là doanh nhân, có thể là nông dân, có thể là công nhân...) có khả năng chia sẻ, thu nhận, lưu giữ, lựa chọn, sáng tạo tri thức để đóng góp vào quá trình tạo ra của cải cho xã hội. Để “xây dựng đội ngũ trí thức trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế”, chúng ta phải thức hiện đồng bộ các giải pháp trong đó ưu tiên hàng đầu là: Thứ nhất, chúng ta cần xây dựng lại chính sách thu hút, sử dụng, đánh giá và đãi ngộ trí thức theo hướng thực tế hơn và biến nó thành hiện thực chứ không chỉ nằm trên giấy tờ.
  9. Thứ hai, xây dựng và triển khai một chương trình quốc gia về Quản trị tri thức triển khai rộng rãi trong các cơ quan, doanh nghiệp. Chỉ có như vậy chúng ta mới có thể huy động được sức mạnh và phát huy vai trò đội ngũ trí thứ đáp ứng nhu cầu giai đoạn mới, giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế. Nguồn: Tâm Việt Group
nguon tai.lieu . vn