Xem mẫu

  1. Phụ nữ tự sát – lỗi tại tiểu thuyết? Một góc nhìn về phụ nữ với văn chương – xã hội Việt Nam đầu thế kỷ XX (Lược trích)
  2. Tự sát là một trong những "vấn nạn" của phụ nữ ở Việt Nam những năm cuối thập niên 1920. Đáng chú ý là xã hội lại quy tội nguyên nhân của vấn nạn này cho tiểu thuyết. Trong bản in năm 1932 của bản dịch quốc ngữ truyện Tuyết hồng lệ sử có một bài tựa của nhà in Nam Ký, cho thấy công luận xã hội đã nối kết tiểu thuyết "ngôn tình" với "phong trào tự tử" trong quan hệ nhân quả như thế nào: "Gần đây trong nước ta nhân có phong trào tự tử của các cô “gái mới”, vài nhà “văn sĩ” bèn thừa dịp làm án mấy bộ tiểu thuyết ngôn tình, qui tội cho các nhà viết tiểu thuyết ấy, cho rằng các cô gái chán đời phần nhiều là bởi nhiễm phải cái độc trong những tiểu thuyết kia. Tuyết hồng lệ sử cũng bị liệt vào hạng sách bị kết án nói trên"(1). Ba thập niên đầu thế kỷ XX là một giai đoạn chuyển tiếp trong lịch sử văn học Việt Nam từ cận đại sang hiện đại. Giai đoạn này đã chứng kiến không chỉ sự phát triển của tiểu thuyết Việt Nam qua giao thoa - tiếp xúc với văn chương thế giới (đặc biệt là Pháp và Trung Quốc), mà còn thấy được sự hình thành của một cộng đồng độc giả nữ đối với tiểu thuyết. Hồi ứng của bạn đọc nữ thời ấy đối với tiểu thuyết Việt Nam và nước ngoài (trực tiếp với nguyên tác và thông qua bản dịch tiếng Việt) có thể được tìm hiểu qua nhiều kênh thông tin khác nhau. Trong điều kiện khiếm khuyết những điều tra thống kê cụ thể, bài viết sử dụng báo chí đương thời để kiểm nghiệm mối liên hệ giữa ảnh hưởng của tiểu thuyết ái tình (đặc biệt qua trường hợp Tuyết hồng lệ sử của Từ Chẩm Á) và việc phụ nữ tự sát. Từ Chẩm Á (1889-1937) và văn phái Uyên hồ Từ Chẩm Á người Thường Thục (tỉnh Giang Tô), tên gốc là Giác, viết với nhiều bút danh, như Từ Từ, My Tử, Khấp Châu Sinh, Đông Hải Tam Lang, Đông Hải Giao Nhân... hay Thanh Lăng Nhất Điệp. Năm 1914, sau khi tốt nghiệp trường Sư phạm Ngu Nam ở Thường Thục, Từ Chẩm Á dạy tiểu học ngay tại quê nhà. Từ năm 1909-1911, ông dạy trường tiểu học Hồng Tây ở Vô Tích dưới chân núi Hồng, tá túc gần nhà thư pháp gia nổi danh Thái Ấm Đình, nhân đấy nhận làm gia sư cho gia đình này. Nhà họ Thái có người con dâu goá tên Trần Bội Phân, vốn giòng thư hương. Nàng Bội Phân có cậu con trai 8 tuổi là Mộng Tăng, theo học với thầy Từ Chẩm Á và Bội Phân trước vì yêu tài, mến đức mà sau tình cảm càng trở nên nồng thắm, thường ngầm trao đổi thư tín, thi từ qua lại qua trung gian cậu
  3. bé Mộng Tăng. Vì lễ giáo đương thời, vì danh tiết của nàng và cũng vì tương lai của Mộng Tăng, Chẩm Á và Bội Phân đã không thể theo gương chàng Tư Mã Tương Như và nàng Trác Văn Quân khi xưa mà cùng nhau bỏ trốn. Trong hoàn cảnh nan giải ấy, để báo đáp tình yêu của chàng, Bội Phân nghĩ đến cách "tháp cành, ghép hoa" để Chẩm Á kết hôn với em chồng mình là Thái Nhị Châu. Dẫu thế, sau khi thành thân với Nhị Châu và lên Thượng Hải làm báo, Chẩm Á vẫn không quên được Bội Phân mà còn treo cả một bức ảnh lớn của nàng trong phòng làm việc ở thư cục. Mối tình này được Từ viết lại thành tiểu thuyết Ngọc lê hồn, đăng nhiều kỳ trên phụ san của Dân quyền báo. Theo hồi ức của Trịnh Dật Mai, cùng đăng chung với Ngọc lê hồn là tiểu thuyết Nghiệt oan kính của Ngô Song Nhiệt (1884-1934), chiếm lĩnh phần lớn phụ san: cả hai bộ tiểu thuyết này đều kết hợp biền văn với tản văn, tựa như cùng nhau tung hứng trên hý đài, nhân đấy mà được xưng tụng là uyên ương hồ điệp phái(2). Tiểu thuyết Ngọc lê hồn cùng với hậu thân của nó, Tuyết hồng lệ sử, là hiện tượng đặc biệt trong lịch sử văn học Trung Quốc hiện đại. Tuy chưa có thống kê đầy đủ, kể từ khi xuất bản thành sách năm 1912 cho đến nay, hai bộ tiểu thuyết này đã được tái bản đến vài chục lần, nâng tổng số bản in của nó trong khu vực Hoa ngữ ước tính tổng cộng lên đến hơn triệu bản, một số lượng tiêu thụ khổng lồ chưa từng có trong lịch sử văn học cận - hiện đại Trung Quốc. Ngay sau khi ra đời, bộ tiểu thuyết này đã được "Thượng Hải dân hưng xã" biên diễn thành kịch nói, và được "Minh tinh ảnh phiến công ty" cải biên thành tác phẩm điện ảnh năm 1924(3). Ngọc lê hồn kể chuyện chàng thanh niên trí thức tài hoa Hà Mộng Hà do gia cảnh khó khăn nhận lời mời . Cũng nhân dịp này, Mộng Hà đồng ý dạy giúp của bạn về dạy ở trường tiểu học Thạch Hồ cho cậu bé Bằng Lang,cháu nội của một người họ hàng xa. Bằng Lang sớm mồ côi cha, ở với ông nội và người mẹ goá trẻ 27 tuổi là Lê Nương. Tìnhthầy-trò khăng khít giữa Mộng Hà và Bằng Lang khiến Lê Nương vô cùng cảm kích. Một hôm, Lê Nương đang ngoạn cảnh trong vườn thì bắt gặp "Lê hoa hương trũng" (Mồ thơm hoa lê) do Mộng Hà vì thương hoa rụng mà đem chôn, đắp nên phần mộ. Lê Nương trông mộ hoa mà thương phận mình, nhân đấy lại càng cảm thông Mộng Hà. Thông qua trung gian bé Bằng Lang, Mộng Hà và Lê Nương trao đổi thư từ, rồi phát sinh yêu thương. Không muốn vượt phạm lễ giáo "quả phụ thủ tiết", Lê Nương bộc bạch ưu tư của nàng với Mộng Hà, ngỏ ý không muốn mối tình của hai người ảnh hưởng đến tương lai của chàng. Để trả lời nàng, Mộng Hà thề sẽ không kết hôn với ai cho đến trọn đời. Cả hai con người quyết liệt trong tình trường này đều ngã bệnh trước những quyết định của người
  4. mình yêu. Thế nhưng sau đó Mộng Hà nhượng bộ, chiều theo ý Lê Nương mà kết hôn với Quân Thiến, em chồng của Lê Nương, một cô học sinh trường nữ học đã "được kết giao cùng các hiền nữ sĩ bốnphương, tầm mắt được mở rộng, học thuật nhân đó mà tấn tới"(4). Mộng Hà miễn cưỡng kết hôn với Quân Thiến nhưng vẫn thầm yêu Lê Nương. Tuy chấp nhận lời khuyên nhủ của chị dâu mà kết hôn với Mộng Hà, Quân Thiến hoàn toàn không biết gì về mối tình thầm vụng giữa hai người. Để giải phóng Mộng Hà khỏi những mối dây ràng buộc với mình, Lê Nương gửi trả lại chàng tập "Hồng lâu ảnh sự thi" chàng viết và trao nàng khi trước, cùng với một mớ tóc mây gói trong tấm khăn đầy ngấn nước mắt của nàng, làm dấu cho sự đoạn tình. Mộng Hà cắn đầu ngón tay lấy máu viết thư phản đối quyết định của Lê Nương. Nhận được bức huyết thư, Lê Nương quyết định phải chết để Mộng Hà quên hẳn nàng và dành tình cảm cho Quân Thiến. Nhân khi Mộng Hà về thăm nhà, Lê Nương nằm liệt giường, và mặc cho Quân Thiến hết lòng chăm sóc, nàng từ chối thang thuốc mà chết. Nhân đọc được bức di thư của Lê Nương mà Quân Thiến biết được mối tình của hai người. Quân Thiến bị chấn động mạnh, ngã bệnh, rồi cũng chọn cái chết như chị dâu. Theo như ước nguyện của Lê Nương, Mộng Hà sang Nhật lưu học để về phục vụ đất nước. Khi khởi nghĩa Vũ Xương nổ ra(5), Mộng Hà ném bút, tòng quân, xông pha chiến địa, rồi tử trận với tập "Tuyết hồng lệ thảo" bao gồm thi từ xướng họa giữa chàng và Lê Nương luôn mang trong mình. Chi tiết tập thi từ ấy sau được Từ Chẩm Á phát triển lên thành tiểu thuyết viết theo thể nhật ký mang tên Tuyết hồng lệ sử, đi sâu hơn vào những góc kín trong tâm tư Mộng Hà - Lê Nương, và cũng như Ngọc lê hồn, đã lấy đi vô vàn nước mắt của bạn đọc. Trong bài tựa Tuyết hồng lệ sử, Từ từng viết: "Khi tôi viết bộ sách này... thực sự trong tâm trí không hề có hai chữ “tiểu thuyết”, vậy nên hết lòng mong bạn đọc chớ lấy nhãn quan tiểu thuyết mà nhìn nhận lầm sách của tôi". Khởi sự từ sau vận động Ngũ Tứ, tác phẩm của Từ Chẩm Á bị liệt vào loại văn chương uyên ương hồ điệp với hàm ý tiêu cực(6), bị xem là mắc chứng "vô bệnh thân ngâm" (không bệnh mà rên), và bị xếp vào hạng du hí tiêu khiển, đơn thuần "mua vui, giải trí," sướt mướt nhãn lệ, tị thế đầm đìa nước mắt, nước mũi(7). Nối theo Từ Chẩm Á, những nhà văn về sau đi sâu khai thác bi tình đẫm lệ khiến khía cạnh phê phán nội tại của nguyên ủy ngày càng mờ nhạt. Hậu quả là văn phái uyên hồ bị lên án là đại biểu cho thế lực phong kiến với ý thức thẩm mỹ đơn thuần là tiêu khiển, du hý. Trong một thời gian dài, giới nghiên cứu phê bình miệt thị, xem đó là văn học "nghịch lưu"
  5. thông tục cần phải phê phán, phủ định, thậm chí vứt bỏ như phế phẩm. Tất nhiên, cũng có những nhà phê bình công tâm (như Lỗ Tấn, Mao Thuẫn) nghiêm túc nhận định một cách khách quan phương diện "thú vị" của dòng văn học này trong bối cảnh thời đại của nó(8). Phải đến những năm 1980, cùng với những biến đổi chính trị - văn hóa - xã hội ở Trung Quốc, học giới mới khởi sự có một tác phẩm nghiên cứu văn phái này một cách toàn diện và hệ thống. Sau nhiều năm khảo cứu, Phạm Bá Quần nhận định rằng uyên ương hồ điệp là một lưu phái tiểu thuyết thông tục thừa tập truyền thống tiểu thuyết cổ đại Trung Quốc xuất hiện trong quá trình hưng kiến những đô thị lớn trong khoảng cuối Thanh - đầu Dân quốc. Đáng chú ý là Từ Chẩm Á và văn phái uyên hồ đã thu hút sự chú ý của một thế hệ nghiên cứu trẻ đầu thế kỷ XXI(9). Với nhãn quan mới, họ xem các nhà văn thuộc văn phái này là những người tiên phong (avant- garde) bị lãng quên"(10). Triệu Hiếu Tuyên chỉ ra tính phức tạp của văn phái uyên hồ, khởi sự từ định nghĩa, ấn phẩm (tạp chí, sách in), văn thể (ví như tản văn, tùy bút, nhật ký, thi từ, tiểu thuyết), ngữ ngôn (ví như biền văn, bạch thoại theo lối khẩu ngữ, hay bạch thoại chịu ảnh hưởng Âu Tây), cho đến nội dung đề tài mở rộng (ngôn tình, khoa huyễn, trinh thám, lịch sử, hoạt kê, hay võ hiệp)(11). Riêng đối với Ngọc lê hồn, các nghiên cứu cũng đồng thời chỉ ra những đặc điểm kế thừa và sáng tân của nó. Kế thừa văn học truyền thống, hòa phối tiểu thuyết cũ và mới và tạo ra đột phá văn chương, đây là bộ "kỳ tác" trường thiên tiểu thuyết biền văn thứ ba trong lịch sử tiểu thuyết Trung Quốc nhưng lại sử dụng thể nhật ký mô phỏngTrà hoa nữ với nhân vật kể chuyện xưng "tôi"(12). Các nghiên cứu này cũng đặt văn phái uyên hồ chung với văn học Ngũ Tứ vì cả hai đều là phương thức biểu ý của tính hiện đại, chỉ khác là văn học Ngũ Tứ tập trung vào trí thức, quyết liệt giải quyết xung đột tân-cựu, trong khi văn phái uyên hồ lại hướng về thị trường, thế tục, đi theo con đường tiệm tiến cải lương xã hội(13). Truyện như nhóm lên vài đóm lửa nhỏ vừa kịp phát sáng nhu cầu tự do hôn nhân - luyến ái thì đã vội tắt ngúm trước áp lực của đạo đức truyền thống(14). Mở rộng ra ngoài phạm vi văn học, các nghiên cứu cũng chú ý đến ảnh hưởng của Ngọc lê hồn nói riêng, và của văn phái uyên hồ nói chung đối với điện ảnh và truyền thông Trung Quốc buổi sơ khai(15). Như E. Perry Link, Jr. đã chỉ ra, xét trong bối cảnh quốc tế, tiểu thuyết uyên hồ có những khía cạnh lịch sử và đặc điểm văn chương tương đồng, tương cận với tiểu thuyết bình dân đô thị ở những nước diễn ra cách mạng công nghiệp. Trên toàn thế giới, sự ra đời của tiểu
  6. thuyết giải trí phong cách hiện đại (modern- style entertainment fiction) luôn đi kèm với chủ nghĩa công nghiệp như nó đã xảy trong những buổi đầu của nước Anh thế kỷ XVIII, rồi lan trải sang Tây Âu và châu Mỹ. Cùng với sự phát triển của công nghệ in ấn hiện đại khiến giá thành của sách giảm xuống đáng kể, tỷ lệ biết chữ của cư dân đô thị lại tăng cao nhiều lần so với trước đây, người đọc giờ đây mua sách về nhà đọc trong một không gian riêng tư với khuynh hướng hướng nội, thoát ly khỏi môi trường ngày càng phức tạp bên ngoài. Link nhận định, "Chức năng của tiểu thuyết uyên hồ như một niềm an ủi trong hoàn cảnh này là một khía cạnh tách biệt nó khỏi những tác phẩm có trước"(16). Tiểu thuyết Từ Chẩm Á ở Việt Nam Tiểu thuyết của Từ Chẩm Á được du nhập và dịch ra quốc ngữ ở Việt Nam khá sớm, trong thời kỳ văn quốc ngữ còn đang chập chững trau giồi, và chưa hoàn toàn thoát khỏi ảnh hưởng của Hán văn. Năm 1919 mới có bản dịch quốc ngữ đầu tiên cho một bộ tiểu thuyết đề tên Từ Chẩm Á. Những người cổ vũ cho tiểu thuyết ngôn tình đều cố gắng trình bày mặt sáng của nó. Họ lấy mối bi tình trong tiểu thuyết làm tấm gương răn đe, nhằm đánh thức những mảnh hồn đang mê đắm ngụp lặn trong biển tình. Thế nhưng cũng có không ít người đọc học theo tiểu thuyết, trốn đời mà mê mải sống chết với những nhân vật trong truyện. Đó chính là góc tối, là khía cạnh "tiêu cực" thường bị phê phán của loại tiểu thuyết này. Hai cách nhìn gần như đối lập ấy (một ủng hộ, một lên án) đã trở nên phổ biến ở Trung Quốc và sẽ tiếp tục đồng hiện trong những năm 1920 và 1930 ở Việt Nam, mỗi khi công chúng đối mặt và phân tích ảnh hưởng của những bộ tiểu thuyết ngôn tình. Tiểu thuyết biền văn tràn ngập thi từ của Chẩm Á là bữa tiệc cao sang cho khách văn chương có khả năng đọc trực tiếp nguyên tác, nhưng là thử thách lớn với văn tài người dịch trong việc chuyển tải cả phần hồn (tinh thần, ý tưởng) và phần xác (hình thức, nghệ thuật ngôn từ) của tác phẩm sang một ngôn ngữ khác. Những dịch giả sinh vào nửa sau thế kỷ XIX trên đây là người đương thời với Từ Chẩm Á, trưởng thành trong những hoàn cảnh lịch sử, xã hội tương cận với nhà tiểu thuyết uyên hồ này, và cũng như Chẩm Á, họ đều có những đóng góp nhất định trong lĩnh vực báo chí. Một số người dịch khác trẻ hơn, như Trúc Khê Ngô Văn Triện (1901-1947)(17),
  7. Nhượng Tống (1904-1949)(18), Nguyễn Khắc Hanh (1893-1966)(19), đều ít nhiều có khả năng tham khảo thêm sách báo Pháp văn, có tinh thần dấn thân cách mạng, và từng bị giam cầm trong nhà tù thực dân Pháp. Xét về mặt phiên dịch văn chương, họ thuộc về lớp dịch giả của làn sóng phiên dịch tiểu thuyết Trung Quốc đợt 2 lan rộng chủ yếu ở Hà Nội từ sau khi chế độ khoa cử Hán văn bị bãi bỏ hoàn toàn trong cả nước (1919). Các dịch giả, hoặc là các văn sĩ Hán học có chính kiến, xuất thân danh gia, hay là những thanh niên giàu lý tưởng, thụ hưởng cả tinh thần Hán-Pháp dịch Từ Chẩm Á sang tiếng Việt không hẳn chỉ vì động cơ thương mại, hay vì vô công, túng quẫn. Xung đột cũ - mới của các trào lưu tư tưởng, đạo đức Đông - Tây có mặt trong tiểu thuyết của ông cũng rất gần với những vấn đề của xã hội Việt Nam đương thời. Nói cách khác, những người dịch Chẩm Á có thể đã cảm thông với những vấn đề xã hội được đề cập trong tác phẩm của ông đồng thời với cảm thụ văn chương tài hoa của họ Từ, vì thế họ đã ra sức chuyển tải những điều tâm đắc, tạo ra hiệu ứng xã hội và khoái cảm thẩm mỹ đối với người đọc. Tám năm sau khi bản dịch quốc ngữ Tuyết hồng lệ sử ra mắt bạn đọc trên tạp chí Nam phong, năm 1932, trong bài Lược-khảo về sự tiến-hóa của quốc-văn trong lối viết tiểu-thuyết, Trúc Hà có nhận định về bản dịch và bản thân bộ tiểu thuyết ấy như sau: “Kể trong các tiểu-thuyết dịch của Tàu, quyển Tuyết-hồng lệ-sử của ông Đoàn Tư-Thuật là đặc sắc lắm. (...) [Q]uyển Tuyết- hồng đã trải qua nhiều lần công-kích bởi là một thứ ngôn-tình tiểu-thuyết. (...) Tuy đắm đuối trong biển tình, nhưng vẫn giữ tấm lòng sương-tuyết (...) thì dẫu chẳng là cái gương tốt cho đời cũng không đến là cái thói xấu. Huống-chi, khối tình người ta vẫn có nhiều vẻ ly-kỳ u- uẩn, không thể vạch một đường thẳng buộc ai nấy cùng bước theo một lối. Quyển Tuyết- hồng sở dĩ bị công-kích là bởi lời văn hay, khiến cho người xem đọc dễ say-sưa mê-mẩn, mà về sau các nhà dịch truyện tàu xem chừng ảnh hưởng ở đấy rất nhiều”(20).
nguon tai.lieu . vn