Xem mẫu

PHÁT TRIỂN CƠ SỞ HẠ TẦNG TẠI VIỆT NAM
VÀ NHỮNG KHÓ KHĂN THÁCH THỨC ĐẶT RA
Vụ Kết cấu hạ tầng và đô thị
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

1. Sự phát triển của cơ sở hạ tầng ở nước ta trong thời gian
vừa qua
Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã dành sự
quan tâm lớn đến đầu tư phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng (CSHT) kinh
tế - xã hội. Nguồn lực đầu tư phát triển CSHT ngày càng lớn và đa dạng.
Trong mười năm qua, tỷ lệ vốn đầu tư phát triển CSHT chiếm khoảng
24,5% tổng đầu tư xã hội, bằng khoảng 9% GDP, trong đó vốn đầu tư
từ ngân sách nhà nước và có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước chiếm
65%. Cơ cấu nguồn vốn ngày càng đa dạng, ngoài nguồn lực nhà nước,
đã và đang mở rộng sự tham gia của toàn xã hội, đặt biệt là sự tham gia
đóng góp tự nguyện của nhân dân với nhiều hình thức đa dạng trong
phát triển hạ tầng nông thôn. Nhiều hình thức đầu tư phát triển CSHT
cùng các mô hình, phương thức đầu tư, kinh doanh các dịch vụ hạ tầng
được đa dạng hóa, mở rộng, các doanh nghiệp đầu tư vào các dự án giao
thông theo hình thức BOT, BTO và BT ngày càng nhiều. Nhờ có sự đầu
tư trên, hệ thống CSHT ở nước ta có bước phát triển mạnh cả về chiều
rộng và chiều sâu, cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước, góp
phần bảo đảm tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh, phát triển các lĩnh vực
văn hóa, xã hội, giảm nhẹ thiên tai và bảo đảm an ninh quốc phòng,
nâng cao đời sống nhân dân, rút ngắn khoảng cách giữa các vùng, miền.
Nhiều công trình hiện đại đã được đầu tư xây dựng đạt tiêu chuẩn quốc
tế, tạo diện mạo mới của đất nước trong quá trình công nghiệp hóa, hiện
đại hóa và hội nhập quốc tế. Năng lực công nghệ và chất lượng nguồn
nhân lực trên các lĩnh vực xây dựng, quản lý và vận hành kết cấu hạ
625

tầng được nâng lên. Sự phát triển của hệ thống CSHT được thể hiện trên
các mặt sau:
1.1 Hạ tầng giao thông
*) Về đường bộ
Trong giai đoạn 2000-2010, tổng chiều dài đường bộ tăng 39.300
km từ 217.100 km năm 2000 lên 256.500 vào năm 2020, trong đó,
đường cao tốc từ 24 km năm 2000 tăng lên khoảng 150 km năm 2010,
quốc lộ tăng từ 15.500 km lên 17.000 km. Trong mười năm, đã phát
triển thêm 16.700 km đường xã và 12.400 km đường huyện, hơn 5.000
km đường tỉnh. Mạng lưới đường bộ đã được cải thiện rõ rệt, mật độ
đường bộ tăng lên đáng kể từ 0,66 km/km năm 2000 lên 0,77 km/km
vào năm 2010. Hàng loạt các công trình giao thông quy mô lớn, nhiều
tuyến đường trục giao thông chính yếu, nhiều cầu lớn đã và đang được
nâng cấp, xây dựng mới, bước đầu thiết lập được mạng lưới đường
huyết mạch tương đối đồng bộ, nâng cao đáng kể năng lực vận tải phục
vụ phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế và bảo đảm quốc phòng,
an ninh của đất nước.
*) Về đường sắt
Đã có bước cải thiện về chất lượng và tổ chức vận tải. Tổng chiều
dài đường sắt đạt 2.654 km gồm ba loại: đường khổ 1.000 mm chiếm
85%, đường khổ 1.435 mm chiếm 6% và đường lồng chiếm 9%. Một
số tuyến chính đã được cải tạo, nâng cấp, nâng cao an toàn và rút ngắn
thời gian chạy tàu (tuyến đường sắt Bắc - Nam đã rút ngắn từ 42 giờ
xuống còn 29 giờ).
*) Về cảng biển
Cả nước hiện có 49 cảng phân bố khắp chiều dài ven biển từ Bắc
vào Nam, trong đó có 17 cảng loại I, 23 cảng loại II, chín cảng loại III,
tổng cộng có 166 bến cảng các loại, khoảng 332 cầu bến với tổng chiều
dài 39.951 m. Hệ thống cảng biển với quy mô và loại hình khác nhau,
khai thác được lợi thế tự nhiên của quốc gia và các địa phương ven biển,
đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều cảng biển tổng hợp
như các cảng Cái Lân, Hải Phòng, Cửa Lò, Vũng Áng, Tiên Sa, Quy
626

Nhơn, Nha Trang, Sài Gòn, Cần Thơ từng bước được đầu tư, nâng cấp.
Đang xây dựng hai cảng cửa ngõ quốc tế là Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa
- Vũng Tàu) và Lạch Huyện (Hải Phòng). Tổng lượng hàng qua cảng
tăng nhanh từ 82,4 triệu tấn năm 2000 lên 254,9 triệu tấn năm 2010,
tăng bình quân 11,2%/năm.
*) Về hàng không
Cả nước hiện có 22 cảng hàng không đang hoạt động, trong đó có
tám cảng hàng không quốc tế. Nhiều cảng hàng không đã được chuyển
đổi mục đích từ phục vụ quân sự sang khai thác lưỡng dụng. Đã và đang
đầu tư cải tạo, nâng cấp các cảng hàng không Nội Bài, Tân Sơn Nhất,
Điện Biên Phủ, Cát Bi, Vinh, Đồng Hới, Phú Bài, Đà Nẵng, Chu Lai,
Phù Cát, Cam Ranh, Buôn Ma Thuột, Pleiku, Liên Khương, Cần Thơ và
Phú Quốc, đáp ứng nhu cầu vận chuyển hành khách và hàng hóa ngày
càng tăng.
*) Về đường thủy nội địa
Hiện nay, đã quản lý và khai thác được 15.436 km trên tổng chiều
dài sông, kênh có thể khai thác được là 41.900 km. Vận tải đường thủy
nội địa đã duy trì và giữ vững được thị phần ở mức 22% về hàng hóa và
17% về hành khách. Đã hoàn thành nâng cấp hai tuyến đường thuỷ phía
Nam (thành phố Hồ Chí Minh - Cà Mau, thành phố Hồ Chí Minh - Kiên
Lương); phát triển tuyến vận tải thủy phục vụ thủy điện Sơn La, tuyến
vận tải thủy Đồng Tháp Mười và tứ giác Long Xuyên; kênh Chợ Gạo;
các tuyến sông chính yếu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và Đồng
bằng sông Hồng...
*) Về giao thông nông thôn
Hệ thống đường giao thông nông thôn được chú trọng đầu tư
nâng cấp, là khâu đột phá trong xây dựng nông thôn mới. Đến đầu
năm 2010, cả nước có khoảng 272.900 km đường giao thông nông
thôn (gồm đường huyện, đường xã, đường thôn xóm, chưa tính đường
ra đồng ruộng) chiếm 82% tổng chiều dài mạng đường bộ, trong đó:
đường huyện 47.600 km, chiếm 14,30%; đường xã 148.300 km, chiếm
44,58%; đường thôn xóm khoảng 77.000 km, chiếm 23,16%. Tỷ lệ rải
627

mặt nhựa, bê - tông, xi - măng đạt 28,1% (tương đương 76.600 km, mục
tiêu đề ra đến hết năm 2010 là 30%).
1.2 Hạ tầng năng lượng
Hệ thống hạ tầng năng lượng đã được đầu tư phát triển nhanh, cơ
bản đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh năng
lượng quốc gia. Tiêu thụ năng lượng sơ cấp tăng từ 32 triệu tấn dầu quy
đổi vào năm 2000 lên khoảng 61 triệu tấn dầu quy đổi vào năm 2010.
Trong mười năm qua, đã đầu tư mới và đưa vào khai thác hơn
13.361 MW công suất nguồn điện, trong đó: thủy điện là 3.991 MW,
nhiệt điện là 4.723 MW, đưa tổng công suất lên 21.500 MW vào cuối
năm 2010, công suất khả dụng đạt 19.713 MW; đồng thời đầu tư và
đưa vào sử dụng khoảng 86.000 km đường dây truyền tải và 63.500
MVA công suất các trạm biến áp lưới truyền tải và phân phối trung cao
áp, đưa tổng công suất lên 21.500 MW, công suất khả dụng đạt 19.713
MW và tổng chiều dài lưới truyền tải và phân phối điện lên 377.000
km. Tổng lượng điện sản xuất tăng từ 26,6 tỷ kWh năm 2000 lên 100 tỷ
kWh năm 2010, tăng 3,76 lần, đáp ứng nhu cầu phụ tải điện tăng nhanh
với tốc độ bình quân 14,5%/năm.
Hệ thống năng lượng được phát triển theo hướng đa dạng hóa
nguồn cung cấp, từ chỗ phụ thuộc chủ yếu vào nguồn thủy năng, than
sang cơ cấu nguồn đa dạng gồm năng lượng than, dầu khí, thủy năng
và các dạng năng lượng khác. Tỷ trọng năng lượng tái tạo đã được
khuyến khích phát triển, chiếm 3% vào năm 2010. Các nguồn năng
lượng sơ cấp đã và đang được thăm dò, nâng cao trữ lượng xác minh
nhằm bảo đảm yêu cầu phát triển. Việc đầu tư các công trình khai thác,
vận chuyển và chế biến dầu khí đã làm giảm đáng kể sự phụ thuộc vào
năng lượng nhập khẩu và đẩy nhanh quá trình đa dạng hóa các nguồn
cung cấp năng lượng.
Hệ thống khai thác, chế biến vận chuyển và phân phối khí có hai
mạng đường ống vận chuyển khí tự nhiên và đồng hành từ các mỏ khí
khu vực Nam Côn Sơn, Bạch Hổ (Bà Rịa - Vũng Tàu) và ở vùng biển
Tây Nam (Cà Mau), cung cấp khí đốt cho các cơ sở sản xuất, chế biến
628

khí, các cơ sở nhiệt điện khí, các nhu cầu phát triển công nghiệp và đáp
ứng một phần khí đốt cho dân dụng.
1.3. Hạ tầng thủy lợi
Tổng năng lực của các hệ thống hạ tầng thủy lợi đã bảo đảm tưới
trực tiếp 3,45 triệu ha đất canh tác, tạo nguồn cho 1,13 triệu ha, tưới tiêu
1,72 triệu ha, ngăn mặn cho 0,87 triệu ha và cải tạo chua phèn 1,6 triệu
ha; cấp nước cho sinh hoạt, công nghiệp và dịch vụ khoảng 5,5-6 tỷ m3/
năm. Các công trình thủy lợi đã góp phần cải tạo môi trường, phát triển
các vùng chuyên canh, phát triển nhanh và ổn định diện tích canh tác,
năng suất, sản lượng lúa... đồng thời tạo điều kiện phát triển bền vững
nuôi trồng thủy sản. Đến nay, cả nước đã có gần 100 hệ thống thủy lợi
vừa và lớn, trong đó có 1.967 hồ chứa có dung tích trên 0,2 triệu m3,
10.000 trạm bơm (công suất 24,8 triệu m3/h), 1.000 km kênh trục lớn,
5.000 cống tưới tiêu lớn và 23.000 km đê bao các loại.
Các hệ thống công trình phòng chống lũ và ứng phó với nước biển
dâng, hiện có: 5.700 km đê sông, 3.000 km đê biển, 23.000 km bờ bao
và hàng ngàn cống dưới đê, hàng trăm km kè và các hồ chứa lớn tham
gia chống lũ cho hạ du. Hệ thống đê biển ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ
có thể ngăn mặn và chịu được bão cấp 9 đồng thời với triều cường tần
suất 10%. Hệ thống đê Trung Bộ, bờ bao Đồng bằng sông Cửu Long
chống được lũ sớm và lũ tiểu mãn để bảo vệ sản xuất vụ Hè Thu và
Đông Xuân.
Đồng bằng sông Cửu Long có khoảng 7.000 km bờ bao chống lũ
bảo vệ cho vụ lúa Hè - Thu. Đang đầu tư củng cố, nâng cấp 450km đê
biển, 1.290 km đê sông và khoảng 7.000 km bờ bao ven các kênh rạch
nội đồng để ngăn mặn cho vùng ven biển. Có hơn 200 km đê bao giữ
nước chống cháy cho các khu rừng tràm tập trung.
Các công trình hồ chứa lớn và vừa ở thượng lưu đã từng bước
bảo đảm chống lũ cho công trình và tham gia cắt lũ cho hạ du. Các
công trình chống lũ ở Đồng bằng sông Hồng vẫn được duy tu, củng cố
thường xuyên bảo đảm chất lượng và an toàn trong hoạt động.
Cấp nước sinh hoạt và bảo vệ môi trường cho khu vực nông thôn
đã có bước tiến bộ. Tính đến cuối năm 2010 đã có 85% dân số nông
629

nguon tai.lieu . vn