Xem mẫu

  1. NỘI QUY LAO ĐỘNG - Căn cứ Bộ Luật Lao động ngày 23 tháng 6 năm 1994; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật Lao động ngày 02 tháng 4 năm 2002 và các văn bản dưới luật có liên quan; - Căn cứ tình hình hoạt động của Công ty Cổ phần XYZ; - Sau khi tham khảo ý kiến của Ban chấp hành Công đoàn Cơ sở Công ty; Nay ban hành Bản Nội quy lao động của Công ty Cổ phần XYZ bao gồm các Chương và Điều khoản sau đây : CHƯƠNG I : NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG Điều 1 : Bản Nội quy lao động này là những quy định nội bộ của Công ty đối với người lao động (dưới đây gọi tắt là CBNV) về việc tuân thủ thời giờ làm việc và nghỉ ngơi; trật tự trong Công ty; an toàn lao động và vệ sinh lao động nơi làm việc; bảo vệ tài sản, bí mật kinh doanh của Công ty; quy định các hành vi được xem là vi phạm kỹ luật lao động và hình thức xử lý kỹ luật lao động và trách nhiệm vật chất đối với CBNV Công ty. Điều 2 : Đối tượng áp dụng Bản Nội quy lao động này là các CBNV làm việc tại Công ty Cổ phần XYZ, bao gồm những người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ 12 tháng đến 36 tháng; hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng; kể cả những CBNV làm việc theo hợp đồng thử việc và những CBNV làm việc tại Công ty sau ngày Bản Nội quy lao động này được ký ban hành. CHƯƠNG II : QUY ĐỊNH VỀ THỜI GIAN LÀM VIỆC, THỜI GIỜ NGHỈ NGƠI Điều 3 : Thời giờ làm việc hàng ngày tại Công ty, từ Thứ hai đến Thứ bảy mỗi tuần được quy định như sau : * Buổi sáng : từ 7giờ30 đến 11giờ 30 * Buổi chiều : từ 13giờ30 đến 17giờ CBNV được nghỉ làm việc Chiều Thứ bảy hàng tuần. Thời giờ làm việc trên đây được áp dụng đối với các CBNV làm việc tại Văn phòng Công ty. Thời giờ làm việc của những CBNV mà giờ giấc làm việc không thể áp dụng theo giờ hành chánh sẽ có quy định riêng. Điều 4 : Những thời giờ sau đây được tính vào thời giờ làm việc có hưởng lương : * Thời giờ nghỉ mỗi ngày 60 phút đối với CBNV nữ nuôi con dưới 12 tháng tuổi; * Thời giờ nghỉ 30 phút/ngày đối với CBNV nữ trong thời gian hành kinh; * Thời giờ phải ngừng việc không do lỗi của CBNV Công ty; * Thời giờ hội họp, học tập do yêu cầu của Ban Giám đốc Công ty hoặc được Ban Giám đốc Công ty cho phép. Điều 5 : Trong những ngày làm việc, CBNV Công ty phải có mặt tại nơi làm việc đúng giờ quy định tại điều 3 trên đây. 1/10
  2. Nếu vì lý do đột xuất phải đến cơ quan trễ, cũng không được trễ quá 30 phút mỗi lần và số lần đi trễ không được quá 3 lần/tháng. Trưởng (hoặc Phụ trách) các Phòng, Trung tâm thuộc Công ty có trách nhiệm quản lý chặt chẻ việc chấp hành giờ giấc làm việc của các CBNV thuộc quyền; lập bảng chấm công và phân công người chấm công vào đầu mỗi buổi làm việc. Trưởng (hoặc Phụ trách) các Phòng, Trung tâm chịu trách nhiệm trước Ban Giám đốc Công ty nếu không thực hiện việc chấm công theo quy định trên đây, hoặc chấm công không đúng, hoặc có ý dung túng, bao che cho các CBNV thuộc quyền không chấp hành giờ giấc lao động. Các cán bộ quản lý của Công ty, từ cấp Tổ trưởng, Tổ phó trở lên phải gương mẫu trong việc chấp hành giờ giấc làm việc nêu trên. Điều 6 : Trong giờ làm việc, nếu CBNV nào có công tác cần ra khỏi Cơ quan, phải báo cáo cho cán bộ quản lý cấp trên trực tiếp về nội dung công tác, nơi đến và thời gian dự kiến hoàn tất công tác. Nếu rời khỏi cơ quan để giải quyết việc riêng, CBNV cũng phải báo cáo, xin phép cán bộ quản lý cấp trên trực tiếp. Điều 7 : Ngoài thời giờ làm việc được quy định trên đây, nếu do yêu cầu công tác, CBNV Công ty phải ở lại Cơ quan để tiếp tục giải quyết cho xong công việc, thì người này phải báo cáo cho cán bộ quản lý cấp trên trực tiếp về nội dung công việc và thời gian dự kiến hoàn tất; đồng thời phải thông báo cho nhân viên bảo vệ Cơ quan (thuộc ca trực có liên quan) biết về việc lưu lại cơ quan ngoài giờ làm việc này. Nhân viên bảo vệ có trách nhiệm ghi nhận vào sổ trực tên CBNV lưu lại cơ quan làm việc ngoài giờ và thời gian người này rời khỏi cơ quan. Cán bộ quản lý cấp trên trực tiếp của CBNV làm việc ngoài giờ có trách nhiệm chấm công làm thêm giờ của người này, cuối mỗi tháng tổng hợp và thông báo cho Phòng TCNS để giải quyết lương làm ngoài giờ cho CBNV này theo Thoả ước lao động tập thể đã được ký kết và theo quy định hiện hành của luật pháp. Trong mọi trường hợp, thời giờ làm thêm của CBNV Công ty cũng không được quá bốn (4) giờ trong một ngày, hai trăm (200) giờ trong một năm; trừ một số trường hợp đặc biệt được làm thêm không quá ba trăm (300) giờ trong một năm (các trường hợp đặc biệt này sẽ áp dụng theo quy định của Chính Phủ). Điều 8 : Hàng tuần, CBNV làm việc tại Công ty được nghỉ chiều Thứ bảy và trọn ngày Chủ nhật (36 giờ liên tục). Khi điều kiện cho phép, Ban Giám đốc Công ty có thể quyết định cho CBNV được nghỉ trọn ngày Thứ bảy hàng tuần. Điều 9 : CBNV Công ty được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương trong những ngày lễ được quy định tại điều 73 Bộ Luật Lao động (và những ngày lễ khác có thể được Nhà nước quy định sau này). Điều 10 : CBNV Công ty có 12 tháng làm việc tại Công ty thì được nghỉ hàng năm 12 ngày làm việc hưởng nguyên lương. Nếu chưa đủ 12 tháng thì ngày nghỉ hàng năm được tính tương ứng với số tháng làm việc trong năm. Số ngày nghỉ hàng năm của CBNV Công ty được tăng thêm theo thâm niên làm việc tại Công ty và tại các Cơ quan, doanh nghiệp nhà nước trước đây, cứ năm (5) làm việc liên tục tại các nơi này thì được nghỉ thêm một (1) ngày. 2/10
  3. CBNV, do thôi việc mà chưa nghỉ hàng năm hoặc chưa nghỉ hết những ngày nghỉ hàng năm thì được Công ty trả lương cho những ngày chưa nghỉ này. Điều 11 : CBNV Công ty được nghỉ về việc riêng mà vẫn hưởng nguyên lương trong những trường hợp sau đây : - Bản thân CBNV kết hôn : được nghỉ 3 ngày; - Con kết hôn : được nghỉ 01 ngày; - Bố mẹ (cả bên chồng và bên vợ) chết, vợ hoặc chồng chết, con chết : được nghỉ 3 ngày. Điều 12 : Trong một số trường hợp thật sự cần thiết, Ban Giám đốc Công ty có thể đồng ý cho một số CBNV được nghỉ không hưởng lương trong một thời gian được hai bên thoả thuận. Điều 13 : CBNV Công ty xin nghỉ phép hàng năm (một lần hay nhiều lần), xin nghỉ về việc riêng mà vẫn hưởng nguyên lương, xin nghỉ một thời gian không hưởng lương (nói chung nghỉ từ một ngày trở lên) thì phải làm đơn xin nghỉ gởi Ban Giám đốc Công ty ít nhất là ba (3) ngày trước khi xin nghỉ. Đơn xin phải được cán bộ quản lý cấp trên, trực tiếp xem xét, có ý kiến trước khi trình Ban Giám đốc Công ty quyết định. Nếu đồng ý cho CBNV này được nghỉ theo đơn xin, cán bộ quản lý cấp trên, trực tiếp của CBNV này phải bố trí người làm thay công việc của CBNV này trong thời gian đương sự nghỉ, đảm bảo không làm ảnh hưởng đến công việc chung của Công ty. Trong một số trường hợp thật sự cấp bách, CBNV Công ty có thể không phải tuân thủ thời gian báo trước và các thủ tục nêu trên, nhưng phải báo ngay cho cán bộ quản lý cấp trên, trực tiếp về việc xin nghỉ của mình để người này báo cáo Ban Giám đốc; và sau khi giải quyết xong việc riêng, CBNV này phải làm đơn xin phép chánh thức để hợp thức hoá về mặt thủ tục. Phòng TCNS của Công ty có trách nhiệm theo dõi chặt chẻ những ngày nghỉ nêu trên của CBNV Công ty để có ý kiến đề xuất với Ban Giám đốc về việc giải quyết các chế độ có liên quan đối với CBNV. CHƯƠNG III MỘT SỐ QUY ĐỊNH VỀ TRẬT TỰ TRONG CÔNG TY Điều 14 : Trong giờ làm việc, CBNV Công ty phải ngồi làm việc đúng chỗ đã được sắp xếp, hạn chế việc đi lại thường xuyên trong phòng làm việc nếu không có yêu cầu giải quyết công việc; trường hợp cần liên hệ công tác giữa các bộ phận công tác thì nên sử dụng điện thoại nội bộ hoặc đến liên hệ trực tiếp; không tùy tiện đến những nơi mà mình không có phận sự; không tự ý lục lọi, xem hồ sơ, tài liệu của những người khác, những bộ phận công tác khác; không tự ý sử dụng các phương tiện làm việc không thuộc quyền quản lý và sử dụng của mình. Điều 15 : Từng CBNV có trách nhiệm sắp xếp, lưu trữ hồ sơ, tài liệu thuộc phạm vi trách nhiệm của mình một cách khoa học và có hệ thống, đúng nơi quy định để có thể sử dụng cho công việc khi cần. Trên bàn làm việc của mỗi CBNV chỉ để những hồ sơ, tài liệu cần thiết cho công việc trong ngày, và phải sắp xếp có thứ tự. Cuối ngày làm việc, các hồ sơ, tài liệu này cũng phải 3/10
  4. cất vào nơi quy định, không được để trên bàn; những hồ sơ, tài liệu quan trọng phải được cất vào tủ có khoá. Điều 16 : Trong giờ làm việc, nghiêm cấm CBNV Công ty : a).- ăn quà bánh tại nơi làm việc; b).- tổ chức uống rượu, bia tại phòng làm việc; c).- hút thuốc lá trong phòng làm việc và phòng họp và những nơi có gắn bảng “cấm hút thuốc” (kể cả ngoài giờ làm việc). d).- làm việc riêng, tụ tập nói chuyện, đùa giỡn ồn ào, lớn tiếng trong phòng làm việc; đ).- sử dụng máy vi tính của Công ty để chơi trò chơi điện tử hoặc làm việc riêng (kể cả ngoài giờ làm việc); e).- phát ngôn bừa bãi, vô trách nhiệm, thiếu căn cứ, không đúng chỗ, nhằm gây mất đoàn kết nội bộ, làm phương hại đến sự ổn định và phát triển của Công ty. Nghiêm cấm nhân viên bảo vệ (ngày và đêm) tổ chức bài bạc, nhậu nhẹt trong khuôn viên Công ty, không được phép có mùi rượu, bia khi đang thừa hành nhiệm vụ; tuyệt đối không được sử dụng các dụng cụ điện để nấu nướng tại Công ty trong khi trực gác. Điều 17 : Việc tiếp khách đến quan hệ công tác tại Công ty được quy định như sau : a).- khách đến làm việc theo thơ mời của Công ty hoặc dự họp theo lịch công tác đã được sắp xếp : Ban Giám đốc hoặc người được Ban Giám đốc phân công sẽ tiếp và làm việc với khách tại phòng họp của Công ty; b).- khách riêng của Ban Giám đốc sẽ được tiếp tại phòng làm việc của các vị này (hoặc phòng họp của Công ty, nếu các vị này có yêu cầu); c).- khách đến quan hệ giao dịch với các bộ phận nghiệp vụ của Công ty : tùy yêu cầu công việc, CBNV có liên quan có thể tiếp khách tại bàn làm việc, tại phòng họp hoặc nơi dành riêng để tiếp khách của Công ty; d).- khách đến gặp CBNV của Công ty về việc riêng : CBNV có liên quan chỉ được tiếp khách tại nơi dành riêng để tiếp khách của Công ty. Điều 18 : Đối với các cuộc họp, các buổi làm việc có tánh chất nội bộ của Công ty hoặc giữa Công ty với khách, tổ chức tại Văn phòng Công ty, những người được mời họp hoặc được phân công dự họp hoặc làm việc phải có mặt tại phòng họp đúng thành phần và đúng giờ quy định. Trường hợp vắng mặt có lý do chánh đáng thì phải báo cáo trước cho người chủ trì cuộc họp hoặc buổi làm việc biết. Điều 19 : CBNV của Công ty chỉ được sử dụng điện thoại của Công ty để giao dịch, giải quyết các công việc chung của cơ quan. Người sử dụng điện thoại phải vắn tắt, tiết kiệm thời gian để không làm trở ngại cho việc thông tin, liên lạc chung trong nội bộ Công ty hoặc giữa Công ty với bên ngoài. Trong một số trường hợp thật sự cần thiết và cấp bách, CBNV Công ty có thể được phép sử dụng điện thoại để giải quyết việc riêng, nhưng phải hết sức ngắn gọn. CBNV Công ty, ngoại trừ Ban Giám đốc, nếu do yêu cầu công tác phải sử dụng điện thoại để giao dịch với khách hàng ở nước ngoài, thì phải trình xin ý kiến trước của Trưởng Phòng, Trung tâm hoặc thành viên Ban Giám đốc trực tiếp chỉ đạo. Trường hợp Trưởng Phòng, Trung tâm vắng mặt thì phải báo cáo xin ý kiến thành viên Ban Giám đốc trực tiếp chỉ đạo; nếu thành viên Ban Giám đốc trực tiếp chỉ đạo vắng mặt thì xin ý kiến của Ông Tổng Giám 4/10
  5. đốc. Trong một số trường hợp thật sự cần thiết và cấp bách phải giao dịch điện thoại với khách hàng nước ngoài, mà nếu không giao dịch ngay thì có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của Công ty, mà không có cấp Lãnh đạo nào để xin ý kiến, CBNV có liên quan được phép sử dụng điện thoại để liên lạc với khách, nhưng sau đó phải báo cáo ngay mục đích, nội dung giao dịch cho Trưởng Phòng, Trung tâm hoặc thành viên Ban Giám đốc trực tiếp chỉ đạo được biết. Điều 20 : CBNV đi làm việc bằng xe hai bánh phải để xe đúng nơi quy định dành cho CBNV. Trong khuôn viên Công ty, CBNV không được nổ máy xe hoặc rú ga tạo tiếng ồn quá lớn ảnh hưởng đến môi trường làm việc của Công ty. Xe hơi của Công ty, trong giờ làm việc hoặc ngoài giờ, phải để đúng nơi quy định. CBNV cần sử dụng xe của Công ty đi công tác (trong hoặc ngoài Thành phố) phải đăng ký tại Phòng HCQT để nơi này sắp xếp và bố trí xe cho hợp lý, phù hợp với quy định hiện hành của Công ty. Trường hợp không còn xe hơi để bố trí đi công tác theo yêu cầu, CBNV phải chủ động sử dụng xe hai bánh của mình để đi giải quyết công việc (nếu trong phạm vi nội thành) hoặc đề nghị Phòng HCQT thu xếp phương tiện khác (nếu đi công tác xa). Nhân viên bảo vệ có trách nhiệm hướng dẫn khách đến quan hệ giao dịch với Công ty để xe hai bánh hoặc đậu xe hơi đúng nơi quy định và phải bảo đảm an toàn tuyệt đối cho xe của khách. CHƯƠNG IV QUY ĐỊNH VỀ VIỆC TIẾP NHẬN, XỬ LÝ THÔNG TIN, CHỈ THỊ TRONG NỘI BỘ CÔNG TY Điều 21 : Toàn bộ công văn, tài liệu do các cơ quan, đơn vị hoặc khách hàng gởi đến Công ty phải được nhân viên văn thư (thuộc Phòng HCQT) đóng dấu công văn đến (ghi rõ ngày, giờ nhận), vào sổ công văn, chuyển ngay lập tức cho những người có trách nhiệm xử lý (nếu là công văn khẩn) hoặc chuyển cho những người này vào đầu hoặc cuối buổi làm việc mỗi ngày (nếu là công văn thường). Điều 22 : Trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Trưởng Phòng, Trung tâm hoặc thành viên Ban Giám đốc trực tiếp chỉ đạo (được truyền đạt bằng miệng hoặc được ghi trực tiếp trên các công văn, tài liệu này), CBNV được chỉ đạo phải thực hiện ngay lập tức (nếu là công việc khẩn) hoặc thực hiện ngay trong ngày (nếu là công việc bình thường) các phần việc có liên quan, kể cả việc soạn thảo văn bản giao dịch hoặc trả lời cho khách. Khi giải quyết xong phần việc được giao, CBNV này phải báo cáo kết quả cho người trực tiếp chỉ đạo. Điều 23 : Các văn bản, tài liệu do các cơ quan, đơn vị hoặc khách hàng gởi đến Công ty bằng fax hoặc thư điện tử (e-mail) phải được nhân viên phụ trách máy chuyển ngay cho những người có trách nhiệm (hoặc người có tên được ghi trên fax, thư điện tử) khi nhận được. CBNV được Trưởng Phòng, Trung tâm hoặc thành viên Ban Giám đốc trực tiếp chỉ đạo thực hiện phải tuân thủ những điều quy định như đã được ghi tại điều 22 trên đây. Máy fax của Công ty phải được đặt ở một vị trí riêng biệt. Chỉ có CBNV được phân công phụ trách máy fax mới được sử dụng máy. Những CBNV không có nhiệm vụ không được tùy tiện dến nơi đặt máy fax, không được sử dụng máy fax cũng như không được phép lục lọi hoặc xem các bản fax hoặc thư điện tử không thuộc trách nhiệm của mình. 5/10
  6. CHƯƠNG V MỘT SỐ QUY ĐỊNH VỀ AN TOÀN LAO ĐỘNG, VỆ SINH LAO ĐỘNG NƠI LÀM VIỆC Điều 24 : Máy móc, thiết bị sử dụng tại Văn phòng Công ty phải được lắp đặt đúng kỹ thuật, bố trí đúng chỗ, để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người sử dụng. CBNV được giao sử dụng thiết bị, máy móc phải vận hành theo đúng quy trình đã được hướng dẫn; nếu phát hiện thấy có những trục trặc hoặc có những hiện tượng bất thường không đảm bảo an toàn thì phải báo ngay cho Phòng HCQT (hoặc Tổ thông tin dữ liệu) để cho người sữa chữa kịp thời. CBNV Công ty phải tham gia đầy đủ các buổi huấn luyện, hướng dẫn về phòng cháy, chữa cháy và về các mặt an toàn kỹ thuật khác do Công ty hoặc các Cơ quan chức năng tổ chức. Nghiêm cấm việc sử dụng các dụng cụ nấu nướng bằng điện trong Công ty. Điều 25 : CBNV Công ty phải có ý thức và có trách nhiệm thực hiện tốt việc giữ gìn vệ sinh tại nơi làm việc cũng như tại các nơi khác trong khuôn viên Công ty, không khạc nhổ, xả rác bừa bãi hoặc có những hành vi khác gây mất vệ sinh, làm ảnh hưởng đến tính chất sạch, đẹp của Công ty. CHƯƠNG VI QUY ĐỊNH VỀ BẢO VỆ TÀI SẢN VÀ BÍ MẬT KINH DOANH CỦA CÔNG TY Điều 26 : Mọi CBNV Công ty phải có ý thức và có trách nhiệm bảo vệ tài sản của Công ty, ngăn chận và hạn chế tối đa các trường hợp hư hỏng, mất mát, thất thoát; đảm bảo các tài sản này được đưa vào phục vụ tốt nhất cho các mặt hoạt động của Công ty. Các CBNV có hành vi trộm cắp, hũy hoại, làm hư hỏng, mất mát tài sản của Công ty, tùy theo mức độ nặng, nhẹ, sẽ bị xử lý kỹ luật và phải bồi thường cho Công ty (như được quy định tại Chương VII Bản Nội quy này) Nghiêm cấm CBNV Công ty lợi dụng chức trách được giao để móc ngoặc với khách hàng, hoặc gây khó dễ cho khách hàng để đòi hỏi tiền bạc, làm mất uy tín của Công ty. Điều 27 : Mọi CBNV Công ty phải có ý thức và có trách nhiệm thực hành tiết kiệm khi sử dụng các phương tiện làm việc được Công ty giao, từ việc tiết kiệm văn phòng phẩm , tiết kiệm điện, nước, xăng xe và các chi phí phát sinh trong hoạt động hàng ngày của Công ty. CBNV được giao sử dụng các loại máy móc, thiết bị phục vụ cho công tác phải hiểu rõ và vận hành đúng quy trình kỹ thuật đã được hướng dẫn; phải thường xuyên bảo trì hoặc yêu cầu bảo trì các phương tiện làm việc này đảm bảo sử dụng được tốt và lâu dài; bảo quản an toàn tuyệt đối tài sản, tránh hư hỏng, mất mát. Điều 28 : Mọi CBNV Công ty phải tuân thủ nghiêm nhặt các quy định về phòng chống cháy nổ trong Công ty. 6/10
  7. Tại các phòng làm việc, mỗi bộ phận công tác phải có sổ phân công người chịu trách nhiệm tắt đèn, tắt máy móc và các dụng cụ sử dụng điện khác trước khi ra về vào cuối mỗi buổi làm việc (nhất là buổi chiều). Trong trường hợp Công ty bị mất điện, CBNV được phân công phải tắt cầu dao điện trước khi ra về. Điều 29 : Mọi hồ sơ, tài liệu, sổ sách, chứng từ.... của Công ty phải được để hoặc lưu trữ đúng nơi, đúng chỗ; những thứ quan trọng phải được cất vào tủ có khoá vào cuối mỗi buổi làm việc. Nghiêm cấm CBNV Công ty mang hồ sơ, tài liệu, sổ sách, chứng từ của Công ty ra khỏi cơ quan, nếu không vì lý do công vụ hoặc chưa được sự cho phép của Ban Giám đốc Công ty. Các số liệu, tài liệu quan trọng có liên quan đến các mặt hoạt động của Công ty, nhất là các số liệu, tài liệu về tài chánh, kế toán, kinh doanh (giá cả, thương nhân, thị trường...), số liệu tổng hợp phải được bảo quản chặt chẻ. Chỉ những người có trách nhiệm trong Công ty mới được lưu giữ và/hoặc tham khảo các số liệu, tài liệu này. Không một CBNV nào của Công ty được phép cung cấp bất cứ số liệu, tài liệu nào của Công ty cho người ngoài Công ty, nếu chưa được sự chấp thuận của Ban Giám đốc Công ty. Trong nội bộ Công ty, việc thông tin, lưu chuyển các số liệu, tài liệu quan trọng cũng chỉ được thực hiện đối với những người có trách nhiệm hoặc có liên quan. CHƯƠNG VII CÁC HÀNH VI VI PHẠM KỸ LUẬT LAO ĐỘNG – CÁC HÌNH THỨC XỬ LÝ KỸ LUẬT LAO ĐỘNG VÀ TRÁCH NHIỆM VẬT CHẤT Điều 30 : CBNV Công ty không chấp hành hoặc chấp hành không nghiêm túc các quy định được ghi trong Bản Nội quy lao động này được xem là có hành vi vi phạm kỹ luật lao động. CBNV Công ty có hành vi vi phạm kỹ luật lao động, tùy mức độ vi phạm nặng hay nhẹ sẽ bị xử lý kỹ luật theo các hình thức được quy định tại điều 31 dưới đây. Điều 31 : Người vi phạm kỷ luật lao động, tùy theo mức độ phạm lỗi, bị xử lý theo một trong những hình thức sau đây : a).- Khiển trách : a.1.- Khiển trách bằng miệng : áp dụng đối với CBNV có hành vi vi phạm kỹ luật lao động lần đầu, ở mức độ nhẹ; a.2.- Khiển trách bằng văn bản, thông báo toàn Công ty : áp dụng đối với CBNV có hành vi vi phạm kỹ luật lao động ở mức độ nhẹ, đã bị khiển trách bằng miệng, nhưng không sữa chữa, nay lại tiếp tục vi phạm; b).- Kéo dài thời hạn nâng lương không quá 6 tháng hoặc chuyển làm công việc khác có mức lương thấp hơn, trong thời hạn tối đa 6 tháng : áp dụng đối với CBNV có hành vi vi phạm kỹ luật lao động, đã bị khiển trách bằng văn bản nhưng không sữa chữa, lại tái phạm trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày bị khiển trách; hoặc các trường hợp vi phạm kỷ luật khác ở mức độ nặng, nhưng chưa đến mức phải áp dụng hình thức kỷ luật sa thải. c).- Sa thải : áp dụng đối với CBNV Công ty phạm một trong các trường hợp sau đây : 7/10
  8. - CBNV có hành vi trộm cắp, tham ô, tiết lộ bí mật công nghệ, kinh doanh của Công ty hoặc có những hành vi khác gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản, lợi ích của Công ty; - CBNV đã bị xử lý kỹ luật kéo dài thời hạn nâng lương, chuyển làm công việc khác có mức lương thấp hơn mà tái phạm trong thời gian chưa xoá kỹ luật; hoặc bị xử lý kỷ luật cách chức mà tái phạm; - CBNV tự ý bỏ việc năm (5) ngày cộng dồn trong một tháng hoặc hai mươi (20) ngày cộng dồn trong một năm mà không có lý do chính đáng. Đối với một hành vi vi phạm kỷ luật của CBNV chỉ áp dụng một hình thức xử lý kỷ luật lao động như đã nêu trên. Thời hiệu để xử lý vi phạm kỷ luật lao động tối đa là ba (3) tháng, kể từ ngày xảy ra vi phạm, trường hợp đặc biệt cũng không được quá sáu (6) tháng. Người bị khiển trách sau ba (3) tháng và người bị xử lý kỷ luật kéo dài thời hạn nâng lương hoặc chuyển làm công việc khác sau sáu (6) tháng, kể từ ngày bị xử lý, nếu không tái phạm thì đương nhiên được xoá kỷ luật. Người bị xử lý kỷ luật kéo dài thời hạn nâng lương hoặc chuyển làm công việc khác sau khi chấp hành được một nửa thời hạn, nếu sữa chữa tiến bộ, thì sẽ được Hội đồng kỷ luật Công ty xét giảm thời hạn. Điều 32 : Nguyên tắc, thời hiệu, trình tự và thủ tục xử lý hành vi vi phạm kỹ luật lao động đối với CBNV Công ty được áp dụng theo các quy định hiện hành tại Bộ Luật Lao động và các văn bản dưới luật có liên quan. Điều 33 : CBNV làm hư hỏng dụng cụ, máy móc, thiết bị của Công ty hoặc có hành vi khác gây thiệt hại cho tài sản Công ty thì phải bồi thường về thiệt hại đã gây ra. Nếu CBNV gây thiệt hại không nghiêm trọng (thiệt hại gây ra dưới 5 triệu đồng) và do sơ suất thì phải bồi thường nhiều nhất là ba (3) tháng lương và bị khấu trừ dần vào lương không quá 30% tiền lương hàng tháng. Điều 34 : CBNV làm mất dụng cụ, máy móc, thiết bị của Công ty, hoặc làm mất các tài sản khác do Công ty giao, hoặc tiêu hao vật tư quá định mức cho phép, thì tùy trường hợp phải bồi thường thiệt hại một phần hay toàn bộ theo thời giá thị trường. Trong trường hợp có hợp đồng trách nhiệm thì phải bồi thường theo hợp đồng trách nhiệm. Nếu CBNV chứng minh được việc mất mát này là do nguyên nhân bất khả kháng thì không phải bồi thường. Điều 35 : Việc xem xét, quyết định mức bồi thường thiệt hại theo trách nhiệm vật chất do CBNV Công ty gây ra như đã nêu trên phải căn cứ vào lỗi và mức độ thiệt hại thực tế; đồng thời phải xem xét đến thực trạng hoàn cảnh gia đình, nhân thân và tài sản của CBNV gây thiệt hại. Điều 36 : Trình tự và thủ tục xử lý việc bồi thường thiệt hại áp dụng như quy định hiện hành tại Bộ Luật Lao động và các văn bản dưới luật có liên quan. CHƯƠNG VIII ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH 8/10
  9. Điều 37 : Bản Nội quy lao động này gồm 8 chương và 40 điều, đã được Ban Giám đốc Công ty Cổ phần XYZ, với tư cách là Người sử dụng lao động, soạn thảo, đã tham khảo ý kiến và được sự nhất trí của Ban chấp hành Công đoàn Cơ sở Công ty trong cuộc họp ngày __/ __/____. Điều 38 : Bản Nội quy lao động này có hiệu lực thi hành kể từ ngày được Sở Lao động-Thương Binh và Xã hội Thành phố Hồ chí Minh chấp nhận cho đăng ký. Những quy định trước đây của Công ty trái với các quy định trong Bản Nội quy lao động này đều được bãi bõ. Những vấn đề do thực tế phát sinh nhưng chưa được quy định trong Bản Nội quy lao động này sẽ được giải quyết căn cứ vào Bộ Luật Lao động và các văn bản dưới luật có liên quan. Điều 39 : Bản Nội quy lao động này được phổ biến đến từng CBNV trong Công ty để hiểu rõ và chấp hành nghiêm túc. Những điểm chính của Bản Nội quy lao động này được niêm yết ở những nơi cần thiết tại Văn phòng Công ty. Điều 40 : Trong quá trình thực hiện, Bản Nội quy lao động này có thể được bổ sung, sửa đổi cho phù hợp với tình hình thực tế của Công ty. Mọi sự bổ sung, sửa đổi Bản Nội quy lao động này cần có sự tham khảo ý kiến của Ban chấp hành Công đoàn Cơ sở của Công ty; phải đăng ký tại Sở Lao động Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ chí Minh mới có hiệu lực thi hành; và sau đó phải thông báo rộng rãi đến từng CBNV để biết mà chấp hành. Công đoàn Cơ sở TP.HCM, ngày tháng năm Công ty Cổ phần XYZ Tổng Giám đốc “đã được tham khảo ý kiến và hoàn toàn nhất trí với nội dung Bản Nội quy lao động này” Ngày __/__/____ TM.BCH Công đoàn Cơ sở Chủ tịch 9/10
  10. 10/10
nguon tai.lieu . vn