Xem mẫu

  1. vietmessenger.com Trần Thị Ngh Người Đàn Bà Ngồi Mười bốn tuổi tôi yêu một người viết văn lớn hơn tôi 13 tuổi. Chàng giống Anthony Perkins lúc còn trai trẻ trong vai một thanh niên lãng mạn ôm Tây-ban-cầm đi lang thang trong rừng rồi gặp đôi mắt nai lẫn trong cây lá của Andrey Hepburn. Hai mươi mốt tuổi tôi thất thân với một người chuyên làm thơ lục bát hơn tôi 15 tuổi cũng có vợ như Anthony Perkins, một sĩ quan thủy quân lục chiến có hàm răng hơi vẫu nhưng đôi mắt sâu và giọng nói diễn cảm như Nguyễn Đình Toàn trong chương trình nhạc chủ đề trên đài phát thanh lúc 11 giờ khuya mỗi đêm thứ năm. Sau cái kỷ niệm chẳng ra gì tôi vẫn tiếp tục quan hệ tình cảm với những người đàn ông đã có vợ với tuổi tác càng ngày càng xa thế hệ tôi. Hoàn toàn do hoàn cảnh đưa đẩy, không cố ý chút nào. Tiếp theo thủy quân lục chiến là một nhà văn cao niên theo truờng phái lãng mạn tân kỳ, có nghĩa là ông ta mô tả rất nhuyễn những không gian hẹp có đầy đủ tiện nghi của thế kỷ hai mươi cùng những tâm thái siêu hình của các nhân vật không có tuổi tác. Tới đây đối tượng tự nhiên chuyển quốc tịch. Verdelli là tùy viên văn hóa của tòa đại sứ Ý lớn hơn tôi 17 tuổi, đã có vợ hai con. Một pho tượng có nước da Địa Trung Hải, một giọng hát gần giống Julio Iglesias và một bộ sưu tập đầy cả Modigliani và Buffet, rất tiếc bản sao. Những chiếc cổ cao lêu ngêu của những người đàn bà trong tranh đẩy ông ta đến gần chiếc cổ ba ngấn của tôi. Sau đó thì tôi quá ngán những cái bóng quanh quẩn đằng sau các mối tình phiêu lưu mà bây giờ nhìn lại thật y như sản phẩm của trào lưu Tây phương một thời. Tôi bỏ thành phố về tỉnh vì tin rằng đã đủ trưởng thành để dửng dưng trước cái xô bồ đô thị. Nhưng chính ở cái tỉnh lẻ loi đó tôi lại gặp một người viết văn nữa, lớn hơn tôi 20 tuổi đã có vợ và một bầy con đông phải nuôi. Tuy nhiên đây là mối tình lớn của tôi và vì với ông ta tôi không bị thu hút bởi cái gì hết ngoại trừ sự im lặng. Đó là một cơn giông câm có sức cuốn mãnh liệt làm tôi quên hết trời đất. Giữa cơn giông đó tôi quyết định lập gia đình với một sinh viên chưa ra trường nhỏ hơn tôi 2 tuổi, người duy nhất độc thân trong số đàn ông tôi quen biết; nhưng nếu nghĩ mà chơi, rốt cuộc tôi cũng biến cho hắn thành một người đàn ông có vợ mà người vợ đó chính là tôi. Cuộc hôn nhân chạy nạn kéo dài chỉ suýt soát một năm, có lẽ vì tôi đã quen bị ám bởi cái bóng thứ ba nhưng lần này thì không. Tất cả những người đàn ông vừa kể, ngoại trừ người tôi lấy làm chồng, đều có một điểm chung là có thể ngồi với tôi đến cùng trời cuối đất mà không sổ sàng đề nghị một điều gì khác. Lần thất thân với sĩ quan lục bát chẳng qua chỉ là một tai nạn cho cả hai phía bởi tôi vừa đọc xong Buồn Ơi Chào Mi còn ông ta thì tưởng tôi là
  2. Odile của André Maurois. Nhưng mà tôi kể tất cả những cái này ra để làm chi? Bây giờ tôi đang ngật ngừ trên xe lửa tốc hành Thalys đi từ Gare du Nord đến Amsterdam. Xe đã qua Bruxelles, Antwerpen, Rotterdam, Den Haag, Schiphol và sắp sửa vào ga trung tâm của thủ đô Hòa Lan. Chịu, không thể nào hình dung nổi cái gia đình mà tôi sẽ gặp và Hoorn mà tôi sẽ lưu lại trong hai tuần lễ. Đỉnh là một trong những người bưng mâm quả đi rước dâu trong ngày đám cưới của tôi. Đó là lần duy nhất tôi gặp người anh em chú bác với người chồng mà tôi sẽ ly dị không lâu sau đó. Tháng tư bảy lăm đã xô giạt mọi người đi tứ phía; cũng không ngờ 24 năm sau tôi được Đỉnh gọi diện mời sang thị trấn Hoorn, cách Amsterdam 35Km về phía bắc. Vợ chồng Đỉnh đón tôi ở ga Amsterdam. Họ vồn vả hết sức. Đỉnh đã có tóc bạc và có bụng. Vợ anh tròn trịa, xởi lởi, to tiếng và thân tình. Trên đường từ ga trung tâm về Hoorn họ ghé một siêu thị Tàu chất lên xe không biết bao nhiêu là thức ăn các loại. Khi thấy Đỉnh vác trên vai bao gạo đi huỳnh huỵch từ chỗ mua hàng ra xe, tôi không có cảm tưởng mình đang đứng giữa thủ đô của xứ uất-kim-hương. Gia đình họ ở trong khu nhà mới xây sau này, hơi chệch về hướng Enkhuizen. Không phải loại tường gạch nâu đỏ để trần không trát vôi vửa, cũng không có những khung cửa sổ viền trắng đặc thù của Hòa Lan. Hai dãy nhà đối mặt nhau màu sắc vui tươi một cách lạc lõng trong kiến trúc tổng thể của thị trấn. Trẻ con đủ màu da đùa giỡn trên các lối đi. Tàu Hòa Lan vớt gia đình Đỉnh cùng 14 người nữa vượt biên từ Vũng Tàu, đưa về Hoorn. Họ xúm xít ở đây đã hơn 10 năm, tạo thành một cộng đồng nhỏ với nhiều sinh hoạt chung. Mùi thức ăn Việt Nam bám trên các vật dụng trong nhà. Tôi lúng túng không biết xưng hô ra sao. Vợ Đỉnh giục: - Thôi thím đi rửa mặt thay đồ rồi ăn cơm với tụi này. Nhà tắm ở trên lầu. Để tôi bảo tụi nhỏ đưa thím lên phòng. Hai đứa con của Đỉnh, một trai một gái còn đi học, nói tiếng Việt theo giọng Hòa Lan. Tự nhiên tôi thấy mình đứng như trời trồng giữa phòng khách trong một gia đình phía bên chồng sau hơn 20 năm ly dị. Ngộ thiệt. Bữa cơm chiều vui ồn, phần nhiều là những câu hỏi về phía Đỉnh. - Tụi này đâu có biết chú thím ly dị. Sau năm bảy lăm mạnh thân ai nấy lo. Phía bên chú toàn là Cộng Sản, bên tôi là giặc bỏ nước mà chạy nên đâu có dám liên lạc. Gần đây vợ tôi về Việt Nam thăm nhà mới biết chú thím có đứa con học bên này. Nghe nói hai người thôi nhau từ thời mới cưới?
  3. Lâu rồi tôi lu bu sinh kế, đâu có thì giờ ngó ngoái lại phía sau. Những câu hỏi của Đỉnh đẩy tôi bật ngược: một tay cầm bó hoa cúc trắng, tay kiatúm vạt áo cưới, tôi đã lẻn qua nhiều cánh cửa của nhà hàng Continental để tìm một ngõ sau. Hắn chụp tôi lại: - Em đi đâu vậy? Nhà vệ sinh ở phía này. Coi như cuộc đào tẩu bị bắt quả tang. Sau đám cưới tôi khăng khăng không chịu làm giấy hôn thú. - Tờ giấy đâu nói lên được gì. Tôi phân bua. - Có chứ - hắn gằn từng tiếng- ít ra nó trói chân em lại không cho trốn đi ngả sau. Chưa đầy một năm tôi bỏ trốn lần nữa. Hắn cười ngây thơ: - Em có chắc em xoay xở được một mình với cái thai trong bụng không? Tôi làm được. Vào những năm mà ai cũng đói và bạn bè người thân xung quanh ai cũng tính chuyện vượt biên, tôi xin được một chân thủ thư ở Sở Y tế, gửi con ở nhà trẻ, ban đêm vẽ guốc bằng bút điện để kiếm thêm thu nhập. Khi con bé sắp vào lớp 1, hắn tìm tới tôi tâm sự. - Anh muốn cưới vợ. - Thì cưới đi. Anh còn trai tráng khỏe mạnh. - Nhưng anh cần em ký tên vào tờ ly dị.
  4. - Có giấy hôn thú đâu mà ly dị? Hắn nhẹ giọng: - Trường hợp của mình thuộc hôn nhân xã hội. Ai cũng biết anh có vợ. Biết bao nhiêu người tham dự đám cưới mình; hơn nữa em cũng có gặp gần đông đủ họ hàng bên chồng ở Phú Yên mà. Chính quyền địa phương không chấp thuận cho anh làm hôn thú với người đàn bà khác nếu không có giấy ly dị với người vợ trước. Chúng tôi ngồi thảo chung tờ đơn, loay hoay mãi không tìm ra được lý do gì thuyết phục. - Chẳng lẽ ghi vô đơn: Tôi không chịu nổi cảnh vợ tôi ngồi trong bóng tối thuyết trình về sự phi lý của niềm vui xác thịt sau mỗi lần hai vợ chồng chăn gối? Phải công nhận hắn có óc khôi hài. Hai người đắn đo mãi sau cùng đều đồng ý với lý do: mâu thuẩn trong việc giáo dục con cái. Tội nghiệp con bé mới 6 tuổi, nó không biết nó là cái cớ trong đơn ly dị của cha mẹ nó. Tòa Án Nhân Dân Quận Phú Nhuận là một biệt thự có sân sỏi, có lẽ tiếp thu được của một trong những gia đình bỏ đi rất sớm. Thẩm phán Trần Thị Bi mặc áo bà ba quần đen đang ngồi chờ sau bàn giấy đặt ở gian ngoài chắc trước đây là phòng khách. Bên cánh trái là một phòng nhỏ không có bàn ghế chỉ trơ trọi một cây đàn dương cầm. Trong khi hắn làm việc riêng với bà Thẩm phán tôi lẻn vào đó khép cửa lại ngồi đàn từng tưng chơi cho đến khi có người xô bật cánh cửa ra nói suỵt suỵt; chị không biết chỗ này là tòa án hả? Tôi đứng dậy cười xèn lẻn vừa kịp lúc được gọi vào gặp riêng bà thẩm phán. Cuộc hôn nhân pháp lý của tôi thật gọn gàng. Khi ra khỏi cổng Tòa Án Nhân Dân Quận, hắn thủ thỉ: - Để anh về lau nhà cho em lần cuối. Hai người ra phố uống nước ở Givral rồi đi bộ qua Lê Lợi, khoảng đường đối diện với các tiệm sách lớn, một dạo đã là khu buôn bán sách cũ nhộn nhịp. Hắn mua cho tôi một bộ sách
  5. bìa đen chữ mạ vàng còn mới nguyên trong hộp, tài liệu về Wagner mà trước kia có tiền tôi cũng không thể tìm mua ở Xuân Thu, Đoàn Thành Lực, Khai Trí hay gì gì. Sau đó hắn về lau nhà. Đỉnh cười lục cục trong cổ họng, rồi như phấn khích hết cỡ, giơ tay đập rầm rầm lên bàn. - Chết dỡ! Chết dỡ! Biết vậy tôi đâu có thèm bưng mâm. Công nhận hồi đó tôi khờ, ai biểu sao làm vậy. Vợ Đỉnh cười cười, giọng hơi trách. - Thím nói chơi mà anh cũng tin. Khờ thiệt! - Thôi anh chị đừng khai thác nữa, tôi nói, dù gì tôi cũng là cựu em dâu chú bác. Hai mươi bốn năm rồi tôi muốn nói sao thì nói. - Cựu chứ có phải cố đâu. Mời thím sang đây chơi là vợ chồng tôi đã coi thím như người trong gia đình. Hơn nữa con gái của chú thím là cháu của chúng tôi chứ ai. Nghĩ cho cùng, nhắc về dĩ vãng thì ai cũng thích hư cấu một tí cho nó có kiểu. Tôi biết vợ chồng Đỉnh tưởng tôi kể giỡn chơi cho vui bữa cơm tối. Mà vui thiệt. Cả nhà uống bia Đức, ăn phó mát Hòa Lan và coi băng Video chương trình Paris By Night 44 của Thúy Nga để tráng miệng. Hai vợ chồng nghỉ phép nửa tháng để phò một mình tôi. Tối nào họ cũng họp bàn để quyết định cho chương trình của ngày hôm sau. Qua Đỉnh, tôi gặp một bác sĩ trung niên đã thôi không hành nghề y từ khi sang Hòa Lan mà chuyển sang làm chính trị, một người Việt gốc Mường vốn là đảng viên Cộng Sản nay sửa chữa máy móc điện tử và tập hát cho ca đoàn ở nhà thờ mỗi tuần ba lần, một quý tử của viên tướng vượt Trường Sơn tên gì đó tôi quên rồi đi hợp tác lao động ở Đông Âu sang tị nạn ở Hòa Lan sau khi khối Cộng Sản bên đó sụp đổ. Phức tạp quá. Tôi nín thinh, sợ bị gài. Tôi không biết gia đình Đỉnh thuộc phe nào. Tôi lưu lại Hoorn vì khoái những cái mương có bèo dọc theo những dãy nhà xinh xắn như trong truyện thần tiên hơn là để gặp gỡ người này người kia. Với lại tôi cũng cần một lý lịch sáng sủa để
  6. còn về lại làm việc và có thể đi thăm con vào năm sau mà không bị đe dọa sinh mạng chính trị. Có một hôm trời mưa vợ chồng Đỉnh bàn lui: - Thôi hôm nay ở nhà nghỉ mệt, dưỡng sức để ngày mai đi bắt hào ở Oude Nieuwland. Hào bắt lên nướng ăn tại chỗ thịt vừa ngọt vừa thơm. Thím sẽ thấy cả một cộng đồng người Việt chăm chỉ mò tôm bắt ốc trong một xứ văn minh, khỏi cần về làm dâu Phú Yên mới có kinh nghiệm. Tốt tốt. Tôi lẻn ra ngoài, che dù, đi bộ lang bang qua cái siêu thị nhỏ nhan nhản những chữ KORTing màu đỏ. Đang mùa bán hạ giá. Dân chúng đi nghỉ hè, hàng quán vắng, quần áo hè sắp bị dẹp lui để nhường các tủ kính cho thời trang mùa thu. Mưa mù trời. Tôi băng qua hàng hiên của nhà bưu điện đứng chờ. Từ cái bảng Parkeer bên góc trái, một ông già mở cửa xe bước ra chạy lom khom đến chỗ tôi đang đứng. Ông ta cười làm quen rồi nói một câu bằng tiếng Hòa Lan. Tôi lấy tay chỉ vô lỗ tai, cười đáp lễ, làm dấu không hiểu. Ông ta tưởng tôi điếc, cao giọng lặp lại rõ ràng từng tiếng một. Tôi nói: - Tôi không hiểu tiếng Hòa Lan. Ông ta a lên một tiếng rồi hỏi lại bằng tiếng Anh. - Bà đụt mưa hả? Lẽ ra mùa hè ở đây đâu có mưa lớn dữ vậy. - Bác có muốn băng qua bên siêu thị tôi che dù đưa bác qua. - Không không, tôi đứng chơi một lát rồi trở ra xe đi tiếp. Tôi sợ lái xe trời mưa lắm. Tôi nói vâng, lái xe trời mưa nguy hiểm; sau đó bí tịt hết chuyện nói. Hai người nín thin nhìn ra màn mưa mù. Ông này chắc già dữ rồi, tôi liếc xéo. Tóc bạc trắng, mặt mày chân tay đều trổ đồi mồi, da cổ nhăn nhúm, một cái hốc lõm giữa hai xương đòn gánh, tuy nhiên lưng còn thẳng và coi bộ diện. Áo sơ-mi màu cam, gilet vằng đất, áo vét ca-rô nâu đỏ. Phải công nhận người Hòa Lan ăn mặc màu sắc vui tươi hơn dân Tây nhiều. Thử ngồi chơi ở Opéra, rình dân chúng trồi lên từ những đường hầm xe điện vào giờ tan sở mới thấy cái tông xám xịt của Paris. Người nào cũng mang bộ mặt trầm trọng với những sãi chân dài - chả bù dân
  7. Việt Nam cực thấy mồ tổ vẫn cứ cười nói nhậu nhẹt ỳ sèo, ăn mặc thoải mái - tuy vậy cũng có những cặp tình nhân; họ hôn nhau dây dưa như thể không còn cơ hội nào nữa trước khi tận thế. Trong khi những ý tưởng của tôi nhảy cóc từ màu quần áo Hòa Lan đến những nụ hôn Paris, ông già đã tìm ra được cái băng ghế bên hông nhà bưu điện. Ông ta ra dấu rủ rôi đến ngồi chung. Bây giờ mới nhận ra có một cái gì bất xứng trên khuôn mặt hom hem của ông ta: một hàm răng tuyệt đẹp, trắng và đều như bắp. Tất nhiên răng giả. Những cái miệng móm mém của các cụ già Việt Nam nghĩ lại thấy có duyên, còn hơn là tọng vào mồm vật lạ mà mỗi tối phải lận ra để ngâm thuốc, rồi khi ngủ thì thở bụp bụp bằng hai cái môi phập vào nướu răng. Nghĩ tức cười, tự nhiên trời mưa che dù ra ngồi đây chơi rồi luận về răng miệng. Để vợ chồng Đỉnh theo phò hoài ớn quá. Ngồi một mình không làm gì cũng có cái thích của nó. Ông già nhúc nhích bất an như có chuyện gì muốn nói. Quả nhiên, rọ rạy một hồi ông ta lại bắt chuyện: - Nhà tôi ở ngay bờ hồ Ijsselmeer gần đây thôi. - Ở gần hồ mùa hè thì mát nhưng mùa đông chắc lạnh hả bác? - Mùa đông nước đóng băng, người ta đổ tới trượt băng đông lắm. Lạnh nhưng vui. - Bác lớn tuổi còn chịu khó lái xe chắc sức khỏe bác còn tốt lắm? - Tôi chỉ lái vòng vòng từ nhà ra phố rồi về nhà. Được cái mắt còn tỏ, chứ đi xe đạp thì tôi làm hết nổi rồi. - Mẹ tôi nói người già thường bị vướng một trong bốn đại nạn: Lú lẫn, bại liệt, mù hoặc điếc. Cụ nói cụ may mắn bị cái thứ tư là cái nhẹ nhất; vả lại già rồi không việc gì phải nghe chuyện này chuyện kia. Năm nay cụ 96 tuổi. - Tôi mới 70 thôi. May chưa bị thứ nào. Bảy mươi mà coi ông ta già sọm, chắc đời nhiều thăng trầm. Nhưng bàn về tuổi già làm gì trong khi người ta hình như vẫn tự cho mình còn gân. Tôi lấy tay che miệng ngáp. Mưa đã nhỏ hạt nhưng tôi còn lần khần chưa biết làm gì tiếp theo. Ông già hỏi: - Sắp dứt mưa rồi, bà có đi đâu gần đây cho tôi quá giang.
  8. Tôi nói tôi định đi bộ ra hồ chơi, rồi móc trong giỏ mớ ảnh mới rửa ra khoe. - Tôi có chụp mấy tấm ở bờ hồ. Ông ta đẩy trượt từng tấm xem, bỗng hơi khựng lại. - Ủa, đây là nhà tôi mà! Ông ta kêu lên, trỏ tay vào căn thứ ba của dãy nhà khang trang thơ mộng bên lối đi nhỏ dọc bờ nước. Mặt trời lặn bên góc phải tấm ảnh hực cái ánh vàng lên mãng tường màu nâu đỏ làm chói lọi những bồn hoa nơi hàng hiên. - Trời! Tôi đã mê mệt mấy cái nhà này kể từ hôm đứng chơi ở bờ hồ tuần trước. - Những lúc nước dâng thì chán lắm bà ơi. Ngập ngụa lên tận thềm. Bà có muốn ra đó thì đi với tôi. Hớn hở như kẻ thất nghiệp tìm được việc làm, tôi giương dù đưa ông già ra xe. Ông ta cũng có vẻ vui, bước chân dồn nhanh, tay lúc lắc chùm chìa khóa xe. - Hết mưa rồi mà, che dù chi? Trong xe có mùi Whisky. Tôi hơi run. Tưởng tượng tai nạn xảy ra, hai thi thể khác màu da, tuổi so le; rồi người ta phải cưa đôi cái xe để móc xác ra. Vợ chồng Đỉnh sẽ tưng hửng, bà này mới qua chơi mấy bữa cặp kè với ông già nào vậy trời. Đố biết. Xe dừng lại ở một bãi đậu. Hai người đi bộ về phía dãy nhà mà tôi đã biết. Ông già nói: - Không ngồi chơi ở mấy băng ghế đó được đâu. Còn ướt lắm. Bà vào nhà uống chén trà với tôi rồi muốn đi đâu thì đi.
  9. Có nên chăng? Tôi không biết ông ta là ai và ngược lại. Nghĩ cho cùng 70 tuổi thì làm được trò trống gì. Tôi hại ông ta nghe còn được hơn. Tôi sẽ cạch ông ta rồi lấy được cái gì thì lấy; đợi khuya trời tối sẽ đẩy xác xuống hồ. Mùa đông nước hồ đóng băng, dân chúng đến trượt băng sẽ phát hiện ra cái xác đã rữa còn mặc áo vét ca-rô và gilet vàng nằm trong veo dưới mặt hồ. Nhà văn đông con tỉnh nhỏ 60 tuổi cho tôi nhiều lắm chỉ một cơn giông. Ông già tra chìa khóa mở cửa xong đứng nhích sang một bên mời tôi vào. Quét mắt thật nhanh, tôi thử tìm dấu vết của những thành viên khác trong nhà. Chưa thấy. Nghe nói nhiều người Hòa Lan đã được giải Nobel, chắc lão này có Nobel hòa bình. Phòng khách bày biện gọn. Cỡ tuổi ông ta mà không chơi đồ cổ. Ngoài một giàn máy móc âm thanh đồ sộ và những cái giá đựng cơ man là băng, dĩa, căn phòng còn được hiện đại hóa với những bàn ghế toàn một tông trắng, hơi chân phương nhưng dữ dội nhờ mấy bức tranh trừu tượng có màu nóng treo trên hai mặt tường và các chụp đèn rằn ri trấn đột ngột ở các góc quẹo đưa qua những phần khác của căn nhà. Không mời tôi ngồi ông ta đẩy tôi liền ra hiên nơi có thể nhìn thấy mặt trời chiều sau cơn mưa đang khoan thai ngã xuống nước hồ long lanh. Đẹp hết biết. Chúng tôi ngồi nơi hàng hiên uống trà; sau lưng, vọng ra từ phòng khách là một nền piano nhỏ giọt. Có vẻ xếp đặt, bài bản nhưng thôi cũng được. Tôi trở lại hàng hiên nhà ông già thêm hai lần nữa rồi nói với vợ chồng Đỉnh tôi có ý muốn ở lại chơi lâu hơn thời gian đã định. Hoorn, Tháng tám, 1998 Hết
nguon tai.lieu . vn