Xem mẫu

  1. NGHIÊN CỨU, ĐÀO TẠO VỀ QUẢN LÝ ĐÔ THỊ TRONG BỐI CẢNH PHÁT TRIỂN VÀ ĐÔ THỊ HÓA TẠI VIỆT NAM TS.KTS. Nguyễn Quốc Tuân Trường Đại học Phương Đông GS.TS.KTS. Nguyễn Tố Lăng Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội Tóm tắt Đô thị đã và đang là đối tượng nghiên cứu của các nhà khoa học, các trường đại học, học viện, các hiệp hội và các tổ chức hành nghề từ cuối thế kỷ XIX, khi loài người chuyển sang nền văn minh công nghiệp. Công tác nghiên cứu về Đô thị ở Việt Nam hiện đang được thực hiện theo hướng đơn ngành, chủ yếu là công tác quy hoạch tại các bộ, ngành: quy hoạch xây dựng đô thị, nông thôn, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch kinh tế - xã hội, quy hoạch tài nguyên, quy hoạch biển… nên khó có thể thống nhất về chiến lược và phân bổ nguồn lực cho phát triển. Trong khi đó, đô thị là cơ thể thống nhất về không gian và tổ chức các hoạt động kinh tế, xã hội, phân bổ tài nguyên và môi trường sống… cần nguồn nhân lực đô thị theo cách tiếp cận đa ngành và hệ thống. Bài viết đề cập tới thực trạng chất lượng nguồn nhân lực đô thị và dự báo nhu cầu nhân lực trình độ cao cho công tác nghiên cứu và quản lý đô thị ở Việt Nam trong bối cảnh phát triển và đô thị hóa. Bài viết nêu lên tính cấp thiết của việc triển khai nghiên cứu, đào tạo chuyên sâu về Quản lý phát triển đô thị theo hướng liên ngành và tích hợp. Bên cạnh đó, bài viết cũng gợi mở một số nội dung cần nghiên cứu, đào tạo chuyên sâu về Quản lý phát triển đô thị. Từ khóa: Quản lý đô thị, Quản lý phát triển, Đào tạo, Nhân lực, Liên ngành 1. Mở đầu Đô thị đã và đang là đối tượng nghiên cứu của các nhà khoa học, các trường đại học, học viện, các hiệp hội và các tổ chức hành nghề từ cuối thế kỷ XIX, khi loài người chuyển sang nền văn minh công nghiệp. Với vai trò ngày càng quan trọng trong tiến trình phát triển của xu thế toàn cầu hóa và kinh tế thị trường, đô thị và các thành phần liên quan của nó ngày càng phát triển và mở rộng hơn. Đến 2008, với hơn 50% nhân loại sống ở đô thị đã đưa thế giới sang kỷ nguyên đô thị hóa. Cho đến nay, những nước phát triển đều có tỷ lệ đô thị hóa trên 80% dân số và GDP ở khu vực đô thị chiếm từ 70-80% quốc gia mặc dù diện tích nhỏ hơn khu vực nông thôn nhiều lần. 187
  2. Công tác nghiên cứu về Đô thị ở Việt Nam hiện đang được thực hiện theo hướng đơn ngành, chủ yếu là công tác quy hoạch tại các bộ, ngành: quy hoạch xây dựng đô thị, nông thôn, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch kinh tế - xã hội, quy hoạch tài nguyên, quy hoạch biển… khó có thể thống nhất về chiến lược và phân bổ nguồn lực cho phát triển. Trong khi đó, đô thị là cơ thể thống nhất về không gian và tổ chức các hoạt động kinh tế, xã hội, phân bổ tài nguyên và môi trường sống… cần nguồn nhân lực đô thị theo cách tiếp cận đa ngành và hệ thống. Nhu cầu về nhân lực đô thị được đào tạo và tích hợp các kiến thức liên ngành, đa ngành ngày càng cấp thiết. Bài viết đề cập tới thực trạng chất lượng nguồn nhân lực đô thị và dự báo nhu cầu nhân lực trình độ cao cho công tác quy hoạch và quản lý phát triển đô thị ở Việt Nam. Bài viết nêu lên tính cấp thiết của việc triển khai đào tạo sau đại học về Quản lý đô thị trong bối cảnh phát triển liên tục theo hướng liên ngành và tích hợp nhiều ngành khoa học nghiên cứu về đô thị. Bên cạnh đó, bài viết cũng gợi mở một số nội dung kiến thức cần trang bị trong đào tạo sau đại học về Quản lý phát triển đô thị. 2. Thực trạng nguồn nhân lực cho công tác Quy hoạch và Quản lý phát triển đô thị Theo số liệu thống kê mới đây của Cục Phát triển đô thị, Bộ Xây dựng (tháng 6/2018), Việt Nam có tổng cộng 817 đô thị các loại với dân số sống trong đô thị đạt gần 38%. Trong khi tốc độ đô thị hoá đang diễn ra ngày một mạnh mẽ và không có dấu hiệu chậm lại thì chắc chắn số lượng đô thị sẽ ngày một tăng dần theo đà phát triển của kinh tế, xã hội. So sánh từ năm 2010 đến nay, tỷ lệ lập quy hoạch chung đô thị đạt 100%, tăng chỉ 7%; quy hoạch phân khu đạt khoảng 72%, tăng 27%; quy hoạch chi tiết đạt khoảng 33%, tăng 13%; quy hoạch xây dựng nông thôn đạt 98,2%, tăng 71,8%. Theo các chuyên gia, chất lượng nhân lực là khâu then chốt nhất quyết định chất lượng quy hoạch, từ lập quy hoạch cho đến triển khai thực hiện xây dựng theo quy hoạch. Vấn đề tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu nhất trong các đồ án quy hoạch do thiếu nhân lực quản lý và triển khai thực hiện các dự án quy hoạch đô thị. Nhân lực quản lý đô thị cần được bố trí đủ để tham gia vào mọi khâu trong hoạt động của một đô thị, ở nhiều cấp độ quản lý - từ cấp hành chính phường tới cấp thành phố và cao hơn nữa. Nhu cầu nhân lực nghiên cứu, quản lý đô thị lớn và đòi hỏi chất lượng ngày càng cao, song khả năng đáp ứng hiện nay còn hạn chế. Theo thống kê, cả nước hiện có 7 cơ sở đào tạo ngành Quản lý đô thị ở trình độ đại học, 3 cơ sở đào tạo ở trình độ sau đại học với số lượng tuyển sinh hàng năm khoảng 1.000 sinh viên và học viên các hệ, gồm có: trường đại học Kiến trúc Hà Nội, đại học Kiến trúc thành phố Hồ Chí Minh, đại học Xây dựng, Học viện Hành 188
  3. chính Quốc gia, đại học Khoa học xã hội và Nhân văn thành phố Hồ Chí Minh, đại học Tôn Đức Thắng, đại học Hồng Bàng. Đa số chương trình đào tạo Quản lý đô thị được thiết kế dưới góc độ quản lý về quy hoạch xây dựng như ở Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, hay ở Trường Đại học Hồng Bàng lại xếp Quản lý đô thị là một chuyên ngành hẹp của khối ngành Quản trị kinh doanh... Bên cạnh đó, một số trường đại học khác cũng cung cấp hàng ngàn nhân lực mỗi năm ở các chuyên ngành gần như Kiến trúc, Kinh tế và quản lý xây dựng, Quản lý sử dụng đất, Tài nguyên môi trường, Quản lý xây dựng, Quản lý hạ tầng đô thị. Tuy số lượng sinh viên tốt nghiệp hàng năm khá nhiều, song vẫn thiếu vì thực trạng nhiều nhưng chưa đủ luôn xảy ra ở nhiều ngành nghề, trong đó có lĩnh vực quản lý đô thị. Lấy ví dụ, trường đại học Kiến trúc Hà Nội có Khoa Quy hoạch đô thị và nông thôn và Khoa Quản lý đô thị với chỉ tiêu tuyển sinh mỗi năm khoảng 100 đến 150 sinh viên mỗi khoa. Trường đã đào tạo ngành Quy hoạch vùng và đô thị từ hơn 20 năm nay và cấp bằng Kiến trúc sư quy hoạch cho những sinh viên tốt nghiệp ngành này. Cách làm này chỉ có rất ít quốc gia trên thế giới thực hiện, vì nó thể hiện sự thiếu logic trong việc xác định mục tiêu đào tạo và định hướng xây dựng chương trình. Trong khi đó, thế giới đã đi trước Việt Nam khoảng 30 năm về nghiên cứu và đào tạo về phát triển đô thị. Khoảng cách này không dễ thu hẹp, nếu như không nói tới nguy cơ có thể còn gia tăng, nếu nước ta không có những thay đổi kịp thời công tác nghiên cứu và chuẩn bị nguồn nhân lực cho quy hoạch và quản lý phát triển đô thị. Theo đánh giá của chúng tôi, để có sự chuyển biến cơ bản gắn với chuyển đổi tư duy quản lý đô thị trong bối cảnh phát triển liên tục, thì phải có những nhà nghiên cứu, quản lý được đào tạo, bồi dưỡng với tầm nhìn mới, nhận thức mới về quản lý phát triển đô thị trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự đan xen nhiều chiều của các yếu tố đa ngành tác động lên thực thể đô thị. Cần phân biệt rõ sự khác biệt giữa quản lý đô thị theo quy hoạch và quản lý đô thị hướng tới phát triển. 3. Nhân lực đô thị phải được đào tạo liên ngành với tư duy và tầm nhìn mới Thực tế cho thấy, sau nhiều năm đô thị hóa và phát triển đô thị, bên cạnh những mặt tích cực cũng đồng thời có không ít hệ lụy. Quản lý đô thị bằng quy hoạch đô thị là phương thức xơ cứng, chỉ có thể làm được việc “quản” mà chưa làm được việc “kích” cho đô thị phát triển. Quản lý đô thị ở Việt Nam hiện đang được thực hiện theo hướng đơn ngành, chủ yếu là thông qua công tác qui hoạch tại các bộ: qui hoạch xây dựng đô thị, qui hoạch sử dụng đất, qui hoạch hạ tầng giao thông/cấp thoát nước/năng lượng/viễn thông/hạ tầng xã hội, qui hoạch kinh tế - xã hội, qui hoạch tài nguyên, qui hoạch biển… nên rất khó thống nhất về chiến lược và phân bổ nguồn lực cho phát triển Quốc gia. Trong khi đó, đô thị vốn phức tạp với 189
  4. nhiều thành phần song lại có tính thống nhất về không gian và tổ chức các hoạt động như kinh tế, xã hội, phân bổ tài nguyên và môi trường sống… Có thể ví dụ đô thị như một cơ thể sống rất cần được chăm bón, nuôi dưỡng và quản lý khoa học, để có thể kích thích sự tăng trưởng và phát triển lành mạnh của “cơ thể” đặc thù này. Do đó, chúng ta cần nghiên cứu, quản lý đô thị theo cách tiếp cận đa ngành và hệ thống. Quản lý đô thị khi soi chiếu dưới góc độ phát triển đòi hỏi phải luôn nhìn nhận đô thị như một thực thể sống động, với vô vàn tiềm năng cần được khơi thông, để có thể trở thành động lực cơ bản thúc đẩy kinh tế và xã hội phát triển. Những hạn chế về quản lý “cứng” hiện nay rất cần được khắc phục, thông qua việc trang bị những nhận thức mới, phương pháp mới và nhân lực mới được đào tạo tiên tiến. Trong đó, cần thiết phải thay đổi phương thức đào tạo nhân lực quản lý đô thị từ đơn ngành sang đa ngành/liên ngành. Việt Nam hiện nay đã có tới hai trung tâm vùng đô thị với dân số tới gần 10 triệu dân sinh sống như TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội đã làm cho yêu cầu về nhân lực liên ngành, đa ngành, tích hợp các mục tiêu phát triển ngày càng cấp thiết. Việc xây dựng các chương trình đào tạo sau đại học theo hướng liên ngành và liên thông nhiều cấp độ có chất lượng cao và quốc tế hóa là định hướng cần thiết. Nghiên cứu, đào tạo sau đại học về Đô thị với phát triển bền vững theo hướng tiếp cận liên ngành là hướng đi phù hợp, đáp ứng thực tiễn phát triển đô thị đòi hỏi cấp bách nguồn nhân lực hiện nay. Trong chương trình đào tạo cần tích hợp các nội dung: địa lý, kinh tế, xã hội học, tài nguyên, sử dụng đất, luật pháp, kỹ năng quản trị, hệ thống hành chính nhà nước, quy hoạch bền vững… thông qua việc xây dựng chương trình mới về Quản lý phát triển đô thị, trong đó nhấn mạnh đến tư duy chiến lược tích hợp và công cụ đa ngành để đánh giá tiềm năng, xây dựng các kịch bản phát triển gắn với phân bổ không gian lãnh thổ đô thị và vùng đô thị là hướng đi đúng đắn. Chương trình đào tạo cần trang bị các tư duy chiến lược và giúp người học xây dựng được các giải pháp quản lý phát triển tổng thể cho những thực thể đô thị khác nhau, đảm bảo tính đa dạng, tính đặc thù và tính chính xác, để có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và công bằng xã hội ở Việt Nam. Hình thành một chương trình đào tạo có mục tiêu sâu sắc và tham vọng cao như vậy đòi hỏi việc tích cực và chủ động tập hợp chuyên gia và nguồn lực để xây dựng bài bản, tiến bộ và sát với nhu cầu đô thị, và nhu cầu người học (có phổ rộng từ quản lý nhà nước, bộ, ngành, chính quyền đô thị, kỹ thuật đô thị, quy hoạch, kiến trúc, chính sách và pháp lý đầu tư, bất động sản…). Điểm mạnh chính là tư duy đào tạo và nghiên cứu liên ngành, tiên tiến và hội nhập quốc tế để cung cấp các tư duy chiến lược tích hợp, công cụ và phương pháp đa ngành, phương pháp luận phát triển và các kỹ năng chuyên môn để vận dụng cho thực tế đô thị từ nhiều góc độ. Với thế 190
  5. mạnh đang có về đào tạo đa ngành, các Đại học vùng, và đặc biệt là Đại học Quốc gia - nơi tập hợp nhiều ngành học có liên quan đến đô thị, sẽ là những cơ sở đào tạo phù hợp nhất để có thể triển khai nghiên cứu, đào tạo theo hướng liên ngành về Quản lý đô thị trong bối cảnh phát triển và đô thị hóa. KẾT HỢP KIẾN THỨC LIÊN NGÀNH TRONG NGHIÊN CỨU VỀ ĐÔ THỊ LÝ THUYẾT VỀ ĐÔ THỊ QUẢN LÝ PHÁT TRIỂN &KHÔNG GIAN LÃNH THỔ LÃNH THỔ & LĨNH VỰC ĐÔ THỊ KINH TẾ - TÀI CHÍNH CHO PHÁT TRIẺN ỨNG DỤNG GIẢI QUYẾT CÁC BÀI TOÁN CỦA ĐÔ THỊ NHÂN HỌC ĐÔ THỊ &ĐỊNH CƯ CON NGƯỜI Hình 1: Kết hợp kiến thức liên ngành trong nghiên cứu về đô thị và quản lý phát triển đô thị (Nguồn: tác giả) 4. Gợi mở về xây dựng chương trình đào tạo theo hướng liên ngành Xuất phát từ quan điểm về quản lý phát triển, với đô thị là đối tượng khoa học cần được nghiên cứu để ứng dụng vào thực tiễn, từ đó phải xây dựng và đào tạo được các chuyên gia hiểu biết sâu sắc về đô thị trên nhiều mặt: đánh giá quy hoạch không gian, hiệu quả sử dụng đất, kinh tế - xã hội, chính sách, pháp lý, tiềm năng phát triển, xác định các chỉ số phát triển bền vững, đánh giá các nguồn tài nguyên, nuôi dưỡng các hoạt động lành mạnh của cộng đồng... Các nhà nghiên cứu, quản lý đô thị phải có được tư duy quản lý phát triển, cũng như đánh giá được nội lực và điều kiện của một đô thị để có thể định hướng phát triển, thiết lập chính sách và đưa ra được các giải pháp “kích” tăng trưởng bền vững cho đô thị. Chúng ta cần đào tạo ra được những chuyên gia nghiên cứu, chuyên gia tư vấn độc lập, có thể phát triển trong tất cả các ngành nghề của đô thị, với mục tiêu làm cho đô thị phát triển, làm cho các nhóm kinh tế phát triển, các nhóm cộng đồng phát triển, đồng thời đẩy mạnh các hoạt động đô thị phát triển đồng đều và bền vững. 191
  6. Nội dung đào tạo cần được xây dựng tiên tiến, hiện đại và tương thích với các chương trình Quản lý đô thị/Quản lý phát triển đô thị của các trường đại học quốc tế có uy tín. Qua quá trình tham gia tổ công tác xây dựng chương trình đào tạo sau đại học tại Đại học Quốc gia Hà Nội, chúng tôi nhận thấy Đại học Quốc gia đã chủ động nắm bắt, xây dựng chương trình nghiên cứu sau đại học về Quản lý phát triển đô thị theo hướng quốc tế, phân chia thành các mô-đun kiến thức như sau: 1. Đô thị và bối cảnh phát triển. 2. Dân cư và xã hội đô thị. 3. Kinh tế và tài chính cho phát triển đô thị. 4. Môi trường đô thị bền vững. 5. Quy hoạch chiến lược phát triển đô thị. 6. Công cụ tích hợp trong quản lý phát triển đô thị. 7. Đồ án / dự án liên ngành quản lý phát triển đô thị. LIÊN KẾT HỆ THỐNG TRONG CÁC MÔĐUN LIÊN NGÀNH CỦA CHƯƠNG TRÌNH CÁC P.P ĐÁNH GIÁ & PHÂN TÍCH ĐÔ THỊ LÝ THUYẾT ĐỒ ÁN THỰC CÁC LÝ CHUYÊN HÀNH / LUẬN THUYẾT MÔN NỀN THỰC VĂN TỐT CƠ SỞ CỦA NGÀNH NGHIỆM NGHIỆP HỌC CÔNG CỤ QUẢN LÝ PHÁT TRIỂN TIẾN TRÌNH TƯ DUY LIÊN NGÀNH VÀ CÁC MÔDUN KIẾN THỨC / KỸ NĂNG Hình 2: Tính liên kết hệ thống từng mô đun kiến thức trong tiến trình tư duy liên ngành (Nguồn: tác giả) Việc cơ cấu các khối kiến thức theo mô-đun sẽ cơ động và linh hoạt hóa quá trình đào tạo, vừa có thể triển khai đào tạo tổng thể cả chương trình, vừa có thể tổ chức thành các khóa học ngắn hạn theo hướng đào tạo bổ sung, đào tạo nâng cao năng lực cho lực lượng cán bộ quy hoạch và quản lý đô thị tại các địa phương. Mỗi mô-đun kiến thức sẽ bao gồm 1 đến 2 môn học chính, từ 2 đến 4 môn học tự chọn / 192
  7. bổ trợ, cho phép cơ động lựa chọn, cập nhật kịp thời theo nhu cầu của xã hội và thực tế công tác quản lý phát triển đô thị. Có một chương trình đào tạo sau đại học về đô thị mới mẻ, hiện đại và có tính thực tiễn cao được tiên phong triển khai ở Đại học Quốc gia Hà Nội từ năm 2018 là tín hiệu rất đáng khích lệ với các nhà nghiên cứu, nhà quản lý đô thị ở Việt Nam. 5. Kết luận Với kinh nghiệm nghiên cứu và đào tạo trong lĩnh vực đào tạo chuyên ngành Quản lý đô thị và Quy hoạch/Kiến trúc, chúng tôi mạnh dạn nêu ra một số suy nghĩ về định hướng nghiên cứu và đạo tạo về Quản lý phát triển đô thị tại Việt Nam theo hướng liên ngành trong bối cảnh mới. Với thế mạnh đa ngành đang có của các Đại học vùng hay Đại học Quốc gia, chúng tôi có kỳ vọng sâu xa về khả năng tập hợp các nhà khoa học đang hoạt động nghiên cứu và giảng dạy trong các lĩnh vực đơn ngành vào một chương trình ứng dụng liên ngành có ý nghĩa và giá trị thực tiễn cao như Quản lý phát triển đô thị. Chúng tôi rất kỳ vọng có những trao đổi học thuật tiếp tục trong việc làm rõ Quản lý đô thị trong bối cảnh phát triển là hết sức cần thiết ở Việt Nam hiện nay, mặc dù đây là những vấn đề mà thế giới đã giải quyết từ 30 năm trước. Tài liệu tham khảo 1. Đặng Hùng Võ (2016), Phương pháp tiếp cận của quản lý phát triển, Tài liệu hội thảo, Hà Nội. 2. Nguyễn Hồng Thục (2016), Đào tạo cao học liên ngành về Quản lý phát triển đô thị trong bối cảnh sau hiện đại, Kỷ yếu hội thảo, Đại học Quốc gia Hà Nội. 3. Trương Quang Hải, Trần Mạnh Liểu, Nguyễn Ngọc Trực (2016), Tình hình nghiên cứu, đào tạo về lĩnh vực đô thị trên thế giới, trong nước và xu hướng đào tạo liên ngành quản lý phát triển đô thị ở Đại học Quốc gia Hà Nội, Kỷ yếu hội thảo, Đại học Quốc gia Hà Nội. 4. Nguyễn Ngọc Hiếu, Đào Thị Bích Vân (2016), Thành phố thông minh và vấn đề quản lý phát triển đô thị, Tạp chí Kiến trúc Việt Nam. 5. Khoa Các khoa học liên ngành - Đại học Quốc gia Hà Nội (2018), Chương trình đào tạo cao học Quản lý Phát triển Đô thị, Hà Nội. 193
nguon tai.lieu . vn