Xem mẫu

  1. NGHỆ THUẬT TẠO DÁNG VÀ TRANG TRÍ CỦA LỌ GỐM BÁT TRÀNG HIỆN NAY
  2. Lọ hoa tạo hình theo dáng truyền thống có nhiều kiểu dáng và tên gọi. Đây là loại hình có hình khối rất dễ sáng tạo, chỉ thay đổi về chiều cao, chiều rộng của cổ, thân lọ hay độ loe của miệng lọ đôi chút là hình dáng những chiếc lọ đã có sự khác nhau khá nhiều, nó sẽ thể hiện sự thon thả, mảnh mai hay sự chắc khoẻ, thô mộc. Vì vậy, người thợ gốm có thể tạo ra nhiều mẫu hàng cho khách mua chọn lựa, từ kiểu dáng đến các mô típ, đề tài trang trí, hay thay đổi màu men. Những người thợ gốm đặt tên lọ theo tạo dáng hay giống đồ vật, củ, quả trong thiên nhiên như: lọ bí, lọ bương, lọ củ tỏi, lọ miệng lượn, lọ ống giấy, lọ giọt lệ, lọ chân đèn, lọ bí,... Hay họ gọi theo thói quen như lọ lan, lọ huệ là hai loại lọ thường thấy ở Bát Tràng, hai tên gọi cho hai kiểu tạo dáng chứ không phải lọ vẽ hoa lan, hoa huệ. Với các lọ kể trên, người dân có thể sử dụng cả hai chức năng thờ cúng và gia dụng. Nếu thiên về chức năng gia dụng, để cắm hoa trang trí thì các loại lọ li, lọ bí, lọ ống giấy, lọ miệng lượn... sử dụng men kết tinh, men huyết dụ, men rạn trứng, men cát, men khô... hay làm sơn mài và với nhiều kiểu trang trí hiện đại, có màu tươi sáng, vui mắt phù hợp để trang trí trong nhà. Lọ li có hình dáng ống tròn đơn giản, lượn thắt eo giữa thân, miệng lọ và đáy có đường kính bằng nhau. Lọ bí có hình quả bí, miệng thẳng hoặc loe, thân lượn phình ra nhưng không nhiều làm dáng lọ vẫn giữ được nét thanh, mảnh. Lọ ống
  3. giấy có hình như ống giấy cuộn lệch, đáy nhỏ có độ vát đáy, miệng rộng có một phần nhô lên giống góc tờ giấy. Lọ miệng lượn có nhiều hình dáng nhưng cùng có hình thức phần miệng lượn sóng. Hiện nay, các kiểu lọ này ít vẽ men lam mà chủ yếu trang trí bằng màu men. Các loại lọ với chức năng thờ cúng thường có tạo dáng truyền thống. Những đồ gốm bày ở bàn thờ gia đình hay theo tỉ lệ tương đối cân xứng với nhau, không theo một con số qui định mà theo thói quen nhìn thuận mắt của người dân nước ta. Thợ gốm Bát Tràng cũng làm kích thước đồ thờ theo kinh nghiệm lâu năm và kích thước nào người mua nhiều thì họ làm kích thước ấy. Hiện nay, lọ hoa thờ cao khoảng trên 20cm bán nhiều trên thị trường có cốt gốm mỏng hơn trước, men trắng, vẽ lam, sử dụng nhiều kiểu đề tài, mô típ trang trí truyền thống như: Rồng, phượng, hoa điểu, sơn thủy... có sự sáng tạo thêm chi tiết, đường nét nhưng không nhiều. Có lẽ do tính chất tôn nghiêm ở nơi thờ nên người mua cũng không thích các mô típ, đề tài lạ. Lọ hoa để ở ban thờ thường là loại lọ có dáng truyền thống như: lọ lan, lọ huệ, lọ củ tỏi, lọ giọt lệ, lọ tỳ bà... Lọ lan có tạo dáng gần giống bình, nên nhiều người dễ nhầm loại bình nhỏ và vừa là lọ. Cách tạo hình của lọ lan mềm mại hơn bình và có một số điểm khác: Phần miệng loe rộng được tiện vát nên độ chuyển êm không gọt cứng như miệng bình và thường uốn lượn; so tỉ lệ của lọ, phần cổ chiếm gần 1/2 chiều cao, từ điểm cuối cổ
  4. lọ tiếp nối đến thân có độ chuyển rộng dần rồi mới đến phần rộng nhất của thân (từ cổ bình đến thân được mở rộng ngay và toàn thân bình chỉ vát thu dần vào đến đáy, nên bình có xu hướng vươn lên về chiều cao hơn lọ lan); Đặc biệt, điểm dễ nhận, lọ lan có đáy loe ra và thường vẽ hoa văn đường riềm ở đáy nếu là lọ trắng, vẽ lam. Nhìn chung, bình và lọ lan, tuy giống nhau, nhưng mỗi loại có vẻ đẹp riêng trong tạo hình. Bình nhìn chắc chắn, trang trọng nên khi phóng to sẽ trở thành kiểu lộc bình hay độc bình lớn rất hợp với để nơi thờ cúng trang nghiêm, hay đặt bên những đồ gỗ cổ sẽ làm tăng phần sang trọng trong ngôi nhà. Lọ lan mềm mại, dân giã như cô gái thôn quê nên hợp với tỉ lệ nhỏ, vừa, to nhất cũng chỉ trên 60cm, để cắm hoa để ở ban thờ hay trong nhà. Lọ huệ phần lớn cũng có chức năng thờ cúng. Tạo dáng lọ huệ mảnh mai hơn lọ lan, miệng loe, phần rộng nhất của lọ bằng 1/3 chiều cao và ở gần đáy, nên từ cổ lọ mở rộng dần đến điểm rộng nhất được chuyển cong gần như giọt nước kéo dài và thắt lại ở điểm giữa đáy với thân, nên đáy loe tạo cảm giác vững vàng cho lọ. Lọ lan và lọ huệ sử dụng được khá nhiều mô típ trang trí khi vẽ men lam, như: hoa đào, hoa phù dung, công và phù dung, đào và chim trĩ, phong cảnh sơn thủy... Lọ củ tỏi (hay còn gọi là lọ củ hành) có hình dáng khá độc đáo. Lọ có tạo hình giống củ tỏi, miệng loe, cổ nhỏ cao chiếm hơn nửa chiều cao lọ, phần thân ngắn tròn, bề ngang rộng hơn chiều cao thân lọ, đáy có đế mỏng vài mm, thường đánh
  5. chỉ (vẽ một đường chỉ lam) nếu là gốm men trắng, vẽ lam. Kiểu lọ củ tỏi chỉ vẽ được những mô típ có bố cục thiên về chiều ngang hay giới hạn trong hình vuông, như: rồng, phượng, cuốn thư, đồng tiền... Lọ giọt lệ có hình dáng giống giọt nước, cũng là kiểu lọ truyền thống có tạo hình khá đẹp, đường cong từ miệng lọ đến đáy mềm mại như chiếc khóa son. Miệng loe nhưng miệng và cổ lọ đều nhỏ, bề ngang cổ lọ chỉ bằng 1/4 chiều rộng nhất của thân, vì vậy phần thân nở tròn như giọt nước đang rơi. Chiều rộng thân bằng 1/2 chiều cao của lọ nên tỉ lệ tạo dáng rất cân đối. Lọ tỳ bà là một loại lọ cổ sang trọng, quý phái, có đường cong tạo hình mềm mại. Lọ tỳ bà vẽ màu lam xuất hiện nhiều vào thời Lê và cũng là giai đoạn lọ đạt đến vẻ đẹp hoàn chỉnh nhất về tạo dáng và trang trí. Tạo hình lọ tỳ bà gần giống lọ giọt lệ nhưng đường cong lượn từ thân xuống đáy có độ chuyển mềm, thanh thoát hơn, đáy lọ tỳ bà cũng cao hơn. Hiện nay, thợ gốm Bát Tràng cũng sản xuất kiểu lọ tỳ bà nhưng không nhiều và chỉ đạt đến mức giống về hình dáng thôi. Số lượng hoa cắm trong lọ tỳ bà và lọ giọt lệ được ít vì miệng và cổ lọ nhỏ không tiện cho người sử dụng, nên cũng không có nhiều người mua. Hai loại lọ này thường làm kích thước nhỏ, vừa men trắng, vẽ lam với mô típ hoa cúc dây, chim phượng... Lọ phích có tạo dáng thân thẳng, đơn giản giống cái phích nước nên người thợ Bát Tràng đặt cho dễ nhận. Cũng là một kiểu lọ có xu hướng phục vụ việc thờ cúng
  6. nhiều hơn. Lọ miệng loe, cổ ngắn, thân thẳng cao, đáy thấp. Do hình thức tạo dáng của lọ mà khoảng trống trên thân nhiều nên người thợ vẽ thường chọn các đề tài trang trí nhiều chi tiết, phô diễn được bố cục đường nét, các mảng hình đậm nhạt lớn như: phong cảnh cảnh sơn thủy, chim trĩ và hoa phù dung, công và hoa đào... Phần lớn các loại lọ truyền thống của Bát Tràng có thể sử dụng cho hai chức năng thờ cúng và trang trí trong nhà. Nhưng theo thói quen sử dụng và quan niệm của người dân, để thờ cúng họ thường sử dụng lọ men trắng hoặc men rạn vẽ lam, ngoài ra, còn sử dụng lọ có men màu xanh búp dong, xanh ngọc, men rạn trứng, men đỏ... Người Bát Tràng cho chúng tôi biết, với mục đích để thờ cúng, loại lọ men trắng, vẽ lam bán được nhiều hơn cả. Lọ gốm có tạo hình và trang trí hiện đại là thể loại gốm có nhiều kiểu tạo hình phong phú nhất. Sự biến điệu hình dáng của các kiểu lọ gốm này đã góp phần làm cho mặt hàng gốm Bát Tràng có một diện mạo mới. Bên cạnh đó, các loại màu men, cách phủ màu và các đường nét vẽ càng làm sản phẩm lọ hoa nhiều mẫu mã hơn nữa, cùng một kiểu dáng, người thợ Bát Tràng có thể có hơn chục kiểu trang trí bằng mầu men khác nhau. Nếu khách mua đến Bát Tràng muốn chọn một, vài lọ hoa trang trí trong nhà sẽ như lạc vào một vườn hoa đa loại, đa sắc. Người thợ gốm đã sáng tạo nên vô vàn kiểu lọ khi chỉ cần thay đổi đường cong từ cổ lọ đến đáy, phần rộng nhất của lọ chuyển từ cao đến thấp kèm theo các đường
  7. lượn cổ và đáy là đã được vài chục kiểu dáng. Phong phú hơn nữa, các nghệ sĩ, người làm gốm đã sáng tạo, khi làm méo khối tròn của lọ và gắn thêm các chi tiết trang trí nổi: Hoa lá, hình người, con vật hay các hình khối kỷ hà hoặc một vật như cái điếu bát... Loại hình lọ dễ sáng tạo nhất, đây là vùng đất cho người thợ gốm mặc sức làm theo ý muốn của mình, không cần phải học qua trường lớp cơ bản. Bên cạnh đó, người mua cũng tiếp ứng những cái mới lạ, không quá cao siêu, đơn giản, thuận mắt và dễ dùng. Người làm ra phải có người mua thì thị trường mới càng mở ra phong phú, đa dạng hơn nữa. Chúng tôi xin ví dụ cụ thể một số kiểu dáng được người Bát Tràng sản xuất nhiều và được người mua ưa thích. Như dáng lọ túm có một thời gian được người thợ Bát Tràng sản xuất nhiều, có kiểu đơn, có kiểu đi theo bộ ba hoặc bộ năm. Lọ có đặc điểm miệng rất nhỏ, không loe, cổ mảnh, từ thân vuốt thóp lại như bị túm nên người Bát Tràng gọi là lọ túm. Thân lọ có nhiều hình dáng: Có hình tròn như vò hay vuốt cao mảnh thẳng như lọ phích, hoặc tròn cao như quả dưa... Loại này phần lớn mang chức năng trang trí vì miệng lọ quá nhỏ rất khó cắm nhiều hoa. Có lọ miệng nhỏ chỉ đủ cắm được một bông, trong khi thân rất cao, khoảng 60cm-70cm, thường đi thành bộ từ nhỏ đến to, hình dáng, màu sắc giống nhau, được phủ men chẩy, men huyết dụ, men đen mờ, men rạn trứng, hay phủ sơn mài vẽ thêm các mảng màu... Lọ phù hợp trong những
  8. căn phòng có nội thất hiện đại, mang tính chất là những khối hình, màu phụ trợ làm mềm những đường nét ngang dọc của các bộ bàn, ghế, tủ... Có kiểu cùng dáng lọ túm nhưng miệng loe ngang cũng tạo nên nét khác. Loại lọ không có cổ, miệng lọ nằm ngay phần lượn cong của thân, phần dưới lượn thắt eo và gần đáy lại loe ra như dáng của chóe. Nếu kiểu lọ này có dáng vuốt cao, thanh mảnh thì sẽ đẹp hơn dáng thấp béo bởi đường lượn từ thân xuống đáy được kéo dài sẽ thon mềm hơn. Cũng cùng kiểu lọ không có cổ, nhưng phần đường kính rộng nhất không lượn cong mà gập gẫy góc và lượn hơi cong vát xuống đáy. Lọ có tạo dáng khỏe, chắc chắn nên người thợ trang trí làm sơn mài và vẽ thêm các mảng màu kỷ hà trên thân lọ tạo các điểm nhấn. Các loại lọ không theo hình khối hình trụ đang ngày một phong phú và thiên về hình thể nhiều hơn, nhưng hình này phần lớn được sao chép của nước ngoài như: Trái tim, đôi giầy, quả bóng, con sóng, mầm cây, ốc xoáy... Người thợ gốm tạo hình các hình thể từ hình ống, nhưng không đều nhau, trên cắt thủng thay miệng lọ và có thể đổ nước cắm hoa. Loại lọ này phần lớn làm màu sơn mài và chủ yếu màu đỏ, đen đi riêng từng phần, tạo độ tương phản mạnh. Kiểu lọ hiện đại mang tính trang trí, chắc hẳn để nguyên bầy sẽ đẹp hơn là cắm hoa.
nguon tai.lieu . vn