Xem mẫu

  1. NGÂN HÀNG XIN NỚI TÍN DỤNG LÀM “CỦA ĐỂ DÀNH” Vốn cho vay tăng vài phần trăm và còn xa mới vượt chỉ tiêu được cấp đầu năm, nhưng nhiều nhà băng vẫn ồ ạt xin nới như muốn dự phòng khả năng chính sách tiền tệ mở rộng vào cuối năm. Trong số 23 nhà băng xin nới hạn mức tăng trưởng tín dụng, 10 ngân hàng đã được chấp thuận, với mức cấp mới dao động 27-30%. Theo lý giải của Ngân hàng Nhà nước, 10 ngân hàng thương mại này đều có tình hình tài chính lành mạnh, đã dùng hơn nửa hạn mức cấp từ đầu năm. Bản thân các nhà băng cũng cho rằng họ xin chỉnh dựa trên kết quả kinh doanh, các tiêu chí an toàn tài chính hợp lý và hứa hẹn sẽ đẩy mạnh cho vay các đối tượng ưu tiên như khách hàng có hoạt động xuất khẩu, vay vốn phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn, sản xuất kinh doanh, công nghiệp phụ trợ… Và hầu như ngân hàng nào cũng tin rằng mình sẽ sử dụng hết hạn mức mới này. Trên thực tế, tín dụng toàn hệ thống đến hết tháng 7 mới tăng 0,57% và kinh tế đang trong tình trạng khó hấp thu vốn. Sức mua của thị trường giảm khiến doanh nghiệp không còn mặn mà với việc vay vốn kinh doanh, đầu tư mới. Điều này khiến nhiều chuyên gia e ngại các nhà băng khó sử dụng hết mức tín dụng vừa xin. Còn nếu gắng gượng sử dụng hết thì cũng sẽ kéo theo nhiều hệ lụy.
  2. Chuyên gia ngân hàng Bùi Kiến Thành đặt ra hoài nghi về khả năng dùng hết chỉ tiêu tín dụng của các nhà băng. Lý giải về động cơ xin thêm tín dụng, ông Thành cho biết: "Có thể các ngân hàng thương mại xin sẵn để làm của để dành. Họ chờ đợi chính sách tiền tệ trong những tháng cuối năm sẽ mở hơn và dễ cho vay hơn". Đồng quan điểm, Tiến sĩ Lê Đạt Chí nhìn nhận, các ngân hàng thương mại nhỏ nhìn thấy tình hình tín dụng chung của nền kinh tế đang rất thấp. Có thể họ cho rằng Ngân hàng Nhà nước đang bị áp lực về chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng và sẽ đẩy cao dư nợ vào cuối năm bằng cách ồ ạt cung vốn ra cho các nhà băng với những điều kiện nới rộng hơn. Do đó, giờ họ xin sẵn room để dễ dàng cho vay sau này. Tuy nhiên, ông Chí cảnh báo, nếu khả năng này xảy ra, các ngân hàng thương mại có thể sẽ đẩy vốn bằng mọi giá. Và khi một lượng vốn đổ ra ào ạt nếu không có sự quản lý chặt chẽ dòng tiền thì sẽ rất rủi ro, vấn đề nợ xấu càng trầm trọng hơn. Ngoài ra, theo Tiến sĩ Chí, điểm đáng lưu ý là đa phần ngân hàng xin nới room tín dụng đều có quy mô nhỏ, trước đó từng được cấp hạn mức thấp hoặc không tăng trưởng. "Liệu có chuyện các nhà băng muốn dùng việc được tăng hạn mức tín dụng lên 25-30% để khẳng định với khách hàng rằng họ đang là những ngân hàng tốt. Nếu đúng vậy, vô hình chung điều này đã làm mất đi tính hiệu quả của kế hoạch phân loại và sắp xếp ngân hàng theo nhóm mà Ngân hàng Nhà
  3. nước đã triển khai từ đầu năm", ông Chí nói. Tiến sĩ Lê Đạt Chí còn chỉ ra rằng, trong bối cảnh các ngân hàng lớn, tiềm lực mạnh cũng bị bế tắc đầu ra và khả năng không dùng hết chỉ tiêu tín dụng ban đầu, các ngân hàng nhỏ khó lòng tăng cao hơn. Trường hợp, nếu các ngân hàng nhỏ này gượng ép tăng trưởng tín dụng bằng mọi giá để hoàn thành kế hoạch lợi nhuận năm, theo ông, nên cảnh giác với bẫy thanh khoản. Bởi khi đó, để có nguồn vốn đáp ứng nhu cầu tín dụng tăng khá mạnh này, các nhà băng ắt sẽ huy động tiền từ dân cư bằng mọi giá. Việc lách trần, đẩy lãi suất huy động lên cao cũng khó tránh khỏi. Chưa kể, họ có thể phải vay mượn tiếp trên thị trường liên ngân hàng. Một khi các "ngân hàng ông lớn" đòi nợ bất ngờ sẽ đẩy nhà băng nhỏ rơi vào bẫy thanh khoản. Trên thực tế, hiện nay quy mô tín dụng toàn nền kinh tế ước tính đạt 2,6 triệu tỷ đồng. Nhiều ý kiến cho rằng quy mô tín dụng như vậy là quá cao, bởi đã vượt trên 100% GDP. Chuyên gia Ông Vũ Đình Ánh đặt câu hỏi: "Tăng quy mô lớn để làm gì trong khi việc sử dụng tín dụng không hiệu quả là một trong những nguyên nhân cơ bản làm bất ổn vĩ mô?". Không chỉ vậy, theo ông Ánh, trong bối cảnh doanh nghiệp còn tồn kho
  4. nhiều, nếu nới và bơm tín dụng ồ ạt, có thể có những doanh nghiệp làm liều nhắm mắt vay. "Rất có thể họ vay không vì mục tiêu sản xuất kinh doanh mà để đổ vào xử lý rủi ro cho việc đầu tư chứng khoán, bất động sản trong quá khứ", ông Ánh cảnh báo. Mặt khác, nếu cứ cố ép để đưa tín dụng cán mốc 8%-10%, theo ông Vũ Đình Ánh, rất có thể sẽ có một cuộc cạnh tranh ngược - đua ép lãi suất cho vay xuống để phù hợp với mục tiêu tăng trưởng. "Rất có thể, chúng ta đang đẩy các ngân hàng vào những rủi ro đạo đức", vị này nói. Tín dụng đầu năm nhỏ giọt, dồn ứ và ồ ạt vào cuối năm là câu chuyện thường thấy trong nhiều năm qua. Ông Lê Xuân Nghĩa - thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài khóa tiền tệ quốc gia - cho rằng đáng lẽ ra các ngân hàng thương mại có thể khắc phục được tình trạng "dồn toa tín dụng" kiểu này. Ông đề xuất, đầu năm khi tín dụng sản xuất chưa được bơm nhiều, vốn đầu tư chưa kịp giải ngân, các ngân hàng có thể đẩy mạnh tín dụng tiêu dùng để bù trừ. Hơn nữa, đầu năm cũng là thời điểm nhu cầu mua sắm của người dân cao. Tuy nhiên, các ngân hàng thương mại không làm vậy mà thường dồn dập bung tiền vào cuối năm để về đích nên tín dụng cuối năm càng căng thẳng. Ông Nghĩa phân tích, tăng trưởng tín dụng có thể là 17% nhưng nếu dàn đều cho 12 tháng thì lạm phát sẽ rất thấp. Ngược lại, nếu tăng trưởng tín dụng chỉ là 12% nhưng lại dàn trong 6 tháng, thậm chí 4 tháng cuối năm thì vô cùng nguy hiểm.
  5. Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Anh cũng khuyến cáo, không nên quá phụ thuộc vào chỉ tiêu đề ra để cố ép tăng trưởng tín dụng vào cuối năm. "Cứ phải tăng tín dụng bao nhiêu thì mới tăng trưởng kinh tế bấy nhiêu, tư duy này đã lỗi thời, giờ phải tăng chất lượng tín dụng chứ không phải quy mô tín dụng", ông Vũ Đình Ánh khuyến cáo.
nguon tai.lieu . vn