Xem mẫu

  1. Nâng cao tính chuyên nghiệp trong đào tạo cử nhân báo chí Trong nhiều năm qua, Học viện Báo chí và Tuyên truyền là cơ sở duy nhất trong cả nước đào tạo báo chí theo chuyên ngành. Hiện nay, tại Học viện đang đào tạo 6 chuyên ngành báo chí gồm: Báo in, Báo ảnh, Báo phát thanh, Báo truyền hình, Báo mạng điện tử và Quay phim truyền hình. Đó là chưa kể các chuyên ngành gần với báo chí như Quan hệ công chúng (PR), Quảng cáo, Thông tin đối ngoại, Quan hệ quốc tế v.v. 1. Nhìn lại mô hình “đào tạo báo chí theo chuyên ngành” Trong bài biết này, chúng tôi xin được gọi đây là mô hình “Đào tạo báo chí theo chuyên ngành”. Hiện nay, Học viện vẫn đang triển khai các ch ương trình đào tạo cử nhân báo chí theo phương thức này. Theo đó, một sinh viên khi thi đỗ vào chuyên ngành Báo mạng điện tử sẽ được học chương trình được thiết kế riêng cho chuyên ngành Báo mạng điện tử theo hướng chuyên sâu. Tương tự như vậy, sinh viên theo học các chuyên ngành Báo in, Báo truyền hình hay Báo phát thanh cũng sẽ học chương trình riêng của mình. Điều này là rất khác với chương trình đào tạo cử nhân báo chí tại một số cơ sở đào tạo khác như các Trường Đại học KHXH & NV ở Hà Nội và thành phố HCM. Tại hai cơ sở này chỉ có một Khoa Báo chí - Truyền thông và chỉ có một chương trình đào tạo chung (không phân ngành). Cần phải nói ngay là mô hình đào tạo báo chí theo chuyên ngành ở Học viện Báo chí và Tuyên truyền như trên là để nhằm đáp ứng nhu cầu thực tế của báo chí Việt Nam trong những năm qua. Chúng ta đều biết rằng hệ thống này luôn có sự phân biệt khá rạch ròi giữa các loại hình báo chí (như: báo in, báo nói, báo hình, báo mạng điện tử). Trong đó, các loại hình báo chí truyền thống (báo in, báo nói, báo hình) lại được tổ chức thành những hệ thống riêng với những đặc điểm khác biệt
  2. và có “thứ bậc” rất rõ ràng. Ví dụ: Trong báo in thì có báo cấp Trung ương; báo cấp ngành, báo cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Tương tự như vậy, hệ thống phát thanh, truyền hình có Đài Trung ương; Đài cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Đài cấp ngành (VTC); Đài cấp huyện, thị; Đài cấp xã, phường v.v. Nhìn lại 20 năm qua, có thể thấy một số ưu điểm và nhược điểm nổi bật của phương thức đào tạo báo chí theo mô hình này như sau: Những ưu điểm Chương trình đã khai thác tối đa các đặc điểm, đặc trưng của từng loại hình báo chí, qua đó trang bị những kiến thức chuyên ngành có chiều sâu cho người học. Các hoạt động thực tế, thực tập của thầy và trò do được tổ chức theo chuyên ngành nên thuận lợi và hiệu quả hơn nhiều so với thời kỳ chưa đào tạo theo chuyên ngành. Sau khi tốt nghiệp, sinh viên không mất nhiều thời gian để thích ứng với loại hình báo chí đã được đào tạo. Trong thực tế, hầu hết sinh viên đều có thể làm việc được ngay do đã nắm được lý thuyết chuyên ngành và được làm quen với những thiết bị kỹ thuật chuyên ngành từ rất sớm. Trên cơ sở chương trình, các khoa chuyên ngà nh của Học viện đã hình thành các tổ bộ môn với các giảng viên có kiến thức chuyên ngành vững vàng, đồng thời xây dựng được một đội ngũ các giảng viên kiêm chức và giảng viên thỉnh giảng là các nhà báo có nhiều kinh nghiệm được chọn lọc từ các cơ quan báo, đài của Trung ương và các ngành, các địa phương. Hệ thống cơ sở vật chất, thiết bị kỹ thuật phục vụ cho công tác đào tạo theo chuyên ngành đã có quá trình hình thành, xây dựng từ nhiều năm và ngày càng
  3. hoàn thiện hơn (các studio chuyên ngành ảnh, phát thanh, truyền hình, báo mạng điện tử…) nên đã tạo điều kiện tốt cho thầy và trò thuộc các chuyên ngành tăng cường tính thực tế của chương trình đào tạo, gắn lý thuyết với thực tiễn sinh động thông qua các hình thức thực hành hiệu quả. Có thể lấy ví dụ: mấy năm trước đây, thầy trò Khoa Báo chí đã có ấn phẩm “Báo chí trẻ” xuất bản hàng tháng. Ở Khoa Phát thanh – Truyền hình, từ năm 2008 đến nay, thầy và trò chuyên ngành Báo mạng điện tử đã duy trì trang tin điện tử songtre.vn (hoạt động theo giấy phép của Bộ Văn hóa - Thông tin); còn chuyên ngành Phát thanh hiện đang sản xuất một chương trình phát thanh (cũng lấy tên là “Sóng Trẻ”) có thời lượng 30 phút, đang phát đều đặn trên sóng 90Mhz của Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội vào lúc 15h30’ chủ nhật (phát lại lúc 14h5’ các buổi chiều thứ ba) hàng tuần, nhằm tới đối tượng thính giả là sinh viên ở Hà Nội và các khu vực lân cận. Chương trình phát thanh Sóng trẻ đã được thực hiện từ tháng 1/2010 đến nay và luôn được lãnh đạo Đài Phát thanh – Truyền hình Hà Nội đánh giá là “mới mẻ, trẻ trung, hiện đại và nghiêm túc trong phương thức tổ chức thực hiện”… Những sản phẩm như trên tuy vẫn còn rất khiêm tốn những chính là thành quả trực tiếp của mô hình đào tạo báo chí theo chuyên ngành; của phương thức tổ chức học gắn liền với hành; của quan điểm gắn việc đào tạo trong nhà trường với thực tiễn sôi động của đời sống báo chí… Với những sản phẩm được xã hội hóa như thế, có thể nói sinh viên đã được tham gia hoạt động báo chí chuyên nghiệp ngay từ khi đang còn ngồi trên ghế nhà trường. Một số hạn chế, nhược điểm Quá trình thực hiện mô hình đào tạo báo chí theo chuyên ngành những năm đã dần bộc lộ một số nhược điểm, hạn chế. Những nhược điểm, hạn chế có nguyên nhân trước hết là do nội dung, cấu trúc của chương trình còn những bất hợp lý; phần
  4. khác là do phương thức tổ chức thực hiện. Ngoài ra còn có một số nguyên nhân khác do bối cảnh mới mang lại… Nghiêm túc nhìn nhận, chúng ta có thể nhận thấy mô hình đào tạo báo chí theo chuyên ngành đã bộc lộ một số nhược điểm, hạn chế nổi bật sau đây: Nhược điểm dễ nhận thấy nhất của tất cả các chương trình là đều có mục đích đào tạo ra các phóng viên báo chí (phóng viên viết, chụp ảnh, quay phim…) có trình độ cử nhân, gắn với các loại hình báo chí. Trong khi đó, nghề báo có nhiều chức danh với những tính chất, nhiệm vụ rất khác nhau (nên đòi hỏi các kỹ năng cũng rất khác nhau) như: Phóng viên; Biên tập viên; Người dẫn chương trình; Thư ký tòa soạn; Trị sự; Quản trị mạng; kỹ thuật viên; Trưởng, phó các phòng ban chuyên môn; Tổng biên tập và các Phó tổng biên tập; Người làm các công việc khác của cơ quan báo chí như quan hệ công chúng (PR), quảng cáo, phát hành; khai thác thị trường v.v. Như vậy, sản phẩm đầu ra của các chương trình là không đa dạng nên chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn của hoạt động báo chí. Trong mô hình đào tạo báo chí theo chuyên ngành, do chú trọng về lý thuyết và kỹ năng sáng tạo tác phẩm báo chí nên khi tuyển sinh, Học viện chỉ tuyển học sinh thi các khối C và D. Điều này dẫn đến hai hệ quả: một là không tuyển chọn được hết những người ở các khối thi khác có nguyện vọng và khả năng học báo chí; thứ hai: do các khối thi C và D có tỷ lệ học sinh nữ rất cao nên đã dẫn đến một thực trạng là trong hầu hết các chuyên ngành đào tạo báo chí của Học viện, sinh viên nữ thường chiếm tỷ lệ áp đảo. Và điều này là không phù hợp với yêu cầu thực tế của hoạt động báo chí. Do nghề báo là một nghề nhọc nhằn, nguy hiểm nên các cơ quan báo chí đều có xu hướng muốn tuyển chọn sinh viên nam hơn. Do quá chú trọng việc đào tạo theo chuyên ngành, các chương trình không trang bị được những tri thức, kỹ năng tổng hợp cho sinh viên. Có thể thấy chương trình
  5. đào tạo theo chuyên ngành nhìn chung thường thiên về lý thuyết và kỹ năng sáng tạo tác phẩm báo chí chứ chưa dành thời gian đúng mức đến các kỹ năng rất cần thiết khác của một nhà báo hiện đại như việc sử dụng các thiết bị kỹ thuật mới, thiết kế, trình bày web, quản trị mạng v.v. Những hạn chế nêu trên đã dẫn đến một thực trạng là sinh viên sau khi tốt nghiệp ra trường khó thích ứng và khó xin việc ở các cơ quan báo chí thuộc các chuyên ngành khác với chuyên ngành đã được đào tạo. Trong phương thức tổ chức đào tạo cũng còn một số vấn đề cần được quan tâm điều chỉnh. Chẳng hạn cần chấn chỉnh tình trạng lạm dụng thiết bị thuật, lạm dụng thực hành của một số giảng viên (cho sinh viên làm thực hành quá nhiều mà nghe giảng quá ít), dẫn đến tình trạng nhiều sinh viên không hiểu (hoặc chỉ hiểu lơ mơ) về lý thuyết. Một tình trạng khác cũng cần được chấn chỉnh lại là một số giảng viên rất chú trọng áp dụng các phương pháp giảng dạy mới nhưng lại không quan tâm (hoặc không thể đánh giá được) về hiệu quả thực sự của chính những phương pháp mới ấy. Đây có thể là hậu quả của việc bắt chước cách lên lớp của một số giảng viên nước ngoài tại các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí ngắn hạn trong và ngoài nước. Hệ thống giáo trình, tài liệu tham khảo, tài liệu hướng dẫn thực hành và các tài liệu phục vụ cho giảng dạy và học tập (dưới dạng phim, ảnh tư liệu, băng, đĩa ghi tiếng, ghi hình, ảnh…) của các chuyên ngành báo chí ở Học viện hiện nay thiếu tính hệ thống, rất tản mạn, lại theo nhiều trường phái khác nhau nên sinh viên khó có thể tham khảo một cách hiệu quả. Những thành quả của công nghệ mới và mạng Internet chưa được khai thác tốt để phục vụ cho giảng dạy và học tập. Chẳng hạn như cơ chế thông tin, liên lạc trên mạng; thư viện trên mạng; giảng dạy và học tập qua mạng... vẫn chưa được hình thành một cách phổ biến và hiệu quả.
  6. Mặc dù vẫn còn có những nhược điểm như đã nêu trên, không ai có thể thể phủ nhận tính hợp lý và hiệu quả của mô hình đào tạo báo chí theo chuyên ngành trong những năm vừa qua. Tuy nhiên, bối cảnh hiện nay đã xuất hiện những điều kiện mới, đòi hỏi công tác đào tạo báo chí tại Học viện cần phải có những điều chỉnh, thay đổi kịp thời để thích ứng với những nhu cầu mới đang đặt ra từ chính thực tiễn của đời sống báo chí. 2.Những yêu cầu mới đặt ra đối với công tác đào tạo báo chí Sự phát triển của hệ thống báo chí và công tác quản lý báo chí ở Việt Nam Theo những số liệu liệu gần đây nhất thì hiện nay ở nước ta có 706 cơ quan báo chí in (trong đó có 178 báo và 528 tạp chí); 67 đài phát thanh và Đài phát thanh - truyền hình ( gồm 2 Đài cấp Trung ương, 64 Đài cấp tỉnh, 01 Đài của ngành (Đài VTC thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông). Hệ thống báo điện tử gồm 33 tờ báo mạng điện tử, hơn 100 trang tin điện tử và phiên bản điện tử của các báo in, hàng chục nghìn trang web của các cơ quan, đơn vị, tổ chức cũng ít nhiều có chức năng thông tin… Cũng chính do sự phát triển mạnh mẽ đó mà công tác quản lý Nhà nước về báo chí cũng đã có sự vận động, phát triển. Tháng 8/2007, Bộ Thông tin và Truyền thông được thành lập trên cơ sở chức năng nhiệm vụ của Bộ Bưu chính, Viễn thông và tiếp nhận thêm chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về báo chí, xuất bản từ Bộ Văn hóa – Thông tin cũ. “Bộ Thông tin và Truyền thông là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về báo chí; xuất bản; bưu chính và chuyển phát; viễn thông và internet; truyền dẫn phát sóng; tần số vô tuyến điện; công nghệ thông tin, đi ện tử; phát thanh và truyền hình và cơ sở hạ tầng thông tin truyền thông quốc gia; quản lý nhà nước các dịch vụ công trong các ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ” ([1]).
  7. Riêng trong quản lý báo chí, xuất bản, ngoài các đơn vị cũ như Cục Báo chí, Cục xuất bản, từ tháng 10/2008, Bộ Bộ Thông tin và Truyền thông đã thành lập thêm các Cục Quản lý Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử; Cục thông tin đối ngoại. Việc thành lập Bộ Thông tin và Truyền thông và sau đó là các Cục quản lý chuyên ngành kể trên thể hiện tư duy mới trong quản lý đa ngành, đa lĩnh vực theo hướng tinh gọn bộ máy quản lý hành chính, tăng tính trách nhiệm và hiệu quả quản lý phù hợp với xu thế phát triển và hội tụ giữa công nghiệp nội dung và hạ tầng truyền thông của thế giới. Chính điều đó cũng cho thấy công tác đào tạo cử nhân báo chí không thể đứng ngoài xu hướng vận động, phát triển có tính quy luật này. Những vấn đề đang đặt ra trong bối cảnh hiện nay Ngày nay, trong thời kỳ mà chúng ta vẫn thường gọi là “bùng nổ công nghệ thông tin”, cùng với sự xuất hiện của mạng internet và các công nghệ truyền thông mới, báo chí và các loại hình truyền thông (kể cả lĩnh vực viễn thông) ở Việt Nam đã bước vào một giai đoạn phát triển vô cùng mạnh mẽ với đặc điểm nổi bật là hội tụ truyền thông, tích hợp phương tiện. Sự phát triển mạnh mẽ của lĩnh vực bưu chính, viễn thông - Internet, công nghệ thông tin, báo chí, xuất bản và các ứng dụng công nghệ thông tin trong mọi lĩnh vực đang ngày càng phổ biến đã tạo động lực mới cho sự phát triển kinh tế xã hội, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Sự phát triển của báo chí, truyền thông, viễn thông Việt Nam gắn liền với những tác động từ sự thay đổi về công nghệ truyền thông. Kỹ thuật máy tính được sử dụng rộng rãi trong đường thông tin cao tốc đã có những ảnh hưởng sâu sắc cho các loại hình truyền thông và các phương thức hoạt động của nó. Công nghệ kỹ thuật số đang được thay thế kỹ thuật phỏng theo, phương pháp biên soạn thông minh đang được thay thế phương pháp biên soạn tuyến tính. Trong quá trình đó,
  8. một số công đoạn của báo chí, phát thanh, truyền hình (như biên soạn, sản xuất và phương pháp truyền thông…) đã trải qua những thay đổi cơ bản. Ngày nay, thông qua mạng lưới máy tính nối mạng Internet, chúng ta dễ dàng thẩm tra các nguồn thông tin liên quan, nhanh chóng hoàn tất việc thu thập và trình bày văn bản và các tư liệu khác bằng âm thanh, hình ảnh (tĩnh, động) và videoclip. Kỹ thuật số còn làm cho những công việc vốn rất phức tạp và mất nhiều thời gian trong quy trình sản xuất sản phẩm báo chí theo phương thức truyền thống (như thu thanh, thu hình; biên tập, dàn dựng…) trở nên đơn giản hơn, tốn ít thời gian và công sức hơn nhưng vẫn đảm bảo chất lượng hình ảnh và âm thanh ở mức cao nhất. Quá trình hội tụ truyền thông, tích hợp phương tiện đã tạo ra một số hệ quả tích cực sau đây: Xu hướng chuyển từ cạnh tranh sang hợp tác để phát triển Ngay từ khi mới ra đời, các loại hình báo chí truyền thống đã cố gắng vươn lên, định hình những đặc điểm, đặc trưng của riêng mình và cạnh tranh với các phương tiện truyền thông khác, khẳng định chỗ đứng của mình trong hệ thống các phương tiện truyền thông đại chúng. Bây giờ thì chúng ta lại đang chứng kiến một xu hướng khác gắn liền với quá trình hội tụ truyền thông, tích hợp phương tiện. Sự tăng lên của đường thông tin cao tốc đã khiến cho các phương tiện truyền thông hiện nay vừa cạnh tranh, vừa hòa hợp thành một liên hợp. Phương tiện truyền thông kỹ thuật số không phải là các phương tiện truyền thông hiện đại, bổ sung cho các kỹ thuật truyền thống. Nó thực sự là một cuộc cách mạng. Máy vi tính ngày nay có khả năng dự trữ, xử lý, phát sóng âm thanh, hình ảnh, văn bản, đồ họa và các hình thức biểu đạt đa dạng khác. Kỹ thuật số đã can
  9. thiệp ngày càng sâu vào chức năng của các phương tiện truyền thống như phát thanh truyền hình, báo chí, xuất bản… Hầu như tất cả chức năng của các phương tiện truyền thông trong xã hội hiện đại đếu có thể được thể hiện trong phương tiện truyền thông kỹ thuật số. Có thể nói chính đặc điểm đa chức năng và đa hình thức của phương tiện truyền thông kỹ thuật số đã thu hút hoặc buộc những phương tiện truyền thông khác tham gia vào đội ngũ của phương tiện truyền thông kỹ thuật số; tham gia vào internet. Như vậy, xu hướng từ cạnh tranh đến hợp tác đã thể hiện rõ ràng. Trong thế kỷ này, tất cả các loại phương tiện truyền thông sẽ chuyển đổi từ chỗ là những đối thủ cạnh tranh trở thành người cộng tác, hợp tác mật thiết. Sự thay đổi trong hình thức tiếp nhận của công chúng Đó là sự thay đổi theo chiều hướng tích cực: từ tiếp nhận thụ động đến tham gia chủ động, từ lựa chọn hữu hạn đến lựa chọn vô hạn. Internet đã hoàn toàn thay đổi những hạn chế của truyền thông theo kiểu cũ. Nó thay đổi việc truyền bá thông tin từ một chiều thành đa chiều, trong đó không chỉ cơ quan truyền thông mà ngay cả người nhận thông tin cũng là người cung cấp thông tin. Công chúng hiện đại đã thay đổi mạnh mẽ trong quan hệ với các cơ quan truyền thông. Họ không còn là những người thụ động chờ được “ban phát” thông tin mà còn chủ động tìm kiếm thông tin, thậm chí tham gia sản xuất thông tin. Hiện nay, bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào cũng có thể công bố thông tin trên mạng. Công chúng báo chí có thể kịp thời phản hồi những quan điểm, ý kiến, đề xuất của mình cho các phương tiện truyền thông...
  10. Sự xuất hiện của đường thông tin cao tốc và phương tiện truyền thông kỹ thuật số làm tính chọn lọc của thông tin có xu hướng vô cùng lớn đã tạo ra điều kiện kỹ thuật quan trọng để các phương tiện thông cải thiện phương pháp; đa dạng hóa về nội dung thông điệp; mở rộng dung lượng truyền bá và cung cấp dịch vụ tốt; mở rộng phạm vi lựa chọn cho nhiều đối tượng công chúng; cố gắng đáp ứng tốt nhất mọi nhu cầu lựa chọn của công chúng…. Sự thay đổi này đã tạo ra những đặc điểm mới của công chúng hiện đại, đòi hỏi các cơ quan truyền thông phải thay đổi để đáp ứng. Đó là sự thay đổi từ một chiều đến tương tác, từ quảng đại quần chúng đến cá nhân. Sự thay đổi trong phương thức truyền thông Chúng ta đều biết trước đây, trong thời kỳ thông tin đại chúng, truyền thông đ ược thực hiện một chiều, trong đó cơ quan truyền thông là nơi độc quyền ban phát thông tin, còn quảng đại quần chúng là những người tiếp nhận một cách thụ động. Phương thức này không (hoặc ít) quan tâm đến lợi ích và nhu cầu thực sự của công chúng. Trong truyền thông đại chúng, khoảng cách giữa người truyền bá và công chúng nhìn chung là riêng rẽ, xa cách, thiếu sự bình đẳng đối thoại và trao đổi ý kiến. Mối quan hệ giữa các người truyền bá và công chúng không có liên kết nội bộ, không có sự cộng cảm và vì thế chỉ có thông tin đơn chiều với phương thức truyền dẫn khô cứng. Sự phát triển của kỹ thuật truyền thông hiện đại, đặc biệt là sự tăng lên nhanh chóng của đường thông tin cao tốc đã cung cấp các thiết bị cần thiết và điều kiện kỹ thuật, tạo ra một không gian tự do để đối thoại giữa người truyền bá và người tiếp nhận. Thông tin đại chúng trong sự thay đổi phương cách của truyền bá dần dần tiến tới các đặc trưng như tính toàn cầu, tính cá nhân và tính chia sẻ của đường thông tin cao tốc, đồng thời tăng tốc các phương tiện truyền thông thích
  11. ứng với nhu cầu thị trường, để đáp ứng nhu cầu của quá trình tự điều chỉnh của công chúng. Trong phương thức truyền thông mới, các phương tiện truyền thông truyền thống đang tạo ra các hình thức mới, thay đổi cách truyền thông từ một chiều đến hai chiều, làm người truyền thông và đối tượng để trở thành bình đẳng thực sự. Thay cho việc hướng tới quảng đại quần chúng, truyền thông mới hướng tới đối tượng tiếp nhận là cá nhân, nhằm vào các nhu cầu khác nhau của các nhóm đối tượng công chúng khác nhau. 3.Một số đề xuất nhằm nâng cao tính chuyên nghiệp trong đào tạo cử nhân báo chí Nâng cao tính chuyên nghiệp của chương trình Để thực hiện điều này, chúng tôi cho rằng có hai việc cần làm: Một là điều chỉnh, nâng cao chất lượng của các chương trình đào tạo chuyên ngành báo chí hiện nay của Học viện. Mặc dù hàng năm chúng ta vẫn thường xuyên có sự điều chỉnh đối với chương trình đào tạo của các chuyên ngành báo chí, nhưng đó vẫn chỉ là sự bổ sung trên cơ sở của một khung chương trình cũ với nhược điểm cơ bản là có phần nặng về lý thuyết và khối lượng kiến thức dành cho các môn chuyên ngành báo chí còn thấp. Hơn nữa, trong thực tế, những điều chỉnh, bổ sung chỉ giới hạn không quá 20% (theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo) và thường chỉ được thực hiện trong khối kiến thức ngành và chuyên ngành nên nhìn trên tống thể, nhược điểm cơ bản trên vẫn không được khắc phục. Để có thể tạo ra được sự thay đổi thực sự nhằm giúp cho sinh viên các chuyên ngành báo chí của Học viện nhanh chóng thích ứng và đáp ứng được những đòi
  12. hỏi của nghề báo hiện đại, riêng về các chương trình đào tạo cử nhân, chúng tôi cho rằng cần phải có sự điều chỉnh mạnh mẽ và tích cực hơn nữa. Trước hết là điều chỉnh về tỷ lệ cho các nhóm kiến thức theo hướng tăng cường đáng kể thời lượng cho kiến thức ngành và chuyên ngành. Trong các học phần của nhóm kiến thức ngành và chuyên ngành báo chí, cần mạnh dạn điều chỉnh theo hướng lấy bớt thời lượng của các học phần lý luận chung để dành cho các học phần trang bị những kiến thức, kỹ năng cụ thể của nghề báo. Đồng thời, cần bổ sung những học phần mới (nh ư thiết kế web; ảnh cho trang web; audio cho web; video cho web; quản trị trang web…) cho tất cả các chuyên ngành báo chí nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng cho sinh viên để đáp ứng yêu cầu của thời kỹ hội tụ truyền thông, tích hợp phương tiện. Hai là xây dựng chương trình đào tạo mới theo hướng thích ứng với xu thế hội tụ truyền thông, tích hợp phương tiện. Về vấn đề này, có thể nói chúng ta đã có những bước đi đầu tiên tương đối khả quan. Thông qua Dự án MediaPro (được tài trợ bởi Bộ Ngoại Giao Anh, thông qua Đại sứ quán Anh tại Việt Nam và do Hội đồng Anh Việt Nam điều phối cùng với các cơ sở đào tạo Báo chí ở Việt Nam và Trường Đại học City Luân đôn, trong đó, Học viện Báo chí và Tuyên truyền là đối tác chính), chúng ta đã bước đầu xây dựng được một chương trình đào tạo “Báo chí đa phương tiện”. Đây là chương trình dành cho đối tượng là sinh viên học 4 năm lấy bằng cử nhân báo chí, lấy bằng đại học thứ nhất, được thiết kế theo tín chỉ, có mục đích đào tạo ra những cử nhân báo chí có kỹ năng tổng hợp để thích ứng với các loại h ình báo chí hiện đại, đáp ứng được những yêu cầu ngày càng cao của nghề báo tại Việt Nam. Cùng với khung chương trình đào tạo “Báo chí đa phương tiện”, chúng ta đã hoàn thiện nội dung và phân bổ thời lượng chi tiết của một số mô đun quan trọng trong
  13. chương trình (như: mô đun “Tác phẩm báo chí cơ bản” (10 tín chỉ); mô đun “Tác phẩm Báo chí nâng cao” (10 tín chỉ); mô đun “Sản xuất ch ương trình phát thanh, truyền hình” (10 tín chỉ). Ngoài ra, đã biên soạn được một cuốn “Sổ tay sinh viên” có tính chất như một cuốn cẩm nang đào tạo dành cho người học… Chuyên nghiệp hóa về đội ngũ giảng viên Trong những nghiên cứu trước đây, chúng tôi đã đôi lần đề cập đến vấn đề nâng cao chất lượng giảng viên báo chí. Với mong muốn nâng cao tính chuyên nghiệp của người giảng viên báo chí trong bối cảnh hiện nay, ở đây xin có một số đề xuất như sau: Giảng viên báo chí phải tham gia làm báo Trong giảng dạy các chuyên ngành báo chí - dù ở trong nước hay trên thế giới thì vẫn có một nguyên tắc chung là: giảng viên báo chí phải biết làm báo, thậm chí phải là nhà báo giỏi. Lý do rất đơn giản: nếu giảng viên không biết cách (hay chưa từng) sáng tạo ra các tác phẩm, sản phẩm báo chí thì làm sao anh ta có thể hướng dẫn sinh viên làm ra những tác phẩm, sản phẩm (ở mức độ đơn giản, trung bình chứ chưa dám nói đến yêu cầu phải tốt, phải hay). Với một số trường đào tạo báo chí ở các nước phương Tây, người ta quan niệm rõ ràng: nếu anh không làm báo, anh cũng không đủ tư cách để dạy những người khác làm báo. Thẳng thắn nhìn nhận, chúng ta có thể thấy một số giảng viên đang giảng dạy tại các chuyên ngành báo chí của Học viện không đáp ứng được yêu cầu này. Xuất phát từ nhiều lý do và hoàn cảnh khác nhau, không phải giảng viên báo chí nào cũng đã từng làm báo hay đang tham gia hoạt động báo chí chuyên nghiệp. Mặc dù hiện nay, việc tham gia hoạt động báo chí không phải là quá khó nhưng vẫn có những giảng viên không hề viết báo. Một số người khác thỉnh thoảng có viết một vài bài cho tạp chí hay trang web nào đó, nhưng như thế cũng chưa thể coi là đã làm nghề.
  14. Giảng viên dạy báo chí nhưng không viết báo, không làm báo, không hiểu thực tế và những vấn đề bên trong của hoạt động báo chí ở các tòa soạn. Điều tưởng như rất vô lý đó vẫn đang tồn tại ngay trong các chuyên ngành đào tạo báo chí của chúng ta. Nếu chúng ta triển khai chương trình đào tạo báo chí đa phương tiện theo hướng nâng cao chất lượng như đã nêu trên, yêu cầu đối với giảng viên sẽ cao hơn rất nhiều. Do đó, có thể thấy trước là một số giảng viên sẽ không thể đáp ứng được. Hình như đã đến lúc chúng ta cần phải có những quy định cụ thể để nhanh chóng khắc phục tình trạng đáng lo ngại này. Xây dựng đội ngũ giảng viên thực hành Thực tế cho cho thấy: trong bối cảnh hội tụ truyền thông, tích hợp ph ương tiện như hiện nay, đòi hỏi giảng viên báo chí phải có kiến khá tổng hợp. Những kiến thức đó không chỉ giới hạn trong khu vực sáng tạo tác phẩm báo chí nh ư trước đây mà còn là những kiến thức về kỹ thuật, về mạng, về đường truyền… Việc hình thành đôi ngũ giảng viên hướng dẫn thực hành (trong các studio và ngoài hiện trường) có kiến thức, kỹ năng tốt trong các thao tác kỹ thuật chuyên ngành (thu tiếng, thu hình, dàn dựng, biên tập âm thanh và hình ảnh, kỹ thuật mạng…) sẽ hỗ trợ tối đa cho các giảng viên báo chí hiện nay vốn không có nhiều kiến thức và kỹ năng kể trên. Chuyên nghiệp hóa phương thức tổ chức đào tạo Trong bối cảnh mới, chúng ta cần có phương thức đào tạo báo chí linh hoạt hơn. Một phương thức đào tạo linh hoạt là tăng cường trách nhiệm cho các khoa chủ quản và cho các giảng viên phụ trách học phần. Với chương trình đào tạo được xây dựng theo mô đun, có thể xây dựng chức danh “Trưởng mô đun” – người có
  15. toàn quyền tổ chức các học phần thuộc mô đun của mình trên cơ sở chương trình chung đã ấn định. Trưởng mô đun là người chịu trách nhiệm chính trong việc mời các giảng viện khác tham gia giảng dạy các học phần trong mô đun của mình và trong việc kiểm tra, đánh giá kết quả giảng dạy và học tập. Với phương thức này, Ban Quản lý Đào tạo chỉ trực tiếp tham gia ở đầu vào, đầu ra của chương trình và kiểm tra, giám sát để đảm bảo chương trình được thực hiện đúng theo kế hoạch. Xây dựng hệ thống giáo trình và tài liệu tham khảo Cho đến nay, đây vẫn đang là vấn đề đặt ra trong đào tạo cử nhân báo chí ở Học viện. Để có thể nhanh chóng xây dựng được giáo trình cho các chuyên ngành và các học phần cơ bản nhất, xin có một số kiến nghị như sau: - Đưa chỉ tiêu xuất bản giáo trình và các dạng tài liệu tham khảo vào kế hoạch hoạt động khoa học hàng năm của Học viện. Trên cơ sở đó, dành riêng một khoản kinh phí đáng kể cho công tác này. - Động viên kịp thời và đầu tư kinh phí thích đáng cho việc viết, biên soạn, xuất bản giáo trình và các tài liệu học tập. - Đưa kết quả tham gia viết giáo trình, tài liệu tham khảo vào chỉ tiêu thi đua của giảng viên và các khoa chuyên ngành; Đầu tư thiết bị kỹ thuật theo hướng chuyên nghiệp hóa Trong đào tạo báo chí, cơ sở vật chất và hệ thống thiết bị kỹ thuật chuyên ngành có vai trò rất quan trọng, có thể có những ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng đào tạo.
  16. Trong nhiều năm qua, ở Học viện đã hình thành một hệ thống studio với các trang thiết bị kỹ thuật chuyên ngành, thực sự phát huy hiệu quả trong đào tạo đại học báo chí. Đến nay, chúng ta đã có 01 studio truyền hình; 01 studio phát thanh; một số phòng học được trang bị máy tính nối mạng; hàng chục camêra; vài chục máy ảnh, máy ghi âm kỹ thuật số và nhiều thiết bị kỹ thuật khác. Trong thời gian sắp tới, hệ thống studio và các phòng học chuyên ngành cùng với các thiết bị kỹ thuật mới được đưa vào sử dụng sẽ tạo ra các tiền đề quan trọng để nâng cao chất lượng đào tạo. Tuy nhiên, việc đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật mới chỉ tạo ra các tiền đề cho việc nâng cao chất lượng đào tạo. Điều quan trọng hơn là: chúng ta sẽ khai thác những thiết bị đó như thế nào để phục vụ hiệu quả cho việc đào tạo báo chí theo hướng chuyên nghiệp hóa? Đây là một vấn đề lớn, cần phải có những hội thảo riêng. Trong phạm vi bài viết này, chỉ xin được nhấn mạnh: việc khai thác, sử dụng các thiết bị kỹ thuật phải nâng cao kỹ năng tác nghiệp để tạo ra các tác phẩm, sản phẩm báo chí - truyền thông. Nếu những tác phẩm, sản phẩm đó được xã hội hóa thì đó chính là một trong những bằng chứng của chất lượng đào tạo. Nói tóm lại, để nâng cao tính chuyên nghiệp trong công tác đào tạo cử nhân báo chí nhằm đáp ứng nhu cầu của thực tiễn hoạt động báo chí - truyền thông trong bối cảnh mới ở nước ta hiện nay, cần phải có những giải pháp đồng bộ trên nhiều phương diện – từ khâu tuyển sinh đầu vào, chương trình đào tạo, phương thức tổ chức đào tạo, vấn đề đội ngũ giảng viên, vấn đề giáo trình, tài liệu, vấn cơ sở vật chất kỹ thuật v.v. Đó là những vấn đề liên quan đến toàn bộ các mặt hoạt động của Học viện. Trên đây chỉ là một số ý kiến ban đầu. Hy vọng chúng tôi sẽ có dịp quay trở lại với chủ đề quan trọng này trong những dịp khác.
  17. Hà Nội tháng 6/2011 PGS,TS. Đức Dũng Khoa Phát thanh - Truyền hình Học viện Báo chí và Tuyên truyền ([1]) Dẫn theo website: http://mic.gov.vn
nguon tai.lieu . vn