Xem mẫu

Mối quan hệ giữa lý luận phê bình và sáng tác nhiếp ảnh Cũng giống như các ngành văn học nghệ thuật khác, lý luận phê bình nhiếp ảnh ra đời muộn hơn hoạt động sáng tác – Lý luận phê bình ra đời là một nhu cầu tất yếu khách quan, là sự đòi hỏi của hoạt động sáng tác trong quá trình phát triển của mình. Muốn hoạt động sáng tác phát triển nhằm thỏa mãn nhu cầu thưởng thức nghệ thuật ngày một cao của công chúng. Công tác sáng tác đòi hỏi lý luận phê bình phải chỉ ra được cái hay, cái tốt, những cái được, chưa được, những thiếu sót, lỗi lầm của quá trình sáng tạo. Sáng tác nhiếp ảnh là một hoạt động sáng tạo, lý luận phê bình thuộc phạm trù nhận thức và là lương tri của hoạt động đó. Sáng tác và lý luận phê bình là hai mặt thống nhất của một nhu cầu tinh thần. Lý luận phê bình cũng như sáng tác nhiếp ảnh đều xuất phát từ lợi ích xã hội, vì sự tiến bộ của con người, vì nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của công chúng và vì sự phát triển của nghệ thuật nhiếp ảnh. Lý luận phê bình cần hướng hoạt động sáng tạo nhiếp ảnh vào việc nâng cao trình độ thẩm mỹ cho công chúng và góp phần giải quyết những vấn đề trung tâm của cuộc sống đang đặt nặng lên vai người nghệ sĩ. Điều đó chứng tỏ rằng, lý luận phê bình tuy sinh sau đẻ muộn so với hoạt động sáng tác, nhưng trong tiến trình phát triển nghệ thuật, để thúc đẩy hoạt động sáng tác đi đúng hướng nhằm thỏa mãn khả năng cảm thụ thẩm mỹ ngày càng cao của người xem, đòi hỏi lý luận phê bình phải đi trước một bước. Nhưng để có một bài phê bình có giá trị học thuật, một ngọn đèn soi rọi hướng đi cho hoạt động sáng tác, và làm cho nhà sáng tác ‘tâm phục khẩu phục’ là một công việc hoàn toàn không dễ dàng chút nào, đòi hỏi nhà lý luận phê bình chân chính trước hết phải nâng cao trình độ lý luận, trình độ nhận thức xã hội, trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Có trình độ lý luận cao, chuyên môn giỏi, hiểu biết xã hội sâu sắc nhưng cái tâm thiếu trong sáng, bẻ cong ngòi bút, chẳng những không có tác dụng thúc đẩy sự nghiệp phát triển nhiếp ảnh mà còn gây ra những phản ứng không đáng có ở người sáng tác và công chúng thưởng thức. Thực tế trong nhiều năm qua, công tác lý luận phê bình nhiếp ảnh không những yếu và thiếu, mà còn hố ngăn cách giữa lý luận phê bình và sáng tác. Một số nghệ sĩ sáng tác thường có định kiến cho rằng, người làm công tác phê bình chẳng những không có lý luận, hiểu biết chuyên môn mà phần lớn viết theo cảm tính, nặng về chỉ trích, xoi mói, thiếu tinh thần xây dựng. Để làm cho bài viết có sức thuyết phục, họ thường ‘tầm chương trích cú’, đưa ra một mớ lý luận cũ rích, nặng về sách vở, không phù hợp với tình hình thực tế của xã hội ngày nay. Trước tình hình đó, một số cây bút, để lấy lòng đôi bên (lý luận và sáng tác), bài viết của họ vừa nêu lên một ít ưu điểm vừa nhẹ nhàng chỉ ra một số nhược điểm chung chung, vô thưởng vô phạt Trong lúc đó cũng có một số nhà phê bình cực đoan toàn ngợi ca, tôn vinh tác phâm lên đến tận mây xanh với một mớ danh từ nào ‘làm rung động hàng triệu trái tim’, nào ‘sống mãi với thời gian’, đỉnh cao nghệ thuật .v..v... Bài viết của họ không những không thu phục được người xem, mà ngay cả tác giả cũng cảm thấy ngượng. Mặt khác cũng có những bài viết ‘đao to búa lớn’, nặng về chỉ trích, quy chụp… Thậm chí còn có thâm ý, tìm về quá khứ của tác giả để vạch ra nguyên nhân nội dung tác phẩm yếu kém. Với những bài viết đó, bản thân nhà sáng tác không những không đồng tình, mà còn phản ứng quyết liệt. Thiếu bình tĩnh để nhìn lại mình, nhìn lại tác phẩm. Họ nổi xung cho rằng, bài viết nhằm lăng mạ, hạ uy tín của họ. Để có mối quan hệ tốt, nhà phê bình cần xác định vị trí của mình là ‘người môi giới cái đẹp’. Do đó trước khi hạ bút, người phê bình cần có lương tâm trong sáng: nói thẳng, nói thật, nói đúng, nói cả cái hay, cái dở của đời sống tác phẩm với một thái độ chân tình cởi mở, cầu thị. Người phê bình và người được phê bình không nên cho rằng: phê bình là vạch ra khuyết điểm mà ngược lại cần tôn vinh cái hay, cái được. Đây không phải là một phương trình toán học phải cân bằng. Dựa trên nhận thức lý luận, soi sáng vào tác phẩm, tìm ra cái hay, cái tốt, cái được và cái chưa được. Nhất thiết không theo một tỷ lệ nào cả. Chỉ căn cứ vào thực trạng của tác phẩm. Nhưng phê bình không nên dễ tính hoặc thiên vị. Dễ tính và thiên vị là hạ thấp vai trò của giới sáng tác và coi thường ngòi bút của mình. Phải coi phê bình cũng là một sản phẩm sáng tạo. Mỗi nhà phê bình, trong những hoàn cảnh khác nhau đều có thể phát hiện những điều thú vị có ý nghĩa của tác phẩm. Tìm được giá trị nhân văn và nghệ thuật phong phú, mới lạ đích thực của tác phẩm là niềm vui bất tận của người viết phê bình. Vì vậy công tác phê bình không những không khô khan nhàm chán như nhiều người tưởng, ngược lại luôn luôn mới mẻ và vô cùng hấp dẫn. Thông thường, nói đến phê bình người ta nghĩ ngay đến ‘chê’ là chính. Ở đây bản thân thuật ngữ ‘phê bình’ phải chịu trách nhiệm một phần tạo nên tâm lý lệch lạc. Sẽ là một sai lầm lớn, khi nghĩ rằng cứ vạch ra được nhiều sai sót của tác phẩm mới là ngòi bút sắc sảo, sâu sắc… Trách nhiệm cao cả của công tác lý luận là thúc đẩy hoạt động sáng tác phát triển đúng hướng, nên người làm công tác phê bình không chỉ có tâm thiện, trí vững mà còn cần có đủ dũng cảm của người công dân và tư cách của một người cầm bút. Không lùi bước trước uy lực. Luôn luôn tỏ thái độ trung thực, vô tư. Người viết cần có cái tâm trong sáng như pha lê, với trái tim nồng cháy đập theo nhịp đập của trái tim dân tộc. Trong phê bình cần có lập trường nhất quán như chính sự tồn tại vốn có của bản thân nghệ thuật nhiếp ảnh và xã hội mà anh đang sống. Trong tranh luận, nhất thiết không võ đoán mà cần đưa ra những lập luận mang tính học thuật cao, có lý có tình, nhưng không khuôn sáo, kinh viện. Tránh thái độ quá khích, chụp mũ, thậm chí dùng ngôn từ thiếu văn hóa. Bởi lý luận phê bình nhiếp ảnh là một khoa học mang tính nghệ thuật và tính lịch sử. Phải nhìn nhận nhiếp ảnh như là một hiện tượng lịch sử và bản thân nghệ thuật nhiếp ảnh cũng bị lịch sử chi phối. Trong thực tế, hầu hết các nhà sáng tác thường có tâm lý thích mọi người khen, hơn chê. Khi gặp một bài viết có vạch ra những sai sót, họ cũng tỏ ra không đồng tình, phản ứng tiêu cực. Tạo ra không khí căng thẳng giữa người viết và người được phê bình. Mặt khác, một số người viết phê bình vốn không được trang bị lý luận, đào tạo chuyên môn nghiệp vụ nhiếp ảnh bài bản, nên bài viết phần lớn mang cảm tính nhiều hơn lý tính. ... - tailieumienphi.vn
nguon tai.lieu . vn