Xem mẫu

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM TP.HCM PHAN BÍCH THUỶ NHÂN VẬT TRUNG TÂM TỪ TÁC PHẨM VĂN HỌC ĐẾN TÁC PHẨM ĐIỆN ẢNH LUẬN VĂN THẠC SỸ NGỮ VĂN NGƯỜI HƯỚNG DẪN: PGS.TS. HUỲNH NHƯ PHƯƠNG TP. HỒ CHÍ MINH - 2005 DẪN LUẬN I/ Lí do chọn đề tài –mục đích nghiên cứu: Văn hóa của một dân tộc bao giờ cũng là sự chắt lọc những gì tinh túy nhất, tế nhị nhất trong quan niệm sống, trong giao tiếp ứng xử của con người với thiên nhiên, với quá khứ, hiện tại và tương lai, cái hữu hình và cái vô hình, giữa con người với nhau, và ngay con người với chính bản thân mình. Qua văn học nghệ thuật và đặc biệt qua điện ảnh, những nét đẹp truyền thống của dân tộc như tình tương thân tương ái, lòng yêu nước nồng nàn, những quan niệm nhân sinh: ở hiền gặp lành, gieo gió gặp bão… sẽ được thể hiện một cách sống động qua những hình ảnh cụ thể. Khi đó, ý nghĩa giáo dục của chúng càng trở nên sâu sắc và đại chúng hơn gấp nhiều lần. Điện ảnh là nghệ thuật tổng hợp, là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa các ngành nghệ thuật : Văn học, điêu khắc, tạo hình, sân khấu, âm nhạc, khiêu vũ, nên thành công của một tác phẩm điện ảnh là thành công của sự giao thoa hòan chỉnh và tuyệt vời giữa các ngành nghệ thuật. Giải thưởng của một tác phẩm điện ảnh có thể ở kịch bản văn học, đạo diễn, quay phim, diễn viên, âm nhạc, thiết kế mỹ thuật …Tất cả các nghệ thuật đã hợp sức để làm nên vẻ đẹp lộng lẫy cho nghệ thuật thứ bảy. Kịch bản là biểu hiện cụ thể của tính văn học trong điện ảnh, đó là khâu đầu tiên trong thành phần sáng tạo của một bộ phim, trên generique phim bao giờ cũng là tên nhà biên kịch rồi mới đến đạo diễn. Yếu tố quan trọng nhất của kịch bản là xây dựng hình tượng nhân vật. Vì vậy, điều ấn tượng và quan trọng nhất mà tác phẩm văn học đem lại cho điện ảnh là những hình tượng nhân vật đã được định hình thành công từ văn học. Người đọc đã từng say mê những nhân vật trên trang sách bao nhiêu, thì họ lại càng mong mỏi được tiếp xúc trực diện với nhân vật bấy nhiêu qua màn ảnh. Mối quan hệ giữa văn học và điện ảnh đã trở thành quan hệ cộng sinh, khi mà thông qua nó, giá trị của các tác phẩm văn học và điện ảnh càng được nhân lên, khẳng định, và phát huy thế mạnh độc lập của riêng mình. Gần đây, trên màn ảnh thành phố trình chiếu ba bộ phim nhựa được chuyển thể từ ba tác phẩm văn học nổi tiếng, đã đem lại niềm phấn chấn cho những người làm công tác văn học nghệ thuật trong cả nước và đặc biệt công chúng - những người đã từng yêu mến các nhà văn Nguyễn Tuân, Nguyễn Minh Châu và Lê Lựu. Đó là phim Mê Thảo –thời vang bóng, phỏng theo tác phẩm Chùa Đàn của Nguyễn Tuân do Việt Linh đạo diễn; Thời xa vắng dựa trên tiểu thuyết cùng tên của Lê Lựu do Hồ Quang Minh đạo diễn; bộ phim Người đàn bà mộng du của đạo diễn Nguyễn Thanh Vân, được chuyển thể từ truyện ngắn Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành của Nguyễn Minh Châu. Chọn ba tác phẩm văn học nổi tiếng được chuyển thể thành ba bộ phim thành công, làm đề tài nghiên cứu của luận văn là cách thể hiện thiết thực những tình cảm, sự trân trọng đối với vốn văn hóa nghệ thuật của dân tộc, đồng thời đó cũng là một sự trao đổi, nhắn gửi những suy nghĩ trăn trở về những vấn đề đang đặt ra cho văn học nghệ thuật nước nhà nói chung và điện ảnh nói riêng. Đây là những tác phẩm thành công cả trong văn học và điện ảnh, tạo được tiếng vang trong giới chuyên môn và được đông đảo người yêu nghệ thuật chào đón nồng nhiệt. Qua ba tác phẩm văn học và ba bộ phim, chúng tôi muốn tìm hiểu một cách hệ thống về mối quan hệ giữa văn học và điện ảnh, trong quá trình xây dựng sáng tạo nhân vật trung tâm ở cả hai lọai hình nghệ thuật này. Bởi nhân vật là “hồn cốt” của cả tác phẩm văn học và điện ảnh, tìm hiểu nhân vật trung tâm là tìm ra những vấn đề mấu chốt tạo nên sức hấp dẫn của tác phẩm. Từ việc nghiên cứu những đặc trưng riêng biệt của văn học và điện ảnh, chúng tôi muốn tìm hiểu một cách hệ thống và sâu sắc hơn mối quan hệ qua lại của văn học và điện ảnh, góp phần tìm ra tiếng nói chung giữa nhà văn và các tác giả điện ảnh trong việc bổ sung, hỗ trợ nhau trong quá trình sáng tác. 2/ Lịch sử vấn đề: Xây dựng hình tượng nhân vật trung tâm trong tác phẩm văn học và điện ảnh là một vấn đề luôn được đề cập rất nhiều trong nghiên cứu văn học và điện ảnh và đã có rất nhiều công trình nghiên cứu, bài viết đi sâu vào tìm hiểu nhân vật trung tâm trong văn học và điện ảnh ở nhiều phương diện. Theo GS. Hoàng Ngọc Hiến :”…Nhân vật là yếu tố quan trọng nhất của tác phẩm phim truyện (cũng như của các tác phẩm truyện). Chủ đề tư tưởng của các tác phẩm phim truyện được bộc lộ tập trung ở số phận, tính cách của nhân vật. Nhân vật mờ nhạt thì truyện có li kỳ, hấp dẫn đến mấy cũng không bù lại được” (113- 67). Từ nhiều góc độ khác nhau, nhiều nhà nghiên cứu đã tập trung làm nổi bật những nét đặc trưng của hình tượng nhân vật và hiệu quả của hình tượng nhân vật trong văn xuôi nói chung và trong truyện ngắn, tiểu thuyết nói riêng. Nhà văn Nga M.Gorki cho rằng: ”…Bằng ngôn ngữ tiểu thuyết nhà văn có thể tác động trực tiếp đến tri giác, thính giác, xúc giác của người đọc, làm cho họ cảm giác được nhân vật một cách vật chất ”(21- 156). Các công trình nghiên cứu, các bài viết hoặc đi sâu tìm hiểu những vấn đề cơ sở lí luận chung về: nhân vật và tính cách, thi pháp nhân vật hoặc đánh giá tính cách nhân vật trong tác phẩm văn học cụ thể, hay những vấn đề có liên quan ít nhiều đến xây dựng tính cách nhân vật... Theo GS. Lê Đình Ky: “Tác phẩm văn học là chuyện cuộc đời, thuật lại cuộc đời phiêu lưu của những tâm hồn, phơi bày ra trước mọi người những bước thăng trầm của những hạng người khác nhau, giống như những kinh nghiệm sống cụ thể được tái hiện lại, gắn liền với những mẫu đời, mẫu người nhất định, họ không còn là của riêng ai mà như là của chung, liên quan đến tất cả mọi người.”(36 – 26). Nhà nghiên cứu Lê Bá Hán cho rằng:”Nhắc đến tên một bộ tiểu thuyết, một truyện vừa, một truyện ngắn hoặc một kịch bản văn học quen biết, chúng ta liền nghĩ đến câu chuyện và những con người được thể hiện trong đó…Vì chỉ bằng con đường đó, chúng ta mới có cơ sở thâm nhập nội dung cũng như hình thức của tác phẩm để đánh giá tác phẩm.” [17(I),74] Theo nhà nghiên cứu Trần Đình Sử “Tìm hiểu nhân vật là tìm hiểu cách hiểu về cuộc đời và con người, là tìm hiểu tư tưởng, tình cảm của tác giả đối với con người” (82-26.) Nói về tính văn học trong điện ảnh, nhà văn Nguyễn Quang Thân viết:“Phía sau tất cả vẻ huy hòang trên màn bạc, người xem vẫn thấy rõ sức mạnh ngôn từ của kịch bản văn học tức là sự sáng tạo của nhà văn. Đó là sức mạnh lôi cuốn của tính cách nhân vật, vẻ hấp dẫn của chi tiết và tình huống, cũng như chất nha phiến của những lời đối thọai”(85) Trao đổi về sự cần thiết của hình tượng nhân vật trên màn ảnh, nhà văn Lê Ngọc Minh có bài viết về : “Nhân vật và thể hiện nhân vật, nỗi hằng lo của phim truyện Việt Nam”(57); nhà văn Chu Lai với bài viết “Hình hài nhân vật với thời gian”(38), đạo diễn Huy Thành nói về phương pháp diễn xuất của diễn viên trong bài :”Để có sức bền trong diễn xuất”(87)… Tất cả đều khẳng định việc xây dựng hình tượng và tính cách nhân vật là yếu tố nghệ thuật hết sức quan trọng trong văn học cũng như trong điện ảnh. Điện ảnh là nghệ thuật tổng hợp, ra đời và phát triển trên cơ sở của khoa học kỹ thuật tiên tiến, nó kế thừa tinh hoa của các nghệ thuật khác và đặc biệt là văn học, có ảnh hưởng rất đậm đặc đối với điện ảnh. Ngay từ những ngày đầu phôi thai của điện ảnh, văn học đã cái nền để xây nên những kịch bản điện ảnh, từ cái nền ấy đã có được những bộ phim làm nức lòng người xem. Hơn một thế kỷ qua, trên thế giới các tác phẩm văn học cổ điển nổi tiếng thường được các nhà điện ảnh chuyển thể thành những bộ phim nổi tiếng đến mức trở thành những tác phẩm điện ảnh kinh điển thế giới: Cuốn theo chiều gió, Ngày tận thế (Mỹ ), Bác sĩ Zhivago (Y), Chiến tranh và hòa bình, Sông Đông êm đềm, Khi đàn sếu bay qua, Người thứ 41 ( Nga), Hồng lâu Mộng, Cao lương đỏ (Trung Quốc)… Trong gần 50 năm của điện ảnh Việt Nam, lúc hoàng kim cũng như lúc khủng khỏang hầu như năm nào cũng có đến hơn nửa số phim truyện được thực hiện từ nguồn gốc văn học. Những kinh nghiệm của các thế hệ đạo diễn khi đưa các tác phẩm văn học lên màn ảnh là rất phong phú và có giá trị thực tiễn cao, góp phần thúc đẩy sự phát triển của điện ảnh nước nhà. Có thể kể tên một số tác phẩm tiêu biểu được chuyển thể xuất sắc: Chim vành khuyên, Chị Tư Hậu (kháng chiến chống Pháp), Cánh đồng hoang, Người về đồng cói, Xa và gần ( kháng chiến chống Mỹ ), Thương nhớ đồng quê, Đời cát ( thời kỳ 1986 - 2002)… Hầu hết những bộ phim này đều phản ánh sinh động lịch sử đấu tranh giành độc lập và xây dựng chủ nghĩa xã hội của dân tộc. Cùng với văn học, điện ảnh đã góp phần xây dựng nên những mẫu nhân vật mang hơi thở của thời đại và để lại dấu ấn khó quên trong lòng những người yêu mến văn học và điện ảnh. Tiếp theo giai đọan đất nước thống nhất, một lọat phim có kịch bản chuyển thể từ những tiểu thuyết, truyện ngắn đặc sắc đã đem tới một tầm cao mới cho phim truyện Việt Nam, đặc biệt dòng phim “hiện thực – luận đề” và phim tâm lí xã hội, có thể kể tên các phim tương đối thành công : Ngọai ô ( theo tiểu thuyết cùng tên của Tô Nhuận Vũ). Cỏ lau ( theo các truyện ngắn của Nguyễn Minh Châu). Tướng về hưu, Thương Nhớ Đồng Quê, Những người thợ xẻ ( theo các truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp). Giông tố ( theo tiểu thuyết cùng tên của Vũ Trọng Phụng). Người đi tìm dĩ vãng ( theo tiểu thuyết của Chu Lai). Cây bạch đàn vô danh ( theo truyện ngắn của Nguyễn Quang Thân)… Đặc biệt, bộ phim Đời cát ( theo truyện ngắn Ba người trên sân ga của Hữu Phương) đã rất thành công, sâu sắc đằm thắm hơn cả nguyên tác. Đây là bộ phim được coi là dẫn đầu trong giai đọan điện ảnh phim truyện Việt Nam thời kỳ đổi mới :1986 – 2002. Các nhà điện ảnh đã có cố gắng làm sáng tỏ chủ đề câu chuyện, đặc biệt làm sáng tỏ phần sâu sắc của cốt truyện, đã cụ thể hóa hình tượng nhân vật tạo cho nó có sức sống thực thụ, họ đã thành công lần thứ hai khi đưa các nhân vật đến với công chúng. Nhưng bên cạnh những thành công đó, người xem không khỏi thất vọng nhận thấy: phim của ta còn đầy khỏang trống. Những bộ phim hiện nay nhàn nhạt với những đề tài về tình yêu, những mất mát của chiến tranh … Những điều đó tuy cần nhưng chưa đủ để tạo nên tầm vóc lớn. Trong khi đó những mặt tích cực của lịch sử, những sự kiện, những nhân cách lớn lao của lịch sử còn để trống. Đặc biệt là cuộc sống kinh tế thị trường sôi động đang nảy sinh biết bao vấn đề cần hiểu biết, thâm nhập và thích ứng để tồn tại và phát triển. Trong số những bộ phim được chuyển thể, không phải bộ phim nào cũng thành công, những phim chuyển thể không đạt, có thể kể Đất nước đứng lên (theo tiểu thuyết của Nguyên Ngọc). Ám ảnh ( theo tác phẩm của Nguyễn Minh Châu). Con gái Thủy thần ( theo truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp). Không có đường chân trời ( theo truyện Trại bảy chú lùn của Bảo Ninh)…đều là những bộ phim không sâu sắc, thấm thía bằng tác phẩm văn học. Các nhà nghiên cứu đều khẳng định kịch bản là yếu tố đầu tiên của bộ phim và không có kịch bản hay không có phim hay, bởi kịch bản mang trong lòng nó tất cả những yếu tố tạo nên bộ phim trong tương lai. Mầm mống của mọi thất bại hay thành công đều có trong kịch bản. Nhưng tại sao những bộ phim được chuyển thể trên nền của một tác phẩm văn học nổi tiếng cũng không đạt được hiệu quả ? Nhiều nhà văn, đạo diễn, giới chuyên môn đã có những bài viết về vấn đề này như : “Cải biên tác phẩm văn học sang kịch bản điện ảnh”của Lê Cẩm Lượng (48), “Tác phẩm chuyển thể: những mặt mạnh và yếu”của Huyền Thanh (86), “Cần tránh tùy tiện trong việc chuyển thể tác phẩm văn học sang điện ảnh”của Phạm Hồng Thinh(90),”Cần đánh giá đúng giá trị của kịch bản”của Ôn Quang Thiên(89) …Công bằng mà nói những bộ phim từ kịch bản chuyển thể thường kém hiệu quả hơn so với tác phẩm văn học. Vậy do đâu ? Do nhà biên kịch hay đạo diễn ? Hay lí do nào khác ..v.v ? Tại sao các tác giả điện ảnh không tận dụng được tối đa những tác phẩm văn học hay để có kịch bản hay ? Đó là vấn đề rất nan giải đang đặt ra cho điện ảnh hiện nay. Nhà văn Chu Lai, người có nhiều truyện ngắn, tiểu thuyết đã được đưa lên màn ảnh: Nơi núi rừng yên ả, Người đi tìm dĩ vãng…Và tiểu thuyết Ba lần và một lần được làm phim truyền hình, đã khẳng định “ Văn học và điện ảnh - Cuộc nhân duyên này đã nằm ngay từ trong bản chất” và ông nhận định:” Một tác phẩm điện ảnh hay bao giờ cũng có một giá trị văn học…Văn học là cái nền, điện ảnh bay lên từ cái nền vững chắc đó. Hiện nay ta đang thiếu những nhà văn biết viết điện ảnh, nhưng ta lại thừa những nhà biên kịch không có năng lực văn chương” (101), nhưng đáng tiếc là ”Văn học và điện ảnh mối nhân duyên chưa thành” (37), Quả đúng như vậy, ”Điện ảnh cần nâng cao tính chuyên nghiệp”(64). Vì thiếu một đội ngũ biên kịch chuyên nghiệp nên đã xảy ra những trường hợp: có kịch bản được về đề tài nhưng người viết non tay, thiếu kinh nghiệm để xây dựng một kịch bản điện ảnh; Có kịch bản được về ý tưởng nhưng thọai dở, nhân vật chưa sắc nét ; có kịch bản cả thọai và nhân vật đều được nhưng thiếu tầm bao quát ; kịch bản được ý tưởng nhưng hỏng đường dây, cốt truyện, phương pháp dẫn dắt không hay…Nhiều vấn đề bức xúc của cuộc sống đặt ra mà điện ảnh chưa khai thác hoặc thể hiện chưa tới trong tác phẩm. Nhiều đòi hỏi ngặt nghèo về giá trị nhận thức và định hướng thẩm mỹ mà điện ảnh ta chưa đạt đến. Nhiều kịch bản là sự chắp vá, copy ý tưởng người khác để xây dựng, xào xáo lại một cách vội vàng, thiếu sự tìm tòi, sáng tạo. Sự nghèo nàn, đơn điệu vây ráp lấy những nhà làm phim. Điện ảnh cần thiết biết bao một sự đột phá trong tư duy nghệ thuật, trong thi pháp, trong tư tưởng. ... - tailieumienphi.vn
nguon tai.lieu . vn