Xem mẫu

  1. LỊCH SỬ TRƯỜNG CHU VĂN AN Vào dịp 100 năm trường trung học Bưởi- Chu Văn An, tôi cũng muốn được góp một lời chứng về trường này tuy tôi chỉ là học sinh cũ của trường Chu Văn An ở Hà Nội non 3 tháng, vào mùa thu năm 1946, trước khi trường đóng cửa tản cư, vì Toàn quốc kháng chiến. Việc này tôi sẽ kể dưới đây. Nhưng trước hết, xin tóm tắt đôi lời về gốc gác của trường này. Tôi ghi trong chú thích (1) một số mốc thời gian, vì có liên quan đến sự thăng trầm của trường Bưởi- Chu Văn An. Khởi thủy, dưới thời thuộc Pháp bảo hộ, ngày 9/12/1908, viên Toàn quyền Đông Dương A. Klobukowski ký nghị định thành lập “trường Thành Chung Bảo hộ” – tên Pháp là “Collège du Protectorat” – đặt tại Hà Nội, từ sự hợp nhất của trường Thông ngôn Hà Nội, trường Sư phạm Hà Nội, và trường Jules Ferry ở Nam Định. Theo văn bản này, trường gồm 2 cấp : một cấp tiểu học 4 năm, và một cấp cao hơn – tiếng Pháp trong văn bản gọi bằng một tên khá mơ hồ là “Grand Collège”, tiếng Việt Nam (không có trong văn bản chính thức) gọi là “Thành chung” (?) – cấp này 5 năm, gồm 3 năm học chung, và 2 năm cuối được chia thành 4 ban : sư
  2. phạm, hành chính, kỹ thuật, thương mại, tùy theo hướng nghề nghiệp của học sinh. Vì trụ sở của trường được xây dựng ở vùng Kẻ Bưởi, ven hồ Tây, nên được quen gọi là trường Bưởi. Đến năm 1917 (?) , khóa học Thành chung rút lại còn 4 năm (2). Có lẽ vào khoảng năm 1924 (?), bãi bỏ cấp Tiểu học trong tr ường, và mở lớp cao hơn Thành chung (thêm 3 năm ?) để thi bằng Tú tài bản xứ (tương đương với tú tài Pháp) , và từ đó được gọi là “Lycée du Protectorat” (trường Trung học Bảo hộ). Năm 1943, Chiến tranh thế giới thứ hai lan rộng, do quân Nhật đang chiếm đóng Đông Dương, máy bay Đồng Minh (thực chất là Mỹ) ném bom Hà Nội và một số thành phố. Các trường học sơ tán; các lớp cấp Thành chung của trường dọn về Phúc Nhạc (ở Ninh Bình), và các lớp cấp Tú tài dọn vào Thanh Hóa, và một bộ phận nhỏ vào Hà Đông. Sau cuộc đảo chính 9/3/1945 (quân đội Nhật lật chính quyền Pháp ở Đông D ương, và sau khi thành lập chính phủ Trần Trọng Kim), ngày 12/6/1945, Khâm sai Bắc bộ Phan Kế Toại ra quyết định đổi trên trường Trung học Bảo hộ thành “Quốc lập trung học hiệu Chu Văn An”, hoàn toàn dạy theo chương trình và chuyên ngữ tiếng Việt. Tên trường Chu Văn An bắt đầu từ đó. Ngôn ngữ thời ấy : “quốc lập” đây nghĩa là trường công lập; “trung học hiệu” nghĩa là trường trung học Sau Cách mạng tháng 8/1945, trường mang tên Trường trung học Chu Văn An. Giữa tháng 9/1945, bộ trưởng Quốc gia Giáo dục Vũ Đình Hòe ký nghị định cho
  3. phép trường Chu Văn An hoạt động trở lại; các bộ phận tản cư vào Ninh Bình và Thanh Hóa, cùng với bộ phận ở Hà Đông hợp lại, cơ sở ở Hà Đông, và cử ông Nguyễn Gia Tường làm quyền hiệu trưởng thay ông Hoàng Cơ Nghị (ông Nghị là hiệu trưởng từ thời Chính phủ Trần Trọng Kim). Nh ưng mãi đầu năm 1946, trường mới chuyển về Hà Nội, và tạm đóng ở Việt Nam học xá (Đông Dương học xá cũ, nay là khu Bách Khoa ở Hà Nội). Và vào mùa thu năm 1946, trường dọn về trụ sở của trường nữ trung học Félix Faure cũ ở Hà Nội. Lúc đó, trường được tổ chức gồm 2 cấp học: 1/ Cấp “Trung học phổ thông” 4 năm cho học sinh đã có bằng Tiểu học (“Trung học phổ thông” là tên gọi thời đó, các lớp này từ thấp lên cao gọi là : đệ nhất phổ thông, đệ nhị phổ thông, đệ tam phổ thông và đệ tứ phổ thông, tương đương với lớp 6, 7, 8, 9 ngày nay ; bằng tốt nghiệp cấp học này mang tên là “bằng Trung học phổ thông”, na ná như bằng Thành chung thuở trước). 2/ Cấp “Trung học chuyên khoa” 3 năm cho học sinh đã có bằng “Trung học phổ thông” (“Trung học chuyên khoa” là tên gọi thời đó, các lớp này từ thấp lên cao gọi là : đệ nhất chuyên khoa, đệ nhị chuyên khoa, và đệ tam chuyên khoa, tương đương với lớp 10, 11, 12 ngày nay; bằng tốt nghiệp cấp học này mang tên là “bằng Trung học chuyên khoa”, cũng như bằng Tú tài trước đó). Học sinh muốn vào học, tùy theo cấp học, phải thi tuyển vào đệ nhất phổ thông, hay đệ nhất chuyên khoa, (thi viết theo kiểu ra đầu bài, học sinh giải bằng bài viết;
  4. chấm điểm theo cao thấp, vì số chỗ học sinh giới hạn, ai được xếp cao trên số chỗ, thì đỗ). Thí sinh không trúng tuyển, thì học trường tư hay tự lo liệu cách nào đó. Chính vào thời điểm này, mà tôi vào học trường Chu Văn An, trong một tình huống khá đặc biệt. Vốn là cuối năm học 1946 ở Hà Nội, tôi thi đỗ bằng Tiểu học của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Giữa lúc sửa soạn học hè để tháng 9 thi tuyển vào lớp đệ nhất Trung học phổ thông, chợt một cậu bạn đến rủ : có tin trường Chu Văn An mở một loại lớp thí điểm mới, gọi là “ Tuyển trạch hướng dẫn” , tuyển học sinh theo hồ sơ/học bạ, và với hai điều kiện là : đỗ bằng Tiểu học có “hạng” (mention) và chịu trong hai (?) tháng hè mỗi ngày một buổi có mặt tại giảng đường trường Đại học Hà Nội để làm “cử toạ” (đúng hơn là làm một thứ “vật thí điểm”) cho lớp các thày cô giáo viên toàn quốc được gọi về học sư phạm đặc biệt ở trường Đại học – lúc đó trụ sở đóng ở đường Lê Thánh Tông ngày nay. Lại được “tuyên truyền” là đây là lớp chuyên tuyển, cách học và cách dạy sẽ theo kiểu mới. Tôi nghĩ bụng : đằng nào cũng phải học hè, mà đi thi tuyển làm bài thi vào lớp phổ thông “thường”, chắc quái gì đã làm hay hơn người khác; kinh nghiệm bản thân lại cho thấy là mấy anh chị em họ và bạn bè trạc cùng lứa tuổi, người nào cũng học giỏi cả; họ học bài còn thuộc nhanh hơn mình, cạnh tranh làm chi cho mệt. Mình lại ưa cái mới. Vì vậy, nên tôi xin phép bố mẹ, rồi nộp đơn ghi tên vào loại lớp “Tuyển trạch hướng dẫn” này. Thế là mùa hè năm đó, tôi cùng một số bạn, lê la trong giảng đường trường đại học nghe các thày cô tập giảng dạy dưới sự chỉ dẫn của ông Dương Quảng Hàm
  5. (3). Chả phải chú ý gì, nhưng có những bài văn bị giảng đi giảng lại nhiều lần cũng lọt vào tai đến ngán... (4). Rồi hết hè thì vào học. Học sinh “Tuyển trạch hướng dẫn”, (tương đương với đệ nhất phổ thông “thường”), chia làm bốn lớp “Xuân, Hạ, Thu, Đông” trung bình theo tuổi, trẻ nhất là Xuân. Tôi ở lớp Hạ. Bốn lớp học ở một khu riêng, gần “nhà chơi lớn” (préau), không học chung với học sinh phổ thông “thường”. Trên nguyên tắc, dạy theo kiểu “mới”, với những hứa hẹn như về môn sử, sẽ được dẫn đi thăm Cổ Loa,..., về phương pháp giảng dạy sẽ tạo điều kiện phát huy “khiếu nhận xét” của học sinh, sinh ngữ như tiếng Anh thì vừa học viết vừa học nghe (tất nhiên thuở ấy chỉ có một cái “máy hát” phonographe thỉnh thoảng quay đĩa cho học sinh cả lớp cùng nghe; nhưng đó cũng là lần đầu tiên mà tôi được nghe tiếng Anh phát âm bởi người Anh; và được biết là tùy theo đĩa quay chậm hay nhanh mà tiếng phát ra trầm hay bổng), vv. Nh ưng tình hình Việt-Pháp đang căng thẳng; giả thử có muốn thực hiện phương pháp giảng dạy mới, cũng chẳng có thì giờ và phương tiện (5). (Khi ấy, quân Tàu Tưởng, đã rút hết khỏi Việt Nam, chỉ còn quân Pháp đang tìm cách lấn ta). Học chưa đầy 3 tháng, thì đầu tháng 12 trường đóng cửa (đêm 19/12/1946, Kháng chiến toàn quốc bùng nổ). Trước đó vài ngày, tôi theo gia đình tản cư về quê nội ở Ninh Bình. Tôi theo học trường Trung học Nguyễn Khuyến ở Yên Mô. Đến năm 1950, tôi trở lại Hà Nội hơn một tháng rồi đi Pháp. Tôi không còn có dịp tiếp xúc với trường Chu Văn An nữa. Sau này, đọc tài liệu, và nghe kể, tôi mới biết là :
  6. Tại vùng kháng chiến, ngày 29-5-1947, Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục Nguyễn Văn Huyên ký nghị định số 143/NĐ mở tại vùng Việt Bắc một trường trung học lấy tên Trường trung học Việt Bắc. Đây chính là ngôi trường mà nhiều người gọi là “trường Chu Văn An kháng chiến”, còn gọi là trường trung học Đào Giã (Phú Thọ); sau vài năm nghe đâu chuyển sang khu học xá Nam Ninh (Trung Quốc) một thời gian Ở Hà Nội khi đó, trong vùng quân đội Pháp tạm chiếm, một trường trung học Chu Văn An được mở lại, nhưng không ở địa điểm trường Bưởi cũ, vì Pháp lấy nơi này làm trại lính. Năm 1954, sau Hiệp định Genève, một bộ phận trường này chuyển vào Sài Gòn, vẫn mang tên là trường Chu Văn An, và tồn tại đến 1975 (6). Ở Hà Nội, sau ngày giải phóng Thủ đô, trường Chu Văn An mở lại ở Hà Nội, nhưng tới đầu năm học 1956, trường Chu Văn An ở Hà Nội mới trở về địa điểm trường Bưởi cũ, cho đến ngày nay (7). Như vậy, tôi chỉ là học sinh trường Chu Văn An có non 3 tháng, cũng vào khoảng mùa thu cách đây đã 62 năm. Lớp “ Tuyển trạch hướng dẫn” hình như hoàn toàn chìm vào lãng quên của mọi người (trừ tôi ?), và trường Chu Văn An đối với tôi chỉ còn là một kỷ niệm ngắn ngủi và xa xăm (8). Tuy nay định cư ở nơi xa, tôi vẫn mong mỏi trường Chu Văn An giữ được truyền thống một tr ường công lập tổ chức giảng dạy và học hành nghiêm túc, như lịch sử của trường đã cho thấy mặc dù những thăng trầm, những khó khăn, những giới hạn, trong 100 năm trải qua. H ơn
  7. thế nữa tôi mong rằng với những phương tiện ngày nay, trường phát triển trong hướng tốt đẹp, góp phần vào việc chấn hưng giáo dục trong thời đại mới. Tháng 8/2008. Bùi Trọng Liễu Chú thích: (1) Vài mốc thời gian lịch sử, ảnh hưởng tới trường Bưởi-Chu Văn An: -1883 va` 1884, triều đình Huế ký hiệp ước nhận nền bảo hộ của Pháp ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ, và nhường Nam Kỳ cho Pháp làm thuộc địa. Đông Dương thuộc Pháp dần dần được tổ chức dưới hình thức 4 xứ bảo hộ (Bắc kỳ, Trung kỳ, Cao Mên, Lào) và một xứ thuộc địa (Nam kỳ), dưới quyền một viên Toàn quyền. -1939. Chiến tranh thế giới thứ hai bắt đầu ở Âu châu. -1940. Pháp thua, xin đình chiến với Đức. Chính quyền Pháp ở Đông Dương thuộc chính phủ Pháp của thống chế Pétain theo Đức.
  8. -1941. Nhật thình lình tấn công Pearl Harbour. Mỹ tham gia Chiến tranh thế giới thứ hai ở Thái Bình Dương. Nhật đem quân vào Đông Dương, ép Pháp một số điều kiện, nhưng vẫn giữ bộ máy cai trị của Pháp. -1943. Máy bay Đồng Minh (Mỹ) ném bom Hà Nội và một số thành phố. Một số trường học sơ tán. -9/3/1945. Nhật đảo chính Pháp ở Đông Dương -10/3/1945. Nhật tuyên bố giúp Việt Nam thực hiện độc lập (kỳ thật Nhật vẫn nắm thực quyền, và chỉ nhả những gì họ muốn nhả). -11/3/1945. Triều đình Huế tuyên bố bãi bỏ hiệp ước 1884 (hiệp ước nhận nền bảo hộ của Pháp) và khôi phục chủ quyền Việt Nam. -17/4/1945. Thành lập chính phủ Trần Trọng Kim, bộ trưởng Giáo dục và Mỹ thuật là ông Hoàng Xuân Hãn. Tổng đốc Phan Kế Toại được cử làm Khâm sai Bắc Bộ. -14/8/1945: Nhật đầu hàng Đồng Minh. Theo quyết định của Hội nghị Potsdam của tam cuờng (Mỹ, Anh, Liên Xô), thì (ở Việt Nam) nửa trên vĩ tuyến 16 sẽ do quân Trung Quốc (lúc đó còn dưới chế độ của Tưởng Giới Thạch; gọi tắt là Tàu Tưởng) kéo sang, và nửa dưới vĩ tuyến 16 sẽ do quân Anh kéo vào, trên nguyên tắc là để giải giáp quân Nhật.
  9. -19/8/1945, Cách mạng Tháng tám: Mặt trận Việt Minh giành chính quyền. -23/8/1945. Chính phủ lâm thời được thành lập. Cụ Hồ Chí Minh làm chủ tịch; ông Vũ Đình Hòe làm bộ trưởng Quốc gia Giáo dục. -30/8/1945. Vua Bảo Đại thoái vị, và trở thành Cố vấn tối cao của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. -2/9/1945. Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập. -Đầu tháng 9/1945 quân Tàu Tưởng bắt đầu tới Hà Nội. -28/2/1946: Pháp và Tàu Tưởng ký một hiệp ước (một thứ thoả thuận « trên lưng » Việt Nam): Tàu Tưởng nhận để cho quân đội Pháp kéo vào trên vĩ tuyến 16, để thay thế quân Tàu Tưởng đang đóng trên đó. -2/3/1946: Thành lập Chính phủ Liên hiệp kháng chiến ở Hà Nội. Chủ tịch: Hồ Chí Minh, bộ trưởng Quốc gia Giáo dục là ông Đặng Thai Mai. -6/3/1946: Quân Pháp đổ bộ lên Hải Phòng. Cùng ngày ấy, ký Hiệp định sơ bộ Việt-Pháp. - Từ tháng 5 cho đến tháng 9, các cuộc đàm phán Việt-Pháp, (hội nghị Đà Lạt chấm dứt vào tháng 5, và hội nghị Fontainebleau chấm dứt vào tháng 9) đều thất bại, vì Pháp muốn chi phối tất cả, và không muốn nhả cho Việt Nam ngay cả những điều tối thiểu.
  10. -Cuối tháng 6/1946, quân Tàu Tưởng rút hết khỏi Việt Nam. -19/12/1946: Khoảng 20 giờ, nổ súng ở Hà Nội. Toàn quốc Kháng chiến bắt đầu... -8/5/1954: Chiến thắng Điện Biên phủ. -21/7/1954: Hội nghị Genève chấm dứt. Trên thực tế, Việt Nam bị chia cắt làm 2 (theo vĩ tuyến 17). -15/10/1954, Hồ chủ tịch và chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trở về thủ đô Hà Nội. -30/4/1975: Chiến tranh Việt Nam chấm dứt. (2) Trong bản nghị định tiếng Pháp, điều 3, có ghi là “chương trình học [của cấp Thành chung] sẽ được ấn định sau” (le programme sera ultérieurement fixé). Sau, có nguồn lại cho rằng, mặc dù quyết định ghi trong văn bản 9/12/1908, chương trình cấp học “cao” kia, trên thực tế khi thực hiện, gồm 4 năm, thi lấy bằng “Cao đẳng tiểu học” (hình như tên Pháp là “ Diplôme d’Etudes Primaires Supérieures”, thuở ấy người mình gọi tắt là “Đíp-lôm”, đại khái như Brevet élémentaire của Pháp, ngày nay gọi là Brevet des Collèges), và sang năm thứ 5 (?), mới chia thành 4 ban “nhiệm ý” : sư phạm, hành chính, kỹ thuật, thương mại. Hình như năm thứ 5 này, sau đó cũng bỏ, khi Pháp mở tr ường Cao đẳng ở Hà Nội (có lẽ là vào năm
  11. 1917 ?) để tuyển học sinh đã có bằng Thành Chung vào học 3 năm trong các ngành chuyên môn. Sau này, Pháp mới chuyển Cao đẳng thành Đại học (Université de Hanoi), lấy sinh viên có bằng tú tài Pháp vào học. (Tôi không có thì giờ tìm mọi tài liệu, nên viết có thể không chính xác về mọi thời điểm). Hiệu trưởng đầu tiên của trường Bưởi năm 1908, và trong 10 năm, là ông Paul Mus. Một chi tiết vụn vặt bên lề : Bản nghị định tiếng Pháp mở đầu bằng câu “Le Gouverneur Général de l’Indo-Chine, Officier de la Légion d’Honneur ...”, có tài liệu Việt Nam ngày nay dịch là “Toàn quyền Đông Dương, Huân chương hạng nhất Bắc Đẩu Bội Tinh ...” là dịch sai. Đáng lẽ phải dịch là “Huân chương hạng tư Bắc Đẩu Bội Tinh” mới đúng, vì Légion d’Honneur của Pháp thành lập từ năm 1802 do đề nghị của tướng cộng hòa Bonaparte (Hoàng đế Napoléon I sau này), có 5 hạng, từ thấp lên cao là (3 ordres) Chevalier, Officier, Commandeur, và (2 dignités) Grand Officier, Grand Croix. (Không kể “Grand Maître” là Tổng thống Pháp trong nhiệm kỳ, là người chủ quản; và “Grand Chancelier” giúp “Grand Maître” trong việc “quản lý” huân chương này). (3) Hình như lúc đó, ông Dương Quảng Hàm chưa là hiệu trưởng Chu Văn An, bởi vì theo http://www.hanoinews.com.vn/vn/53/130610/ , có nghị định của bộ
  12. trưởng Quốc gia Giáo dục Đặng Thai Mai ký ngày 3-8-1946 bổ nhiệm ông Dương Quảng Hàm giữ chức quyền hiệu trưởng. (4) Sau này, năm 1970, được mời về nước làm việc thí điểm cho việc Việt kiều về nước làm việc ngắn hạn, tôi có làm mấy buổi thuyết trình xê-mi-na tại giảng đường này ; khung cảnh lúc ấy vẫn còn như xưa. Buổi đầu trở lại nơi này, tôi không tránh được bùi ngùi nhớ lại kỷ niệm hai mươi bốn năm trước đó. Tôi có kể chi tiết trong chương 4 của cuốn sách của tôi : “Tự sự của người xa quê hương”, nxb Đại học Quốc gia Hà Nội 2004, và cũng có trên trang mạng của tôi http://www.buitronglieu.net . (5) Cũng trong chương 4 của cuốn “Tự sự” nói trên, tôi có kể lại vài chi tiết, kèm theo lời bình của tôi, về cách giảng dạy ở lớp “Tuyển trạch hướng dẫn” thời đó, và liên tưởng đến phương pháp giáo dục ngày nay. (6) Trong vùng Pháp tạm chiếm, cách gọi các lớp thay đổi ngược lại, thí dụ như từ thấp lên cao thì gọi là đệ lục, đệ ngũ, đệ tứ, đệ tam , vv. nh ư kiểu Pháp gọi các lớp 6ème, 5ème, 4ème, 3ème , vv.
  13. (7) Ngày nay, tên gọi “ Trung học phổ thông” được “nâng cấp”, bao gồm các lớp 10, 11, 12, trong khi “Trung học phổ thông” thời trước tương đương với “Trung học cơ sở” bây giờ bao gồm các lớp 6, 7, 8, 9. (8) Nhân dịp kỷ niệm 100 năm trường Bưởi-Chu Văn An, vào mùa Xuân năm 2008 này, tôi có được rủ viết bài tham gia cuốn “Kỷ yếu 100 trường Bưởi-Chu Văn An”, nxb Giáo dục 2008. Vì lý do nào đó, Ban biên tập đã không đăng bài đó của tôi (bài viết về mấy tháng học lớp “Tuyển trạch hướng dẫn” của tôi như một lời chứng của một học sinh cũ). Lẽ ra không đăng cũng chẳng sao; nh ưng mấy vị đã thay vào đó bằng một bài đầu đề là “Thiếu tướng Nguyễn Đình Ngọc : nhà tình báo xuất sắc, nhà khoa học uyên thâm”, và ghi tên tôi là tác giả. Bài này không do tôi viết; nửa sau của bài lại có một đoạn viết là tôi dẫn nguồn từ tên một nhà chuyên môn về công nghệ thông tin (mà thực ra tôi chưa từng biết) viết về anh Nguyễn Đình Ngọc. Nói cho kỹ hơn, quả là tôi có viết bài “Cố nhân” về anh Nguyễn Đình Ngọc, in trong chương 6 của cuốn sách của tôi “Học một sàng khôn”, nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2005, (cũng có trên trang mạng của tôi : http://www.buitronglieu.net), nhưng bài “Cố nhân” không liên quan gì đến cái bài gán cho tôi và đăng trong cuốn Kỷ yếu kể trên. Có thể có một khuynh hướng trọng sự tôn vinh danh nhân ít nhiều liên quan đến trường Chu Văn An, hơn là những lời
  14. chứng về cách tổ chức và những sự kiện về trường này? Sự chính xác là một điểm son khó đạt.
nguon tai.lieu . vn