Xem mẫu

Làn sóng mới của nhiếp ảnh báo chí Khá tâm huyết với những vấn đề xoay quanh câu chuyện nhiếp ảnh Việt Nam, trong bài viết mới nhất gửi Tuổi Trẻ, họa sĩ Lê Thiết Cương “xoay ống kính” vào nhiếp ảnh báo chí - một làn sóng mới mẻ nhưng rất đáng ghi nhận trong xu hướng chụp ảnh của một số tay máy hiện nay. Quá khứ nhiều trang trắng Nhân 1.000 năm Thăng Long, một người làm sách khá tên tuổi nảy ý định in một cuốn sách ảnh về Hà Nội. Sách gồm hình ảnh về Hà Nội cổ - ảnh post card (bưu thiếp) của người Pháp chụp, Hà Nội thời chiến tranh, Hà Nội thời hậu chiến (1975-1995) và Hà Nội hôm nay. Một ý tưởng quá tốt nhưng người thực hiện không "bói" đâu ra ảnh của giai đoạn 1975-1995. Không có ảnh về cuộc sống, con người và những câu chuyện hằng ngày. Trong khi đó, ảnh phong cảnh lại hơi nhiều, kiểu như ảnh tháp Rùa trong sương sớm hoặc ảnh những vạt nắng vàng xuộm của hoàng hôn trên mái ngói liêu xiêu, trên những bức tường vôi lở của phố cổ. Dự án tưởng đã đổ, may mắn là những chuyên gia tư vấn của công trình này nhớ tới bà Eva Lindskog - nhiếp ảnh gia nghiệp dư người Thụy Ðiển. Bà đã chụp khoảng 1.000 tấm ảnh về cuộc sống Hà Nội thời đó. Năm 2006, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam làm một triển lãm hoành tráng về thời bao cấp. Ðây là triển lãm thành công nhất của bảo tàng này về mặt thu hút người xem và tác động xã hội, nhưng điểm yếu nhất của triển lãm là phần hình ảnh. Cả triển lãm chỉ có vài bức ảnh về cảnh xếp hàng mua lương thực. Giám đốc bảo tàng Nguyễn Văn Huy đã cho nhân viên đi lục lọi khắp các kho tư liệu nhưng không thể tìm được ảnh chụp về thời kỳ này, vì thời ấy người ta chỉ chụp phong cảnh đẹp. Tất nhiên, ảnh phong cảnh cũng vẫn là ảnh nhưng chưa có một công trình nghiên cứu nào tìm hiểu nguyên nhân gì thời hậu chiến, các nhiếp ảnh gia VN lại không quan tâm đến những vấn đề của cuộc sống hằng ngày. Nếu họ quan tâm sẽ có vô khối chuyện và vô khối cảnh. Thế là cuốn sử bằng ảnh của 20 năm tính từ năm 1975 mãi là những trang trắng. Những người "viết" phóng sự bằng ảnh Năm 1986, VN mở cửa nhưng phải đợi đến 10 năm sau nhiếp ảnh VN mới đổi mới. Lúc này trên báo chí lác đác xuất hiện những bức ảnh có cách nhìn báo chí và phải đợi đến những năm đầu của thập niên này thì nhiếp ảnh báo chí mới thật sự có một làn sóng mới. Loạt ảnh Cuộc chính biến ở Nhà Trắng, Moscow của Dương Minh Long in trên báo Lao Ðộng tháng 9-1993 có thể coi như "phát súng" đầu tiên báo hiệu sự đổi mới của nhiếp ảnh VN. Trần Việt Ðức và Lê Anh Tuấn là hai người trung thành với ảnh báo chí từ lúc cầm máy đến hôm nay, không phải hội viên hội nhiếp ảnh, không tham gia các cuộc thi cử, không giải thưởng. Trần Việt Ðức lao vào tất cả các điểm nóng, kiên trì, bền bỉ nhẫn nại đều đặn có mặt trên trang phóng sự ảnh của Sài Gòn Tiếp Thị. Tố chất rất quý của Ðức là sự tinh mắt trong cách phát hiện vấn đề. Còn Lê Anh Tuấn thích những dự án ảnh dài hơi, ví dụ đề tài miền núi, hạn hán ở Hà Giang, lũ lụt, mất mùa... Tiếp theo phải kể đến các tay máy của nhóm photoworld gồm Việt Thanh (VietnamNews), Lê Anh Dũng (VietNamNet), Trang Dũng, Minh Trí (báo Công An Nhân Dân), Việt Dũng (Tuổi Trẻ), Kỳ Thanh, Hải Thanh, Hoài Linh, Na Sơn... Nhóm này từng có một triển lãm rất "hot" tên là Câu chuyện cuộc sống tại Hà Nội vào tháng 4-2006. Việt Thanh là người hay "ăn" giải, tất nhiên là giải ảnh báo chí ở nước ngoài. Việt Dũng chụp ít nhưng có những bức thuộc hàng "khủng" như bức Phê sớm - chụp một cậu bé đang tự dùng kim tiêm chích ma túy cho mình. Na Sơn cũng là một "tay" lạ với những bức ảnh chụp đời sống công nhân ở những khu công nghiệp, tình trạng ô nhiễm đô thị... Nói chung toàn những món khó "nhằn". Nhiếp ảnh báo chí là nghiệp, là nghề chọn người. Nếu chụp ảnh thời trang, người mẫu chân dài, chụp khỏa thân, chụp quảng cáo ôtô, xe máy, chụp nhà đẹp, phong cảnh đất nước bốn mùa sẽ dễ bán ảnh hơn, giá cả tốt hơn, dễ có tiếng tăm hơn. Ảnh báo chí khó bán, vài năm trở lại đây tuy đã dễ thở hơn chút ít nhưng nói chung vẫn rất thiếu đất dụng võ. Theo con đường này là chấp nhận nghèo, vất vả, nguy hiểm, hao tổn sức lực. Nghề này đòi hỏi phải say mê, dũng cảm và phải khỏe, phải "điên", phải "máu". Nhưng thật sự đáng mừng là ngày càng xuất hiện nhiều người cầm máy trẻ, những người chụp ảnh phóng sự báo chí đúng nghĩa. Với những người "viết" phóng sự bằng ảnh, ảnh của họ là những bức ảnh biết nói vì nó chứa thông tin và trung thực. Mẹ con người Mông trong khu tắm ở trạm xá huyện Phú Yên, Sơn La được giới thiệu trên trang web photoworld.com.vn năm 2006 - Ảnh: Việt Thanh ... - tailieumienphi.vn
nguon tai.lieu . vn