Xem mẫu

  1. PHẦN THỨ BA ĐÔ THỊ HÓA TRONG CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP 4.0: BÀI HỌC KINH NGHIỆM VÀ GIẢI PHÁP
  2. KINH NGHIỆM XÂY DỰNG ĐÔ THỊ THÔNG MINH CỦA SINGAPORE VÀ BÀI HỌC CHO VIỆT NAM TS. Nguyễn Thị Giang Học viện Ngân hàng Tóm tắt: Singapore là quốc gia nhỏ bé ở Đông Nam Á nhưng lại rất nổi tiếng bởi hạ tầng đô thị đồng bộ và hiện đại. Là một trong những quốc gia đi tiên phong xây dựng thành phố thông minh trên thế giới, hiện đất nước này sở hữu mạng lưới giao thông thông minh, dịch vụ công tiên tiến, mang lại những trải nghiệm vô cùng hiệu quả và tiện lợi cho người dân. Hiện nay, Việt Nam đang nỗ lực tiến hành quá trình đô thị hóa theo hướng hiện đại để bắt nhịp kịp thời với xu hướng mà cách mạng công nghiệp 4.0 đặt ra. Trong bối cảnh đó, việc học hỏi kinh nghiệm từ những quốc gia đi trước và thành công như Singapore là rất cần thiết. Từ khóa: Đô thị thông minh, đô thị hóa, Singapore, Việt Nam. Singapore là một quốc gia có lịch sử phát triển đặc biệt - một quốc gia ngẫu nhiên. Nhân vật phủ bóng trên từng bước phát triển của Singapore là cố thủ tướng Lý Quang Diệu, ông đã chia sẻ, bản thân ông và hầu hết người dân Singapore chưa bao giờ mong muốn hòn đảo này là một quốc gia độc lập, bởi vì, ông hiểu rõ những khó khăn mà nó phải đối mặt khi tài nguyên không có, vốn không có, và người dân lại là những người đến đây để kiếm sống chứ không phải đến với mục đích xây dựng và phát triển mảnh đất này. Cho đến nay, nền kinh tế Singapore ngày càng giàu mạnh, dù đã trải qua khủng hoảng tài chính châu Á trong hai năm 1997, 1998. Trong những năm cuối của thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI, Singapore đã trở thành quốc gia có hải cảng nước sâu nhộn nhịp nhất thế giới và là trung tâm tài chính, ngân hàng, hậu cần và thương mại lớn nhất Đông Nam Á. Về mặt xã hội, hơn 90% dân số Singapore sở hữu nhà ở, không có người vô gia cư và nạn đói. Tuy đạt được những kết quả đáng kể nhưng các nhà lãnh đạo của quốc gia này luôn ý thức được những thách thức trên con đường phát triển phía trước. Trong đó, đặc biệt là thách thức đến từ xu hướng xuất hiện của nền kinh tế tri thức dựa trên nền tảng phát triển của thông tin, tri thức và làn sóng của Cách mạng công nghiệp 4.0 đang hình thành và lan tỏa. Muốn thích ứng với bối cảnh phát triển mới đòi hỏi nền tảng khoa học và công nghệ thông tin phải thực sự phát triển vững chắc, trong khi đó Singapore chưa hẳn đã có lợi thế nổi trội trong lĩnh vực này. 241
  3. Trước những thách thức của bối cảnh phát triển mới, từ năm 2001, nhà nước Singapore đã thực hiện Cuộc “đại tu” kinh tế nhằm phấn đấu trở thành trung tâm đầu não của khu vực và thế giới nhờ hệ thống công nghệ thông tin phát triển. Ở cấp quốc gia, Singapore đặt mục tiêu xây dựng “Singapore One”, tức là tạo lập một mạng lưới thông tin số để sử dụng chung cho toàn bộ nền kinh tế. Ở quy mô hộ gia đình, mỗi gia đình sẽ được tiếp cận internet giống như các dịch vụ tối thiểu điện, nước... Thủ tướng Lý Hiển Long đã ví cuộc cải cách kinh tế giai đoạn đầu của thế kỷ XXI của Singapore giống như các cuộc cải cách đột phá của vua Nhật Bản Minh Trị và “người đàn bà thép” Thatcher của Anh trong gần những năm cuối của thế kỷ XX. Kết quả là, Singapore hiện sở hữu nền tảng đô thị thông minh, ấn tượng và hiệu quả. Ý tưởng thiết lập đô thị thông minh của Singapore bắt nguồn từ Chương trình Smart Nation - Tầm nhìn Quốc gia thông minh được thủ tướng Lý Hiển Long khởi động từ năm 2014 nhằm mục đích phát triển hệ thống công nghệ thông tin và truyền thông, mạng lưới và dữ liệu để tìm kiếm giải pháp cho các thách thức đặt ra trước tình trạng già hóa dân số, mật độ dân số thành thị và bảo toàn năng lượng của quốc gia này. Đến nay, Singapore đã lọt vào Top 20 đô thị thông minh trên toàn thế giới theo kết quả nghiên cứu của Công ty Juniper Research thực hiện dựa trên kết quả đánh giá các đô thị trong 4 lĩnh vực gồm: giao thông, chăm sóc sức khoẻ, an ninh công cộng và năng suất lao động của công dân. Trong bảng xếp hạng các quốc gia Triển vọng đô thị hóa thế giới, Singapore được mô tả là quốc gia đô thị, không có khu vực nông thôn và sự tiến triển chất đời sống của công dân đô thị luôn theo xu hướng tích cực, năm sau tốt hơn so với năm trước đó. Đặc biệt, theo đánh giá của Easy Park Group - một công ty tiên phong trong phát triển đô thị thông minh thực hiện quốc gia này còn được vị trí thứ 2 trong danh sách 100 đô thị thông minh trên thế giới dựa theo các tiêu chí như giao thông, phát triển bền vững, quản lý nhà nước, quá trình số hóa, tiêu chuẩn sống, kinh tế sáng tạo v.v… Bảng xếp hạng 5 quốc gia Triển vọng Đô thị hóa Thế giới (World Urbanization Prospects) năm 2017 Thứ Số dân đô thị Tỷ lệ đô thị hoá Quốc gia/Vùng lãnh thổ hạng (%) (%) 1 Monaco 100 0.79 2 Singapore 100 0.08 3 Nauru 100 0.00 4 Thành Vatican 100 0.00 242
  4. Thứ Số dân đô thị Tỷ lệ đô thị hoá Quốc gia/Vùng lãnh thổ hạng (%) (%) – Anguilla 100 1.19 – Bermuda 100 0.19 – Hồng Kông 100 0.10 – Sint Maarten 100 0.00 5 Qatar 100 0.03 – Guadeloupe 99.8 0.01 – Quần đảo Cayman 99.8 0.00 – Réunion 99.7 0.01 Nguồn: ourworldindata.org/urbanization Đô thị thông minh của Singapore được tạo nên bởi 4 yếu tố quan trọng: (1) Giao thông thông minh Singapore nổi tiếng thế giới là một đảo quốc xanh, sạch, đẹp và hạ tầng đô thị hiện đại với mạng lưới giao thông thông minh hiệu quả và tiện lợi cho người dân. Hệ thống giao thông tại Singapore tương đối hoàn chỉnh và khép kín với tổng chiều dài trên 3.000 km với các loại hình giao thông: Taxi, xe buýt, tàu điện ngầm (Mass Rapid Transit- MRT), Trishaw (một loại giống xích lô tại Việt Nam), tàu, thuyền. Trong đó có 2 loại phương tiện công cộng được sử dụng chính ở Singapore là MRT và xe buýt. Singapore đã triển khai Hệ thống Giao thông thông minh (the Intelligent Transport System - ITS) được ứng dụng rộng rãi hơn 10 năm. Hệ thống này bao gồm dịch vụ One Motoring là cổng thông tin điện tử cung cấp thông tin giao thông cho người lái xe và cho phép đóng phạt qua mạng. Đặc biệt là hệ thống quản lý thông minh dành cho phương tiện công cộng SBS Transit và SMRT được, chuyển tiếp thông tin thời gian thực để cung cấp ước tính chính xác hơn về thời gian chạy của xe buýt. Điều này cho phép các nhà khai thác tối ưu hóa các tuyến xe buýt và lịch trình theo lượng người đi lại Nhờ những định hướng đúng đắn này mà hệ thống giao thông công cộng của Singapore được đánh giá là tiện dụng, thoải mái và tin cậy. Các kết quả khảo sát 243
  5. đều cho thấy người dân đất nước này và du khách đến đây đều hài lòng với hệ thống giao thông, đặc biệt là giao thông công cộng. Để đạt kết quả đó, không phải do ngẫu nhiên hay may mắn, mà là kết quả của những chính sách đúng đắn và hiệu quả mà nhà nước Singapore đã tiến hành: - Quy hoạch giao thông dài hạn, điều chỉnh linh hoạt phù hợp với tình hình thực tiễn: chính phủ quốc đảo này quy hoạch chiến lược mạng lưới các trục giao thông để hình thành bộ khung cứng cho hệ thống giao thông trong tương lai sau 40 năm và được phân kỳ đầu tư từng giai đoạn 5 năm, 10 năm và 15 năm. Sau mỗi giai đoạn 10 năm quy hoạch, chiến lược này lại được xem xét điều chỉnh một lần. Tầm nhìn chiến lược của Singapore là xây dựng hệ thống giao thông công cộng chất lượng cao. Hiện nay, quy hoạch giao thông tầm nhìn đến năm 2030 của Singapore là tăng cường mạnh hệ thống giao thông công cộng lên 75%, xây dựng hệ thống giao thông cho người sử dụng Door to Door, giảm thời gian di chuyển và 80% hộ gia đình chỉ mất 10 phút đi bộ đến trạm xe công cộng. - Phạt nặng đối với các vi phạm giao thông: để đảm bảo cho hệ thống giao thông hoạt động an toàn và hiệu quả, nhà nước thực hiện xử phạt rất nặng cho các lỗi vi phạm giao thông. Từ vài trăm cho đến cả vài ngàn đô la Singapore (SGD) tùy mức độ nghiêm trọng của vi phạm. (2) Phát triển Kiến trúc đô thị xanh Ngay khi trở thành thủ tướng đầu tiên của Singapore năm 1959, ông Lý Quang Diệu đã phát động chiến dịch phủ xanh đảo quốc sư tử, chú trọng đến trồng và phổ biến cây xanh đô thị. Cho đến nay, Singapore luôn kiên trì xác định việc triển khai mô hình Công trình xanh (Green Building) hay Kiến trúc bền vững (Sustainable Architecture) trong xây dựng hạ tầng đô thị là một vấn đề quan trọng. Bởi họ xác định kiến trúc xanh là 1 trong 4 tiêu chí để định hình một đô thị thông minh đúng nghĩa, đạt chuẩn và đáng sống. Bởi vậy, chính phủ luôn ưu tiên cho những công trình kiến trúc gần gũi thiên nhiên, thân thiện môi trường, như theo lời của ông Larry Ng - Giám đốc Phát triển Kiến trúc và Thiết kế Đô thị, Cục Tái thiết Phát triển Đô thị, Bộ Phát triển Quốc gia Singapore: “Nhiều khu nhà của Singapore, nếu nhìn xa giống như một khu rừng nhiệt đới. Trên các mái, bề mặt ngoài của tòa nhà đều trồng cây như khu vườn. Điều quan trọng, các công trình của Singapore hiện tại bao giờ cũng được số hóa và lưu giữ dữ liệu. Dữ liệu này như nguồn tài nguyên để giúp cho các nhà xây dựng có thông tin để thiết kế nhanh và đồng bộ hóa thiết kế thông minh và thân thiện môi trường”. Điều này thể hiện một tư duy độc đáo về đô thị hiện đại. Theo đó, hiện đại không có nghĩa là máy móc hiện hữu khắp nơi, mà hiện đại là dùng công nghệ để kết nối. 244
  6. Những biện pháp để tạo ra đô thị xanh của Singapore gồm có: - Các tòa nhà phải “xanh” mới được cấp phép xây dựng: Tốc độ đô thị hóa nhanh của Singapore khiến quỹ đất dành cho cây xanh, hoa làm đẹp đô thị ngày càng bị thu hẹp. Nhằm khắc phục vấn đề này, đã từ lâu, Singapore buộc các công trình cao ốc phải có không gian trồng cây xanh. Theo luật xây dựng của nước này, những tòa nhà chung cư, văn phòng lớn buộc phải có không gian cho cây xanh mới được cấp phép xây dựng. Điều này đã tạo ra mật độ xây xanh rất cao của đảo quốc Sư tử, đem lại sự hài hòa cho cảnh quan đô thị. - Mô hình rừng trong thành phố: Singapore tiên phong trong triển khai kiểu Công trình mới, được mô tả là rừng giữa thành phố, hiện được xem là tương lai cho những ngôi nhà thân thiện với môi trường mà thế giới sẽ phải sử dụng để phủ xanh các thành phố. Một phần nguyên nhân của việc thúc đẩy triển khai mô hình này là do giá công lao động cao, nên sẽ không hiệu quả nếu Singapore thực hiện trồng tràn lan các đường viền xanh, xén tỉa như ở Việt Nam hay Thái Lan. Bởi vậy, họ lựa chọn cách phủ xanh đô thị bằng cách tạo ra các thảm thực vật nhiều tầng, tùy theo đặc điểm của cây cối về quang hợp và nguồn nước. Kết quả là, nhiều khu vực của Singapore được quy hoạch thành những khu rừng bán tự nhiên, trở thành những lá phổi xanh cùng như điểm du lịch thu hút nhiều du khách ghé thăm. - Mọi khoảng trống trong đô thị đều được tận dụng để trồng hoa, cây xanh: Bằng việc thiết kế các tuyến phố cây xanh, chung cư xanh, hành lang xanh, thậm chí cả các chân cầu cũng được phủ những dây leo xanh mướt. Bên cạnh đó, họ còn triển khai mô hình vườn cây mái, thảm cỏ mái, vườn hoa mái - tức là trồng cây và hoa trên mái của các công trình xây dựng. Chính vì vậy mà Singapore đã trở thành quốc gia có độ che phủ cây xanh thuộc hàng cao so với thế giới. - Tổ chức ngày hội trồng cây toàn quốc và bảo vệ cây xanh bằng luật: Từ năm 1971, chính phủ Singapore quyết định chọn ngày 2/11 hàng năm là ngày cả nước trồng cây. Qua hoạt động này sẽ huy động sự tham gia của toàn dân trong việc tạo nên một Singapore xanh, đẹp và thân thiện. Hoạt động cũng hướng tới mục tiêu giáo dục ý thức, tinh thần, gắn kết mỗi người dân với trách nhiệm xã hội. (3) Công nghệ hỗ trợ xã hội Trong nội dung Sáng kiến Quốc gia thông minh- Smart Nation, được Thủ tướng Lý Hiển Long công bố vào ngày 24-11-2014 nêu rõ: “Thông minh không phải được đo bởi sự phát triển của công nghệ, mà nằm ở việc xã hội sử dụng công nghệ để xử lý các vấn đề cũng như thách thức đang gặp phải. Người dân phải là trung tâm của Quốc gia thông minh, chứ không phải công nghệ”. Theo đó ông nêu rõ: “Tầm nhìn của chúng ta là biến Singapore thành một quốc gia thông minh - một 245
  7. quốc gia mà nhờ vào công nghệ, người dân được hưởng một cuộc sống ý nghĩa và đủ đầy, một quốc gia mà cơ hội rộng mở cho tất thảy người dân. Chúng ta sẽ cảm nhận được điều đó trong cuộc sống thường ngày khi các hệ thống cảm biến và thiết bị thông minh cho phép chúng ta sống thoải mái và bền vững. Chúng ta sẽ cảm nhận được điều đó trong chính cộng đồng của mình khi công nghệ cho phép mọi người kết nối với nhau dễ dàng và chặt chẽ. Chúng ta cũng sẽ cảm nhận được điều đó trong tương lai khi chính chúng ta tạo ra cho mình những khả năng mà mình không thể tưởng tượng được”. Nhà nước ưu tiên ứng dụng công nghệ để mang lại hạnh phúc cho mỗi người dân thông qua những cải tiến trong việc cung cấp dịch vụ công. Trong đó, chính phủ đã triển khai số lượng cảm biến và camera lớn trên khắp đất nước nhằm giám sát mọi mặt xã hội. Bằng cách đó, nhà nước sẽ giám sát được mức độ sạch sẽ, ngăn nắp của không gian công cộng, khi hệ thống cảnh báo có thể cung cấp thông tin về tình hình người dân hút thuốc trong khu vực cấm hút thuốc lá hoặc xả rác từ tầng cao. Hệ thống giao thông công cộng cũng được thiết lập đồng bộ từ đèn giao thông thông minh, đèn đường thông minh, camera và các bộ cảm biến để chuyển động chính xác của các phương tiện giao thông. Nhà nước cũng có thể dự báo được tình hình dịch bệnh có thể phát tán hoặc cảnh báo các đám đông khi xuất hiện những nguy cơ như cháy, nổ, khủng bố. Ngày 23/2/2018, tại Singapore, Công ty Đầu tư Fantasia đã chính thức ra mắt chung cư đầu tiên tích hợp giải pháp công nghệ LifeUp “3 trong 1” bao gồm: Nhà thông minh, cộng đồng thông minh và thanh toán thông minh đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á. (4) Môi trường dữ liệu an toàn Việc xây dựng đô thị thông minh, một mặt khiến người dân được hưởng hàng hóa dịch vụ công tốt hơn, chất lượng sống được nâng lên; nhưng mặt khác cũng đặt họ vào những rủi ro đến từ những đặc trưng của Cách mạng công nghiệp 4.0 - đó là sự an toàn thông tin. Nhà nước Singapore ý thức rất rõ về tầm quan trọng của an ninh mạng, như nhận định của Ông Stephan Neumeier, Giám đốc điều hành Kaspersky Lab khu vực Châu Á Thái Bình Dương: “Vì Singapore có mục tiêu trở thành quốc gia thông minh đầu tiên, an ninh mạng tạo nền tảng cho tất cả các công nghệ và đổi mới khác có thể được triển khai một cách an toàn. Khi tài sản quốc gia của Singapore tiến vào thế giới số, điều quan trọng là chính phủ, doanh nghiệp và công dân được bảo vệ khỏi mọi vi phạm về an ninh”. Do đó, từ năm 2015, họ đã thành lập cơ quan chuyên trách về vấn đề này. Năm 2016, chiến lược an ninh mạng quốc gia được công bố, tập trung vào bốn mục tiêu quan trọng: 246
  8. - Tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng quan trọng của đất nước và bảo vệ các cơ sở đó khỏi các cuộc tấn công không gian mạng; - Xây dựng một hệ sinh thái an ninh mạng rộng khắp từ các doanh nghiệp tới cá nhân; - Tạo việc làm thông qua việc trọng dụng các tài năng an ninh mạng; - Tăng cường hợp tác quốc tế để ứng phó tốt hơn đối các mối đe dọa không gian mạng. Để đạt được bốn mục tiêu trên, Singapore tạo điều kiện và bắt buộc tất cả công dân của mình nâng cao những kiến thức về bảo mật thông tin. Luôn khuyến khích và đề cao sáng kiến trong việc cải tiến về Nghiên cứu và Phát triển An ninh mạng Quốc gia. Bên cạnh đó, Singapore còn có rất nhiều chính sách khắt khe trong để đảm bảo an ninh mạng như phạt nặng những hành vi lừa đảo, tung tin giả, … trên mạng xã hội nhằm tạo ra cơ chế mỗi cá nhân phải chịu trách nhiệm về hành động của mình trong không gian mạng. Liên hợp quốc vừa công bố báo cáo toàn cầu về chỉ số an toàn mạng không gian toàn cầu (GCI), Singapore là quốc gia đứng đầu thế giới về khả năng bảo vệ hệ thống mạng trước các cuộc tấn công. Mỹ đứng thứ 2, Malaysia xếp ở vị trí thứ 3. Trong top 10 còn có các nước như Oman, Estonia, Mauritius, Australia, Georgia, Pháp, Canada. Từ những vấn đề chủ yếu trên cho thấy, để có được bộ mặt đô thị như hiện nay, được công nhận là quốc gia “thông minh” hàng đầu thế giới, Singapore đã triển khai những biện pháp đồng bộ và hiệu quả. Đó là những gợi ý có ý nghĩa tham khảo cao với Việt Nam chúng ta. Hiện, Bộ Xây dựng cũng đang đề xuất đề án “Phát triển đô thị thông minh Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030”. Đây là Đề án quan trọng của quốc gia, cần sự tham gia tích cực của tất cả các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là các doanh nghiệp. Nhưng chúng ta không thể copy 100% mô hình của các quốc gia khác trên thế giới, bao gồm cả Singapore. Theo đó, trong quá trình triển khai thực hiện, rất cần tầm nhìn vừa bao quát nhưng vừa sâu sắc, nắm vững đặc điểm của từng địa bàn cụ thể trong triển khai thực hiện. Một số bài học kinh nghiệm từ Singapore mà Việt Nam cần học hỏi để tiến trình xây dựng đô thị trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 được thực hiện hiệu quả là: - Cần có quy hoạch đô thị dài hạn: cần loại bỏ tư duy nhiệm kỳ trong quy hoạch đô thị. Khi quy hoạch được phê duyệt cần tránh tối đa việc sửa quy hoạch dẫn đến phá vỡ cấu trúc quy hoạch. Sự phát triển hạ tầng đô thị đòi hỏi thời gian dài, hàng chục thậm chí hàng trăm năm, do đó, nếu thực hiện quy hoạch với tầm 247
  9. nhìn ngắn hạn sẽ làm cho các công trình xây dựng hạ tầng sớm bị lạc hậu, gây lãng phí và cản trở sự phát triển dài hạn của đô thị. - Cần vận dụng mô hình xanh trong phát triển đô thị: Đô thị hóa ở Việt Nam diễn ra đồng thời với khu vực nông thôn dần thu hẹp. Nhưng điều đó không có nghĩa là dùng bê tông hóa để xóa bỏ cảnh quan tự nhiên. Trong những năm gần đây, hiệu ứng nhà kính ngày càng trầm trọng ở các đô thị lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh… gây ra sự ngột ngạt, ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến chất lượng sống của cư dân đô thị. Do đó, cần thay đổi tư duy trong kiến trúc đô thị bằng việc triển khai kiến trúc xanh. - Ứng dụng công nghệ trong quản lý hạ tầng đô thị: Đặc điểm của hàng hóa công cộng là tính không loại trừ do đó trong thực tế, người dân Việt Nam vẫn chưa thực sự có ý thức trong sử dụng các hàng hóa dịch vụ công như hệ thống chiếu sáng, thùng rác công cộng…gây ra lãng phí ngân sách. Vì lẽ đó, để nâng cao hiệu quả sử dụng các hàng hóa này, nhà nước cần sớm triển khai ứng dụng các công nghệ như hệ thống cảm biến, hệ thống giám sát… Tài liệu tham khảo 1. Lý Quang Diệu (2001), Bí quyết hoá rồng: Lịch sử Singapo 1965-2000, Nxb. Trẻ, Tp. Hồ Chí Minh. 2. Lý Quang Diệu (2001), Singapo và sự bùng nổ kinh tế châu Á, Nxb. Trẻ, Tp. Hồ Chí Minh. 3. Phạm Thị Hồng Điệp (2014), “Mô hình nhà nước phúc lợi kiểu Đông Á và những gợi ý cho Việt Nam”, Tạp chí Khoa học ĐHQG Hà Nội, Tập 30 (số 4), 29-37. 4. Thu Hà, Đặng Nguyên (2002), Quản lý công nghệ trong nền kinh tế tri thức, Nxb. Hà Nội, Hà Nội. 248
nguon tai.lieu . vn