Xem mẫu

  1. Hà Nội - Cổ tích sống trong lòng đương đại VI THÙY LINH Đông đảo người đến tham quan điện Kính Thiên. Ảnh: ĐỒNG ĐỨC THÀNH Hà Nội và những gì thuộc về nó, cả lịch sử truyền thuyết, huyền thoại, đã vĩnh viễn nằm trong ký ức dân tộc với tràn đầy tình tự. Một khối rubic, một lăng kính vạn hoa, những con đường hiện hữu của thực tại và lâm linh- Những mạch máu ngàn năm đang chảy... Thành phố hòa bình, thành phố xinh đẹp, một trong những thành phố cổ nhất châu Á, những danh hiệu đẹp đẽ dành cho Hà Nội thân yêu của chúng ta, là ghi nhận về sự hiện hữu. của truyền thuyết linh thiêng trong lịch sử chốn này. Thực - ảo, huyền sử và chính sử, đan xen hòa quyện, càng làm vẻ cổ kính trở nên quý giá và lộng lẫy. Sự huyền nhiệm như ngọn phồn linh biểu trưng sức sống trường tồn của kinh đô văn hiến. 5 thế kỷ trước, lịch sử và huyền thoại hợp lưu trong khát vọng hòa bình của Đại Việt, khi vua Lê Thái Tổ mượn gươm, rồi dẹp giặc xong lại trả gươm cho Thần Rùa trong hồ Lục Thủy (tên hồ Hoàn Kiếm ban đầu) để giã từ chiến tranh. Ngày ấy, hồ rộng hơn giờ nhiều lần. Từ cuối thế kỷ XVI, khi phủ chúa Trịnh với hơn 50 dinh thự, lâu đài đều hướng ra hồ Lục Thủy, để ngự chơi và xây gò Rùa (Tả Vọng Đình) là chỗ nghỉ mát, hồ đã xanh như tên của nó. Sau này, các công trình bên hồ bị Lê Chiêu Thống đốt hết, chỉ còn lại Tả Vọng Đình. Đền Ngọc Sơn vốn là ngôi đền được nhà Trần dựng lên để ghi nhớ công lao các anh hùng liệt sĩ hy sinh trong cuộc chiến với giặc Nguyên Mông, sau này bị sụp đổ. Chúa Trịnh cho xây trên đó cung Thụy Khánh và đắp hai quả núi đất Đào Tai, Ngọc Bội, sau cũng bị Lê Chiêu Thống phá. Một nhà từ thiện cho xây trên nền cũ, đền Ngọc Sơn. Song chính Nguyễn Siêu (hiệu Phương Đình) đời vua Tự Đức, đứng ra tu sửa mới có kiến trúc như hôm nay, với Tháp Bút (trên núi đất Đào Tai), trấn Ba Đình (chắn sóng); cầu Thê Húc từ phía Đông vào đền, thờ Trần Hưng Đạo và Văn Xương - thần tiên giới có trọng trách trông coi việc văn chương khoa cử. Gần 1.000 năm trước, khi Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư về Đại La, chọn thế đất "rồng cuộn hổ ngồi" làm kinh đô Thăng Long muôn đời, chắc ngài không ngờ Thăng Long lại chịu biết bao binh biến, thử thách, mất mát, mà vẫn rực rỡ, kiêu hùng, trầm tích đến thế. Từ cuối thế kỷ 18, Bà huyện Thanh Quan đã đớn đau khi thủ đô bị mất bao công trình đẹp, quý: "Tạo hóa gây chi cuộc hí trường Đến nay thấm thoát mấy tinh sương Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo Nền cũ lâu dài bóng tịch dương".
  2. Hai thế kỷ trước, qua "Thăng Long hoài cổ" của Bà huyện Thanh Quan thấy quang cảnh kinh thành bị u tịch, mất mát nhiều; nay sang thế kỷ XXI, mất gần hết dấu xưa, còn đôi ba phế tích, chỉ biết tại chiến tranh và ý thức con người. Khi đào móng xây nhà Quốc hội, người ta thấy cả nền văn hóa, lịch sử vùi trong lòng đất. Đó là ngói mũi hài, ngói lá đề, ngói rồng, gươm, bát, liễn, thố... do binh biến, tùy táng đã tưởng ngủ yên trong lòng đất mà may thay, đã hiện lộ cho chúng ta chiêm ngắm, vẻ huy hoàng vang bóng một thời. Từ tháng 4-2004 Bộ Quốc phòng bàn giao khu di tích thành cổ cho UBND TP Hà Nội, và nhân dân được vào xem miễn phí từ 1 đến 10-10. Khu này là hoàng thành (khu vua, quan, cung nữ ở, cũng là khu chính trị - quân sự) giới hạn bởi các đường Điện Biên Phủ, Hoàng Diệu, Phan Đình Phùng, Nguyễn Tri Phương. Nay, chỉ còn rồng đá bậc thềm điện Kính Thiên thời Lê (thế kỷ XV) còn lại. Điện Kính Thiên được xây trùng khớp trên nền điện Càn Nguyên, Thiên An thời Lý - Trần, nơi được chọn dựng các tòa chính điện. Chỉ còn lại: Đoan môn từ thế kỷ XV (cửa chính) dành cho vua ra vào Cấm Thành, Cửa Bắc (1805), cổng thành duy nhất còn sót lại của thành, còn hai vết đạn đại bác quân Pháp bắn vào năm 1882, tầng lều phần cổng làm nơi thờ 2 Tổng đốc Nguyễn Tri Phương và Hoàng Diệu đã tuẫn tiết theo thành Hà Nội; Hậu Lâu (thời Nguyễn), nơi nghỉ của cung tần mỹ nữ hộ giá vua khi tuần du Bắc Hà, với gạch lát nền hoa cúc dây, hắt bóng những cột rồng đã chạm, đầu và mình rồng trang trí trên ngói úp nóc thời Trần. Vẫn còn đó Kỳ Đài (1812), cao hơn 40m, gồm thân trụ hình bát giác, lầu nóc dựng cột cờ, xây trên bệ tam cấp đồ sộ - nay là cột cờ Hà Nội nằm trong Bảo tàng Quân đội. Tối 1-10-2004, UBND thành phố khai trương tuyến phố đi bộ Hàng Đào - Hàng Ngang - Hàng Đường - Đồng Xuân, tuyến buôn bán sầm uất nhất kinh thành xưa của các phường nghề. Lối vào kinh thành có 5 cửa ô, nay chỉ còn ô Quan Chưởng còn gọi Đông Hà môn (4 cửa ô kia là Đông Mác, Chợ Dừa, Cầu Giấy, Yên Phụ). Từ các tỉnh, các thợ giỏi, thợ khéo đã đổ về chốn phồn hoa đô hội, lập nghiệp, đa nghề: nào dệt, nhuộm vải, gò - đúc đồng, chạm bạc, làm bút, bán tre nứa, làm điếu, tôi vôi, thuộc da, vẽ truyền thần... Đã có ca dao về 36 phố phường Hà Nội, chính xác đó là tên các phường nghề bắt đầu bằng chữ Hàng. Nhà báo Nguyễn Triều (Báo Hà Nội mới) đã có bài viết thú vị trên An ninh thế giới 2002 "Người Hà Nội gốc Hàng và người Hà Nội gốc "Lội". Gốc "Lội" ở đây chỉ dân tứ xứ, đổ về chốn kinh kỳ - kẻ chợ, đất lành chim đậu. Bởi lối sống thanh lịch, nế nếp của người Hà Thành đã đi vào chuẩn mực, người tứ xứ về, nhập vào đời sống ấy, phải rèn cốt cách cho xứng người Tràng An. Điều ấy đã bị mai một đi nhiều. Người ta đổ về Hà Nội, chủ yếu vì mưu sinh và chỉ quan tâm đến điều ấy. Họ "rơi tự do", khi không phải người làng, cũng chẳng phải người Hà Nội, thì cứ thả sức nói ngọng, tùy tiện trong sinh hoạt, khiến Giáo sư Sử học Trần Quốc Vượng phải kêu lên "Hà Nội thành cái làng, tấp nập và lộn xộn!". Còn Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, người phố Hàng Đường - ông Dương Trung Quốc cảm thán: "Có lẽ cần lập hội đồng hương Hà Nội chính giữa Hà Nội!"... Chốn phồn hoa, đô hội vẫn hào hoa, linh thiêng và độc đáo - đề tài của thơ, ca, nhạc, họa. Ký ức của nhiều thế hệ Hà Nội thuộc về lịch sử vĩnh cửu. Cái còn, cái mất, nhưng các làng nghề, giai thoại, chuẩn mực của Hà Nội vẫn còn, may mắn sao, chứng nhân lịch sử vật thể và phi vật thể, từ cọng rau đến cơn gió heo may, từ cầu Long Biên đến Nhà hát lớn, Bảo tàng Lịch sử và ngoài bảo tàng vẫn còn lịch sử. Xe đạp chở hoa đi qua bốn mùa, gánh hàng rong gánh quà ngon đến hang cùng ngõ hẻm. Nào "Ổi Quảng Bá, cá hồ Tây/ Chỉ ăn một miếng mà say lòng người", nào "Dưa la, cà Láng, nem Báng, tương Bần/ Cá rô đầm Sét, sâm cầm Hồ Tây", bánh cốm, nào húng Láng, cốm Vòng, mắm cà cuống, bánh cuốn Thanh Trì, chả cá Lã Vọng, bún thang bà Ẩm, các hiệu phở Thìn, phở cuốn, nem tai bà Hồng, bún ốc bà Sáu, sấu đá, ô mai, hoa trái bốn mùa, chợ đêm hoa rau quả Long Biên, chợ đêm ẩm thực Đồng Xuân. "Vui nhất là chợ Đồng Xuân Mùa nào thức ấy xa gần bán mua" Bên chợ, vừa khánh thành bức phù điêu ghi lại lịch sử chợ Đồng Xuân. Chợ là chứng tích của Hà Nội qua bao biến thiên, như nhà cổ 68 Mã Mây vẫn giữ lỗ thủng đục tường mùa đông 1946 khi toàn quốc kháng chiến. Nhiều phố không bán hàng theo tên phố, nhưng vẫn còn Hàng Đào, Hàng Bạc, Hàng Đường giữ nghề, vẫn còn làng đồng Ngũ Xá, nhịp chày làng giấy Yên Thái, chùa Trấn Quốc bên hồ Tây mêng mang mùa thu sen tàn, vẳng tiếng chuông gợi lại thuở hồ rộng bao la với tên Dâm Đàm, Xác Cáo.
  3. Hà Nội linh thiêng, diễm lệ và cầu kỳ, lịch lãm, còn bởi những áng văn đẹp tuyệt tác của Nguyễn Tuân với các tùy bút (nhất là "Phở bản vị"), của Nguyễn Đình Thi với trường ca "Người Hà Nội", "Hà Nội băm sáu phố phường" của Thạch Lam, "Thương nhớ mười hai" của Vũ Bằng. Mười hai tháng, 12 nhịp đi qua 4 mùa lóng lánh men say, trong mùi Hà Nội. Mùi của hoa sữa thu, của cốm, của mưa xuân, của các con phố hoa - cây từng trải theo ý người, mùi món ăn, mùi của làng nghề, mùi của gốm sứ Bát Tràng hơn 500 năm vọng lại, mùa của những thiếu nữ thanh tân đẹp như quyến rũ linh hồn, mùi của đêm trinh tĩnh, của sáng tinh sương khắp các gương hồ, phố cổ Bùi Xuân Phái đã tạo nên phố thứ 37 - phố Phái - trong các họa phẩm tuyệt diệu của ông. Tranh Phái nổi tiếng, nhà lô xô, cột điện, hàng rong, hồn phố hòa với hồn người. Tôi đã từng lo sợ, những ngôi nhà cổ của Hà Nội sẽ mất đi, như những tranh phố cuối cùng của Bùi Xuân Phái, như đã mất làng hoa Ngọc Hà, làng đào Nhật Tân. Tranh ông đã bán nhiều ra nước ngoài, ở trong nước, chỉ còn trên trăm bức trong tay các nhà sưu tập Trần Hậu Tuấn, Hoàng Anh Tuấn và Bùi Thanh Phương (con trai ông). Còn phố cổ ở Hà Nội, chỉ 100 ha - 1.050 nhà trên 73 tuyến phố thuộc 10 phường của quận Hoàn Kiếm. Tranh Phái quý, bởi tình yêu Hà Nội được ông truyền vào nghệ thuật, thăng hoa, xuất thần tới đỉnh cao sáng tạo, bởi nó lưu lại Hà Nội quá khứ, mà hồi quang của nó, dội tới hôm nay, day dứt chúng ta, khi Hà Nội đã mất nhiều vốn quý. Đi vào âm nhạc, hồ Gươm được ví như giọt nước mắt long lanh giữa lòng thành phố ngàn năm hạnh phúc vơi đầy; Hà Nội 36 phố phường như cây đàn cổ 36 dây mãi ngân rung hoan ca và bi tráng, khát vọng và nuối tiếc, ký ức và ước mơ. Đó là nguồn sáng tạo của muôn nghệ sĩ. Hà Nội sẽ mãi trường tồn, khi tất cả chúng ta yêu quý và giữ gìn nó, như bảo lưu tâm hồn và sự sống của mình. Như anh và em nối dài cuộc đời bằng tình yêu sáng trong, đắm say và mãnh liệt trong xao động sinh lực những mạch máu Hà Nội của chúng ta...
nguon tai.lieu . vn