Xem mẫu

PHẦN THỨ HAI TRÌNH TỰ, THỦ TỤC GIẢI QUYẾT VÚ ÁN HÌNH SỰ CHƯƠNG 5 KHỞI TỐ VỤ ÁN HÌNH SỰ 1. KHÁI NIỆM CHUNG 1.1. Khái niệm Hiến pháp năm 1992 quy định mọi công dân trong điều kiện bình thường được pháp luật tôn trọng và bảo vệ các quyền cơ bản và không ai được xâm phạm các quyền tự do cơ bản đó. Xuất phát từ quy định của Hiếp pháp, Bộ luật tố tụng hình sự 2003 quy định nguyên tắc pháp chế xã hội chủ nghĩa trong tố tụng hình sự với nội dung quy định mọi hành vi của các chủ thể trong quan hệ pháp luật tố tụng hình sự nhằm giải quyết vụ án hình sự phải được thực hiện theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự (Điều 3) trên cơ sở thực hiện các nguyên tắc về bảo đảm các quyền và lợi ích cơ bản của công dân. Khi một người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội thì hành vi này luôn xâm hại đến các khách thể được luật hình sự bảo vệ. Để xác định hành vi đó có phải là tội phạm hay không và nếu là tội phạm thì các yếu tố cấu thành của nó như thế nào, các đặc điểm về chủ thể, mặt chủ quan, khách thể, mặt khách quan của tội phạm phải được làm sáng tỏ, từ đó có một chế tài phù hợp với người thực hiện tội phạm, nhằm mục tiêu giáo dục bản thân người phạm tội, phòng ngừa răn đe các biểu hiện tội phạm, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của công dân, tổ chức, bảo vệ pháp luật, lợi ích của nhà nước, thông qua đó đảm bảo trật tự an toàn xã hội, bảo vệ pháp chế và xây dựng một môi trường xã hội lành mạnh văn minh. Tổng hợp tất cả những nội dung về vụ án hình sự muốn được làm sáng tỏ thì sự kiện khách quan về hành vi nguy hiểm cho xã hội đó phải được đi vào quá trình tố tụng, theo đó, các cơ quan tiến hành tố tụng mới được quyền áp dụng các biện pháp mà pháp luật tố tụng hình sự quy định đối với người bị tình nghi và các cơ quan tổ chức cá nhân có liên quan để chứng minh giải quyết vụ án. Để xác định sự kiện đã xảy ra mang dấu hiệu của một vụ án hình sự cần phải được chính thức giải quyết bằng con đường tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật, cơ quan có thẩm quyền phải xác minh tìm hiểu những thông tin cơ bản ban đầu để phục vụ cho việc ra quyết định xác định sự việc đã xảy ra là vụ án hình sự và chính thức đưa vụ án đi vào giai đoạn điều tra làm rõ. Những hoạt động tố tụng ban đầu này được thực hiện trong giai đoạn đầu tiên của vụ án là giai đoạn khởi tố vụ án hình sự. Như vậy, Khởi tố vụ án hình sự là giai đoạn đầu tiên của quá trình tố tụng hình sự, trong đó cơ quan có thẩm quyền thu thập, xử lý các thông tin ban đầu và ra quyết định khởi tố vụ án hình sự hoặc quyết định không khởi tố vụ án hình sự. Thời điểm bắt đầu của giai đoạn khởi tố vụ án hình sự được tính từ khi cơ quan Nhà nước có thẩm quyền nhận được những tin tức về tội phạm và kết thúc khi cơ quan tiến hành tố tụng ra một trong hai quyết định khởi tố vụ án hình sự hoặc quyết định không khởi tố vụ án hình sự. 78 1.1.2. Nhiệm vụ của giai đoạn khởi tố vụ án hình sự Ý nghĩa thực tiễn của vấn đề giải quyết đúng đắn những nhiệm vụ của giai đoạn khởi tố vụ án hình sự đặt ra yêu cầu phải có căn cứ khởi tố vụ án hình sự. Bởi vì nếu như mục tiêu chung của tố tụng hình sự là nhằm “phát hiện chính xác nhanh chóng và xử lý công minh, kịp thời mọi hành vi phạm tội, không để lọt tội phạm, không làm oan người vô tội” (Điều 1) thì khởi tố vụ án hình sự là phát hiện chính xác, nhanh chóng những tội phạm đã xảy ra để từ đó đề ra những biện pháp phù hợp cho việc điều tra làm rõ và xử lý công minh đối với mọi tội phạm. Bằng cách đó, khởi tố không chỉ góp phần thực hiện mục tiêu chung của tố tụng hình sự mà còn là một bảo đảm quan trọng để toàn bộ quá trình tố tụng hình sự được tiến hành và tiến hành theo đúng hướng, đúng mục tiêu. Khởi tố vụ án đúng đắn và kịp thời là một trong những bảo đảm quan trọng để xử lý nhanh chóng, công minh đối với hành vi phạm tội đã xảy ra. Ngược lại, nếu các hoạt động tố tụng hình sự trong giai đoạn khởi tố không đầy đủ, chính xác thì có thể dẫn đến những sai lệch hoặc khó khăn trong quá trình giải quyết vụ án hình sự, trước tiên là trong giai đoạn điều tra tiếp theo. Do khởi tố vụ án hình sự là giai đoạn đầu tiên của quá trình tố tụng nên ở giai đoạn này các cơ quan tiến hành tố tụng chỉ sơ bộ xác định sự việc xảy ra có dấu hiệu của tội phạm hay không để quyết định khởi tố hoặc không khởi tố vụ án hình sự. Xác định dấu hiệu của tội phạm ở giai đoạn này là việc xác định những dấu hiệu, hành vi và sự kiện phạm tội chứ chưa kết luận một cách chắc chắn về tội phạm và người phạm tội. Việc khởi tố vụ án hình sự có ý nghĩa rất quan trọng đối với toàn bộ hoạt động tố tụng tiếp theo. Hoạt động điều tra có đạt được kết quả khách quan, toàn diện, đầy đủ hay không, các quyền lợi cơ bản của công dân có được tôn trọng hay không phụ thuộc rất nhiều vào việc thực hiện đúng đắn và nghiêm chỉnh những quy định của pháp luật về khởi tố vụ án hình sự. 1.3. Đặc điểm - Chủ thể: cơ quan có thẩm quyền khởi tố vụ án hình sự là Cơ quan tiến hành tố tụng và các cơ quan được giao quyền tiến hành một số hoạt động điều tra ban đầu. - Hành vi tố tụng đặc trưng: kiểm tra, xác minh nguồn tin tiếp nhận được về tội phạm dưới các hình thức như lấy lời khai của người bị tạm giữ, xem xét dấu vết trên thân thể của người bị tạm giữ theo quy định, khám nghiệm hiện trường… - Văn bản tố tụng đặc trưng: quyết định khởi tố hoặc quyết định không khởi tố vụ án hình sự. Trong đó: + Quyết định khởi tố vụ án hình sự là hành vi tố tụng hình sự của cơ quan có thẩm quyền khởi tố vụ án hình sự biểu hiện bằng một văn bản tố tụng hình sự xác định một sự kiện pháp lý là có dấu hiệu của tội phạm cụ thể được quy định tại Bộ luật hình sự. Quyết định khởi tố vụ án hình sự làm phát sinh những quan hệ tố tụng, mở đầu cho việc thực hiện những hành vi tố tụng cần thiết tiếp theo để làm rõ sự thật khách quan về sự kiện đó. + Quyết định không khởi tố vụ án hình sự là hành vi tố tụng hình sự của cơ quan có thẩm quyền khởi tố vụ án hình sự biểu hiện bằng một văn bản tố tụng hình sự xác 79 định không tiến hành hoặc chấm dứt mọi hoạt động tố tụng hình sự đã hoặc đang tiến hành đối với hành vi đã bị cho là tội phạm khi có những căn cứ nhất định 2. CĂN CỨ KHỞI TỐ VỤ ÁN HÌNH SỰ 2.1. Căn cứ để khởi tố vụ án hình sự Để loại trừ những trường hợp oan sai, Điều 100 BLTTHS 2003 quy định khả năng duy nhất cho phép khởi tố vụ án. Đó là khi đã xác định được sự việc đã xảy ra có dấu hiệu tội phạm. Dấu hiệu tội phạm chính là những thông tin cơ bản ban đầu về sự việc phạm tội nói chung. Dấu hiệu tội phạm chính là điều kiện cần và đủ để khởi tố vụ án hình sự. Dấu hiệu tội phạm được xác định trên cơ sở những thông tin thu được từ những nguồn nhất định. Điều 100 BLTTHS 2003 quy định năm nguồn tin cụ thể làm cơ sở xác định dấu hiệu tội phạm như sau: 2.1.1. Tố giác của công dân Tố giác của công dân là sự tố cáo về những hành vi nào đó mà họ cho rằng đó là tội phạm. Công dân có quyền và nghĩa vụ tố cáo những hành vi vi phạm pháp luật hình sự mà họ biết với bất kỳ cơ quan, tổ chức nào không nhất thiết phải là cơ quan tiến hành tố tụng. Việc quy định như thế đã tạo điều kiện cho cơ chế thông tin về tội phạm được nhanh chóng, tạo điều kiện cho nhân dân tham gia rộng rãi và thuận tiện vào cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm, đồng thời nâng cao trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong đấu tranh với tội phạm, bảo vệ trật tự xã hội, bảo vệ quyền lợi của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Cơ quan, tổ chức nhận được tố giác của công dân có trách nhiệm phải thông báo cho Cơ quan điều tra hoặc Viện kiểm sát bằng văn bản để xem xét việc khởi tố hoặc không khởi tố vụ án hình sự. Tố giác có thể trực tiếp bằng miệng, có thể bằng thư, điện thoại, văn bản… Trường hợp người bị hại trình báo về sự kiện phạm tội cũng được coi là tố giác của công dân. 2.1.2. Tin báo của cơ quan, tổ chức Tin báo của cơ quan, tổ chức về tội phạm là những thông tin, thông báo, báo cáo, kiến nghị của các cơ quan, tổ chức với cơ quan tiến hành tố tụng về những hành vi, vụ việc đã xảy ra mà các cơ quan, tổ chức cho đó là tội phạm27. Điều 83 của BLTTHS 1988 quy định “tin báo của cơ quan Nhà nước hoặc tổ chức xã hội” cũng là một căn cứ để khởi tố vụ án hình sự. Điều 100 của BLTTHS 2003 đã thay thế cụm từ cơ quan Nhà nước hoặc tổ chức xã hội bằng cụm từ cơ quan, tổ chức nói chung. Điều đó khẳng định rằng không chỉ có cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội mà cả các cơ quan (như cơ quan của sứ quán nước ngoài, các cơ quan ngoại giao, các tổ chức phi chính phủ) và các tổ chức khác (tổ chức nghề nghiệp, tổ chức chính trị xã hội…) cũng phải có trách nhiệm báo cho cơ quan tiến hành tố tụng những tin tức về tội phạm. Điều này thể hiện rõ nguyên tắc sự tham gia của mọi tổ chức, cá nhân vào công cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm. 27 Xem thêm Thông tư liên tịch của Viện kiểm sát nhân dân tối cao – Thanh tra Chính phủ - Bộ Công an – Bộ Quốc phòng số 03/2006/TTLT-KSNDTC-TTrCP-BCA-BQP ngày 23 tháng 5 năm 2006 về quan hệ phối hợp trong việc phát hiện điều tra, xử lý các vụ có dấu hiệu tội phạm do cơ quan thanh tra kiến nghị khởi tố 80 2.1.3. Tin báo trên các phương tiện thông tin đại chúng Các phương tiện thông tin đại chúng là những nguồn thông tin công khai, liên tục và kịp thời phản ánh những sự kiện phát sinh trong đời sống xã hội. Hoạt động thông tin của các nguồn tin này trong nhiều trường hợp có giá trị chỉ ra các hành vi vi phạm của các cá nhân, cơ quan, tổ chức. Khi có tin tức về tội phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng (báo chí, phát thanh, truyền hình…) thì cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm xem xét và giải quyết thông tin đó theo quy định của pháp luật. 2.1.4. Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án, Bộ đội biên phòng, Hải quan, Kiểm lâm, lực lượng Cảnh sát biển và các cơ quan khác của Công an nhân dân, Quân đội nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra trực tiếp phát hiện dấu hiệu của tội phạm Đây là những chủ thể đặc biệt mà trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, những thông tin mà họ thu được có giá trị làm căn cứ xác định việc khởi tố vụ án hình sự. Trong đó các cơ quan là Bộ đội biên phòng, Hải quan, Kiểm lâm, lực lượng Cảnh sát biển và một số cơ quan khác thuộc Công an nhân dân, Quân đội nhân dân là các cơ quan quản lý Nhà nước, chức năng chính của họ là hành chính - quản lý. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện quản lý Nhà nước trên lĩnh vực cụ thể, các cơ quan này phải thực hiện chức năng kiểm tra, thanh tra và do đó có khả năng phát hiện tội phạm. Vì vậy, dấu hiệu tội phạm do những cơ quan này phát hiện được cũng là căn cứ để khởi tố vụ án hình sự. 2.1.5. Người phạm tội tự thú Người phạm tội tự thú là người sau khi đã thực hiện hành vi phạm tội đã tự ăn năn về tội lỗi của mình mà tự nguyện khai báo và giúp các cơ quan bảo vệ pháp luật nhanh chóng làm rõ các tình tiết của vụ án và ngăn chặn các hành vi phạm tội khác. Người phạm tội được coi là tự thú khi chính người đó tự đến cơ quan có thẩm quyền để khai báo về hành vi phạm tội của mình. Vì lời tự thú là lời của chính người phạm tội nói ra nên lời tự thú có thể được coi là nguồn thông tin trực tiếp về việc phạm tội. Vì vậy, lời tự thú là một tài liệu rất quan trọng để giải quyết vụ án nên cơ quan có thẩm quyền cần phải xác định rõ sự thật về lời tự thú đó để đi đến kết luận rằng có hay không có dấu hiệu tội phạm trong sự việc mà người tự thú khai báo, trên cơ sở đó ra quyết định khởi tố hay không khởi tố vụ án hình sự. Các cơ sở trên là các nguồn thông tin ban đầu về tội phạm, được thực hiện bởi nhiều chủ thể khác nhau trong xã hội. Các nguồn thông tin của các chủ thể này không phải lúc nào cũng phản ánh đúng sự việc xảy ra là tội phạm. Thực tế cũng đã chứng minh, có nhiều trường hợp các thông tin về tội phạm được đưa ra từ những chủ thể này không chính xác. Khi cơ quan có thẩm quyền tiếp cận được các thông tin về tội phạm dựa vào các nguồn tin trên đây thì không mặc nhiên ra quyết định khởi tố vụ án hình sự mà phải tiến hành kiểm tra xác minh nguồn tin một cách cơ bản và toàn diện, khi xác định có dấu hiệu tội phạm mới ra quyết định khởi tố vụ án hình sự. 2.2. Căn cứ không khởi tố vụ án hình sự Mặc dù pháp luật tố tụng hình sự quy định những căn cứ khởi tố vụ án hình sự nhưng trong thực tế vẫn có những trường hợp do nhiều lý do khác nhau cơ quan có thẩm quyền đã khởi tố vụ án hình sự không đúng với quy định của pháp luật hình sự và pháp luật tố tụng hình sự. Nhằm phòng ngừa việc khởi tố vụ án hình sự một cách 81 thiếu chính xác, Điều 107 Bộ luật tố tụng hình sự 2003 đã quy định những căn cứ không được khởi tố vụ án hình sự mà khi sự kiện đã xảy ra rơi vào một trong những căn cứ đó, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phải ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự. Theo Điều 107, khi có một trong những căn cứ sau đây thì không được khởi tố vụ án hình sự: 2.2.1. Không có sự việc phạm tội Điều này có nghĩa là không xảy ra trên thực tế sự việc đã bị coi là tội phạm. Thực tiễn cho thấy, không phải bất kỳ nguồn tin nào (tố giác, tin báo…) cũng đều phản ánh đúng sự việc đã xảy ra. Đôi khi có những sự việc đã xảy ra gây nguy hiểm hoặc đe dọa gây nguy cho xã hội nhưng vẫn không phải là tội phạm nhưng do nhầm lẫn của người tố giác, do vu khống, giả tạo… nên những thông tin sai lệch này vẫn đến với Cơ quan có thẩm quyền. Hay có những trường hợp, có những sự việc xảy ra nhưng rất khó phân biệt được tội phạm hay không phải tội phạm nếu như người nhận định sự việc không có kiến thức chuyên môn về khoa học pháp lý hình sự. Những trường hợp này, sau khi cơ quan chuyên môn có thẩm quyền xác định rõ ràng không có sự việc phạm tội thì đó sẽ là một căn cứ để quyết định không khởi tố vụ án hình sự. 2.2.2. Hành vi không cấu thành tội phạm Trường hợp này được hiểu là đã có hành vi nguy hiểm cho xã hội nhưng hành vi đó không đủ những yếu tố cấu thành tội phạm. Trên thực tế, có những hành vi xảy ra có những dấu hiệu như tội phạm nhưng lại không đầy đủ như không có lỗi hoặc có hậu quả xấu cho xã hội nhưng không đáng kể v.v… Để xác định được tội phạm cụ thể, hành vi được xem xét phải có đầy đủ những dấu hiệu của cấu thành tội phạm. Căn cứ vào những quy định của Bộ luật hình sự thì hành vi có những tình tiết loại trừ tính nguy hiểm cho xã hội như tình thế cấp thiết, phòng vệ chính đáng, sự kiện bất ngờ, rủi ro… thì không bị khởi tố về hình sự. Tóm lại, một hành vi được thực hiện hoặc là không có lỗi, hoặc là gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt nhưng không đáng kể, hoặc hành vi được thực hiện bởi những chủ thể không có năng lực chịu trách nhiệm hình sự thực hiện, những hành vi gây thiệt hại nhưng loại trừ tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi thì đó là những căn cứ để không khởi tố vụ án hình sự. 2.2.3. Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội chưa đến tuổi chịu trách nhiệm hình sự Tuổi chịu trách nhiệm hình sự là căn cứ quan trọng để khởi tố và truy cứu trách nhiệm hình sự đối với một người. Theo quy định tại Điều 12 Bộ luật hình sự 1999, người từ đủ 14 tuổi trở lên nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng; người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm. Theo đó, những hành vi nguy hiểm cho xã hội do người chưa đủ 14 tuổi thực hiện thì không được khởi tố vụ án hình sự. Như vậy, quy định chưa đến tuổi chịu trách nhiệm hình sự được hiểu chính xác là chưa đến tuổi chịu trách nhiệm hình sự đối với từng tội phạm cụ thể. Khi vụ việc được cơ quan có thẩm quyền thụ lý thuộc trường hợp này thì cơ quan có thẩm quyền phải ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự. 82 ... - tailieumienphi.vn
nguon tai.lieu . vn