Xem mẫu

  1. Giáo dục đạo đức phải phù hợp mục tiêu đào tạo Có thể nói, học sinh (HS) trung học là bộ phận ưu tú ở lứa tuổi thanh thiếu niên. Tuy nhiên “ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”. Phải trải qua quá trình học tập và rèn luyện trong nhà trường các em mới trở thành người công dân có đạo đức và có kiến thức. Ở lứa tuổi 11 đến 15, các em đã phát triển tương đối đầy đủ và toàn diện về các mặt. Trí tuệ đang phát triển, nhân cách tương đối định hình các em có thể tự đánh giá và điều chỉnh được hành vi của bản thân. HS trung học còn được coi là “một nhân cách đang trưởng thành”, một cây non đang trưởng thành rất cần ánh nắng mặt trời và nguồn nước sạch. Nhưng đó không phải là một cái cho sẵn, bất biến và hình thành một lần là xong. Nhân cách luôn là một quá trình được hình thành và phát triển dần trong suốt đời sống cá nhân. Lứa tuổi các em là một giai đoạn quan trọng trong hình thành nhân cách nhưng kinh nghiệm sống chưa có nhiều, tư tưởng chưa thật chín chắn. Vì vậy giáo dục chính trị tư tưởng có ý nghĩa quan trọng trong việc hình thành và phát triển nhân cách của HS như Bác Hồ đã đúc kết: “Hiền dữ đâu phải là tính sẵn/ Phần nhiều do giáo dục mà nên” (Nghe tiếng giã gạo). Thầy cô, nhà trường phải là “ánh sáng mặt trời và nguồn nước mát lành” cho các em. Công tác giáo dục đạo đức tư tưởng cho HS ngoài việc phải phù hợp với mục tiêu đào tạo còn phải phù hợp với những đặc điểm tâm sinh lý của lứa tuổi. Lứa tuổi HS bậc THCS (từ 12 đến 15 tuổi) là thời kỳ mà tâm sinh lý đang phát triển, là giai đoạn đang cần sự hướng dẫn của thầy cô giống như đang tập đi trên mặt đất cần có người dìu dắt. Sự phát triển về sinh lý là tiền đề cho sự hình thành và phát triển tâm lý. Sự phát triển đó thường có đặc điểm là các em chưa phân biệt được hoặc còn mơ hồ về nhận thức cái xấu và cái tốt, dễ có xu hướng học theo cái xấu theo kiểu “Gần mực thì đen - Gần đèn thì sáng”. Vì vậy, đây là giai đoạn nhà trường và gia đình phải cùng chung tay xây dựng tư tưởng đạo đức cho con em mình. Giáo dục đạo đức tư tưởng cho HS vừa có mục đích lâu dài vừa có mục tiêu trước mắt. Vì vậy phải kết hợp giữa những hoạt
  2. động theo kế hoạch và hoạt động đột xuất để triển khai tốt các nhiệm vụ cụ thể. Để việc giáo dục, bồi dưỡng đạo đức có hiệu quả nhà trường cần tổ chức tốt các phong trào hành động mà tiêu biểu là phong trào: Quyên góp đồ dùng học tập, Nụ cười hồng, Cây mùa xuân, Nét vẽ xanh, sáng tạo đồ dùng học tập từ những vật dụng bỏ đi…Đạo đức nhân cách của HS sẽ được hình thành qua những việc làm cụ thể, những hành vi rõ ràng. Bên cạnh đó nhà trường phải bắt tay kết hợp chặt chẽ với gia đình và xã hội trong việc giáo dục rèn luyện đạo đức, lối sống cho HS để tạo nên một “thế chân kiềng” vững chãi. Giáo dục đạo đức luôn là yêu cầu khách quan của sự nghiệp “trồng người”. Nó giúp sản sinh ra thế hệ vừa “hồng” lại vừa “chuyên” nhằm phục vụ đắc lực cho sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước. Điều mà nhà trường cần lưu ý là các nội dung và hình thức giáo dục phải phong phú, đa dạng. Tránh các hoạt động và hình thức chiếu lệ, đơn điệu trùng lặp. Thông qua môn học giáo dục công dân, nhà trường tổ chức các buổi thảo luận về các tác phẩm văn học mang tính giáo dục như Hạt giống tâm hồn, Nhị thập tứ hiếu… sẽ bồi đắp rất nhiều về lòng yêu Tổ quốc, tình thương đồng loại và niềm tin vào cuộc sống.
nguon tai.lieu . vn