Xem mẫu

  1. G. W. G. Hegel : HIỆN TƯỢNG HỌC TINH THẦN [Phần 7]: (A A) LÝ TÍNH SỰ XÁC TÍN VÀ SỰ THẬT CỦA LÝ TÍNH § 239 Thuyết duy tâm này ở trong sự mâu thuẫn như vậy là vì nó khẳng định Khái niệm trừu tượng về Lý tính như là cái đúng thật (das Wahre). | Do đó, thực tại nảy sinh ra một cách trực tiếp đối với nó trong hình thức đúng ra không phải là thực tại của Lý tính, trong khi Lý tính thì lúc nào cũng được giả định [hay “phải”] là tất cả thực tại(423). | Cho nên, [trong tình hình đó], Lý tính vẫn mãi là một sự tìm kiếm không ngừng nghỉ, nhưng trong chính tiến trình tìm kiếm, Lý tính [đành phải] tuyên bố rằng nó rút cục hoàn toàn không thể nào đạt đến được sự thỏa mãn của việc “tìm ra”. Thế nhưng, Lý tính hiện thực [cụ thể] thì không có tính thiếu triệt để như vậy, trái lại, nếu thoạt đầu nó chỉ là sự xác tín đơn thuần rằng mình
  2. là tất cả thực tại, thì ngay trong Khái niệm này, Lý tính ý thức rằng mình chưa phải là thực tại trong tính chân lý đúng thật với tư cách là sự xác tín và với tư cách là cái Tôi, nên Lý tính bị thôi thúc phải nâng sự xác tín của mình lên thành chân lý và phải lấp đầy [một cách cụ thể hiện thực] cái “của tôi” [còn] trống rỗng này. (còn tiếp) Nguồn: Georg Wilhelm Friedrich Hegel. 2006. Hiện tượng học tinh thần (Phänomenologie des Geistes). Bùi Văn Nam Sơn dịch và chú giải. Hà Nội: Nxb. Văn học. Bản điện tử của dịch giả Bùi Văn Nam Sơn. Bản đăng trên triethoc.edu.vn có sự cho phép của dịch giả. (399)Trong đoạn văn rất trừu tượng này, Hegel tóm tắt tiến trình đào luyện của “ý thức-bất hạnh”: nó đã từ khước cái tồn tại-cho mình của nó, và khi tự phủ định chính mình như thế, nó đã trở nên đồng nhất với “cái phổ biến” vốn đã ở “phía bên kia”, “ở bên ngoài” nó. Nó đã tự biến mình thành một “sự kiện”, một “sự vật”. (400)Như đã thấy ở đoạn trước, cái hạn từ trung giới ở đây được ám chỉ như là người giáo sĩ, là Giáo hội Ki-tô giáo (thời Trung cổ).
  3. (401)Cái trung giới (giáo sĩ, Giáo hội) – là hình thái tiền thân của Lý tính (sự đồng nhất giữa Tư duy và Tồn tại) – bây giờ tự thể hiện như là Lý tính ý thức về chính mình. (402)Ở đây, “thuyết duy tâm” là một “hiện tượng” của “lịch sử Tinh thần” (xem: lý giải rất sâu của Nicolai Hartmann: “Die Philosophie des deutschen Idealismus”/“Triết học của thuyết duy tâm Đức”, phần II, Hegel, 1929, tr. 112 và tiếp; Chú giải dẫn nhập: 7.2). (403)Tự-ý thức không còn tìm cách tự cứu mình trước thế giới mà tự tìm thấy chính mình ở trong thế giới. Trong “Các bài giảng về lịch sử triết học”, sự “hoà giải này giữa Tự-ý thức và sự Hiện tiền (Gegenwart)” được Hegel xem là đặc điểm của thời kỳ Phục hưng tiếp sau thời Trung cổ. Biểu hiện triết học của sự thống nhất “vẫn chưa được ý thức” này sẽ là các hệ thống duy tâm của Kant và Fichte (theo J.H). (404)Chính “tính trực tiếp” này làm cho sự xác tín (chủ quan) (ở cấp độ này chưa phải là “sự thật”) và thuyết duy tâm (chưa được “lấp đầy
  4. bằng nội dung”) chỉ là sự xác tín (chủ quan) và là thuyết duy tâm “hình thức”. (405)Ám chỉ thuyết duy tâm của Fichte gán “toàn thể tuyệt đối của thực tại” (absolute Totalität der Realität) cho “cái Tôi”. (Xem: Fichte: “Cơ sở Học thuyết Khoa học” (Grundlage), các trang 8, 14, 65, 57 và tiếp). (406)“Tự-ý thức tự do”: Tự-ý thức của thuyết khắc kỷ (§§197-198). (407)“Thuyết duy tâm” là kết quả của một “chặng đường dài của sự đào luyện” mà khởi nguyên của nó được kiến lập bằng các tiền-giả định đối lập nhau. (408)Câu khá tối nhưng rất quan trọng để hiểu sự quá độ của ý thức thành “lý tính”: lý tính là sự thống nhất biện chứng của Ý thức (loại trừ cái “tự-mình” của cái khác) và Tự-ý thức (loại trừ cái “cho-mình” của cái khác). Cái gì tồn tại tự-mình thì cũng tồn tại cho ý thức; và cái gì tồn tại cho ý thức thì cũng là tự-mình. Chữ “[tiêu biến đi] cho bản thân ý
  5. thức” (für es selbst verschwindet) ở câu trước có nghĩa: không chỉ “cho ta” (für uns) tức không chỉ cho nhà quan sát hiện tượng học. Thoạt đầu, đối với ý thức, đối tượng có giá trị như cái đúng thật (“cái tồn tại-tự mình”), và ý thức phân biệt những cách thức quan hệ với đối tượng như những gì đối tượng tồn tại cho-ý thức (für es). Rồi kinh nghiệm từng bước phản tư để nhận ra rằng ngay cái “Tự-mình” này cũng chỉ tồn tại – như nó đang tồn tại – là ở trong mối quan hệ nhất định với ý thức, tức: nó là tự mình chỉ khi là “cho-ý thức”. Bây giờ, khi khẳng định rằng cả hai: “tự-mình” và “cho-ý thức” “quy giảm thành Một sự thật duy nhất, đó là: cái gì tồn tại hay là cái Tự-mình chỉ tồn tại là trong chừng mực nó tồn tại cho ý thức, và cái gì tồn tại cho ý thức thì cũng tồn tại tự-mình”…, bản thân ý thức đã, về nguyên tắc, nắm bắt được cấu trúc nền tảng và phổ biến của mình như là điều kiện khả thể cho mọi tính chân lý, tức, ý thức xuất hiện với tư cách là “Lý tính” và hiện thân cho nguyên tắc (“khái niệm”) của “thuyết duy tâm”. Nhưng, theo Hegel, vấn đề là phải làm rõ ý thức-lý tính đã được hình thành nên như thế nào, chứ không chỉ “xuất hiện một cách trực tiếp [đột ngột] như là lý tính”. Đó là hạt nhân trung tâm của sự phê phán của Hegel đối với Fichte. (409)Ám chỉ thuyết duy tâm của Kant và Fichte. Ở đây, theo Hegel, tiến
  6. trình phát triển hiện tượng học là thiết yếu để “biện minh” cho thuyết duy tâm, vì tiến trình này thủ tiêu cái Sự thật đối lập lại với thuyết duy tâm ấy: đó là thủ tiêu việc “có một cái khác cho cái Tôi”. Nhưng, bao giờ cũng vậy, trong biện chứng hiện tượng học, ý thức luôn quên những gì đã làm cho nó trở thành như hiện nay. Điều ấy chỉ là “tự-mình” hay “cho ta” thôi. Vì thế, thuyết duy tâm chỉ có thể được biện minh bằng lịch sử của việc đào luyện ý thức. (410)“Gewordensein”: “tồn tại-đã-trở-thành”: xem lại Lời Tựa: §3: Kết quả mà không có quá trình “trở thành” (quá trình phát triển để đi đến kết quả ấy) không phải là chân lý đúng thật. Hạt nhân trung tâm trong quan niệm của Hegel về lý tính chính là “khái niệm tuyệt đối” (absoluter Begriff). “Khái niệm tuyệt đối” chứa đựng sự trung giới ở trong lòng nó, tự dị biệt hóa thành những khái niệm đối lập và hợp nhất những cái đối lập trong một quy định tổng hợp cái “Bản chất” chỉ được nhận thức như cái “bản chất toàn bộ” là ở trong hình thức đã phát triển của nó. Như thế, tiểu đoạn này xoay quanh sự quy định nhị bội của “khái niệm tuyệt đối” như là sự trung giới và tính trực tiếp (nói cách khác, là nguyên tắc lẫn kết quả hay sự hay sự “tồn tại đã trở thành”). (Xem lại §§21 và tiếp).
nguon tai.lieu . vn