Xem mẫu

Chương VII
HÔN NHÂN
1. Có được vợ giúp đỡ mới làm nên.
2. Hôn nhân và gia đình.
3. Bốn cộng đồng trong hôn nhân.
4. Muốn cho hôn nhân được bền.
5. Những trường hợp chưa nên lập gia đình:
- Chưa có một quan niệm đứng đắn về hôn nhân.
- Tuổi còn nhỏ.
- Cơ thể không lành mạnh.
- Chưa có nhà riêng.
- Óc chưa già giặn.

Chỉ trừ một số đào hát bóng ở Hollywood còn thì không ai không nhận rằng hôn nhân là một
việc quan trọng nhất trong đời, cho nên xét phong tục dân tộc nào ta cũng thấy hôn lễ long
trọng, tỉ mỉ hơn cả.
Hôn nhân quan trọng vì nó định đoạt một phần lớn hạnh phúc của cá nhân mà cá nhân có
hạnh phúc thì gia đình mới thịnh vượng, quốc gia mới thịnh vượng. Chu Tử nói: “Cha con yêu
nhau, gốc là việc công”. Lời đó đúng, mà nếu đổi ra: “Vợ chồng yêu nhau, gốc là việc công” thì
còn đúng hơn nữa, vì có vợ chồng rồi mới có con cái, có gia đình.
Hôn nhân chẳng những định đoạt hạnh phúc mà còn định đoạt sự thành công của bạn nữa.
Bạn mỉm cười ư? Tôi hiểu tâm lý bạn. Bạn còn trẻ, hăng hái, hoạt động, có tài, nên bạn rất tự
tin, nhất định tự tạo lấy tương lai của mình, không cần nhờ vả ai hết. Thân tu mi nam tử mà lại
nhờ vợ mới thành công thì chẳng tủi lắm ư? Vâng, cái hạng đào mỏ hoặc nhờ tài “ngoại giao”
của vợ mà được chức phận thì bao giờ mà chẳng đáng khinh? Tuy nhiên nhờ vợ có nhiều cách
và nếu đừng hiểu tiếng đó theo nghĩa xấu thì ai cũng phải nhờ vợ mới thành công được.
Đã kinh nghiệm ít nhiều, đã nhận xét đời những người chung quanh và đời những danh nhân
trong lịch sử, tôi thấy rằng tính tình, tài đức của người vợ ảnh hưởng rất lớn đến công việc của
người chồng. Bạn có tài kinh doanh, làm ra tiền, nhưng kiếm được đồng nào, bà vợ xài hết
đồng đó, thì bạn cũng khó mà phát đạt được; nếu bạn không tin bà, đích thân cai quản lấy mọi
việc thì một là không còn thì giờ để kinh doanh, hai là sẽ chết sớm vì lao tâm, lao lực. Bạn có tài
làm thơ, nhưng không gặp được vợ nhu mì đảm đang, nhà cửa lúc nào cũng ỉ eo, thì bạn có thể

sáng tác được những bài rất chua xót đấy, song cái hứng của bạn tất cũng mau cạn. Tolstoi hồi
mới cưới vợ, được hưởng hạnh phúc đầy đủ, nhờ vợ chép bảy lần bản thảo bộ Chiến tranh và
hòa bình nên tác phẩm đó mới sửa chữa được rất kỹ. Dostoievsky nhờ bà vợ sau đảm đang lo
công việc cửa nhà nên về già mới bình tĩnh mà sáng tác được bộ Ba anh em Karamazov.
Tôi vẫn biết có một số vĩ nhân ở độc thân như đức Giesu hoặc từ bỏ gia đình như đức Thích
Ca mà lập nên sự nghiệp muôn thuở, một số khác càng đau khổ về gia đình bao nhiêu, càng hy
sinh cho quốc gia nhân loại bấy nhiêu như Socrate, Abraham Lincoln, như Tolstoi lúc về già;
nhưng đó là những ngoại lệ, còn xét phần đông thì câu tục ngữ: “Của chồng, công vợ” thường là
đúng.

Lâm Ngữ Đường đã viết được nhiều trang sâu sắc để bàn về hôn nhân và gia đình. Ông bảo
muốn xét trình độ văn minh của một dân tộc thì chỉ cần xét xem dân tộc đó tạo được những
người chồng, người vợ, người cha, người mẹ ra sao. Điểm đó quan trọng nhất, còn những điểm
khác như nghệ thuật, triết lý, văn chương, sự tiện nghi về vật chất đều không có nghĩa lý gì cả,
vì tất cả những cái đó chỉ là những phương tiện để tạo những người chồng, người vợ, người
cha, người mẹ hiền lương, ưu tú. Ở thời nào, xứ nào cũng có chín chục phần trăm con người là
chồng hoặc là vợ, và cả trăm phần trăm đều có cha, có mẹ. Vậy thì tất nhiên cái văn minh nào
tạo được những hạng người đó lương hảo nhất phải là cái văn minh cao nhất. Số nghệ sĩ, triết
gia, bác học nhiều lắm là được một phần ngàn dân số: đào tạo hạng người đó có lợi cho nhân
loại thật, nhưng đào tạo họ cũng chỉ có mục đích để họ cải thiện xã hội, nâng cao tâm trí của
quần chúng tức của những người chồng, người vợ, người cha, người mẹ; nếu không thì công
việc nghiên cứu, sáng tác của họ có lợi gì đâu? Một nước có được những thiên tài vào hạng
Descartes, Shakespeare, Pasteur, mà quần chúng là những người chồng tàn bạo, những người
vợ biếng nhác, những người cha, người mẹ không biết nuôi con, dạy con thì nước đó có thể gọi
là văn minh được không?
Như vậy thì hôn nhân quả là việc quan trọng nhất trong đời người, điều ấy không còn nghi
ngờ gì nữa.
Vậy mà trong gia đình và cả ở trường học, không có một chương trình giáo dục về hôn nhân.
Kể ra, người ta cũng có dạy thanh niên một đôi điều: trong các gia đình có nề nềp, trước khi
con gái về nhà chồng, bà mẹ cũng có dặn dò nên cư xử với chồng, với gia đình nhà chồng ra
sao; ở trường người ta cũng có chỉ bảo cách cho trẻ bú, cách cắt những cái áo xinh xinh cho em
bé; về phần con trai, người ta cũng có khuyên nên lựa bạn trăm năm theo những tiêu chuẩn
nào; chẳng hạn đừng tham tiền, mà nên để ý đến giáo dục, học thức, sức khỏe… Nhưng vấn đề

giáo dục hôn nhân nào phải chỉ có bấy nhiêu; thành thử vô số thanh niên khi lập gia đình chẳng
có ý niệm gì rõ ràng cả về sự quyết định lớn nhất trong đời họ.
Cứ hỏi mười thiếu nữ, tôi chắc có đến chín cô trả lời rằng:
- Đàn bà thì phải có chồng, nên tôi lấy chồng, chứ còn tại sao nữa?
- Lấy chồng để chồng nuôi chứ để cha mẹ nuôi hoài ư?
- Lấy chồng để có con.
- Lấy chồng để có nhà riêng, có người dắt đi coi hát bóng…
Nếu lại hỏi mười thiếu nam thì cũng có đến chín trả lời rằng:
- Lấy vợ để có người trông nom nhà cửa.
hoặc:
- Để có con.
- Để lâu lâu dắt đi Long Hải.
- Để cho khỏi thui thủi một mình.

Rất ít người thấy rõ được sự quan trọng của hôn nhân. Mà số người sáng suốt lựa bạn trăm
năm lại càng hiếm. Marcel Proust đã bảo: “Nhiều người nếu tự hỏi vì lẽ gì trước kia đã hỏi người
đàn bà đó làm vợ và nếu họ có thể phân tích thành thực về điều đó thì sẽ ngạc nhiên thấy rằng lý
do lựa chọn của họ thật ngây thơ, nhỏ mọn”. Ngây thơ, nhỏ mọn mà thôi ư? Có khi còn kỳ quái
nữa chứ! Tôi biết có cô lấy chồng vì ganh tị với bạn, có cậu lấy vợ để trả thù một người thân.
Nếu người ta đồng ý với Lâm Ngữ Đường rằng mục đích của văn minh là tạo nên những
người chồng, người vợ, người cha, người mẹ lương hảo thì chương trình trung học ngày nay
phải sửa đổi rất nhiều: nửa số giờ dạy toán, lý, hóa, vạn vật phải bỏ đi mà đem những môn hôn
nhân, gia đình, xử thế… thay vào. Nhưng khốn nỗi các nhà lập chương trình đều bị khoa học
làm chóa mắt, nên cho rằng chỉ có bom nguyên tử, hỏa tiễn mới là cái dấu hiệu của văn minh.

Trước hết bạn nên nhớ rằng ý nghĩa của hôn nhân thời nay đã thay đổi rất nhiều.
Năm chục năm trước ông bà ta cho mục đích quan trọng nhất của hôn nhân là để nối dõi, rồi
để cho người đàn bà có chỗ nương tựa, cho người đàn ông có người săn sóc nhà cửa. Người
nào lớn tuổi mà không thành gia đều bị xã hội nghi kỵ, khinh bỉ.
Ngày nay những lý do tuy vẫn còn, nhưng kém quan trọng, nhất là tại các châu thành, trong
giới trí thức.

Chúng ta cũng vẫn muốn có con, nhưng đông con quá thì cũng ngán: không có con trai thì có
con gái cũng được, và nhiều người đã coi thường sự tuyệt tự.
Chúng ta đều muốn có một người vợ biết săn sóc việc nhà, cho nhà cửa được sạch sẽ, cơm
nước đàng hoàng; nhưng có nhiều việc bếp núc, may vá xưa phải làm ở nhà thì nay có thể mua
ở tiệm, thành thử người đàn bà có thể rảnh hơn hồi xưa, mà người đàn ông không có vợ thì đời
sống cũng không đến nỗi khó khăn, lúng túng.
Trẻ em hồi xưa, ngoài những giờ học với ông đồ (thường mỗi ngày chỉ một buổi) đều do cha
mẹ săn sóc, dạy dỗ lấy. Từ hồi mới sinh cho đến lúc đi học (năm, sáu tuổi) sự giáo dục hoàn
toàn do cha mẹ. Ngày nay công việc của cha mẹ nhẹ hơn: trẻ một hai tuổi có thể đem gởi các
nhà ký nhi, lớn chút nữa thì gửi các “vườn trẻ”, các lớp mẫu giáo, tới tuổi đi học thì có thể gửi
ký túc xá, nghỉ hè cho vào các trại hè.
Những phụ nữ lớn tuổi mà độc thân không bị chê bai nữa; họ kiếm tiền, sống thong thả, tự
do, làm cho nhiều người có chồng thèm địa vị của họ.
Những sự thay đổi đó làm cho hôn nhân kém tính cách bó buộc, thiêng liêng, nhưng thiệt ở
phương diện này thì lợi ở phương diện khác. Hôn nhân ngày nay có tính cách bình đẳng hơn,
cộng đồng lợi hại hơn hồi xưa.
Mà bốn cái cộng đồng quan trọng nhất là: cộng đồng tinh thần (có những tiêu khiển chung,
một trình độ văn hóa ngang nhau để có thể hiểu hoạt động của nhau, nhất là có một mục đích
chung, một lý tưởng chung); tôi nhớ đến câu của Saint Exupéry: “Vợ chồng yêu nhau không
phải là ngồi ngó nhau suốt ngày mà là cùng nhìn về một hướng”, cộng đồng tình dục, cộng đồng
kinh tế, cộng đồng gia đình (nghĩa là chia nhau trách nhiệm nuôi nấng, dạy dỗ con cái).
Không phải là hồi xưa ông bà ta không có bốn cộng đồng đó, nhưng vì tính cách không bình
đẳng giữa chồng và vợ, nên sự cộng đồng không quan trọng, đầy đủ ý nghĩa như ngày nay. Về
tinh thần, vì các cụ bà ít học, nên các tiêu khiển của cụ ông như cầm kỳ thi họa, cụ bà ít dự tới.
Một lẽ nữa, các cụ bà lo việc bếp núc, may vá suốt ngày, không có thì giờ đâu để tiêu khiển
chung với chồng được. Đến ngay như nghề nghiệp, (chẳng hạn dạy học hay làm quan), công
việc quốc gia, xã hội của chồng, các cụ cũng ít khi bàn tới. Về tính dục, nhiều cụ có quan niệm là
chỉ cốt có con nối dõi. Về kinh tế thì tuy có câu tục ngữ “Của chồng, công vợ”, nhưng phần đông
công việc giữ tiền, kinh doanh chỉ ở trong tay một người, hoặc cụ ông hoặc cụ bà nếu cụ bà
đảm đang làm ăn để nuôi chồng. Về con cái thì mọi việc dạy dỗ, cưới gả phần nhiều đều do các
cụ ông định đoạt hết.
Bốn sự cộng đồng đó, ngày xưa không được mạnh mẽ mà gia đình rất vững, vì phong tục, luật
pháp bắt người đàn bà phải tùy thuộc người chồng, và cũng vì các cụ coi trọng tình nghĩa hơn

bây giờ.

Ngày nay thì khác. Ông Edward Kaufmann, một luật sư Mỹ, sau ba chục năm chuyên xét các
vụ ly dị, rút được nhiều kinh nghiệm để soạn hai cuốn Vous et vote mari và Vous et votre femme,
bảo rằng nếu chỉ một trong bốn cộng đồng đó mà yếu thì hôn nhân không khi nào lâm nguy cả:
chẳng hạn trình độ văn hóa của vợ chồng khác nhau xa, người vợ không hiểu được những hoạt
động tinh thần của chồng như trường hợp ông bà Disraeli thì vợ chồng vẫn có thể khắng khít
với nhau nếu ba cộng đồng kia (tính dục, kinh tế, gia đình) ở trên mực trung. Nhưng nếu có hai
hay ba cộng đồng dưới mực trung thì hôn nhân khó mà vững được.
Ông chia tờ giấy làm bốn khoảng đều nhau, mỗi khoảng là một cộng đồng rồi ông vẽ biểu đồ
của những cuộc ly dị, thấy rằng đường biểu diễn của các cộng đồng chỉ vượt lên trên một
đường bình hành trỏ mức trung ở mỗi một khoảng còn ở ba khoảng kia xuống rất thấp; có
trường hợp ly dị, con đường biểu diễn đó không tới được đường bình hành ở một khoảng nào
hết. Trái lại, trong những cuộc hôn nhân có hạnh phúc thì đường biểu diễn có thể thấp hơn
đường bình hành ở một khoảng mà vượt lên trên đường bình hành ở ba khoảng khác.
Nhận xét đó của ông đáng cho bạn suy nghĩ và sẽ giúp bạn được nhiều để gây hạnh phúc
trong hôn nhân.

Hiểu hôn nhân là một cộng đồng giữa hai bên, ta sẽ thấy có nhiều trường hợp không nên lập
gia đình.
Trước hết không nên lập gia đình nếu mục đích không phải để thực hiện bốn cộng đồng đã kể
trên. Nếu thực hiện được cả bốn thì càng tốt, nếu không thì cũng phải được ba hay ít nhất là
hai.
Trường hợp hy sinh cho gia đình như nàng Kiều vẫn thường xảy ra trong xã hội. Trong chiến
tranh vừa rồi, tôi đã thấy những thiếu nữ có học, có sắc mà phải nuốt lệ lên xe hoa, làm bạn với
một kẻ vũ phu chỉ vì tình cảm gia đình; họ rất đáng thương, không ai trách họ vào đâu được, và
tôi mong rằng trong một xã hội thực là văn minh thì những chuyện đau lòng đó không khi nào
xảy ra.
Nhưng còn nhiều trường hợp khác rất đáng chê. Chẳng hạn một thanh niên nọ hỏi một thiếu
nữ không được, đâm tức tối, cậy cục cưới cho được một cô khác giàu hơn, mặc dù cô này rất
kém về dung, ngôn, công, hạnh, có ý như để nhắn cô kia rằng nhà cô ta chưa thấm vào đâu,
đừng có hợm mình. Tất nhiên thanh niên đó không yêu vợ, phải trả một giá rất đắt và trả suốt
đời, có lẽ cả trong đời con cháu nữa, sự tức khí vô lý trong một lúc đó. Tôi nói phải trả cả trong

nguon tai.lieu . vn