Xem mẫu

6. LÝ LẼ BÌNH ĐẲNG - JOHN
RAWBS
ĐA PHẦN NGƯỜI MỸ chưa bao giờ ký khế ước xã hội. Trên thực tế, công
dân nhập tịch là những người duy nhất ở Mỹ (không kể công chức) thực sự
đồng ý tuân thủ Hiến pháp -muốn nhập quốc tịch họ bắt buộc phải tuyên thệ
trung thành. Những người còn lại chẳng bao giờ được yêu cầu, hay thậm chí
đề nghị, đưa ra lời đồng ý. Vậy tại sao chúng ta có nghĩa vụ phải tuân thủ
pháp luật? Và làm thế nào có thể nói chính quyền tồn tại trên cơ sở sự đồng
ý của người dân nó quản lý?
John Locke cho rằng chúng ta đã ngầm ưng thuận. Bất cứ ai hưởng lợi ích từ
một chính quyền, ngay cả việc đi trên đường cao tốc, cũng ngầm chấp nhận
pháp luật và bị pháp luật ràng buộc. Nhưng ưng thuận ngầm là hình thức
đồng ý không rõ ràng. Thật khó hình dung về mặt đạo đức làm thế nào việc
đi trên đường lại đồng nghĩa với việc phê chuẩn Hiến pháp.
Immanuel Kant viện dẫn đến sự đồng ý giả thuyết. Luật pháp chỉ công bằng
nếu được toàn thể cộng đồng chấp nhận. Nhưng điều này quả thật cũng là
lựa chọn khó hiểu cho một khế ước xã hội thực sự. Làm thế nào thỏa thuận
mang tính giả thuyết thực hiện giá trị đạo đức thay cho thỏa thuận thật?
John Rawls (1921-2002), triết gia chính trị người Mỹ đưa ra câu trả lời xuất
sắc cho câu hỏi này. Trong tác phẩm Học thuyết công lý (A Theory of
Justice, 1971), ông lập luận rằng cách suy nghĩ về công lý là hãy hỏi xem
chúng ta sẽ ưng thuận những nguyên tắc nào trong vị thế bình đẳng ban đầu.
Rawls lý giải như sau: Giả sử chúng ta cùng tụ tập lại (cũng giống như
chúng ta bây giờ) để lựa chọn các nguyên tắc quản lý cuộc sống chung cho
tất cả mọi người: viết ra một khế ước xã hội. Chúng ta sẽ chọn những
nguyên tắc gì? Có lẽ sẽ rất khó có được sự đồng thuận. Những người khác
nhau tra thích các nguyên tắc khác nhau, phản ánh các lợi ích, giá trị đạo
đức, niềm tin tôn giáo và vị thế xã hội rất khác nhau. Người giàu, kẻ nghèo;
người có quyền thế và đông bạn bè, kẻ thấp cổ bé họng. Một số là thành viên
các nhóm thiểu số về chủng tộc, sắc tộc, hoặc tôn giáo; những người khác thì
không. Chúng ta có thể thương lượng bằng cách thỏa hiệp. Tuy nhiên, thỏa
hiệp cũng có thể phản ánh ưu thế mặc cả của người này so với người khác.
Không có lý do nào cho rằng một khế ước xã hội có được theo cách này sẽ
công bằng.

Bây giờ xét suy tưởng sau: Giả sử khi tụ tập để lựa chọn các nguyên tắc,
chẳng ai biết tình trạng xã hội của ai. Hãy tưởng tượng chúng ta lựa chọn sau
“bức màn vô minh” - tạm thời ngăn không cho chúng ta biết ai là ai. Chúng
ta không biết tầng lớp, giới tính, chủng tộc, dân tộc, chính kiến hay tôn giáo
của bất kỳ ai. Chúng ta cũng không biết lợi thế và bất lợi của bất kỳ ai -khỏe
hay yếu, có học vấn cao hay ai bỏ học giữa chừng, sinh ra trong gia đình
hạnh phúc hay gia đình tan vỡ. Nếu chẳng ai biết bất kỳ thông tin gì như thế,
thực sự chúng ta sẽ lựa chọn từ một vị trí bình đẳng ban đầu. Vì không ai có
vị thế thương lượng cao hơn nên các nguyên tắc chúng ta đồng ý sẽ là công
bằng.
Đây là ý tưởng của Rawls về khế ước xã hội - một thỏa thuận giả thuyết về
vị thế bình đẳng ban đầu. Rawls kêu gọi chúng ta tự hỏi: chúng ta - những
người có lý trí và tư lợi - sẽ lựa chọn như thế nào nếu ở trong hoàn cảnh đó.
Ông không giả định tất cả chúng ta đều có động cơ tư lợi trong cuộc sống
thực, chỉ là chúng ta đặt qua một bên niềm tin của mình về đạo đức và tôn
giáo cho mục đích suy tưởng. Chúng ta sẽ chọn những nguyên tắc nào?
Đầu tiên, ông lý giải chúng ta sẽ không chọn chủ nghĩa vị lợi. Phía sau bức
màn vô minh, mỗi chúng ta có thể nghĩ, “Theo những gì tôi biết, cuối cùng
tôi rất có thể trở thành thành viên của một nhóm thiểu số bị áp bức”. Và
không ai muốn rủi ro trở thành tín đồ Cơ đốc bị ném cho sư tử nhằm mua vui
cho đám đông. Chúng ta cũng sẽ không chọn chính sách kinh tế hoàn toàn tự
do - nguyên tắc của chủ nghĩa tự do cá nhân cho phép người dân có quyền
giữ lại tất cả số tiền họ kiếm được trong một nền kinh tế thị trường. Mỗi
người có thể nghĩ: “Tôi có thể may mắn trở thành Bill Gates, nhưng cũng
hoàn toàn có thể trở thành một người vô gia cư. Vì vậy, tốt hơn tôi nên tránh
một hệ thống bỏ mặc cho tôi nghèo mà không giúp đỡ gì”.
Rawls cho rằng hai nguyên tắc công lý sẽ xuất hiện từ khế ước mang tính giả
thuyết này. Nguyên tắc thứ nhất đảm bảo quyền tự do cơ bản như nhau cho
tất cả công dân, như quyền tự do ngôn luận và tự do tôn giáo. Nguyên tắc
này đứng trên mọi cân nhắc về lợi ích và phúc lợi của toàn xã hội. Nguyên
tắc thứ hai liên quan đến sự bình đẳng về xã hội và kinh tế. Mặc dù không
đòi hỏi phải cào bằng thu nhập và của cải, nguyên tắc này chỉ cho phép tồn
tại những bất bình đẳng về xã hội và kinh tế nếu những bất bình đẳng này
phục vụ lợi ích của những thành viên yếu thế nhất trong xã hội.
Các triết gia tranh cãi về việc liệu các bên tham gia khế ước xã hội mang tính
giả thuyết của Rawls có lựa chọn những nguyên tắc mà ông nói họ sẽ chọn
không. Dưới đây chúng ta sẽ thấy tại sao Rawls cho rằng hai nguyên tắc ấy

sẽ được chọn. Nhưng trước khi chuyển sang các nguyên tắc này, chúng ta
hãy xét một câu hỏi: Liệu sự thực nghiệm giả tưởng của Rawls có là cách
đúng để suy nghĩ về công lý không? Làm thế nào mà nguyên tắc công lý lại
có thể bắt nguồn từ một thỏa thuận không bao giờ thực sự diễn ra?

Các hạn chế về mặt đạo đức của khế ước
Để đánh giá ảnh hưởng đạo đức của khế ước giả thuyết của Rawls, cần phải
biết giới hạn đạo đức của khế ước thực. Đôi lúc chúng ta cho rằng khi hai
người có một thỏa thuận, các điều khoản của thỏa thuận này hẳn là công
bằng. Nói cách khác, chúng ta giả định rằng hợp đồng biện minh cho những
điều khoản mà nó tạo ra. Nhưng không phải như vậy, ít nhất tự nó không
làm được vậy. Hợp đồng thực tế không phải công cụ đạo đức độc lập. Chỉ
việc bạn và tôi đi đến thỏa thuận không đủ để khiến thỏa thuận đó công
bằng. Với bất cứ hợp đồng thực tế nào, người ta luôn luôn có thể hỏi “Những
gì họ ưng thuận có công bằng không?”. Để trả lời câu hỏi này, chúng ta
không chỉ đơn giản hướng sự chú ý vào chính hợp đồng mà cần có một số
tiêu chuẩn công bằng độc lập.
Tiêu chuẩn như thế đến từ đâu? Có lẽ bạn nghĩ đến từ một khế ước lớn hơn,
có từ trước - chẳng hạn như hiến pháp. Nhưng hiến pháp cũng gặp vấn đề
tương tự như các thỏa thuận khác. Thực tế hiến pháp được toàn dân thông
qua không chứng minh được các điều khoản của chúng công bằng. Hãy xét
Hiến pháp Hoa Kỳ năm 1787. Mặc dù có rất nhiều ưu điểm, Hiến pháp này
vẫn có tì vết như chấp nhận chế độ nô lệ, và điểm hạn chế này tồn tại cho
đến cuộc Nội chiến. Việc được các đại biểu tại Philadelphia và sau đó là các
tiểu bang phê chuẩn không đủ để làm cho hiến pháp này công bằng.
Người ta có thể lập luận sai lầm này có thể bắt nguồn từ một thiếu sót trong
sự ưng thuận. Nô lệ người Mỹ gốc Phi không nằm trong Hội nghị Lập hiến,
phụ nữ cũng thế (nữ giới giành được quyền bỏ phiếu sau đó một thế kỷ).
Chắc chắn một hội nghị mang tính đại diện hơn sẽ tạo ra một hiến pháp công
bằng hơn. Nhưng đó là chỉ sự phỏng đoán. Không một khế ước xã hội thực
tế hay hội nghị lập hiến nào, dù mức độ đại diện đến đâu, có thể đảm bảo tạo
ra các điều khoản hợp tác công bằng cho xã hội.
Với những người tin đạo đức bắt đầu và kết thúc với sự ưng thuận, điểu này
có vẻ là một luận điểm khó nghe. Nhưng không phải toàn bộ luận điểm đều
gây tranh cãi. Chúng ta thường hỏi các giao dịch mọi người thực hiện có
công bằng không. Và chúng ta quá quen thuộc với tính ngẫu nhiên có thể

dẫn đến những giao dịch xấu: một bên có thể là nhà đàm phán tốt hơn, hay
có vị thế thương lượng cao hơn, hoặc biết nhiều thông tin hơn về những thứ
được trao đổi. Câu nói nổi tiếng của Don Corleone trong tiểu thuyết Bố già,
“Ta sẽ đưa ra một đề nghị mà hắn không thể từ chối” ám chỉ (theo hình thức
cực đoan) rằng áp lực luôn lởn vởn, ở một mức độ nào đó, xung quanh hầu
hết các cuộc đàm phán.
Thừa nhận rằng hợp đồng không đảm bảo công bằng trong các điều khoản
của nó không có nghĩa là chúng ta có thể vi phạm hợp đồng tùy thích. Chúng
ta bắt buộc phải thực thi ngay cả một thỏa thuận bất công, ít nhất là tại một
thời điểm nào đó. Sự ưng thuận là quan trọng, ngay cả khi nó không hoàn
toàn công bằng. Tuy nhiên, sự ưng thuận mang ít tính quyết định hơn so với
đôi khi ta nghĩ. Chúng ta thường nhầm lẫn giữa tính đạo đức của sự ưng
thuận với các nguồn nghĩa vụ khác.
Giả sử chúng ta có một thỏa thuận: bạn giao cho tôi 100 con tôm hùm và tôi
sẽ trả bạn 1.000 đô la. Bạn đi bắt và đem tôm đến, tôi thưởng thức ngon
lành, nhưng từ chối trả tiền. Bạn nói tôi nợ bạn tiền. Tôi hỏi tại sao? Bạn có
thể viện dẫn đến thỏa thuận giữa hai người nhưng bạn cũng có thể viện dẫn
đến lợi ích tôi vừa hưởng thụ. Bạn có thể nói tôi có nghĩa vụ hoàn trả lợi ích
mà nhờ bạn tôi được hưởng.
Bây giờ giả sử chúng ta có thỏa thuận tương tự, nhưng lần này khi bạn đã
đánh bắt và mang tôm đến trước cửa nhà tôi, tôi đổi ý. Tôi không thích tôm
hùm nữa. Bạn vẫn cố gắng lấy tiền. Tôi nói: “Tôi không nợ bạn bất cứ điều
.gì. Bây giờ, tôi không được hưởng lợi”. Tại thời điểm này, bạn có thể viện
dẫn đến thỏa thuận của chúng ta, nhưng bạn cũng có thể viện dẫn đến việc
bạn làm việc chăm chỉ thế nào để bắt tôm hùm với kỳ vọng tôi sẽ mua. Bạn
có thể nói tôi có nghĩa vụ phải trả vì những nỗ lực bạn đã thực hiện thay tôi.
Bây giờ hãy xem liệu chúng ta có thể tưởng tượng được một trường hợp
nghĩa vụ chỉ dựa trên sự ưng thuận, không có thêm sức nặng đạo đức của
việc trả cho lợi ích hay trả công cho việc bạn đã làm cho tôi. Lần này chúng
ta có thỏa thuận tương tự, nhưng ngay trước khi bạn bỏ thời gian bắt tôm
hùm, tôi gọi cho bạn và nói, “Tôi đổi ý. Tôi không muốn tôm hùm nữa”. Tôi
có còn nợ bạn 1.000 đô la không? Bạn vẫn nói “Thỏa thuận là thỏa thuận” và
nhấn mạnh rằng hành động đồng ý của tôi đã tạo ra một nghĩa vụ cho dù
không có bất kỳ lợi ích hay sự trả công nào ở đây?
Các học giả ngành luật tranh luận vấn đề này trong một thời gian dài. Sự ưng
thuận có thể tự tạo ra một nghĩa vụ hay cần có thêm một số yếu tố như

hưởng lợi hay trả công? Cuộc tranh luận này hé lộ cho chúng ta điều gì đó về
đạo đức của hợp đồng mà chúng ta thường bỏ qua: các hợp đồng thực có sức
mạnh đạo đức chừng nào nó thực hiện hai lý tưởng: tự chủ và có đi có lại.
Với tư cách là các giao kết tự nguyện, hợp đồng thể hiện quyền tự chủ của
chúng ta, những nghĩa vụ chúng tạo ra có sức nặng vì chúng có tính tự áp đặt
- chính chúng ta tự nguyện nhận các nghĩa vụ. Là công cụ để hai bên cùng có
lợi, hợp đồng dựa trên lý tưởng có đi có lại; nghĩa vụ thực hiện chúng phát
sinh từ nghĩa vụ trả công cho những lợi ích người khác mang đến cho chúng
ta.
Thực tế, hai lý tưởng tự chủ và có đi có lại không dễ thực hiện. Một số thỏa
thuận, cho dù tự nguyện, không đem lại lợi ích cho cả hai phía. Và đôi khi
chúng ta có nghĩa vụ trả công cho một lợi ích chỉ đơn giản trên cơ sở có đi
có lại, ngay cả trong trường hợp không có hợp đồng. Điều này chỉ ra các giới
hạn về mặt đạo đức của sự ưng thuận: Trong một vài trường hợp, ưng thuận
không đủ để tạo ra một nghĩa vụ có tính ràng buộc về mặt đạo đức; trong
một số trường hợp khác còn có thể không cần đến sự ưng thuận.

Khi ưng thuận không đủ: Thẻ bóng chày
và nhà vệ sinh bị rò rỉ
Xét hai trường hợp chứng tỏ sự ưng thuận không thôi là chưa đủ: Khi còn
nhỏ, hai đứa con trai của tôi sưu tầm thẻ bóng chày và trao đổi với nhau.
Đứa lớn biết nhiều về các cầu thủ và giá trị của thẻ hơn. Nó đôi khi thực hiện
các giao dịch không công bằng với đứa em, chẳng hạn đổi hai thẻ không giá
trị lấy một thẻ quý hiếm. Vì thế tôi đưa ra quy định là không được thực hiện
vụ trao đổi nào cho đến khi tôi phê chuẩn. Bạn có thể nghĩ đây là gia trưởng,
mà đúng là thế. (Đó là mục đích của gia trưởng). Trong trường hợp này, trao
đổi tự nguyện có thể không công bằng.
Vài năm trước, tôi đọc bài báo về một trường hợp cực đoan hơn: nhà vệ sinh
trong căn hộ một góa phụ cao niên ở Chicago bị rò rỉ. Cụ thuê một nhà thầu
sửa chửa với giá 50.000 đô la. Cụ ký hợp đồng trả ngay 25.000 đô la và trả
dần số tiền còn lại. Vụ việc bị khám phá khi cụ đến ngân hàng để rút 25.000
đô la. Các nhân viên quầy giao dịch hỏi tại sao cụ cần rút nhiều tiền thế, và
cụ trả lời mình phải trả thợ sửa chữa. Các nhân viên ngân hàng liên lạc với
cảnh sát, bắt giữ nhà thầu vô lương tâm vì hành vi lừa đảo.
Tất cả những người ủng hộ hợp đồng hăng hái nhất cũng thừa nhận việc đòi

nguon tai.lieu . vn