Xem mẫu

Mục Lục
PHẦN I - 1. CÔ GÁI CÓ THỊ GIÁC CỦA NGƯỜI ÂM
2. NHÀ TRUYỀN GIÁO
3.CON CHÓ VÀ CÁI KHĂN QUÀNG LÔNG
4. NGÔI NHÀ CỦA MA THƯƠNG NHÂN
5. NGÀY GIẶT GIŨ
PHẦN II - 6. NHỮNG CON ĐOM ĐÓM
7. NHỮNG LINH CẢM BÍ ẨN
8. NGƯỜI BẮT MA
9. TUỔI NĂM MƯƠI CỦA QUAN
PHẦN III - 10. BẾP CỦA QUAN
11. ĐỔI TÊN
12. LÚC TỐT NHẤT ĐỂ ĂN TRỨNG VỊT
13. ƯỚC MƠ THIẾU NỮ
14. HELLO GOOD-BYE
15. NGÀY THỨ BẢY
16. CHÂN DUNG MẸ LỚN
17. NĂM KHÔNG LỤT
18. GÀ XUÂN SÁU CUỘN
19. MÁI VÒM
20. THUNG LŨNG TƯỢNG
21. KHI BẦU TRỜI RỰC CHÁY
22. KHI SÁNG, TỐI NHƯ NHAU
PHẦN IV - 23. TANG LỄ
24. BÀI CA KHÔNG DỨT
Chia sẽ ebook : http://downloadsachmienphi.com/
Tham gia cộng đồng chia sẽ sách :
Fanpage : https://www.facebook.com/downloadsachfree
Cộng đồng Google : http://bit.ly/downloadsach

Bìa 4: Trong Những linh cảm bí ẩn, Amy Tan đã tạo nên một cuốn tiểu thuyết đậm đà, vui
tươi về Trung Quốc và Mỹ, về tình yêu và lòng trung thành, những nhận dạng do chúng ta tạo
nên và đồng thời phát hiện ra cái tôi thực sự. Olivia Laguni là một cô gái mang nửa dòng máu
Trung Quốc nhưng đặc Mỹ, luôn trong trạng thái bứt rứt vì cái gia đình chắp vá của cô. Người
làm cô lúng túng nhất trong gia đình là Lý Quan, người chị cùng cha khác mẹ. Quan nói tiếng
Anh thật tệ, chị vui vẻ làm ngơ trước những lời mỉa mai của Olivia, và nhìn thấy người chết
bằng thị giác “người âm” của chị.
Trong khi Olivia kể tỉ mỉ những chi tiết của sự hận thù kéo dài hàng thập kỷ với người chị gái
(trong đó, chị cô là nguồn những lời chỉ bảo làm cô tức phát điên), thì Lý Quan kể câu chuyện
của riêng chị, cuốn chúng ta vào sự huy hoàng, nghèo khổ và bạo lực của Trung Quốc thời Mãn
Châu. Ngoài những va chạm giữa hai chị em, Amy Tan sáng tạo nên một tác phẩm soi rọi cả
quá khứ lẫn hiện tại một cách duyên dáng, lúc buồn bã, lúc vui tươi và là một tác phẩm văn
xuôi sinh động đến mức bạn có thể cảm thấy hấp dẫn ở từng trang.
Tác giả: Amy Tan sinh tại Oakland, California (Mỹ) và lớn lên ở vùng vịnh San Francisco. Chị
là Thạc sĩ ngôn ngữ của trường đại học bang San Jose. Tan là tác giả của bốn cuốn tiểu thuyết
và hai cuốn sách dành cho thiếu nhi. Tác phẩm của chị đã được dịch ra 25 thứ tiếng. Chị hiện
sống tại San Francisco cùng chồng là Lou DeMattei.
Nhận xét:
Amy Tan đã viết nên cuốn tiểu thuyết thông minh nhất và quyến rũ nhất. - Boston Globe
Cuốn tiểu thuyết này đầy ma lực, đáng nhớ, ý nghĩa “lung linh”. - San Diego Tribune
Những linh cảm bí ẩn không chỉ là sự rọi chiếu cuộc đời, mà còn đào sâu hơn nữa, phát hiện
ra nhiều điều tươi mới. - Newsweek.

PHẦN I
1. CÔ GÁI CÓ THỊ GIÁC CỦA NGƯỜI ÂM

Chị Quan của tôi tin rằng chị có thị giác của người âm. Chị nhìn thấy những người đã khuất
và hiện trú ngụ tại cõi âm, nhiều hồn ma rời chốn sương mù đến thăm căn bếp của chị trên phố
Balboa ở San Francisco.
- Libby-ah, - chị bảo tôi, - em đoán xem hôm qua chị nhìn thấy ai, đoán đi.
Tôi không sao đoán ra chị nói về người chết nào.
Quan là chị cùng cha khác mẹ với tôi, nhưng tôi chẳng thấy có điểm nào chung với chị. Nói
thế là sỉ nhục, như thể chị chỉ đáng được hưởng một nửa tình yêu của gia đình chúng tôi vậy.
Căn cứ theo di truyền thì Quan và tôi có cùng một người cha, và chỉ thế mà thôi. Chị sinh ở
Trung Quốc. Các anh em trai Kevin và Tommy, cả tôi nữa đều sinh tại San Francisco, sau khi
cha tôi, Jack Diệp di tản đến đây và cưới mẹ tôi, Louise Kenfield.
Mẹ tôi tự nhận mình là “một món chả Mỹ pha trộn, vừa trắng vừa béo và rán kỹ”. Bà ra đời tại
Moscow, bang Idaho, từng là vô địch chạy tiếp sức và đã có lần đoạt giải tại hội chợ tỉnh vì
trồng loại khoai tây biến dị, có nét mặt nhìn nghiêng phảng phất Jimmy Durante1. Bà kể với tôi
rằng bà mơ khi lớn lên sẽ khác đi - mảnh dẻ, xinh đẹp và quý phái như Luise Rainer2, người đã
giành giải Oscar trong vai O-Lan phim The Good Earth. Khi mẹ tôi chuyển đến San Francisco,
thay vì trở thành một Kelly3, bà làm cái việc tốt nhất: Bà lấy cha tôi. Mẹ tôi vẫn cho cuộc hôn
nhân ngoài dòng dõi Anglo đã biến bà thành người tự do. “Hồi Jack và tôi gặp nhau”, - bà vẫn
kể với mọi người, - “có nhiều luật chống lại các cuộc hôn nhân pha trộn. Chúng tôi đã phá luật
vì tình yêu”. Bà phớt lờ không nói rằng các luật ấy không áp dụng ở California.
Không người nào trong chúng tôi, kể cả mẹ tôi, gặp Quan, cho đến khi chị mười tám tuổi.
Thực ra, mẹ tôi còn không biết Quan tồn tại, mãi cho đến khi cha tôi sắp mất vì suy thận. Khi
cha tôi qua đời, tôi chưa tròn bốn tuổi. Nhưng tôi vẫn còn nhớ nhiều khoảnh khắc với ông. Ngã
từ đường trượt xoáy vào vòng tay ông. Lội vào vũng tìm đồng xu ông tung xuống. Ngày cuối
cùng tôi nhìn thấy ông là trong bệnh viện, những điều ông nói làm tôi hoang mang trong nhiều
năm.
Kevin lên năm cũng ở đó. Tommy còn quá bé nên ở ngoài phòng đợi với Betty Dupree, em họ
của mẹ tôi - chúng tôi phải gọi là dì Betty - cũng chuyển từ Idaho đến. Tôi ngồi trong cái ghế
bọc nylon nhớp nháp, ăn bát dâu tây Jell-O4 trong suất ăn trưa của cha cho tôi. Ông ngóc đầu
dậy trên giường, thở nặng nhọc. Mẹ tôi khóc một chút, rồi cố làm ra vẻ vui. Tôi cố nghĩ xem có
chuyện gì. Việc tiếp theo tôi nhớ là cha tôi nói thì thào, còn mẹ tôi cúi gần ông, lắng nghe.
Miệng bà cứ há to, to mãi. Rồi bà quay ngoắt đầu sang tôi, mặt bà méo đi kinh hoàng. Tôi cũng
phát hoảng. Sao cha tôi lại biết? Sao cha phát hiện ra sáng hôm ấy tôi đã xua mấy con rùa của
tôi - Slowpoke và Fastpoke - vào toilet? Tôi muốn xem trông chúng như thế nào khi không có
mai, rồi cuối cùng kéo bật đầu chúng.
- Con gái anh? - Tôi nghe thấy mẹ nói. - Mang nó về?
Tôi chắc ông bảo mẹ tôi đưa tôi đến khu nhốt gia súc, y như ông đã làm với con chó Buttons
của chúng tôi sau khi nó gặm chiếc sofa. Những việc tôi còn nhớ sau đó rất lộn xộn: bát Jell-O
đổ xuống sàn; mẹ tôi nhìn trừng trừng vào một tấm ảnh; Kevin vồ lấy nó và cười, rồi tôi thấy
tấm ảnh đen trắng ấy chụp một cô bé gầy giơ xương, tóc lởm chởm. Đúng lúc đó, tôi nghe thấy
mẹ tôi quát:
- Olivia, đừng cãi nhau nữa, các con phải về ngay.
Tôi khóc:
- Nhưng con sẽ ngoan mà.

Ngay sau đó, mẹ tôi tuyên bố:
- Cha sắp bỏ chúng ta.
Bà cũng bảo chúng tôi là sắp đưa một đứa con gái khác của cha từ Trung Quốc đến sống ở
nhà chúng tôi. Mẹ không bảo mang tôi đi nhốt nhưng tôi vẫn khóc, tin rằng mọi thứ có liên
quan mơ hồ - những con rùa không đầu xoáy tít rồi rơi xuống toilet, cha tôi sắp bỏ chúng tôi,
một đứa con gái khác sắp thế chỗ tôi. Tôi đâm sợ Quan trước khi gặp chị.
Năm lên mười, tôi được biết những quả thận của cha tôi đã giết ông. Mẹ kể cha tôi bẩm sinh
có bốn quả thận thay cho thông thường chỉ có hai, và tất cả đều có tật. Dì Betty có ý kiến về
chuyện này. Dì luôn luôn có ý kiến, thường lấy từ nguồn như Weekly World News. Dì nói có khi
cha tôi là cặp song sinh người Xiêm. Nhưng trong dạ con, cha tôi khỏe hơn người anh em sinh
đôi nên đã ăn nghiến người yếu hơn và nuốt cả hai quả thận thừa. “Nhỡ ông ấy có hai quả tim,
hai dạ dày, ai mà biết được”. Dì Betty luôn bắt kịp các hiện tượng đương thời mà tạp chí Life
đưa tin kèm ảnh cặp song sinh ở Nga. Tôi đã xem bài này: Hai cô bé, Tasha và Sasha, dính nhau
ở hông, quá xinh đẹp đến mức thương tâm, không thể coi là quái vật được. Chuyện này xảy ra
vào giữa những năm sáu mươi, khi tôi đã học phân số. Tôi còn nhớ đã ước giá chúng tôi có thể
đổi Quan lấy hai cô bé song sinh kia. Như thế tôi sẽ có hai chị em cùng cha khác mẹ tương
đương với một trọn vẹn, và tôi hình dung tất cả bọn trẻ con trong khu nhà sẽ ra sức thành bạn
chúng tôi, mong được xem chúng tôi nhảy dây hoặc nhảy lò cò.
Dì Betty cũng được biết về việc sinh ra Quan, chẳng có gì thương tâm mà chỉ bối rối. Dì nói,
trong chiến tranh, cha tôi là một sinh viên đại học ở Quế Lâm. Ông hay mua năm con ếch để
nấu bữa tối cho một cô gái tên là Lý Trân, bán hàng ngoài chợ. Sau này ông lấy Lý Trân, và năm
1944 họ sinh hạ một cô con gái, chính là Quan, cô bé gầy nhom trong ảnh.
Dì Betty cũng có ý kiến về cuộc hôn nhân này:
- So với đàn ông Trung Hoa, cha cháu là người điển trai. Cha cháu là người có học. Ông nói
tiếng Anh như dì và mẹ cháu vậy. Tại sao cha cháu lại cưới một cô gái quê tầm thường? Vì ông
phải cưới, vậy thôi. - Khi đó tôi đã đủ lớn để hiểu phải cưới nghĩa là gì.
Năm 1948, người vợ đầu của cha tôi mất vì bệnh phổi, có lẽ là lao. Cha tôi đến Hồng Kông tìm
việc làm. Ông để Quan lại cho cô em vợ Lý Bân Bân chăm sóc, bà sống ở một ngôi làng nhỏ
miền núi tên là Xướng Miên. Lẽ tất nhiên, cha tôi gửi tiền đỡ đần họ, ông không làm thế sao
được? Nhưng năm 1949, Đảng Cộng sản tiếp quản toàn cõi Trung Hoa và cha tôi không thể trở
về đón đứa con gái mới lên năm. Cha tôi còn có thể làm gì hơn? Lòng nặng trĩu, cha tôi bỏ đi
Mỹ, bắt đầu một cuộc đời mới và quên nỗi buồn ông để lại đằng sau. Mười một năm sau, lúc
hấp hối trên giường bệnh, hồn ma của người vợ đầu hiện lên ở cuối giường.
- Anh hãy nhận lại con gái của anh đi! - Bà ta đe, - Nếu không, anh phải gánh chịu hậu quả sau
khi chết!
Đấy là câu chuyện cha tôi nói trước khi nhắm mắt, nhiều năm sau dì Betty kể vậy.
Nghĩ lại, tôi có thể hình dung mẹ tôi cảm thấy ra sao khi nghe lần đầu. Một người vợ khác?
Một đứa con gái ở Trung Quốc? Chúng tôi là một gia đình kiểu Mỹ hiện đại. Chúng tôi nói tiếng
Anh. Chúng tôi ăn món Tàu nhưng là đồ bán sẵn, y như những người khác. Chúng tôi sống trong
một ngôi nhà theo kiểu nông trại ở thành phố Daly. Cha tôi làm việc trong Cục Kiểm toán Nhà
nước. Mẹ tôi đến dự các cuộc họp của Hội Phụ huynh. Trước kia, bà chưa bao giờ nghe cha tôi
nói đến chuyện mê tín của người Trung Quốc. Thay vào đó, cha mẹ tôi đi lễ nhà thờ và mua bảo
hiểm nhân thọ.
Sau khi cha tôi mất, mẹ tôi kể với mọi người ông đối xử với bà “hệt như một bà hoàng Trung
Hoa”. Trước nấm mồ cha tôi, kiệt sức vì mệt mỏi, bà đã hứa với Thần thánh đủ điều. Theo lời
dì Betty, tại tang lễ, mẹ tôi đã thề không bao giờ tái hôn. Bà thề sẽ dạy dỗ chúng tôi, những đứa
con của bà để rạng danh dòng họ Diệp. Bà thề sẽ tìm ra Quan, đứa con đầu lòng của cha tôi và
đưa nó sang Mỹ.

nguon tai.lieu . vn