Xem mẫu

  1. HẠNH PHÚC THẬT GIẢN ĐƠN Những lời khen tặng Đọc xong cuốn sách Hạnh phúc thật giản đơn, tôi cảm thấy sách giản dị như chính con người của tác giả vậy. Dù ở trong bất cứ hoàn cảnh nào, anh cũng mang tâm từ của mình rải khắp nơi. Dù gặp gỡ bất cứ ai, anh cũng quan tâm và dành cho họ cái nhìn trìu mến. Qua cuốn sách, tôi cũng cảm nhận được trong anh đã có sự chuyển hóa mạnh mẽ. Hạnh phúc thật giản đơn chứa đựng tâm tư, suy nghĩ cùng những trải nghiệm của chính tác giả về cuộc đời qua góc nhìn chân thực của một doanh nhân, Phật tử. Mỗi câu chuyện trong cuốn sách vừa là lời độc thoại, vừa là những đối thoại của tác giả với mọi người, đặc biệt là các bạn trẻ trong cuộc sống hôm nay. LÊ VĂN THÀNH Tổng Giám đốc Tổng công ty Cổ phần Bảo Minh
  2. Gặp lại TS. Nguyễn Mạnh Hùng mấy năm trở lại đây, tôi vô cùng ngạc nhiên nhận thấy sự chuyển hóa lớn lao trong con người anh. Tôi nhận thấy một dòng năng lượng hỉ lạc sống động, mạnh mẽ luôn hiện hữu bên trong một con người nhìn bên ngoài hết sức giản dị, nhưng giàu lòng trắc ẩn. Qua tìm hiểu về anh và đọc những trang sách anh viết, tôi đã dần hiểu ra rằng, có lẽ may mắn nhất trong cuộc đời của anh là đã có duyên lành được gặp Phật pháp, được thọ trì và thực hành theo giáo pháp thâm sâu và vi diệu của Đức Phật. Để giúp chuyển hóa khổ đau, cân bằng cuộc sống, theo TS./Phật tử Thiện Đức Nguyễn Mạnh Hùng, mỗi người chúng ta đều cần học cách điều phục tâm mình vì tâm ta là nguồn cội của mọi vấn đề qua việc thực hành hàng ngày một số phương pháp đơn giản mà hiệu quả như tập thở, tập cười, tập nhìn đời bằng con mắt yêu thương... Cuốn sách Hạnh phúc thật giản đơn là thể hiện tâm nguyện cháy bỏng của anh được chia sẻ với tất cả mọi người, đặc biệt là các bạn trẻ “bí quyết giản đơn” mà anh đã tự mình chứng thực qua nhiều năm thực hành miên mật giáo lí Đạo Phật để có được an lạc và hạnh phúc chân thực ngay trong đời sống hàng ngày đầy căng thẳng, lo âu như hiện nay. ĐẶNG THỊ HỒNG THÚY Giám đốc điều hành Công ty Luật Quốc tế D&N Tôi rất vui mừng khi được đọc cuốn sách Hạnh phúc thật giản đơn của tác giả, TS. Nguyễn Mạnh Hùng. Bằng cách viết thông qua các mẩu chuyện ngắn gọn, đơn giản, súc tích nhưng đầy ý nghĩa, tác giả đã giúp người đọc nhận ra được những giá trị rất sâu sắc sau mỗi câu chuyện. Trong cuộc sống hiện tại, mỗi người chúng ta ai cũng tìm kiếm, ai cũng mưu cầu có được hạnh phúc, song không phải ai trong cuộc sống này cũng tìm thấy hạnh phúc. Có những con người kiếm tìm cả cuộc đời cũng không bao giờ cảm nhận, không bao giờ tìm thấy hạnh phúc. Có những người đã tưởng tìm thấy hạnh phúc song lại nhận ra rằng đó không phải là hạnh phúc mình đang kiếm tìm. Chân thành cảm ơn tác giả đã đưa đến cho người đọc một tư duy mới, một giá trị giản dị của Hạnh phúc. ĐẶNG QUỐC DŨNG Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Tin học, Công nghệ, Môi trường – Vinacomin Cuốn sách Hạnh phúc thật giản đơn của doanh nhân Phật tử Nguyễn Mạnh
  3. Hùng đã đem đến cho chúng ta cảm nhận mới mẻ qua những trải nghiệm của chính bản thân tác giả trong thực tế cuộc sống. Tôi nhận thấy trong cuốn sách của anh những suy tư, trăn trở về các vấn đề xã hội qua các câu chuyện giản dị, cô đọng nhưng giàu ý nghĩa. Tác giả rất quan tâm tới CON NGƯỜI, những giá trị tiềm ẩn của con người trong cuộc sống và sự chuyển hóa để giúp con người có được cuộc sống tốt đẹp hơn. Cuốn sách là một tác phẩm mang nhiều giá trị nhân văn, chắc chắn sẽ đem đến cho độc giả những suy tư mới, thêm yêu đời, yêu người trong cuộc sống xã hội hôm nay. ĐÀO THẾ VINH CEO Golden Gate Restaurant Group Cuốn sách khiến cho những người còn ít hiểu biết có cái nhìn đúng đắn hơn về sự huyền diệu của Đạo Phật đối với cuộc sống. Không như những cuốn sách giáo lí khô khan dạy về những việc phải làm, những câu chuyện trong Hạnh phúc thật giản đơn, như đúng tên gọi của nó, dễ đọc, dễ hiểu và như những lời gợi ý nhẹ nhàng cho người đọc suy ngẫm sâu hơn về ý nghĩa thực sự của cuộc sống. Những câu chuyện ở đây không phải nhằm gây ấn tượng thật mạnh mẽ mà giúp người đọc bình tâm nhìn lại chính mình trong cuộc đấu tranh với “kẻ thù lớn nhất” – đó là chính bản thân mình. Một cuốn sách đáng đọc cho những bạn trẻ đang trên bước đường lập nghiệp, nó giúp cho người đọc giữ được trạng thái quân bình trong một xã hội nhiều biến động mà chúng ta đang sống hôm nay. KIỀU NGỌC ANH Giám đốc Công ty Kiều Gia Mỗi câu văn, tựa đề, câu chuyện Thầy viết ra đây đều đề cập đến một khía cạnh khác nhau của cuộc sống hiện tại, đáng để cho ta phải suy ngẫm, nhưng tất cả đều toát lên cái tình tha thiết chia sẻ yêu thương rất thật, rất đời thường và gần gũi. Nhất là trong lĩnh vực tâm linh tôi cảm nhận được sự hạnh phúc an lạc của Thầy, cảm thấy như Thầy đang hòa mình trong cảnh giới cực lạc ở Tây phương, đang thẩm thấu từng tiếng kệ lời kinh của Phật dạy. Thầy truyền sự phấn khích hoan hỉ của Thầy khiến cho ai đọc cũng cảm nhận được nguồn năng lượng từ Thầy lan tỏa… lan tỏa khắp muôn nơi! Để từ đấy mọi người hiểu được sự vi diệu của Phật pháp, hiểu được giá trị của sự tinh tấn tu tập vì khi biết tu tập, biết sửa mình từng ngày, từng giờ thì mới có được trí huệ chân chính, mới thật sự hiểu được nhân quả, quy luật tuần hoàn của vạn vật trong vũ trụ, nội tâm mới có thể minh tỏ thấu triệt. Và từ đó, biết làm thế nào lựa chọn tư tưởng, hành vi và lời nói của mình cho phù hợp.
  4. ĐẶNG THỊ KIM THỦY Giám đốc Công ty Việt Tân Phát Trong nhịp sống vội vã hiện đại ngày nay, thật hiếm khi gặp được những người như anh Nguyễn Mạnh Hùng. Với tâm từ của một thiền giả và kinh nghiệm phong phú của một người thầy, anh thường chọn cách hiệu quả nhất là kể chuyện để chia sẻ việc thiền tập và kinh nghiệm ứng dụng của thiền vào cuộc sống. Những câu chuyện anh kể nhắc chúng ta xem xét lại mình, về mục đích thật sự của cuộc sống và hạnh phúc mà ta đang theo đuổi. Và rồi, thật ngạc nhiên và thật đẹp là chúng động viên ta qua suy nghĩ, lời nói và hành động – thực hành ngay những điều rất đơn giản và có thể thực hiện dễ dàng trong cuộc sống hàng ngày nhưng chắc chắn sẽ giúp ta cảm thấy cuộc đời và cuộc sống của mình trở nên ngày càng đẹp hơn và ý nghĩa hơn cho bản thân mình và mọi người xung quanh. Thiền sinh LÂM THÀNH BỬU SƠN
  5. Lời giới thiệu Tôi rất bận, thậm chí đôi khi còn ngạo muội nghĩ rằng có lẽ chẳng ai có thể bận hơn mình, nhưng được anh (mà mọi người hay gọi bằng cái nick là Hùng Thái Hà Books) đề nghị tôi viết vài lời cho cuốn sách của anh. Cảm nhận đầu tiên của tôi có lẽ đây là cuốn sách tâm huyết của anh và tôi cắm đầu vào đọc. 48 câu chuyện ngắn, tản mạn từ con kiến, con gián đến nghĩa trang của những sinh linh bé nhỏ, đến địa ngục cho những kẻ lười, đến những ngôi chùa uy linh… đã cuốn hút tôi, bắt tôi theo bám từng chữ, nghiền ngẫm từng ý tứ, thông điệp mà anh muốn qua đó truyền tải cho bạn đọc… Và cuối cùng tôi đã hiểu ra một điều mà chính tựa đề của cuốn sách đã nói ngay từ đầu: Hạnh phúc thật giản đơn. Cuốn sách giúp người đọc tìm ra được những phương pháp để làm mình được hạnh phúc, đó là: Tư duy tích cực, đơn giản hóa các vấn đề, không làm việc quá sức, nghỉ ngơi thư giãn, cân bằng các mối quan hệ… Cảm ơn anh Hùng đã đem đến cho độc giả một món ăn tinh thần mới. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc. Trần Văn Hùng M.Sc. Tổng Giám đốc Sonnam Xanh
  6. Niết bàn ngay giữa cuộc đời này
  7. Chút hương vị cho đời Ôi 30 năm lưu dấu một hình ảnh thân thương, một hình ảnh tâm bất động, sau những biến cố thăng trầm của thời cuộc làm cây cũng ngả đổ. Gió bỗng thổi mạnh. Con người ẩn tàng như cánh hồng hạc qua sông! Mấy ngày trước, chúng tôi được Hòa thượng Thích Thái Hòa cho biết tin là Thầy sẽ có chuyến du hành về miền Tây. Nơi Thầy sẽ đến là chùa Giác Long, tỉnh Đồng Tháp do Hòa thượng Thích Minh Tấn làm trụ trì. Hòa thượng với Thầy cùng thế hệ học tăng của Già Lam cách đây ba mươi năm. Con số của mỗi bước chân hành giả vụt bay như ánh chớp chiều tà, tiếng sóng vô ngôn. Bất chợt nhìn lại sau các tờ tạp chí Hoằng Pháp, Pháp Luân, Đạo Phật Ngày Nay, Giác Ngộ càng thấy thời gian bay nhanh quá. Chuyến đi ngược về quá khứ chính thức bắt đầu. Thầy Tịnh Tâm tại thiền viện Quảng Đức là học trò của Hòa thượng Minh Tấn đã hướng dẫn cho đoàn về tới xứ “cò bay thẳng cánh”. Ngôi chùa khang trang, hiền hòa bên những cánh đồng lúa bất tận và vườn hoa mùa tết ngát hương. Thầy trò và cả đoàn có dịp ngỡ ngàng trước cảnh đẹp nơi đây, trước hương hoa miền Tây. Rất khác biệt. Trên đường tới chùa Giác Long, Hòa thượng Thích Thái Hòa đã nhận lời ghé thăm nhà của cô Ẩn. Khi đoàn về tới nhà cô thì cũng đã xế trưa. Miền Tây đang là mùa nước nổi, trong nhà cô, nước đã tràn vào lấp xấp. Ngoài vườn không phân biệt được đâu là ao nước, đâu là vườn. Tuy nhiên giữa mênh mông là nước, thật diệu kì có một cây sen duy nhất nở một bông hoa duy nhất tuyệt đẹp. Khi Hòa thượng và đoàn chuẩn bị thọ trai, Thầy đã được kính dâng đóa hoa sen tuyệt đẹp kèm theo lời thưa rằng: “Con vừa chèo thuyền ra hái đóa hoa duy nhất này để kính dâng lên Thầy”. Hòa thượng Thích Thái Hòa đã ban tặng cho ngôi nhà của hai nữ thí chủ một cái tên vô cùng ý nghĩa “Bích Ẩn Liên Hoa”. Để rồi sau thời cơm quán ngọ, tất cả có mặt tại chùa Giác Long. Cái nắm tay thật chặt, cái hơi thở ngưng đọng lại sau bao nhiêu năm huynh đệ li biệt. Những câu chuyện tuy nhỏ, nhỏ hơn hạt cát giữa sa mạc, nhỏ li ti như sương đọng ven bờ, nhưng than ôi, trong đó nhị vị Hòa thượng đã ẩn chứa bao điều muốn nói với bạn lữ, với những ai đang hăng say tìm tòi giấc
  8. mộng mị. Cũng ở đây, vào giờ phút này, Hòa thượng đã nhấp lại hớp trà Thiết Quan Âm. Ngọt lịm. Có vị chát. Hơi khói của chén trà bốc lên như phong ba chuyển thành tại vị tĩnh mặc giữa tang hồ. Buổi chiều cả đoàn di chuyển sang thủ phủ Tây Đô theo lời thỉnh ước của hai gia chủ tại Cần Thơ. Hòa thượng và mọi người đến Cần Thơ cũng vào lúc xế chiều. Bóng hoàng hôn cũng pha trộn lẫn ánh điện ảo huyền khi xe lăn bánh qua cầu Cần Thơ. Phía kia là bến Ninh Kiều. Chợt đọc bài thơ Biết nhau có trong Sương đọng ven trời được mọi người tự đặt cho tên của chiếc cầu. “Người về từ cõi vô biên, Trắng thơm đại nguyện trăm miền bước đi. Người về với chiếc hoàng y, Với bình minh giữa tà huy diệu vời. Trăm năm là chuyện của đời, Chiêm bao là chuyện của người ngủ say. Cõi tình là cõi bụi bay, Người về đi giữa cõi nầy mà chơi. Giúp đời một chút thảnh thơi, Giúp đời chỉ một nụ cười nguyên sơ. Giúp đời một chút tình thơ, Chút tình từ thuở đôi bờ biết nhau”. Sau chặng đường đoàn đi từ Đồng Tháp đến thành phố Cần Thơ, trời bắt đầu tắt nắng. Hơn 18 giờ tối, Hòa thượng và mọi người mới tới ngôi nhà đầu tiên
  9. của Phật tử để dùng bữa cơm thân mật cùng với một số nhân sĩ trí thức tại nhà của Phật tử Hoa Phượng. Chủ đề chia sẻ tối đó của Hòa thượng Thích Thái Hòa là “Cần bảo hộ từ những cái thật nhỏ”. Chỉ một vài giờ thôi thế mà buổi nói chuyện dễ gần, chan chứa ý nghĩa và những lời dạy Thầy dành cho mọi người ở đây như đọng lại mãi. Rồi các Phật tử cùng Hòa thượng sang biệt phủ Cồn Khương, nơi một gia đình xây dựng khu thiền thất để tu học và tạo thiện duyên thêm cho bạn bè, người thân có cơ hội tiếp xúc với lời Phật dạy qua những buổi giảng pháp của chư tôn đức. Không gian khá mát mẻ bên bờ sông Hậu lộ lên sự thanh tịnh của một ngôi nhà có nhiều cây cối, hoa cỏ và từng lối đi thật là thiền vị. Thầy và tất cả đoàn bước vào thiền đường để ngồi dùng nước và trái cây. Sau đó Thầy đi dạo quanh khu vườn, cách đây hai năm trước, đoàn thợ Huế từ Dương Xuân Thượng và Vân Quật Thượng vào hành nghề. Công trình xây dựng đầu năm 2009 và hoàn tất vào năm 2010. Thật tuyệt vời! Buổi tối các học trò mời Thầy tham dự buổi pháp đàm. Ánh trăng non nhấp nhô trên lưu vực sông Hậu và làn gió thanh khiết đã làm cho đêm nói pháp của Hòa thượng Thích Thái Hòa thêm ý vị. Pháp âm của Hòa thượng thật sâu sắc, đem đến cho thính chúng những khái luận thật tế đại đạo. Buổi trò chuyện Phật pháp kéo dài tới quá khuya như không muốn ngừng. Rạng sáng hôm sau, Hòa thượng có buổi hành lễ, đảnh lễ Pháp thân Chư Phật và chúc tán trên một trăm danh hiệu Phật và liệt vị Tổ sư. Sau khi khóa tụng niệm vừa xong, Thầy lại ban đạo từ cho quý Phật tử theo sự thỉnh nguyện, dâng lời tác bạch của gia chủ khu thiền thất. Những lời giáo huấn của Thầy vào sáng sớm thật hạnh phúc và đem nguồn ánh sáng chánh niệm có mặt cho tự thân. Thời pháp kéo dài hơn 45 phút. Ngay sau đó Thầy đã ban tặng cho thiền thất Cồn Khương tên mới “Đạo Nguyên Hương Thất”. Rồi Thầy đã đặt bút ký tặng sách và mời tất cả cùng đi kinh hành với Thầy trong không gian bình minh bên bờ sông Hậu. Trong buổi dùng điểm tâm sáng cùng với các đạo hữu doanh nhân, thức giả, học trò của mình, Thầy chia sẻ: “Làm thế nào để thời gian là thời gian”. Thầy còn viết thư khuyến tấn hai thí chủ mỗi ngày giữ tâm bình thản, đừng bị thời gian dao động và che mờ đi sự trong sáng của tâm giác ngộ, sự hữu
  10. duyên của mình đối với Tam Bảo và nguyện cùng nhau làm bạn đồng hành trên con đường thực hành chánh pháp. Trên đường trở về Sài Gòn trong cùng ngày, Hòa thượng Thích Thái Hòa nhận được lời thỉnh cầu của gia đình Phật tử Tâm Lí ghé tư thất thọ trai và xin Thầy ban một thời pháp thoại ngắn. Thầy đã hoan hỉ chấp nhận. Đoàn về tới nơi tại Bình Chánh khoảng 18 giờ cùng ngày. Sau khi thọ trai nhẹ buổi tối, Thầy đã có một thời pháp thoại quý báu với nội dung “Nhiếp phục cơn giận” dành cho gia chủ và các thân hữu cùng toàn thể học trò. Mặc dù Hòa thượng đã phải di chuyển liên tục bằng xe từ Huế qua Nha Trang vào Ninh Thuận đến Sài Gòn và đi miền Tây rồi quay về Sài Gòn nhưng với tinh thần phụng sự chúng sinh, Thầy đã không quản ngại nói pháp và chia sẻ những khúc mắc trong cuộc sống cho toàn thể đại chúng tới gần 12 giờ khuya. Dù không muốn nhưng buổi pháp đàm buộc phải kết thúc để sáng hôm sau Thầy còn phải ra sân bay sớm về lại Huế, chuẩn bị cho chuyến hoằng pháp tại miền Bắc sắp tới trong niềm tiếc nuối của toàn thể đại chúng. Chuyến đi kết thúc. Ai cũng tiếc nuối. Mong sao có thêm những chuyến đi cùng Thầy, bên Thầy. Chúng ta đang trên con đường tu tập hướng đến giải thoát. Và rằng đây là con đường dài trong khi chúng ta mới đi được một chặng nhỏ. Trên con đường này, thiếu những người thầy hướng dẫn, thiếu các bậc thiện tri thức và thiếu những bạn đồng tu thì vô cùng khó khăn. May thay, các học trò chúng tôi đã có một người thầy tốt, dễ gần, tận tình chỉ bảo. Mỗi ngày, nghe theo lời Thầy, học theo Đức Phật chúng tôi đang tinh tấn tu tập để mong có thêm chút hương vị cho đời. Mong sao chút hương vị cho đời mà mỗi Phật tử chúng ta có được trong quá trình tu tập tiếp tục tỏa hương đến với đông đảo các Phật tử trên mọi miền đất nước và khắp thế giới. Mong sao những phút giây bình an này đọng lại dài lâu trong tâm trí mỗi chúng ta. Mong làm sao!
  11. Bố mẹ ơi, con rất muốn nói Những đứa con không được sinh ra thật đau khổ và oan khiên. Nhưng chúng có tâm rất từ bi – tha thứ tất cả cho các bậc sinh thành. Tôi đi công tác thành phố Hồ Chí Minh. Được biết ở chùa Phước Huệ, thành phố Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng tổ chức đại trai đàn cầu siêu giải oan bạt độ cho các vong linh thai nhi chẩn tế âm linh cô hồn nguyện cầu quốc thái dân an, tôi lập tức lên đường. Phần vì tôi tò mò, phần vì muốn trực tiếp tham gia vào chương trình lớn và ý nghĩa kéo dài hai ngày ngay trong mùa Vu Lan báo hiếu này. Đập vào mắt tôi là những tấm áp phích treo trong khuôn viên chùa với tâm sự của những em bé không được sinh ra. Những đứa bé bị cha mẹ bỏ đi ở các lứa tuổi khác nhau, từ một vài tháng cho đến 5-7 tháng. Những đứa trẻ không may mắn được sinh ra làm người. Trước đây, tôi chỉ biết đến nghĩa trang đồng nhi ở Nha Trang. Nay đến đây mới biết rằng, có biết bao nghĩa trang như vậy ở rất nhiều tỉnh và thành phố trên cả nước: Đồng Nai, Pleiku, Nam Định, Đắc Nông… Và tôi cũng giật mình khi biết tại nghĩa trang dành cho các bé chưa kịp chào đời ở tỉnh miền núi Pleiku đã lên đến con số 10 ngàn! Còn nghĩa trang đồng nhi Hương Hồ, Hương Trà, Thừa Thiên – Huế từ ngày thành lập đến nay đã chôn cất gần 42 ngàn sinh linh. Một con số làm tôi giật mình và ngẩn ngơ suy nghĩ! Hiện nay chưa có con số chính thức về số ca phá thai trong cả nước. Tuy nhiên, trước khi viết bài này, tôi được một người bạn làm bác sĩ tại một bệnh viện lớn tại Hà Nội cung cấp một thông tin: Tại bệnh viện anh đang làm, con số nạo hút thai cũng lên đến 10 ngàn ca một năm. Lại thêm một con số 10 ngàn biết nói nữa. Tôi được đọc và nhìn thấy những con người nhân đạo làm một việc phước đức khó tin – đi lượm những thai nhi bị bỏ về chôn. Đó là những nhóm người hay cá nhân đơn lẻ. Đó là những thanh niên hay người lớn tuổi. Đó là cả những cụ già đã gần đất xa trời. Tôi như lặng người đi khi dừng trước tấm áp phích và bức ảnh cụ Phạm Thị Cường 73 tuổi, lang thang đi khắp nơi để nhặt những thai nhi bị bỏ rơi về chôn tại nghĩa trang xã Nghĩa Thắng, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định.
  12. Tôi như nghe thấy tiếng nấc của bà: “Các con chưa kịp chào đời đã phải trả giá cho những kẻ sinh thành nên các con. Bà thắp nén hương thơm mong các con được an nghỉ”. Nhiều ngày trước khi diễn ra lễ cầu siêu đặc biệt này, các bậc cha mẹ đã từng phá thai hoặc ít nhất một lần bỏ đi giọt máu của mình đã đến chùa để kê khai. Sư thầy Thích Thái Thuận, trụ trì chùa Phước Huệ nói với tôi rằng sư đã gặp biết bao người cha người mẹ như vậy. Sư nói với họ rằng, các con đến đồn công an là phải khai hết tội lỗi, nay trước Tam bảo phải nói thật. Nói thật ra để còn làm lễ cầu siêu”. Nhà chùa cũng đã viết sớ và biển tên cho từng hương linh nhỏ để các bậc sinh thành mang vào làm lễ cầu siêu trong hai ngày 07 và 08/07 âm lịch. Bạn có thể không tin nhưng có những người cha, người mẹ đã phá thai đến 12 - 14 lần. Kỉ lục về việc bỏ những đứa con chưa kịp ra đời thuộc về một phụ nữ với 18 lần. 18 đứa con không được sinh ra! Chỉ khi bạn được tiếp xúc với những người mẹ này bạn mới hiểu được nỗi lòng của họ. Đau xót lắm! Ân hận lắm! Nguyên nhân dẫn đến việc những đứa trẻ không được chào đời rất nhiều. Nguyên nhân chính là sự lỡ làng trong quan hệ nam nữ. Những thai nhi bị bỏ một cách vội vàng và nhiều trường hợp được cho vào túi ni lông và vứt đi. Nhiều trường hợp thai nhi nằm trong thùng rác! Trên tay tôi lúc này là tập giấy nhỏ mang tên “Những lá thư không gửi” do nhà chùa và những ai tâm huyết phát cho các Phật tử. Có lẽ mong muốn của nhà chùa và các Phật tử nơi đây là gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về đạo đức và lối sống. Họ mong cho các bạn trẻ hiểu biết về tác hại của việc phá thai, để nam nữ thanh niên giảm bớt những sai lầm đáng tiếc. Có đọc mới hiểu được nỗi lòng của những em bé không được chào đời. Mà bạn chỉ cần nhìn mục lục thôi có lẽ cũng muốn rơi nước mắt: Xin mẹ để cho con được sinh; Lời cầu xin của con; Qua nghĩa trang đồng nhi; Lời con trong bụng mẹ; Tiếng kêu cứu của một thai nhi; Vì sao phá thai là một tội lỗi không thể tha thứ; Xin cha mẹ an lòng, con không trách; Nhật kí của bé không bao giờ chào đời… Những đứa bé không được chào đời. Mỗi ngày có bao nhiêu đứa trẻ không may mắn như thế này! Người lớn chúng ta thiếu kiềm chế, không biết quản lí bản thân, sống phóng túng, để rồi bao sinh linh vĩnh viễn không thành người. Tội lỗi lắm bạn ơi!
  13. Thay vì lời kết và thay cho lời tâm sự của các sinh linh này, tôi xin chép ra đây những dòng của tác giả Hàn Lệ Thu: Con run rẩy van xin trong bụng mẹ, Đừng bắt con mất tiếng khóc chào đời Ngày lại ngày… hồi hộp… Mẹ, Ba ơi, Suy nghĩ kĩ: Cho con quyền được sống… Và một câu khác ở một bài khác: … Con lạnh quá! Mong chờ nhang sưởi ấm Cho hồn con và tất cả bạn bè Con tha thứ, thương Ba Mẹ nhiều lắm! Nhạc thiên thần, đồng tấu Mẹ Ba nghe… Viết đến đây tôi như nghe vang vọng giọng của các bé: “Bố mẹ ơi con rất muốn nói rằng con tha thứ cho bố mẹ. Con yêu quý bố mẹ và mong bố mẹ cùng các cô chú đừng sai lầm thêm nữa.” Hai ngày cầu siêu cho các vong linh thai nhi thật ý nghĩa. Tôi biết rằng rất nhiều trong số các con đã được siêu sinh. Ngoài chùa Phước Huệ ra, còn nhiều chùa khác cũng đã và đang làm lễ cầu siêu. Mùa Vu Lan đang bên mỗi chúng ta. Và tôi nguyện rằng, mỗi chúng ta tập biết giữ giới, tập sống trong yêu thương. Rằng nếu chẳng may chúng ta có phạm giới, dù lớn hay nhỏ mà biết sám hối thì sẽ thấy thanh thản và bình an. Hơn thế nữa, mỗi chúng ta cần tuyên truyền và chia sẻ để mọi người quanh ta sống tốt hơn, thiện hơn. Mỗi ngày.
  14. Sống tại chùa - Pagodastay tại sao không? Là người đã từng sống trong chùa nhiều lần, có những đợt đến mười ngày nên tôi hiểu giá trị tuyệt vời của những ngày cư trú nơi đây. Nhân mùa an cư kiết hạ đã hết, tôi nảy ra ý tưởng lập ra các chương trình sống và trải nghiệm trong chùa. Tiếng Anh có thể gọi là pagodastay (suy từ chữ homestay vẫn hay được dùng). Còn tiếng Việt, tên chương trình có thể gọi đơn giản theo đúng nghĩa – Sống tại chùa! Khi Sống tại chùa – Pagodastay, chúng ta có cơ hội có trải nghiệm rất thú vị và khó quên. Chùa là nơi linh thiêng, và bất cứ ai sống trong đó luôn có tâm thiện, có những hành động và lời nói được kiểm soát. Thời gian sống trong chùa luôn thanh tịnh nhất cho thân và tâm của mỗi chúng ta. Khi Sống tại chùa – Pagodastay, bạn sẽ được ăn chay, được dậy sớm, được sinh hoạt như quy định của nhà chùa. Bạn sẽ được lao động và làm Phật sự, được vãn cảnh chùa và tìm hiểu về lịch sử, nghệ thuật, văn hóa của ngôi chùa. Quan trọng nhất là có quãng thời gian để thanh lọc thân tâm, dù là rất ngắn. Trong các chương trình Sống tại chùa – Pagodastay chúng ta có thể tổ chức những buổi chia sẻ về hạnh phúc và khó khăn, về tình yêu và lí tưởng, về ăn chay và cai nghiện (internet, thuốc lá, games..), về việc làm và định hướng cuộc đời, về hôn nhân và gia đình, về văn hóa và truyền thống… Việc tổ chức trà đàm hay văn hóa uống trà có lẽ cũng rất thú vị. Một giá trị nữa của chương trình Sống tại chùa – Pagodastay là việc chữa bệnh tinh thần. Những em bị căng thẳng, bị căn bệnh sợ hãi hay các chứng bệnh tâm lí chắc chắn sẽ rất tốt sau những ngày sống tại đây. Còn với những em hoàn toàn khỏe mạnh, đây là cơ hội ngàn vàng để khám phá bản thân mình. Tôi thiết nghĩ, mỗi chương trình Sống tại chùa – Pagodastay như vậy có thể kéo dài hai đến ba ngày. Ví dụ, có thể vào chùa tối thứ Sáu và rời chùa chiều Chủ nhật. Hoặc ngắn nhất là vào chùa chiều thứ Bảy, trở về nhà tối Chủ nhật. Thời gian dài hơn các chương trình bát quán trai mà các đạo tràng vẫn đang tổ chức. Bởi ít nhất có một tới hai đêm được ngủ trong chùa.
  15. Đối tượng tham gia chương trình Sống tại chùa – Pagodastay mà tôi muốn nhắm đến là các bạn học sinh, sinh viên, chủ nhân tương lai của đất nước. Tôi luôn tin tưởng rằng chỉ với quãng thời gian ngắn như vậy thôi, các em sẽ có sự thay đổi đáng kể. Những người đi trước như chúng ta làm nhiệm vụ gieo duyên cho các em, tạo điều kiện cho các em có cơ may tiếp xúc với Phật pháp, cho các em bước đến cửa Phật và sau đó em nào đủ duyên sẽ tự tìm hiểu và tự phát triển đời sống tâm linh của mình. Tôi cũng tin rằng các em sẽ là những hạt giống đầu tiên, những mầm cây khởi nguồn để tạo ra rừng cây công đức. Việt Nam ta có đến 15.000 ngôi chùa, chiếm hơn một phần ba tổng số các di tích của đất nước. Nếu chúng ta chỉ cần tìm ra một số ngôi chùa phù hợp nhất để triển khai thử nghiệm bước đầu thì có thể nhân rộng ra khắp cả nước và như vậy số người tham gia chương trình cũng tăng lên nhanh chóng hàng năm. Tinh thần của Đạo Phật là Từ - Bi - Hỉ - Xả, cứu khổ cứu nạn, giúp chúng sinh có Giới - Định - Tuệ và đi đến giải thoát. Trong cuộc sống bộn bề này, việc tạo ra bình an cho mỗi người dân, nhất là các bạn trẻ thật sự quan trọng. Các chương trình Sống tại chùa – Pagodastay mà tôi muốn nêu ra ở đây, chắc chắn sẽ mang lại lợi ích cho mỗi gia đình, nhà trường và toàn thể xã hội. Tuy nhiên, việc tổ chức thành công không hề dễ và đòi hỏi khá nhiều thứ, nhất là sự hi sinh của những vị Bồ Tát thực thụ, hết mình cống hiến cho Phật pháp và cho sự tiến bộ của đất nước và nhân loại. Rất mong ý tưởng này của tôi được các Phật tử, các nhà chùa ủng hộ để những chương trình Sống tại chùa – Pagodastay đầu tiên được chính thức ra mắt.
  16. Chùa Thư Pháp Danh thơm, nguồn sáng soi đời Thanh tâm, tịnh ý là lời Chư Tôn. – Chính Trung Những ngày nghỉ lễ, mỗi người chọn cho mình một nơi để nghỉ ngơi hay tham quan, nhưng phần lớn là đi du lịch, khám phá rồi nghỉ dưỡng. Tôi thì chọn nơi đến là Sài Gòn. Kể cũng lạ, từ thủ đô Hà Nội vốn đã luôn ồn ào, lại đi chọn chốn náo nhiệt hơn. Nhưng bạn sẽ bất ngờ khi ta có thể gặp những thứ không bao giờ ngờ đến ở những nơi mà ta vẫn cứ nghĩ rằng: Biết rồi, nơi cũ. Tôi đến một ngôi chùa ngay trung tâm thành phố, nơi mà tôi đến hầu như trong mỗi chuyến công tác thành phố Hồ Chí Minh. Tôi thường đến đây bởi chùa có kiến trúc hiện đại nhưng rất mang sắc thái dân tộc Việt, một dấu ấn rất Sài Gòn. Ngôi chùa cũng là biểu tượng và chứa đựng các dấu ấn của cuộc đấu tranh chống chế độ độc tài Ngô Đình Diệm. Lịch sử ngôi chùa cũng thật thú vị, bởi lẽ chùa được xây dựng để thờ xá lợi Phật. Xá lợi của đức Như Lai được đại đức Narada Mathathera, tọa chủ chùa Vajirarama của Sri LanKa tặng năm 1953, để rồi ba năm sau ngôi chùa chính thức được xây dựng. Ngôi chùa quý đó tọa lạc ngay tại góc đường Sư Thiện Chiếu cắt với Bà Huyện Thanh Quan ngày nay. Khi nói chuyện với thầy Chính Trung trong khuôn viên thư viện nhà chùa tôi được biết, trước đây chùa được gọi là chùa thờ Xá Lợi. Ngay trong quá trình xây dựng và đến sau này người dân quen gọi tắt thành chùa Xá Lợi. Ngoài tháp bằng vàng hiện đang đựng xá lợi Phật, chùa còn có một pho kinh bối diệp cổ chép bằng tiếng Pali trên lá ô bôi (lá muôn) cách đây trên một ngàn năm rất quý, do chính giáo hội tăng già Sri Lanka tặng cho ngài Thích Quảng Liên sau khi ngài du học năm năm tại xứ này. Còn cây bồ đề mà ta có dịp chiêm bái mỗi lần đến chùa được chiết từ cây bồ đề gốc ở Sri Lanka do thái tử con vua A Dục (Asoka) đem từ Bồ Đề Đạo Tràng, Ấn Độ sang trồng. Thật linh thiêng làm sao.
  17. Không phải ai cũng biết rằng chùa còn là nơi quàn nhục thân của Bồ Tát Thích Quảng Đức trong vòng một tuần trước khi mang đi hỏa táng. Chính vì vậy, ai đến đây cũng đều cảm nhận và thấy rất rõ tinh thần bất diệt của ngài Bồ Tát Việt Nam chúng ta chống lại chế độ Nhu Diệm thời xưa. Một điều làm tôi ngạc nhiên khi nói với anh xe ôm chở đến chùa Xá Lợi thì người đàn ông Sài Gòn gốc lại bảo tôi: “Yên tâm, 20 phút nữa anh sẽ có mặt. Chùa Cá Kèo này tuyệt vời lắm”. Tôi cảm thấy vô cùng khó hiểu, tại sao nơi linh thiêng và đầy dấu ấn tâm linh này lại có tên kì lạ là “Cá Kèo”. Anh lái xe ôm giải thích rằng ngay trước cổng chùa có một dãy quán bán các món ăn “đặc sản” cá kèo nên dân bản xứ quen gọi vậy cho dễ nhớ. Nói chùa Cá Kèo ai cũng biết – anh dặn tôi như vậy. Đem chuyện hỏi thầy Chính Trung, thầy xác nhận là đúng và nói rằng tên này làm ý nghĩa của chùa bị sai lệch đi. Và rằng không ít Phật tử đã hiểu lầm, thậm chí phản ứng khi nghe. Đạo Phật là đạo của từ bi, sao có thể mang tên một loài cá hay một món ăn mặn như vậy được! Một trong những nơi tôi hay lui tới và ở lại lâu chính là thư viện của chùa. Số đầu sách nơi đây lên đến gần sáu ngàn và bằng đủ các ngôn ngữ: Việt, Anh, Pháp, Nhật, Hoa… Hơn nữa, nơi đây thường xuyên trưng bày những bức thư pháp rất đẹp. Vốn là dân thích du lịch, mê khám phá, tôi cam kết đây là nơi duy nhất ở Việt Nam có dạy viết tâm thư pháp cho bất cứ ai muốn học và thường xuyên trưng bày các bức thư pháp rất đẹp, rất ý nghĩa. Tôi đến chùa một phần quan trọng bởi bị mê hoặc bởi những bức tâm thư pháp đẹp và ý nghĩa đến lạ thường này. Tôi đến chùa lần này đúng mùa Đại lễ Phật Đản. Tôi mê mẩn ngắm những cuốn sách trong tủ, đọc những cuốn sách trưng bày và nhất là những bức thư pháp hết sức sinh động, quá ý nghĩa. Có lẽ, để miêu tả được ý thâm sâu hay cảm nhận từ những bức tâm thư pháp trong ngôi chùa Xá Lợi này, tôi phải viết cả chục bài. Bởi mỗi bức là một câu chuyện, là những ngầm ý và sự vi diệu, cũng là một công trình nghệ thuật tuyệt hảo. Bởi cả trăm bức thư pháp nơi đây làm tôi say mê không muốn về. Tôi chỉ muốn nói đến bức giản đơn là chữ TỪ. Nếu nhìn kĩ, ngắm lâu ta sẽ thấy rõ, trong một chữ này thôi có cả ba: Bi, Trí, Dũng. Phần đuôi của chữ T cho ta thấy rõ con thuyền đưa ta sang bờ giác. Dấu huyền chính là ánh đèn pha soi sáng đường ta đi và phần đầu của chữ T là mái chèo đưa ta đến giải
  18. thoát. Tôi càng ngắm càng thấy mê. Rất tiếc là tôi không có máy ảnh nên dùng điện thoại di động chụp và hình ghi lại không thể toát lên được một phần ý nghĩa, một phần vẻ đẹp khi ngắm thật. Trước khi về, tôi được tặng chữ. Biết tôi bôn ba khắp nơi, tôi được thầy Chính Trung tặng chữ BELIEVE. Thật là ý nghĩa. Niềm tin là mấu chốt của mọi vấn đề, của thành công và hạnh phúc. Niềm tin là người bạn tuyệt vời, là người tâm giao của ta. Niềm tin cho ta nhiều và rất nhiều. Tôi cứ mải mê ngắm chữ này và những cảm nhận từ “niềm tin” cứ bay mãi trong đầu. Thư pháp không cần hiểu nghĩa. Thư pháp là cảm nhận. Tôi đang cảm nhận khi gõ những dòng chữ này và mong rằng mỗi bạn đọc đều có những cảm xúc khác nhau, hoàn toàn khác biệt. Đó mới đích thực là nghệ thuật. Đó mới là thư pháp thực thụ. Tự nhiên tôi nghĩ: Ngôi chùa quý này không chỉ có tên là chùa Xá Lợi, càng không thể mang tên chùa Cá Kèo. Chùa cần có tên mới: Chùa Thư Pháp!
  19. Doanh nhân đi chùa Trong lúc ngồi vào bàn viết bài này, trong đầu tôi cứ vang vọng câu nói, hay đúng hơn là lời khuyên của Hòa thượng Thích Giác Toàn: “Tôi muốn các doanh nhân và các bạn tu chứ không phải đi tu”. Tôi nghĩ mãi tại sao Hòa thượng lại không thích từ “đi”. Suy ngẫm và tôi nhận ra rằng, hình như “đi” tức là ta chạy trốn. Mà việc tu là việc của cả đời. Tu tập là để thân tâm mình tốt hơn, để mình trở thành người tốt hơn. Vậy thì ta cứ việc tu chứ đâu phải “trốn” vào đâu đó để tu. Viết đến đây, tôi lại như nhìn thấy các doanh nhân chúng ta ngày càng đi chùa nhiều hơn. Tôi đâm ra băn khoăn và cần được giải quyết thắc mắc: Doanh nhân vào chùa làm gì? Khi nào? Thế rồi tôi quyết định làm một nghiên cứu nhỏ để viết nên bài này. Nhưng trước hết, tôi phải biết ơn tất cả những doanh nhân đã trả lời phỏng vấn của tôi và tôi cảm ơn các anh chị vẫn dành một quỹ thời gian quý báu, hiếm hoi của mình để tìm đến chốn tâm linh. Cách đây chục năm, tôi thường xuyên theo lãnh đạo của mình vào chùa mỗi mồng một và ngày rằm. Sếp tôi làm việc này rất thành tâm. Chúng tôi thường mua sắm đầy đủ đồ lễ, vàng mã, trái cây, hương hoa. Mà thường là chọn quả ngon, hoa đẹp. Đa phần các lần đi chùa lễ Phật đều có sớ được viết chu đáo, cẩn thận. Chúng tôi đứng xung quanh thủ trưởng cùng khấn, lễ và cầu nguyện. Sau khi đặt mâm, lễ Phật xong, chúng tôi ngồi chơi hay đi dạo vòng quanh, đến khi hương tàn hay ít nhất cháy hết hai phần ba mấy “thầy trò” mới quay lại lễ tạ và xin hạ lễ. Sếp của tôi bao giờ cũng tham gia khâu đốt giấy tiền vì cho rằng đây là phần quan trọng nhất. Chúng tôi cũng quen và thường mỗi người được chia một số tờ vàng mã để cùng đốt, để được cùng “hưởng lộc”. Không chỉ có mồng một, ngày rằm, mà trước khi diễn ra các dự án, các cuộc đấu thầu, nhiều doanh nhân thường vào chùa để lễ Phật, cầu Phật phù hộ độ trì để dự án thành công, để có thể thắng thầu, để công việc được suôn sẻ. Phải công nhận rằng đa phần các doanh nhân làm như vậy rất thành tâm, cung kính và tin tưởng rằng Đức Phật sẽ phù hộ và kết quả sẽ tốt. Nghĩ lại tôi thấy, đây là bài toán tâm lí, là yếu tố tinh thần quan trọng giúp các doanh nhân có niềm tin và quyết tâm cao vào công việc sắp diễn ra.
nguon tai.lieu . vn