Xem mẫu

ĐẠI HỌC HUẾ
TRUNG TÂM ĐÀO TẠO TỪ XA
NGUYỄN SAN - PHAN ĐĂNG

GIÁO TRÌNH

CƠ SỞ VĂN HÓA
VIỆT NAM
(Tái bản, có chỉnh lý và bổ sung)

NHÀ XUẤT BẢN ĐẠI HỌC HUẾ
Huế - 2012
1

LỜI NÓI ĐẦU
Để có những hiểu biết căn bản nhất định về văn hóa Việt Nam, từ năm
1990 Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đưa môn học Cơ sở văn hóa Việt Nam vào
chương trình đào tạo cho khối các ngành đại học ngoại ngữ, và từ năm
1995 mở rộng phạm vi áp dụng cho các ngành khoa học xã hội và nhân văn.
Đây là một trong những môn học quan trọng của chương trình đào tạo bậc
đại học ở nước ta.
Cơ sở văn hóa Việt Nam có ý nghĩa rất quan trọng trong nhà trường
và ngoài xã hội. Mặc dù vậy, vẫn có nhiều ý tưởng khác nhau về cách trình
bày môn học này. Chính vì thế, để đáp ứng việc học tập và nghiên cứu của
sinh viên hệ đào tạo từ xa, một loại đối tượng có những đặc thù của một hệ
đào tạo cũng đặc thù, chúng tôi đã biên soạn Giáo trình cơ sở văn hóa Việt
Nam, được Trung tâm đào tạo từ xa Đại học Huế cho xuất bản lần đầu vào
năm 2001 và đã được dùng làm Giáo trình chính thức cho hệ đào tạo này.
Từ đó đến nay Giáo trình đã được chỉnh lý, bổ sung và cố gắng hoàn
thiện dần trên cơ sở kiến thức thu thập thêm được, cũng như nhiều ý kiến
quý báu mà độc giả quan tâm đã chỉ giáo cho. Tái bản lần này, Giáo trình
gồm 8 chương và phần phụ lục, tất cả được điều chỉnh, sắp xếp lại, và chi
tiết hóa nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc nghiên cứu và học tập
của sinh viên.
Chương 1: Những vấn đề chung về văn hóa và văn minh
Chương 2: Các điều kiện bên trong của sự hình thành và phát triển
văn hóa Việt Nam.
Chương 3: Văn hóa nhận thức
Chương 4: Văn hóa tổ chức cộng đồng
Chương 5: Sinh hoạt văn hóa
Chương 6: Văn hóa ứng xử với môi trường tự nhiên
Chương 7: Những điều kiện bên ngoài và văn hóa ứng xử với môi
trường xã hội.
Chương 8: Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc

3

Cơ sở văn hóa Việt Nam là môn học rất thú vị nhưng có nhiều nội
dung khó. Nó đòi hỏi sự dày công nghiên cứu bổ sung cũng như sự hiểu
biết thấu đáo cội nguồn của vấn đề. Vì vậy, mặc dù Giáo trình đã được lưu
hành sử dụng trên mười năm, nhưng chắc chắn không tránh khỏi thiếu sót.
Nhóm biên soạn rất vui lòng đón nhận những nhận xét, ý kiến đóng góp của
quý độc giả để Giáo trình được hoàn chỉnh hơn trong lần tái bản sau.
Nhân lần tái bản này, chúng tôi xin tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến GS.
TSKH. Trần Ngọc Thêm, người đã đọc, góp ý và viết nhận xét cho Giáo
trình từ lần xuất bản đầu tiên, cảm ơn những ý kiến đóng góp rất quý báu
mà chúng tôi đã nhận được từ thân hữu, từ quý độc giả quan tâm trong bấy
lâu nay. Đồng thời, xin cảm ơn các nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, Đại
học sư phạm Tp. Hồ Chí Minh, Đại học Huế đã ấn hành Giáo trình liên tục
trong thời gian qua, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao trong nghiên cứu và
học tập của sinh viên hệ đào tạo từ xa thuộc Đại học Huế.
Huế, tháng 10 năm 2012
Các tác giả
Nguyễn San - Phan Đăng

4

Trách nhiệm của các dân tộc
là làm rõ bản sắc của mình trước thế giới.
R. Tagore

Chương 1

NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG VỀ VĂN HÓA
VÀ VĂN MINH
1.1. KHÁI NIỆM VỀ VĂN HÓA
1.1.1. Nghĩa hẹp và nghĩa rộng của văn hóa
Văn hóa, văn minh là những khái niệm công cụ nhận thức tự nhiên và
xã hội. Ngay đối với khái niệm văn hóa cũng được hiểu không thống nhất
trong những công trình nghiên cứu các nền văn hóa trên thế giới bởi vì văn
hóa là một khái niệm đa nghĩa và phức tạp, có thể hiểu theo nghĩa hẹp và
nghĩa rộng.
Ở nghĩa hẹp, văn hóa chỉ một lĩnh vực nào đó của kiến thức (chẳng hạn,
về y học, kiến trúc, về văn chương, hội họa, v.v..), tức là sự sản xuất tri thức và
nghệ thuật; hoặc hiểu biết về lối sống và cách ứng xử (văn hóa giao tiếp, văn
hóa ứng xử với môi trường tự nhiên, văn hóa ứng xử với môi trường xã hội).
Xưa nay người ta thường hiểu văn hóa theo nghĩa hẹp, rồi sau đó làm thành lịch
sử của các “lĩnh vực văn hóa” để tạo ra cái văn hóa chung.
Ở các lĩnh vực riêng biệt, chẳng hạn như y học, kiến trúc, ngôn
ngữ, hội họa, v.v.. vẫn có điểm chung. Đó là sản phẩm lao động trí tuệ, lao
động có tính nghệ thuật và tính sáng tạo của con người. Điều này làm cho
các sản phẩm văn hóa (gọi tắt là văn hóa phẩm với nghĩa rộng) khác với các
sản phẩm thường nhật mà con người hầu như ai cũng có thể làm được. Như
vậy tức là, ở nghĩa hẹp, các văn hóa phẩm tự thân chúng đã nói lên rằng chỉ
có một số nhóm người tạo tác ra được các văn hóa phẩm đó, sử dụng, truyền
đạt chúng cho những nhóm người khác, mà về phần mình những nhóm
người khác này không phải ai cũng tiếp nhận đúng và đầy đủ cái chất văn
hóa trong những văn hóa phẩm đầy mẫn cảm và tinh tế ấy. Điều này có
5

nghĩa là khi nói đến văn hóa theo nghĩa hẹp thì cũng đồng nhất với những gì
thuộc về hoạt động văn hóa, - hoạt động đòi hỏi trình độ thẩm mỹ cao và
lòng nhân ái sâu sắc.
Văn hóa hiểu theo nghĩa hẹp còn biểu đạt một lối sống, cách sống
nhất định, nghĩa là biết sống. Biết sống, một mặt, - đó là phép ứng xử, phép
xử thế đúng mực, đúng phép lịch sự; mặt khác, nó thể hiện sự nhạy cảm,
tính nhân đạo, lòng nhân ái, đức độ khoan dung. Tất cả đều tuân thủ đúng
theo những gì mà một dân tộc phải trải qua hàng trăm năm, hàng ngàn năm
mới tạo dựng được.
Nói tóm lại, văn hóa hiểu theo nghĩa hẹp là tri thức toàn diện tối
thiểu cần thiết để sống đúng với nghĩa của thuật ngữ này.
Khi hiểu theo nghĩa rộng, văn hóa mang tính miêu tả thuần tuý. Điều
này có nghĩa là văn hóa vừa mang tính liên kết, vừa có giá trị trung tính,
không thiên về một lĩnh vực tri thức cụ thể nào; nó là tổng thể những nét đặc
trưng tiêu biểu nhất của một xã hội thể hiện trên nhiều phương diện như vật
chất, tinh thần, tri thức, tình cảm thể hiện sức sống, sức sáng tạo của một
dân tộc. Nói cách khác, văn hóa hiểu theo nghĩa rộng bao quát cả hai dạng ý
nghĩa văn hóa hiểu theo nghĩa hẹp đã đề cập trên đây.
Văn hóa hiểu theo nghĩa rộng bao gồm cả phong tục, tập quán, tín
ngưỡng, tôn giáo, luật pháp, ngôn ngữ, văn học nghệ thuật, v.v.., nghĩa là
những gì làm nên đặc trưng, đặc tính của một dân tộc, khu biệt dân tộc này
với dân tộc khác, tộc người này với tộc người kia.
Như vậy, ở nghĩa rộng, ta nói tới văn hóa trong một hệ thống hữu cơ,
- hệ thống các giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo ra.
Bên cạnh thuật ngữ văn hoá, ở Việt Nam còn có thuật ngữ văn hiến,
đã tồn tại từ lâu đời, ngay từ thời nhà Lý (thế kỷ XI); đến thời nhà Lê,
Nguyễn Trãi tự hào rằng nước ta thực sự là một nước văn hiến.
Văn hiến là một khái niệm chỉ một nền văn hoá cao, trong đó nếp sống
tinh thần, đạo đức được chú trọng. Nói cách khác, văn hiến là truyền thống
văn hoá lâu đời và tốt đẹp, thiên về những giá trị tinh thần do những người
có tài và đức độ chuyển tải, thể hiện bản sắc dân tộc rõ rệt. Như vậy, khái
niệm văn hiến rộng hơn so với khái niệm văn hóa, nó bao hàm các yếu tố và
giá trị của văn hoá. Văn hiến, ngoài việc chứa đựng các nội dung văn hóa,
6

nguon tai.lieu . vn