Xem mẫu

Chương III

HỘI NHẬP KINH TẾ
Chiến lược phát triển hướng về xuất khẩu:
Sự chọn lựa dũng cảm và đúng đắn

Sự chọn lựa mô hình phát triển kinh tế thông qua con đường đẩy mạnh xuất khẩu là
quyết định dũng cảm của một nước. Nó giống như việc chen chân vào bầy sư tử đang háu
đói để giành lấy phần thịt xứng đáng của mình. Làm sao an toàn bằng cách núp mình sau
bức tường thuế quan được dựng lên để tiến hành công nghiệp hóa và dang rộng cánh tay
bảo vệ, nuông chiều những đứa con cưng công nghiệp trong nước? Tuy nhiên, phương sách
này lại dễ dẫn đến sự hư hỏng và yếu đuối của các thế hệ công nghiệp nội địa, không thể lớn
mạnh và đủ sức cạnh tranh với công nghiệp nước ngoài.
Phát triển thông qua xuất khẩu là con đường gian nan, nhưng tích cực. Mậu dịch quốc
tế không phải chỉ đơn thuần là sự trao đổi hàng hóa, nó còn làm phát sinh nhu cầu muốn
phát triển, tạo nên kiến thức, kinh nghiệm giúp cho ước mong phát triển thành hiện thực
và là phương tiện hiệu quả nhất để thực hiện điều đó. Đài Loan, Hàn Quốc đã vượt vũ môn
của xuất khẩu để hóa thân thành những con rồng châu Á và trở nên mẫu mực điển hình
minh chứng sự thành công của chiến lược phát triển kiểu này.
Thực ra chúng ta không quá chậm trong nhận thức về sự cần thiết phải đẩy mạnh xuất
khẩu, sự tỉnh ngộ đã xảy ra cách nay gần một thập niên. Nhưng đáng tiếc là chúng ta có quá
nhiều do dự giữa hai ưu tiên chiến lược: tập trung nguồn lực cho xuất khẩu hay cho công
nghiệp hóa thay thế nhập khẩu. Chính vì vậy, cho tới nay chúng ta vẫn chưa có đầy đủ
những hành trang cần thiết để vững bước trên con đường xuất khẩu. Đặc biệt, vấn đề tài trợ
xuất khẩu vẫn chưa được quan tâm đúng mức trong khi đó chính là nguồn năng lượng
không thể thiếu cho sự tồn tại và phát triển của hoạt động này.
Trong nhiều năm nay, hệ thống ngân hàng trong nước hầu như bỏ mặc các đơn vị xuất
nhập khẩu tự xoay sở lấy đồng vốn đầu tư hoặc thu mua, sản xuất hàng xuất khẩu. Có lúc,
cơ chế tự cân đối xuất nhập khẩu được xem như một phép lạ có thể giúp các đơn vị vượt qua
bế tắc về nguồn vốn, dù rằng cơ chế này không phù hợp với lợi ích chung của toàn nền kinh
tế.
Khoảng trống về tài trợ trong nước cho ngành xuất khẩu đã được các thương nhân nước
ngoài nhanh chóng chiếm lĩnh. Sự đột phá tín dụng thương mại dưới hình thức mua hàng
trả chậm khởi đầu từ giữa thập niên 1980 tưởng chừng sẽ giải quyết cùng lúc hai bài toán

khó: cung ứng máy móc, thiết bị cho đầu tư phát triển ngành công nghiệp xuất khẩu và
phát triển quỹ hàng hóa tiêu dùng cho việc huy động nguồn hàng xuất khẩu. Các đơn vị
tranh nhau mắc nợ nước ngoài và việc vay nợ trả chậm trở thành “mốt”, sách lược. Hậu quả
cay đắng để lại là khối nợ ngắn hạn tuy không lớn nhưng không trả nổi và một sự suy sụp
uy tín của hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam trong việc bảo đảm thanh toán quốc
tế.
Quy định mới đây của Hội đồng Bộ trưởng về [nay là Thủ tướng chính phủ] khuyến
khích sản xuất hàng xuất khẩu đã xác lập trách nhiệm của hệ thống ngân hàng là ưu tiên
cho vay vốn hoặc bảo lãnh việc vay vốn cho các cơ sở sản xuất hàng xuất khẩu. Trong điều
kiện thực tế hiện nay, ưu tiên tài trợ nên được dành cho hoạt động sản xuất, thu mua hàng
xuất khẩu nhằm thực hiện các đơn đặt hàng đã mở L/C của khách hàng nước ngoài. Đây là
các khoản tín dụng ngắn hạn, hoàn vốn nhanh và giúp tăng cường nguồn thu ngoại tệ của
đất nước, cải thiện cán cân thanh toán quốc tế. Tuy nhiên, khả năng tài trợ của hệ thống
ngân hàng thương mại hiện nay có giới hạn. Các ngân hàng không thể đáp ứng toàn bộ nhu
cầu tín dụng của nhà xuất khẩu nếu không có sự hỗ trợ cần thiết của Ngân hàng Nhà nước
qua các nghiệp vụ cho vay tái chiết khấu và ứng trước. Ngoài ra Ngân hàng Nhà nước còn
cần có khoản dự trữ vốn đặc biệt để kịp thời thỏa mãn nhu cầu thu mua xuất khẩu đối với
các mặt hàng chiến lược như gạo, cao su…
Hiện nay, do tình hình khó khăn về ngoại tệ, việc tài trợ đầu tư mới nhằm mở rộng sản
xuất hàng xuất khẩu đang được xem xét thận trọng. Trước hết, cần tận dụng các thiết bị
máy móc có sẵn từ các khoản vay trả chậm trước đây. Về lâu dài, việc tài trợ có tính chiến
lược này nên được giao cho các ngân hàng đầu tư phát triển, trên cơ sở các nguồn vốn
trung, dài hạn lãi suất thấp từ Ngân hàng Nhà nước hoặc các nguồn tài trợ bên ngoài, có
đối phần của chúng là các khoản ngoại tệ được sung dụng từ kế hoạch phát triển xuất khẩu
toàn quốc. Điều hiển nhiên là các chương trình tài trợ xuất khẩu chỉ có thể thành công với
sự hỗ trợ tích cực của Ngân hàng Nhà nước và tính năng động của hệ thống ngân hàng
thương mại, của các ngân hàng đầu tư phát triển.
Việc tài trợ cho xuất khẩu còn được gián tiếp thể hiện qua chính sách tỷ giá và người em
song sinh của nó là chính sách trợ giá xuất khẩu. Sự hạ thấp tỷ giá đồng bạc trong nước so
với các ngoại tệ khác chứng tỏ quyết tâm của Chính phủ trong việc đẩy mạnh xuất khẩu.
Trong mối quan hệ mậu dịch quốc tế, biện pháp này có thể đưa đến chiến tranh tỷ giá giữa
các cường quốc xuất khẩu. Tuy nhiên đối với những nước đang phát triển, việc phá giá đồng
bạc thường được khuyến khích bởi các định chế tài chính quốc tế như IMF vì lẽ ở các nước
đó đồng tiền thường được định giá cao vì tự ái dân tộc hơn là xuất phát từ tình hình thực tế.
Ở nước ta, những thay đổi tỷ giá gần đây đã được Quỹ tiền tệ quốc tế đánh giá cao, tuy rằng
để nó phát huy được hiệu lực đối với ngành xuất khẩu còn cần có nhiều biện pháp song
hành cần thiết khác. Nhưng một tỷ giá mang nội dung khuyến khích cũng chỉ có tác dụng
đối với những nhóm hàng nhất định. Để phát triển những mặt hàng xuất khẩu mới, có tiềm
năng thực sự nhưng đang bị kém thế trên thị trường do giá thành sản xuất cao, cần có
chính sách trợ giá xuất khẩu. Gọi là trợ giá vì ngoài số tiền được hưởng tính theo tỷ giá
chính thức khi bán ngoại tệ cho Nhà nước, nhà sản xuất còn được hưởng một khoản trợ cấp

bổ sung. Do mang tính đặc quyền có phân biệt, các khoản trợ giá được ấn định khác nhau
tùy theo mức độ khuyến khích đối với từng mặt hàng xuất khẩu. Thí dụ với tỷ giá chính
thức là 8.000 VNĐ đồng một đô la Mỹ, nhà xuất khẩu khi thu về một đô la và nhượng lại
cho ngân hàng sẽ nhận được 8.000 VNĐ đồng. Thông thường, nhà xuất khẩu đã có lãi rồi vì
tổng chi phí bỏ ra để có một đô la dưới mức 8.000 VNĐ đồng. Tuy nhiên, đối với những
mặt hàng mới, có thể chí phí bỏ ra trên 8.000 VNĐ đồng và nhà xuất khẩu bị lỗ. Trong
trường hợp này, quỹ trợ giá xuất khẩu sẽ trả thêm cho nhà xuất khẩu một số tiền, chẳng
hạn 300 VNĐ đồng cho mỗi đô la, nhằm giúp cân đối được chi phí và hưởng một mức lãi
nhất định.
Nguồn thu chính của Quỹ trợ giá xuất khẩu sẽ được lấy từ nhập khẩu. Đây cũng là một
hình thức cân đối nhập khẩu, nhưng là cân đối ở cấp vĩ mô. Đối với các chủng loại hàng
nhập khẩu, Nhà Nước sẽ thu một loại thuế gọi là thuế bình giá, đánh trên mỗi đô la trị giá
nhập khẩu. Mức thuế này cũng thay đổi căn cứ vào tính chất thiết yếu hay xa xỉ và giá bán
ra của các mặt hàng nhập khẩu trên thị trường nội địa. Tác dụng của thuế bình giá có hai
mặt: một mặt nó nhằm bảo vệ hàng sản xuất nội địa, mặt khác nó cân đối mức lãi có thể trở
nên quá cao của nhà nhập khẩu. Một phần lớn của các khoản thu bình giá nhập khẩu sẽ
được sung vào Quỹ trợ giá xuất khẩu. Sự hiện diện của Quỹ trợ giá sẽ giúp các nhà xuất
khẩu mạnh dạn đầu tư phát triển các mặt hàng mới, đồng thời giúp phục hồi vị thế của một
số mặt hàng đang bị cạnh tranh gay gắt trên thị trường. Thành công của nó sẽ được thể hiện
bằng sự gia tăng kim ngạch xuất khẩu và sự đa dạng hóa chủng loại hàng xuất khẩu.
Ngoài ra, chính sách thuế và chính sách hạn ngạch xuất khẩu cũng tạo ra những tác
động tiêu cực gián tiếp đối với việc tài trợ xuất khẩu. Khó có thể quan niệm được rằng một
nước muốn phát triển xuất khẩu lại có chủ trương đánh thuế trên mặt hàng xuất. Thuế suất
cao sẽ làm tăng chi phí xuất khẩu và làm giảm hiệu quả của nỗ lực tài trợ xuất khẩu. Chính
sách về hạn ngạch không hợp lý cũng sẽ dẫn đến những hậu quả tương tự. Đó là phát sinh
việc mua bán quota với hậu quả làm tăng phí xuất khẩu và ảnh hưởng đến khả năng cạnh
tranh của ta trên thị trường quốc tế. Về chính sách thuế, hiện nay đã có những tiến bộ đáng
kể. Quy định của Hội đồng Bộ trưởng về khuyến khích sản xuất hàng xuất khẩu xác định
việc giảm hoặc miễn thuế xuất khẩu đối với từng loại hàng xuất khẩu phù hợp với luật thuế.
Mới đây, ngày 19/4/1991, Hội đồng Bộ trưởng vừa ra quyết định áp dụng mức thuế suất tối
thiểu đối với các mặt hàng xuất khẩu mậu dịch, và cho xem xét miễn, giảm thuế đối với
một số mặt hàng nông sản xuất khẩu bị lỗ. Tuy nhiên, hầu hết các đơn vị hoạt động xuất
khẩu đều mong muốn một chính sách thuế tích cực hơn.
Việc đẩy mạnh tài trợ xuất khẩu cuối cùng sẽ tác động đến chiều hướng của chính sách
tiền tệ. Sẽ không có chỗ đứng cho các chương trình phát triển xuất khẩu trong một chính
sách tiền tệ hạn chế. Ngược lại, việc chấp hành triển khai mạnh mẽ và đồng bộ các kế hoạch
đẩy mạnh xuất khẩu có nghĩa là chấp nhận chịu đựng một áp lực lạm phát thường xuyên,
nhất là trong giai đoạn đầu của phát triển. Quả thật đây không phải là một chọn lựa dễ
dàng. Các nước đã thành công trong việc theo đuổi chiến lược xuất khẩu đều phải trải qua
thời kỳ thử thách cay đắng này. Họ đã vượt qua được bằng ý thức tôn trọng quyền lợi chung
của đất nước, bằng khả năng điều hành kinh tế vĩ mô và bằng kỹ thuật tổ chức quản lý sao

cho những nguồn lợi thu được từ xuất khẩu được sung dụng nhanh nhất và hiệu quả nhất
cho việc phát triển công nghiệp hóa.
Tháng 6/1991

Chuẩn bị tiếp thu ngoại lực

Ngày 2 tháng 7 năm 1993, văn phòng Tổng thống Mỹ Washington đã công bố quyết
định của Tổng thống Bill Clinton “Chấm dứt sự phản đối của Mỹ đối với nỗ lực của những
nước khác nhằm giải tỏa các món nợ của Việt Nam tại Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF)”. Quyết
định này được mọi người cùng hiểu là kể từ thời điểm đó, Mỹ sẽ không ngăn cản việc IMF
cho Việt Nam vay tiền. Và nếu thanh toán xong các món nợ đối với định chế tài chính quốc
tế hùng mạnh này, Việt Nam sẽ phục hồi được tất cả những quyền lợi của mình - trong đó
có quyền được vay - với tư cách là hội viên của IMF: Về phía Mỹ, vấn đề IMF tài trợ cho Việt
Nam đã chuyển từ bình diện chính trị sang bình diện kinh tế kỹ thuật. Có vẻ như bây giờ,
mọi chuyện còn lại chỉ là liệu Việt Nam có chuẩn bị đầy đủ để đáp ứng các điều kiện, được
hiểu như thuần tuý kinh tế kỹ thuật của IMF để có thể nhận được các khoản cho vay từ
định chế này và từ Ngân hàng Thế giới (World Bank) nhằm hiện đại hóa nền kinh tế của
mình hay không?
Về phía Việt Nam, chúng ta sẽ dần dần nhận ra rằng các điều kiện khắt khe được gọi là
kinh tế kỹ thuật không chỉ đơn thuần là kinh tế kỹ thuật và sẽ không dễ dàng gì đáp ứng,
ngay cả khi chúng ta tưởng rằng đã chuẩn bị đầy đủ với hàng tá dự án xây dựng cơ sở hạ
tầng. IMF và World Bank là những định chế cho vay quốc tế nổi tiếng khắc nghiệt, họ chỉ
cho vay những người nào biết và có thể tuân thủ những điều kiện cho vay của họ. Thậm chí
một số quan chức cấp cao của hai định chế này đã nhấn mạnh nhiều lần đến quyền lực của
họ trong việc ảnh hưởng đến chính sách kinh tế của nước đi vay (tất nhiên, theo họ, là
nhằm phục vụ quyền lợi của chính nước đó). Như vậy, tuyên bố của Bill Clinton chấm dứt
phủ quyết việc IMF (và World Bank - WB) cho Việt Nam vay tiền không có nghĩa là chúng
ta sẽ nhận được ngay những khoản tài trợ cho xây dựng kinh tế từ các định chế này. Thời
gian chờ đợi có thể nhanh và cũng có thể rất chậm. Chỉ tính thời gian từ giai đoạn nhận
diện đến phê chuẩn và thực hiện dự án cũng có thể kéo dài từ sáu tháng đến một năm rưỡi.
Ngoài ra, nó tùy thuộc vào sự chuẩn bị thực sự của chúng ta trong việc đáp ứng các yêu cầu
và khả năng thực hiện các khuyến cáo của họ theo chiều hướng có lợi cho nền kinh tế đất
nước.
Trước hết cần thiết lập một mối quan hệ hiểu biết và thông cảm giữa chúng ta và hai
định chế toàn cầu này. Quan điểm của họ về mối quan hệ này cũng rất rõ ràng. Đối với họ,
nước đi vay phải nhận thức rằng những khuyến cáo IMF và WB đưa ra đều dựa trên kiến
thức chuyên môn sâu sắc và kinh nghiệm toàn thế giới của họ và rằng yêu cầu của các định
chế này là các khoản tiền của họ phải được đầu tư khôn ngoan và phù hợp với quyền lợi tốt
nhất của các dự án. Về phía họ, IMF và WB cũng hiểu là phải biết cách thích nghi với các
chính sách tổng quát của họ một cách thực tế và hợp lý theo các điều kiện riêng biệt của
từng dự án, từng vùng kinh tế hay từng quốc gia. Như vậy quyền lợi của mỗi nước có được
đảm bảo đầy đủ hay không sẽ tùy thuộc vào khả năng thuyết phục của nước đó đối với hai

nguon tai.lieu . vn