Xem mẫu

CẠN KIỆT CẢM XÚC VỚI CÔNG VIỆC
“Này cô, mang cái này tới chỗ cô gì gì đó và bảo cô ta đặt nó ra phía trước đi.”
Người quản lý đá vào một chiếc hộp các-tông đã võng xuống rồi bỏ đi. Ý ông ta là: “Hãy kéo
cái hộp vải to như cái tủ lạnh này tới chỗ Evelyn và bảo cô ta xếp nó vào chỗ hàng hóa bán vào
cuối tháng”.
Ông chủ này chẳng bao giờ nhớ tên bất kỳ ai. Và các nhân viên cũng chẳng buồn phản đối.
Đây là công việc thứ ba ở cửa hàng vải của “Cô gái năng động”. Qua mỗi cửa hàng, vị trí của
cô lại trượt xuống thấp thêm một bậc và đến đây thì cô đã ở dưới đáy(*). Cô không biết và cũng
chẳng muốn quan tâm đến việc cửa hàng này nhập hàng từ đâu. Ban đầu, cô bước vào công
việc buôn bán với tấm lòng của một người yêu vải nhung, vải sọc nhăn và vải cotton dày.
Nhưng bây giờ thì hết rồi, tất cả sự háo hức của cô đã tan biến – và đây không phải lần thứ hai,
thậm chí không phải lần thứ ba cô gặp phải tình trạng này.
Cạn kiệt cảm xúc công việc. Bạn sẽ hiểu tình trạng này ra sao khi chính bạn rơi vào hoàn
cảnh đó. Cảm giác thất vọng đó đến khi mà bạn đã dành thời gian và sức lực, thậm chí là cả tình
yêu thương cho công việc nhưng lại không nhận được sự khích lệ từ nó. Bạn cảm thấy mình bị
lừa dối, phản bội, lợi dụng và đổ vỡ. Cảm giác này không giống như căng thẳng. Trong khi căng
thẳng lấp đầy tâm trạng bạn bằng sự lo lắng, bất an thì cảm giác thất vọng lại mang tới những
điều ngược lại. Nó gieo vào lòng bạn cảm giác trống rỗng và hờ hững. Bạn thấy mình già nua,
kiệt quệ và chẳng buồn quan tâm tới bất cứ điều gì nữa.
CẠN KIỆT CẢM XÚC VỚI CÔNG VIỆC – CÁC TRIỆU CHỨNG
Thất vọng
Vỡ mộng
Thờ ơ
Uể oải
Nản chí
Trầm cảm
Tuyệt vọng

Cạn kiệt cảm xúc với công việc thường bắt nguồn từ hai nguyên nhân:
Nguyên nhân thứ nhất: Bạn phải chịu áp lực công việc quá lớn trong suốt một thời
gian dài.
Chúng ta chỉ có thể chịu đựng được thời gian làm việc dài, lương thấp, mâu thuẫn về nhu
cầu, mơ hồ về chỉ dẫn, sự quấy nhiễu và thiếu công nhận trong một khoảng thời gian nhất
định. Nhưng nếu những điều này cứ tiếp diễn và chi phối cuộc sống của ta thì chúng sẽ vắt kiệt
mọi cảm xúc trong ta. Vì thế, bạn hãy thận trọng với những dấu hiệu sau: Cảm thấy kiệt sức
(ngay cả khi đó là lúc sáng sớm), khó chịu (bạn chỉ làm việc ở mức tối thiểu cho qua ngày) và
thấy mình vô dụng (bạn có cảm giác bản thân mình là một kẻ thất bại).
Nguyên nhân thứ hai: Công việc hiện tại không phù hợp với bạn.
Khi chúng ta buộc mình phải làm những công việc không phù hợp – về tình cảm, trí tuệ, tinh
thần, thể chất – thì sớm muộn gì ta cũng sẽ chạm tới điểm vỡ. Nếu điều đó xảy đến với bạn thì
đừng khắt khe với bản thân. Bất cứ ai cũng có thể lựa chọn, rơi vào hoặc bị đẩy vào một công
việc mà ban đầu tưởng chừng như rất tốt, thậm chí vào thời gian đầu, bạn có thể rất thành
công (bởi vì bạn có thể giỏi nhiều lĩnh vực, hãy tin vào điều đó), nhưng về lâu dài thì công việc
đó lại mài mòn bạn.
Liều thuốc để chữa căn bệnh cạn kiệt cảm xúc với công việc là tìm ra được điều bạn mong
muốn trong công việc, và sau đó hãy tiến hành nó theo cách phù hợp với tính cách và cuộc
sống của bạn. Chẳng phải đây chính là điều căn bản mà cuốn sách này muốn truyền tải tới bạn
đó sao?
Bây giờ, ta hãy quay trở lại với tiệm vải hỗn tạp của “Cô gái năng động”.
- Cô ơi, loại vải cotton này có bị co không? - Một phụ nữ mặc bộ quần áo ở nhà tự may hỏi.
Dĩ nhiên là nó sẽ nhăn. Bà ta nghĩ là mình đang ở đâu cơ chứ?
- Nếu là tôi… - “Cô gái năng động” liếc mắt nhìn quanh. Viên quản lý đang đứng ngay đằng
sau cô. Cô lấy một hơi thật dài và thật sâu.
- Vâng thưa bà, dĩ nhiên là loại vải này sẽ co rồi. Và có thể còn nhăn nữa. Rồi màu bị phai.
Còn nữa, loại sợi mà bà đang mua - nó sẽ rối tung lên trên chiếc suốt chỉ đấy, có thể nó còn làm
hỏng cả máy. Ngoài ra, ngay lần đầu tiên bà giặt chiếc váy này, nó sẽ nhàu nhĩ ở khắp các
đường may. Những chất liệu này không đáng để bà lãng phí thời gian đâu.
- Này cô! - Viên quản lý quát lên.
Kết cục của câu chuyện này sẽ dẫn chúng ta tới mục tiếp theo: “Đàng hoàng nghỉ việc”.
CHÂN LÝ
Bạn có thể làm một công việc không có nghĩa là bạn muốn làm – hoặc nên làm – công việc
đó.

ĐÀNG HOÀNG NGHỈ VIỆC
Chẳng có điều gì buồn cười hơn lúc nghỉ việc. Và nhiệm vụ của bạn là làm sao để việc đó
trông không như vậy.
Tại sao? Bởi vì bạn nghỉ việc, nghĩa là bạn đã từ chối công việc đó. Chẳng ai thích bị từ chối
cả. Điều đó khiến họ cảm thấy bị xúc phạm và trong trường hợp người bị từ chối là sếp của bạn
thì điều đó còn đi kèm với sự bất tiện và tốn kém nữa. Vì thế, khi bạn nghỉ việc – chắc chắn là
sẽ có lúc bạn làm như vậy – hãy tiến hành thật đàng hoàng. Dù rằng cảm giác tự do mà bạn có
khi bước ra khỏi cánh cửa công ty lần cuối thật tuyệt vời, nhưng mọi chuyện sẽ còn tuyệt hơn
nếu bạn hoàn tất mọi việc một cách đúng đắn.
LÀM THẾ NÀO ĐỂ GIỮ ĐƯỢC HÌNH ẢNH ĐẸP KHI NGHỈ VIỆC?
BƯỚC 1: TRƯỚC KHI BẠN THÔNG BÁO NGHỈ VIỆC
• Hoàn tất mọi công việc còn dang dở.
• Xóa mọi dữ liệu cá nhân ra khỏi máy tính của công ty.
• Sắp xếp công việc theo cách dễ hiểu cho mọi người.
• Tìm hiểu các hướng dẫn của công ty về quy trình xin nghỉ việc (nếu không có hướng dẫn nào
thì thông thường, bạn chỉ nên nghỉ việc sau tối thiểu hai tuần hoặc một tháng làm việc).
• Tìm hiểu xem bạn có quyền lợi nào chưa hưởng (kỳ nghỉ chưa tận dụng, giờ nghỉ bù...).
BƯỚC 2: KHI BẠN THÔNG BÁO NGHỈ VIỆC
• Trước tiên, hãy nói chuyện trực tiếp với sếp của bạn.
• Bày tỏ sự luyến tiếc ngay cả khi bạn đang quá vui mừng trước việc này (Đằng nào thì bạn

cũng sẽ ra đi – hãy tỏ ra thật tử tế!).
• Đề nghị giúp đỡ cho người thay thế bạn
• Tạo điều kiện cho sếp của bạn trực tiếp nói ra: “Tại sao chúng ta không coi như đây là ngày
làm việc cuối cùng của anh/chị và tôi sẽ cho anh/chị hưởng lương hai tuần thay cho tiền thanh
lý hợp đồng lao động?” (Một số ông chủ trực tiếp chấp nhận cho nhân viên nghỉ việc – đây là lý
do để bạn thực hiện bước 1).
BƯỚC 3: SAU KHI BẠN THÔNG BÁO NGHỈ
• Hãy gửi đơn xin nghỉ nêu rõ ngày mà bạn sẽ nghỉ (hãy cố diễn đạt một cách thật tích cực – ví
dụ: bạn thích làm việc ở đây như thế nào, hoặc bạn đã học hỏi được những gì ở đây).
• Đừng khoe khoang với đồng nghiệp về công việc mới của bạn (điều này không hay chút nào).
• Hãy hỏi xin thư giới thiệu ngay cả khi bạn đã có một công việc mới.
• Tiếp tục làm việc thật tốt tới ngày cuối cùng, giờ cuối cùng.

Sau bước 3, hãy nhắc nhở bản thân: Khi bạn nghỉ việc, sếp và các đồng nghiệp đã không còn
là sếp và đồng nghiệp của bạn nữa mà họ đã trở thành một phần trong các mối quan hệ của
bạn. Vì thế, hãy quan tâm tới họ (xem mục “Thiết lập mạng lưới quan hệ” ở trang 95). Có thể
một ngày nào đó, bạn sẽ cần tới sự giúp đỡ của họ. Đó là lý do tại sao bạn nên xin thư giới thiệu
từ mọi vị sếp vì như thế, bạn đã góp phần xây dựng một hồ sơ đẹp của mình rồi đấy.
Bây giờ là lúc để thành thật một số điều.
Mặc dù “Cô gái năng động” đã qua 59 công việc nhưng cô chỉ nhận được duy nhất một bức
thư giới thiệu trong suốt thời gian đi làm. Và lá thư ấy lại đến khi cô không hỏi xin. Do không
được đọc cuốn sách này nên cô ấy đã không biết cách xin một bức thư giới thiệu.
Bức thư giới thiệu của cô ấy đến từ vị quản lý tổng đài ngân hàng nơi cô đang làm nhân
viên. Bức thư thật ấm áp với những lời lẽ khen ngợi “Cô gái năng động”. Nó kể lại câu chuyện
về một ngày vị quản lý đến muộn và “Cô gái năng động”, người tới đầu tiên, đã thay ông chuẩn
bị sẵn sàng mọi công việc cho ngày làm việc mới và mở cửa đúng giờ. Điều đó khiến trong mắt
ông, “Cô gái năng động” chẳng khác nào một người hùng.
- Ồ! Cảm ơn ông. - “Cô gái năng động” nói với người sắp trở thành sếp cũ của mình. Cô
không biết phải nói gì khác vì cô thật sự không nhớ gì về sự kiện đó. Trên thực tế, người làm
việc tốt đó không phải là cô bởi vì cô không có chìa khóa của ngân hàng. Có thể vị quản lý đã
nhầm cô với một người khác chăng? Hay ông có thói quen trao thư giới thiệu cho mọi nhân
viên?
Và bạn biết gì không? “Cô gái năng động” không bao giờ hỏi về việc đó. Tại sao lại phải
tranh luận với một vị sếp tốt bụng cơ chứ?
CHÂN LÝ
Quy tắc đầu tiên của giới biểu diễn và cũng là quy tắc đầu tiên của mọi nghề nghiệp: Hãy
luôn để người khác “thèm khát” bạn hơn nữa.

RA KHỎI LÃNH THỔ RIÊNG CỦA BẠN
“Ha ha ha ha!”
“Cô gái năng động” liếc nhìn quanh. Có điều gì buồn cười đâu chứ? Tại sao khán giả cứ cười
phá lên mỗi khi nhân vật người Mỹ, một cô gái đeo cái túi ở thắt lưng, cất tiếng hỏi: “Cái túi của
tôi đâu?” nhỉ?
Vở kịch rất hay và những đồng nghiệp Ai-len thật dễ thương khi đưa cô tới rạp hát. Tuy
nhiên, cách họ cười về cái túi đeo ngang thắt lưng của cô gái chỉ là một trong rất nhiều điều
khó hiểu mà “Cô gái năng động” gặp phải trong quá trình làm việc viết lách kéo dài hai tuần
cho một xưởng đúc ở Waterford, Ai-len.
Vấn đề lớn nhất của cô là rào cản ngôn ngữ. Đúng là ở Ai-len, người ta có dùng tiếng Anh
trong giao tiếp nhưng “Cô gái năng động” đoán là các đồng nghiệp của cô đang cố cường điệu
chất giọng Ai-len vì cô. Thực ra, điều đó cũng chẳng có gì là ghê gớm cả. Chỉ là, đúng như họ
nói, họ rất hài hước.
Vì thế, khi nhóm của cô rời khỏi rạp hát hướng đến quầy rượu bên cạnh, cô đã chẳng e dè
hỏi:
- Tại sao mọi người lại bật cười mỗi lần nhân vật người Mỹ trong vở kịch nói: “Cái túi của
tôi đâu?” như vậy?
Những người đàn ông trong nhóm khúc khích cười còn vài phụ nữ vừa thở dài vừa lắc đầu.
Không ai muốn giải thích tại sao.
- Cô biết không… - Cuối cùng, một người phụ nữ cũng cất lời. - … ở Ai-len, từ… - Cô ấy hạ
thấp giọng. - … “Cái túi”, chúng tôi thường dùng từ này để chỉ…
Hai giây trôi qua.
- Chúng tôi thường dùng từ đó để chỉ nơi mà những đứa trẻ chui ra khỏi người mẹ của
chúng.

nguon tai.lieu . vn