Xem mẫu

Chương IV ĐẢNG LÃNH ĐẠO CHỐNG CHIẾN LƯỢC “VIỆT NAM HOÁ CHIẾN TRANH” VÀ CHIẾN TRANH PHÁ HOẠI LẦN THỨ HAI CỦA MỸ, KHÔI PHỤC VÀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ Ở MIỀN BẮC (1969-1/1973) I. TÌNH HÌNH SAU TỔNG TIẾN CÔNG VÀ NỔI DẬY TẾT MẬU THÂN 1968 VÀ CHỦ TRƯƠNG CHUYỂN HƯỚNG CHIẾN LƯỢC CỦA ĐẢNG 1. Tình hình sau Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 của quân và dân ta ở miền Nam đã gây chấn động chính giới Mỹ, làm bàng hoàng cả nước Mỹ, buộc đế quốc Mỹ phải xuống thang chiến tranh, ngừng ném bom miền Bắc, cử đại diện đàm phán bốn bên tại Pari (Cộng hoà Pháp). Nhưng Mỹ chưa từ bỏ ý định duy trì chủ nghĩa thực dân mới ở miền Nam. Tập đoàn Níchxơn cho rằng Mỹ chưa dùng hết sức mạnh quân sự của mình trong cuộc chiến tranh Việt Nam, chưa thi thố hết tài năng, mánh khoé chính trị, ngoại giao để phá hậu phương quốc tế của Việt Nam, chưa phá được Lào và Campuchia - đồng minh và hậu phương trực tiếp của Việt Nam. Tập đoàn Níchxơn cũng đã thấy hạn chế của ta trong cuộc tổng tiến công mà họ chưa nhận ra lúc đầu là ta chưa đủ sức giải phóng hoàn toàn miền Nam. Sau vài đợt tiến công, điều bất ngờ đối với họ không còn nữa. Sau năm 1968, nước Mỹ đứng trước cuộc khủng hoảng xã hội gay gắt. Từ khi Mỹ đưa quân vào trực tiếp chiến đấu ở Việt Nam, việc chi tiêu tài chính trong bốn năm (1965-1968) với bình quân mỗi năm là 30 tỷ đô la, chưa kể tốn kém của 11 năm Mỹ thay chân Pháp áp đặt chủ nghĩa thực dân mới xâm lược Việt Nam, đã làm cho nền kinh tế Mỹ khủng hoảng nặng nề nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Lạm phát tăng 6,1% năm 1969. Tỷ trọng ngoại thương giảm từ 48% xuống 10% sau 20 năm (1946-1968). Năng suất lao động xuống thấp so với nhiều nước tư bản phát triển. Đội quân thất nghiệp ngày càng đông thêm. Chính quyền Giônxơn không thể tập trung vào lực 424 lượng “chương trình xã hội vĩ đại”, “chống đói nghèo, ngu dốt, bệnh tật” đã hứa với nhân dân Mỹ. Con số 100.000 binh sĩ bị thương, bị chết và bị mất tích càng làm cho nhiều người Mỹ nhận ra rằng chiến tranh xâm lược Việt Nam là nguồn gốc gây ra tai họa cho cuộc sống của người Mỹ. Tổng thống Giônxơn thừa nhận: “nhân dân Mỹ và một số nhân vật trong chính quyền bắt đầu nghĩ rằng chúng ta (Mỹ) đã thất bại”1. Làn sóng chống chiến tranh Việt Nam rộng lớn chưa từng có của nhân dân Mỹ đã dấy lên: bãi khoá ở các trường học, biểu tình của hàng trăm nghìn, hàng triệu người chống Chính phủ, từ tầng lớp trên đến tầng lớp dưới, từ ngành lập pháp đến ngành hành pháp, đồng loạt đưa ra các yêu sách như: “Khi nào Mỹ rút được quân ra khỏi miền Nam Việt Nam?”, “Phải giảm bớt con số thương vong của Mỹ”, “Phải chấm dứt hoàn toàn việc ném bom miền Bắc Việt Nam”, “Phải giảm bớt mục tiêu của Mỹ ở Việt Nam cho phù hợp với tiềm lực kinh tế và quân sự”. Xu hướng phản đối chiến tranh Việt Nam của Mỹ được khơi dậy và phát triển rộng khắp ngay cả trong các đồng minh của Mỹ. Trước thất bại quân sự trên chiến trường, tình hình kinh tế-xã hội sa sút và sức ép rộng lớn ngay tại nước Mỹ và của thế giới phản đối chiến tranh Việt Nam, Tổng thống Giônxơn buộc phải thực hiện chủ trương “phi Mỹ hoá chiến tranh”, giao trách nhiệm cho quân nguỵ, chấm dứt sự dính líu trên bộ của quân đội Mỹ ở miền Nam Việt Nam. Thực chất chủ trương “phi Mỹ hoá chiến tranh” là trong tình thế thất bại, khó khăn, Mỹ phải rút quân ra, nhưng vẫn ngoan cố tiếp tục chiến tranh bằng lực lượng quân nguỵ. Thực hiện chủ trương “phi Mỹ hoá chiến tranh”, Giônxơn đã buộc phải chấm dứt không điều kiện cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc, chấp nhận đàm phán với Việt Nam dân chủ cộng hoà và Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam-tổ chức đại diện chân chính của miền Nam Việt Nam mà trước nay Mỹ không hề thừa nhận. Chiến lược mới này của Mỹ là một chiến lược hoàn chỉnh về quân sự, chính trị, kinh tế, ngoại giao nhằm tiếp tục thực hiện âm mưu cơ bản của Mỹ 1 . L.Giônxơn: Hồi ký về cuộc đời làm thổng thống, Nxb Buysê Saxten, Pari, 1972, tr. 157. 425 là bám giữ miền Nam Việt Nam, giảm dần vai trò chiến đấu của quân Mỹ nhưng phải giành thế mạnh trên chiến trường để kết thúc chiến tranh theo điều kiện của Mỹ. Về thực chất, đây là chủ trương dùng người Việt Nam đánh người Việt Nam với tiền bạc, vũ khí, trang bị của Mỹ và do Mỹ chỉ huy, như Đại sứ Mỹ Bâncơ từng tuyên bố: “Để thay đổi màu da cho cái xác chết”1, hòng làm dịu sự phản đối của nhân dân Mỹ trước tình hình thương vong của binh lính Mỹ, xoa dịu dư luận chống chiến tranh và đòi rút hết quân Mỹ khỏi miền Nam Việt Nam. Khi tranh cử, R.Níchxơn tuyên bố “tôi có kế hoạch chấm dứt chiến tranh”, khi nhậm chức, Níchxơn tiếp tục tuyên bố, danh dự lớn nhất của nước Mỹ “mà lịch sử có thể ban cho là danh hiệu người đưa lại hoà bình”. Mánh khoé của Níchxơn đã đánh lừa được nhiều người Mỹ, không có kinh nghiệm chính trị, tin là ông ta có thể đem lại hoà bình. Chính quyền Níchxơn đã vạch kế hoạch để bảo đảm vừa tránh được đòn phản chiến của nhân dân Mỹ, vừa tiếp tục thực hiện được chủ nghĩa thực dân mới ở miền Nam Việt Nam. Thủ đoạn của Níchxơn được nâng lên thành “Học thuyết Níchxơn” với ba nguyên tắc “tập thể tham gia”, “sức mạnh của Mỹ”, “sẵn sàng thương lượng”. Ba nguyên tắc này được biến thành hành động với những mục tiêu cụ thể. Mục tiêu của học thuyết Níchxơn là giảm bớt các “cam kết quốc tế” của Mỹ, đòi hỏi các đồng minh “chia sẻ trách nhiệm” với Mỹ chống lại phong trào cách mạng thế giới, tiến hành chiến tranh xâm lược bằng máu của người khác, ổn định tình hình nội bộ, duy trì lực lượng quốc phòng để giữ thế cân bằng và răn đe, khai thác, lợi dụng mâu thuẫn giữa các nước xã hội chủ nghĩa, chia rẽ, lôi kéo các nước lớn, mua chuộc, uy hiếp, đánh tỉa các nước nhỏ. Với việc đề ra và thực hiện chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, đế quốc Mỹ càng bộc lộ bản chất ngoan cố, xảo quyệt, không chịu chấm dứt 1 Thế giới ngoại giao, “Bản tin 12-1969”, Phụ lục Tài liệu tham khảo đặc biệt, Việt Nam Thông tấn xã phát hành, ngày 30-4-1970, tr.6. 426 chiến tranh mà tiếp tục chiến tranh xâm lược, kéo dài chiến tranh ở miền Nam Việt Nam với những thủ đoạn mới tàn bạo và thâm độc, dùng bạo lực với mức độ cao nhất đối với nhân dân ta ở miền Nam Việt Nam. Âm mưu của “Việt Nam hóa chiến tranh” gắn liền với âm mưu chống lại cuộc đấu tranh cách mạng của các dân tộc khác trên thế giới, duy trì vai trò sen đầm quốc tế của đế quốc Mỹ. Như R.Níchxơn từng tuyên bố đây là “một chính sách không những sẽ giúp vào việc chấm dứt chiến tranh mà còn là một bộ phận chủ chốt trong chương trình của chúng ta nhằm: ngăn chặn không cho xảy ra những Việt Nam nữa trong tương lai”1. “Nếu chúng ta bỏ cuộc ở Việt Nam thì lợi bất cập hại; vì nó sẽ làm giảm lòng tin của các nước bạn đối với chúng ta… Các nước khác sẽ coi khinh nguy cơ một cuộc chạm trán với Mỹ…”2. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ xác nhận, mục tiêu cơ bản của Mỹ trong việc thực hiện chiến lược “Việt Nam hoá chiến tranh” là nhằm “một thắng lợi quân sự cho Nam Việt Nam và không loại trừ khả năng có cuộc leo thang khác nếu chương trình Việt Nam hoá và cuộc nói chuyện ở Paris bị tan vỡ”3. Rút quân Mỹ về nước là xu thế tất yếu mà chính Níchxơn, khét tiếng “diều hâu” trong tập đoàn diều hâu ở Mỹ cũng không thể đảo ngược, như dư luận Mỹ vạch rõ “để làm ra vẻ ông ta giảm chiến tranh trong khi thực sự tăng cường chiến tranh”4. Thủ đoạn rút quân nhỏ giọt sẽ không gây ảnh hưởng đột ngột đến tinh thần quân nguỵ, không làm giảm đột biến lực lượng so sánh trên chiến trường, giành được thời gian cần thiết để xây dựng chính quyền, quân đội mạnh, đồng thời có thể làm “xì hơi van” phong trào phản chiến của nhân dân Mỹ. Biện pháp chủ yếu có ý nghĩa quyết định thành bại của chiến lược “Việt Nam hoá chiến tranh” là tập trung nỗ lực xây dựng quân đội Sài Gòn thành một đội quân tay sai hiện đại, làm lực lượng chiến lược chủ yếu ở miền 1 Richard. M. Nixon, Diễn văn ngày 3-11-1969 về vấn đề Việt Nam (trích), tài liệu Viện Lịch sử Đảng. 2 “Báo cáo của Nixon về chính sách đối ngoại của Mỹ trong những năm 1970, ngày 18-2-1970”, Phụ lục Tài liệu tham khảo đặc biệt, Việt Nam Thông tấn xã phát hành, ngày 30-4-1970. 3 AFP, “Bản tin ngày 1-12-1969”, Phụ lục Tài liệu tham khảo đặc biệt, Việt Nam Thông tấn xã phát hành, ngày 30-11-1970. 4 . Giôdép A.Amtơ: Sách đã dẫn. 427 Nam, là đội quân xung kích ở Đông Dương, có thể thay thế được quân Mỹ trong chiến đấu trên bộ. Các loại quân địa phương (bảo an, dân vệ, cảnh sát, phòng vệ dân sự được phát triển mạnh để đủ sức làm nhiệm vụ bình định, kìm kẹp dân và phòng thủ vòng trong thay cho quân chủ lực rút ra làm nhiệm vụ cơ động tác chiến. Trong gần bốn năm 1969-1972, quân chủ lực và quân địa phương từ 700.000 tăng lên 1.100.000 và lực lượng nửa vũ trang tăng từ 1.500.000 lên 2.000.000, trở thành đạo quân tay sai đông nhất trong các đạo quân tay sai của Mỹ. Cuối năm 1972, quân đội Sài Gòn đã có 1.100 máy bay chiến đấu và gần 2.000 xe tăng, xe thiết giáp. Song song với việc xây dựng quân đội, việc xây dựng và củng cố chính quyền Sài Gòn được Mỹ rất coi trọng từ Trung ương đến địa phương, bộ máy hành chính các cấp được chấn chỉnh nhằm phát huy hiệu lực kìm kẹp nhân dân. Mỹ chủ trương tăng cường viện trợ cho chính quyền Sài Gòn để xây dựng “nền kinh tế ổn định”, có khả năng đảm đương gánh nặng của kế hoạch “Việt Nam hoá chiến tranh”. Điều đó có nghĩa Mỹ trút gánh nặng chi phí chiến tranh cho chính quyền Sài Gòn, thúc đẩy tăng cường bòn rút, vơ vét của cải của nhân dân miền Nam Việt Nam, thực hiện âm mưu thâm độc “lấy chiến tranh nuôi chiến tranh”. Tạp chí Quốc phòng Pháp, số tháng 5-1970 đã vạch trần âm mưu này là tiến hành cuộc chiến tranh với “giá rẻ về cả tính mạng và tiền của Mỹ”. Với bộ máy bạo lực khổng lồ, Mỹ và chính quyền Sài Gòn hướng đòn chính vào việc bình định nông thôn và kiểm soát đại bộ phận dân chúng, bằng mọi cách đánh bật lực lượng cách mạng ra khỏi nông thôn, vơ vét người và của phục vụ cho cuộc “Việt Nam hoá chiến tranh” làm chỗ dựa cho thế phòng ngự của quân đội. Bình định, hơn lúc nào hết, được coi là biện pháp then chốt của “Việt Nam hoá chiến tranh”, giải quyết sự sống còn của bản thân chính quyền Sài Gòn. 428 ... - tailieumienphi.vn
nguon tai.lieu . vn