Xem mẫu

  1. Dưới bóng cây sa la TRUYỆN NGẮN CỦA TRẦN VĂN THƯỞNG Nằm lọt giữa lùm keo tai tượng tại một nơi nào đó cách xa trung tâm thị xã, và dĩ nhiên vẫn còn lâu nữa mới tới sân bay cũ ở phía rìa tây tỉnh lỵ, một nạn nhân và là kẻ duy nhất sống sót sau vụ rớt máy bay diễn ra cách đây hơn hai mươi bốn giờ đang dần hồi tỉnh dậy. Trong trạng thái nửa mê nửa tỉnh, lần theo dòng trí nhớ không rõ nét lắm, ông mường tượng lại mọi diễn biến đã qua. Sáu giờ ba mươi phút sáng ngày hôm đó, chiếc máy bay du lịch cỡ nhỏ loại hai động cơ cất cánh đưa ông cùng hai mươi vị khách đặc biệt khác rời thành phố hướng về phía đảo. Khoảng bốn mươi phút sau, tổ lái thông báo có trục trặc kỹ thuật và cho biết cách giải quyết duy nhất là hạ khẩn cấp xuống một bãi đáp tạm thời. Nơi gần nhất lúc đó là sân bay Trà Vinh – một sân bay quân sự còn lại từ thời chiến tranh. Tuy nhiên, chiếc phi cơ đã bị lạc đường bay, lao ra ngoài vùng kiểm soát và tai nạn ập đến. Không biết đó có phải là điềm báo hay không. Trước hôm bay, ông dịch dang dở một bài viết bằng tiếng Anh đăng trên tờ tạp chí Phật giáo - Mandala. Bài viết mô tả câu chuyện một nữ điêu khắc gia người Mỹ cố gắng thực hiện bức tượng chân dung một vị Lạt ma Tây Tạng vừa mới qua đời tại Ấn Độ. Thi thể của Ngài đã được giữ gìn tốt, đang chờ quyết định của những vị Lạt ma cao cấp từ xứ Tây Tạng. Đến ngày thứ 13 kể từ hôm viên tịch, phần thần thức mới rời khỏi xác vị Lạt ma. Và cùng lúc, những đệ tử hầu cận của Ngài được lệnh ướp xác, bảo quản nguyên vẹn nhục thân của người quá cố để dựa vào tiêu bản đó một bức bức tượng chân dung vị Lạt ma sẽ được nữ điêu khắc gia người Mỹ, đồng thời cũng là đệ tử của Ngài, tạc ngay tại chỗ.
  2. Sức sống kỳ lạ của vị Lạt ma chân tu ấy giống như một dụ ngôn đã tồn tại vượt qua không – thời gian hữu hạn và gieo vào lòng ông một ý thức phản tỉnh sâu sắc. Người đàn ông đã mang tâm trạng ấy lên theo hành trình bay. Và dường như niềm tin vào sự bất tử đã đưa ông về lại nơi mặt đất đầy cát bụi này. Ánh nắng xiên qua những tán cây hắt lên người nạn nhân gây cho ông một cảm giác nóng rát khó chịu. Ông vẫn cứ nằm yên bất động, đợi đến khi nào sự đau đớn xuất hiện đâu đó trên cơ thể để đoán biết thân xác mình bị hư hao đến độ nào. - Hơ …Hơ…! Ông cất tiếng kêu yếu ớt. Khát … nước… Ôi…N…ư…ớ…c! Người đàn ông bắt đầu bò lê ra khỏi lùm cây bằng một cố gắng không phải của một người bình thường. Dự định bò đến hiện trường vụ tai nạn, sau đó sẽ phát tín hiệu kêu cứu, tuy nhiên càng lúc ông càng nhích xa hơn mục tiêu ban đầu. Lúc lê mình đến phía bờ kênh, mặt trời đã gần đứng bóng. Người đàn ông phát hiện quanh mình có rất nhiều cây bần, cành oằn xuống bởi sức nặng của xum xuê những trái và trái. Một cách khó nhọc, ông đưa tay hái một vài trái. Đó là lần đầu tiên trong đời ông biết đến vị chua chua, chát xít của trái bần ở vùng sông nước Nam bộ. Trái có hình giống như chiếc bánh thuẫn, nang có sáu cánh tựa hình ngôi sao. Sau khi nhấm nháp chút đỉnh món lạ miệng, ông không ngần ngại vốc tay uống thứ nước mát ở dưới con kênh, hoàn thành nốt bữa tiệc của thiên nhiên dường như đã bày biện sẵn tự khi nào. Một cảm giác mát lạnh tràn ngập châu thân. (Và cũng chính lúc đó, ông lại nghe thân mình đau buốt, có lẽ ở đâu đó trên cơ thể, máu đã rỉ ra theo chỗ vết thương.) Đó không chỉ là nước. Trong đó còn có phù sa. Và cả hơi người. Sau này, ông mới biết rằng ở đây người ta lấy nước từ sông rạch đem lọc đi rồi sử dụng trong mọi sinh hoạt hằng ngày, trong điều kiện không có nước ngọt. Đến lúc đã lấy lại chút tỉnh táo và sức lực, ông quyết định lê mình hướng về phía khu dân cư gần nhất. Điều tệ hại là ông vẫn không thể ước lượng được khoảng cách từ đây đến khu dân cư là bao xa và nó nằm về hướng nào. Dù sao, ông cũng phải cố bắt được liên lạc với một ai đó trước lúc mặt trời lặn. Nếu không, ông sẽ chết mất. Ông mong mỏi gặp mặt
  3. con người biết bao, dù chỉ cần nghe thấy tiếng chân vọng lại từ xa hay có thể chỉ là bóng ảnh thôi cũng đủ. Di chuyển một đoạn, ông đã đặt mình ngay dưới gốc một cây sa la. Theo truyền thuyết được ghi lại, Đức Phật đã nhập Niết Bàn tại một khu rừng của những cây sa la có hai thân mọc song đôi. Cây này mọc nhiều trên đất Phật ở những xứ của Ấn Độ, một vài vùng của Thái và ở Cambodia. Tại đây, không ngờ ông lại có diễm phúc được nhìn thấy hình ảnh của loại cây thiêng mà ông từng gặp ở vùng Cam Pốt khoảng vài năm trước. Và lạ thay, tại đây chỉ tồn tại một cây duy nhất. Tại sao nó lại đứng lẻ loi giữa những “kẻ xa lạ” xung quanh, nào thốt nốt, tai tượng, dừa và một vài loài khác ông không biết tên? Vừa suy nghĩ mông lung, người đàn ông vừa tiếp tục lê mình về phía mà ông mong là sẽ có con người. *** Trà Cú, một sóc nhỏ của đồng bào người Khmer. Qua một cơn mưa nhỏ đã tạnh hẳn từ đêm trước, đất trời vào sáng nay thật tuyệt. Bầu trời trong xanh. Từ tầng không, nắng làm rơi xuống mặt đất những giọt vàng sau khi xuyên qua tán lá những cây bàng mọc khắp lối đi. Gió mát lành như dòng suối tinh khiết tưới tắm thịt da. Trên con đường từ chùa Keo dẫn về phía cuối sóc, trong bộ pháp y màu hoại sắc, ông lục Thạch Rô tay ôm bình bát, chân chậm rãi bước, mắt hướng thẳng, không quá chú tâm cũng không hề sao nhãng. Ông đi khất thực. - Chào ông lục! Một vài người trên đường đi chợ về dừng lại chắp tay xá lục Thạch Rô. - Namo Tassa Bhagavato Arahato Samma Sambuddhassa!Ông khẽ đáp lại, đầu cúi thấp một cách khiêm cung. Lời chú niệm để lại một tiếng vọng và nó ngân nga không dứt trong tâm tưởng lục Thạch Rô. Ông cố gắng điều khiển thần thức mình tập trung hoàn toàn vào âm ngôn linh thánh đó. Theo lời sư cả Thạch Siêng của chùa Keo, nơi ông đang tạm cư học đạo, người nào
  4. chú niệm câu này đạt đến trạng thái nhất tâm bất loạn sẽ đi vào cõi An Lạc, vĩnh viễn an lạc, vĩnh viễn hạnh phúc. - Hạnh phúc có tự bên trong hay đến từ bên ngoài? Chỉ mới khởi lên ý nghĩ này tự dưng lục Thạch Rô cảm thấy tâm cảm mình đau đớn. Lòng ông đã đánh mất sự thanh tịnh. Ông vừa bước qua ngôi nhà của người thiếu nữ Khmer ấy. Mắt không nhìn nhưng lòng ông đang dõi vào. Người con gái ấy chắc hẳn đang mong đợi sự hình thành một mầm sống. Và, chắc hẳn cô không nguôi niềm ước vọng có một đứa con thông minh, tinh tế với vầng trán cao rộng, một khuôn mặt đầy thông tuệ như ông lục.Và, chắc hẳncô cũngsẽ nghĩ tới chuyện đến xin sư cả để được phép đón ông lục về nhà mình. Giống như mẹ cô đã từng làm như thế với một chú lục học đạo vào thời còn son trẻ. Sự việc đó xảy ra vào một lần cô gái Khmer mời ông lục ghé về nhà mình để cô thỉnh pháp và cúng dường vật thực. Đây là một nghi thức phổ biến đối với những gia đình người Khmer trong mùa khất thực của những nhà sư. Cô gái có nước da đen nhẻm, đôi mắt to tròn và sáng long lanh như hai vì tinh tú mọc giữa trời khuya. Thân hình cô chắc nịch, đầy sức sống như thể cả sự sống thiên nhiên của xứ sở này đã chuyển hóa vào người cô. Người con gái quỳ gối chắp tay xá ông một cách thành kính như xá lạy một thần tượng. Sự bất tử! Ông sẽ không đạt được điều ấy, hay ít ra là cảm nhận được hình sắc của nó, nếu như phạm giới. Tuy nhiên, khi nhìn sâu vào đáy mắt người con gái Khmer, mà đối với ông như một cõi trời khác đầy huyền bí, ông liên tưởng đến việc mình sắp đi vào cõi bất tử vì trong bản thân cô gái kia đã là một thiên đường rồi. Thế là trên chiếc giường tre ộp ẹp, ông đã ban cho cô gái một ân huệ. Bản hòa tấu được cất lên bởi đôi thiên nga đang trong tư thế thanh bạch nhất từ thuở con người đầu tiên đặt chân lên mặt đất này. Cùng đồng điệu là âm vọng của câu linh ngôn miên man bất tận: Namo Tassa Bhagavato Arahato Samma Sambuddhassa!
  5. Lục Thạch Rô không hay biết mình đã đi quá xa khu dân cư, và không xa lắm phía trước mặt là con sông Cổ Chiên, nơi qua suốt hai năm sống ở đây ông đã nhìn ra tự tánh của dòng sông từ bài học khai đạo của sư cả Thạch Siêng. Thật ra, sông luôn là sông nhưng bao giờ nó cũng có hai dòng chảy, một dòng chảy cuồn cuộn trên bề mặt và một dòng thủy lưu ngầm dưới đáy sông. Thạch Rô đang bước vào đoạn đường ngang qua đám keo tai tượng. Đằng xa nữa, ở sát mé sông là ngút ngàn dừa nước – loại cây có sức sống kỳ lạ. Nó giữ bờ sông rạch, giữ gìn từng thớ đất phum sóc và mang lại màu xanh, sự tươi mát cho xứ sở này. Mặt trời gần đứng bóng. Bước chân ông lục vẫn đều đặn trên con đường xanh bóng cây. Mắt hướng về sông Cổ Chiên đang cuộn chảy, tai ông hình như đang nghe âm vọng của dòng thủy lưu chảy ngầm dưới đáy sông. Tiếng chảy của dòng nước ngầm càng lúc càng rõ hơn. Lòng ông cũng đang dậy sóng. Vì ông đã nhìn thấy sự thật. Ở cách tầm nhìn chừng một trăm thước, trên mặt đất, dưới tán gốc cây sa la hai thân mọc song đôi, có vật gì đó đang động đậy. Nó đang nhảy múa theo điệu của gió. Lục Thạch Rô vẫn chậm rãi bước, dù lúc này mồ hôi đã thấm ướt chiếc pháp y ông đang khoác trên mình. Đến lúc đặt chân dưới gốc sa la, ông lục mới chợt giật mình. Vật động đậy ông vừa nhìn thấy ban nãy không gì khác hơn là bóng râm do ánh nắng hắt xuống qua tán cây. Và lúc này, vật đó lại là bóng của chính ông. Ông đã gặp lại mình ngay dưới gốc sa la này cách đây hai năm sau vụ tai nạn máy bay thảm khốc cướp đi sinh mạng của nhóm hai mươi nhà khoa học đồng nghiệp. Vị sư cả của chùa Keo trong một lần đi khất thực quá ngọ đã cứu sống ông đúng vào lúc nạn nhân sắp chết. Người đàn ông chợt mỉm cười. Ông cởi bỏ tấm pháp y thả xuống dòng sông cùng với âm ngôn lời chú niệm và tên đạo Thạch Rô. Ông đã là một kẻ trưởng thành sau bốn mươi lăm năm có mặt trên cõi đời này.
nguon tai.lieu . vn