Xem mẫu

  1. Nghiên cứu triết học Đề tài:" “XOÁ BỎ MỘT CÁCH TÍCH CỰC CHẾ ĐỘ TƯ HỮU” TỪ QUAN ĐIỂM CỦA CHỦ NGHĨA MÁC - LÊNIN ĐẾN SỰ VẬN DỤNG SÁNG TẠO CỦA ĐẢNG TA TRONG CÔNG CUỘC ĐỔI MỚI ĐẤT NƯỚC "
  2. “XOÁ BỎ MỘT CÁCH TÍCH CỰC CHẾ ĐỘ TƯ HỮU” TỪ QUAN ĐIỂM CỦA CHỦ NGHĨA MÁC - LÊNIN ĐẾN SỰ VẬN DỤNG SÁNG TẠO CỦA ĐẢNG TA TRONG CÔNG CUỘC ĐỔI MỚI ĐẤT NƯỚC VŨ QUANG TẠO (*) Trên cơ sở làm rõ quan niệm của C.Mác về “xoá bỏ một cách tích cực chế độ tư hữu”, sự kế thừa và phát triển quan niệm này ở V.I.Lênin, tác giả bài viết đã khẳng định tính đúng đắn và sự sáng tạo của Đảng ta khi vận dụng quan niệm này của các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác - Lênin vào bối cảnh lịch sử – cụ thể ở nước ta trong công cuộc đổi mới đất nước. Tác giả bài viết cũng đã khẳng định, trong công cuộc đổi mới đất nước ở nước ta hiện nay, “xoá bỏ một cách tích cực chế độ tư hữu” không có nghĩa là xác lập, củng cố chế độ tư hữu bằng mọi giá, mà là thực hiện một cách đúng đắn, sáng tạo quy luật quan hệ sản xuất phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất để chủ nghĩa xã hội được nhận thức đúng đắn hơn, xây dựng có hiệu quả hơn. Chúng ta đều biết, nếu như các nhà chủ nghĩa xã hội không tưởng coi chủ nghĩa cộng sản như một ước muốn tốt đẹp của con người trước thực trạng xã hội tư bản thối nát cần xoá bỏ, thì C.Mác đến với tư tưởng về chủ nghĩa cộng sản từ sức mạnh của tư duy biện chứng duy vật để luận giải chế độ tư hữu như một nguồn gốc, một nguyên nhân chủ yếu làm tha hoá con người, tha hoá bản chất con người, khiến cho không chỉ giai cấp công nhân cùng khổ hoàn toàn bị tha hoá về thể xác và tinh thần, mà cả giai cấp tư sản cũng bị tha hoá, trở thành nô lệ của chính những của cải của mình. Hơn nữa, chế độ tư hữu đó còn làm cho con người trở nên ngu xuẩn và đần độn, biến mọi cảm giác của
  3. con người thành cảm giác chiếm hữu. Do vậy, theo C.Mác, chủ nghĩa cộng sản với tư cách mặt đối lập, sự phủ định biện chứng chế độ tư hữu, phủ định nguồn gốc cơ bản làm tha hoá con người để “giải phóng con người” và “giành lại con người” phải “là hình thức tất yếu và là nguyên tắc kiên quyết của tương lai sắp tới”(1). C.Mác còn chỉ rõ, mặc dù chủ nghĩa cộng sản là mặt đối lập của chế độ tư hữu, nhưng nó không phải là sự xoá bỏ chế độ tư hữu bằng mọi giá, mà là “sự xóa bỏ một cách tích cực chế độ tư hữu - sự tự tha hóa ấy của con người - và do đó với tính cách là sự chiếm hữu một cách thực sự bản chất con người bởi con người và vì con người; do đó với tính cách là việc con người hoàn toàn quay trở lại chính mình với tính cách là con người xã hội, nghĩa là có tính chất người – sự quay trở lại này diễn ra một cách có ý thức và có giữ lại tất cả sự phong phú của sự phát triển trước đó”. Với quan niệm này, C.Mác đã khẳng định: “Chủ nghĩa cộng sản như vậy, với tính cách là chủ nghĩa tự nhiên hoàn bị, = chủ nghĩa tự nhiên; nó là sự giải quyết thực sự mâu thuẫn giữa con người và tự nhiên, giữa con người và con người, - là sự giải quyết thực sự cuộc tranh chấp giữa tồn tại và bản chất, giữa đối tượng hoá và sự tự khẳng định, giữa tự do và tất yếu, giữa cá thể và loài. Nó là sự giải quyết câu đố của lịch sử và nó biết rằng nó là sự giải quyết ấy”(2). Như vậy, có thể nói, sự xoá bỏ một cách tích cực chế độ tư hữu, theo C.Mác, “là sự khẳng định sinh hoạt của con người, là xoá bỏ tích cực mọi sự tha hoá, nghĩa là việc con người từ tôn giáo, gia đình, nhà nước, v.v. quay về tồn tại con người, nghĩa là tồn tại xã hội của mình”. Sự xoá bỏ đó diễn ra một cách có ý thức và luôn giữ lại tất cả những gì là hợp lý, tiến bộ của sự phát triển trước đó. Không những chỉ ra tính chất, nội dung, hình thức của sự xoá bỏ chế độ tư hữu một cách tích cực, C.Mác còn chỉ rõ những điều kiện cần thiết để xoá bỏ nó. Ông viết: “Muốn xoá bỏ tư tưởng về chế độ tư hữu, thì tư tưởng về chủ nghĩa cộng sản là hoàn toàn đủ rồi. Còn muốn xoá bỏ chế độ tư hữu trong hiện thực thực tế thì phải có hành động cộng sản chủ nghĩa, hiện
  4. thực”(3). Quan điểm này cho thấy, trên bước đường đề xuất những nguyên lý của chủ nghĩa duy vật biện chứng và chưa có điều kiện tham gia sâu rộng vào thực tiễn đấu tranh của giai cấp công nhân, nhưng với thiên tài của mình, C.Mác đã luận giải khá sâu sắc, toàn diện về tính tất yếu, mục đích, nội dung và cách thức cơ bản để xây dựng thành công chủ nghĩa cộng sản. Đây chính l à những nội dung cơ bản xuyên suốt giúp C.Mác định hướng trong toàn bộ quá trình xây dựng hoàn chỉnh học thuyết của mình. Quan điểm này của C.Mác đã trang bị thế giới quan, phương pháp luận khoa học và cách mạng cho giai cấp công nhân và nhân dân lao động toàn thế giới trong công cuộc “xoá bỏ một cách tích cực chế độ tư hữu”, xây dựng chủ nghĩa xã hội. V.I.Lênin là người đã kế thừa, phát triển xuất sắc quan điểm này của C.Mác, trên cả phương diện lý luận lẫn thực tiễn trong cách mạng xã hội chủ nghĩa ở nước Nga Xô viết. Ngay từ tháng 9 năm 1917, khi giai cấp công nhân Nga còn chưa giành được chính quyền, V.I.Lênin đã khẳng định chủ nghĩa tư bản nhà nước là một hình thức kinh tế đóng vai trò “chuẩn bị vật chất đầy đủ nhất cho chủ nghĩa xã hội, là phòng chờ đi vào chủ nghĩa xã hội”(4). Sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười, năm 1918, trên cơ sở phân tích chính xác 5 thành phần kinh tế của nước Nga, nhất là khi nhận thấy “điều kiện kinh tế tiểu tư sản và tính tự phát tiểu tư sản là kẻ thù chính của chủ nghĩa xã hội”(5) ở nước Nga lúc bấy giờ, V.I.Lênin đã đi đến kết luận rằng, để tiến lên chủ nghĩa xã hội, chúng ta cần phải “bắc những chiếc cầu nhỏ vững chắc” đi xuyên qua chủ nghĩa tư bản nhà nước. Đặc biệt là sau thời kỳ nội chiến, khi nhận thấy không thể tiếp tục “chính sách cộng sản thời chiến” được nữa, V.I.Lênin đã nhanh chóng bắt tay vào thực hiện chính sách kinh tế mới. Trong chính sách kinh tế mới, ông không chỉ đặt lên vị trí hàng đầu việc trao đổi hàng hoá, mà còn khuyến khích các nhà tư bản nước ngoài thực hiện những hợp đồng tô nhượng nhằm tổ chức nền sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa. Quyết định sáng suốt này của
  5. V.I.Lênin đã vấp phải sự phản đối quyết liệt của những người cộng sản theo đường lối “tả khuynh” ngay trong nội bộ Đảng Cộng sản Nga lúc bấy giờ. Nhưng thực tiễn đã khẳng định tư tưởng “xoá bỏ chế độ tư hữu một cách tích cực” trên cơ sở phát triển nền sản xuất hàng hoá, tổ chức lại nền sản xuất theo hướng sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa của V.I.Lênin là đúng đắn và hoàn toàn phù hợp với quan điểm của C.Mác. Tiếc rằng, sau khi V.I.Lênin mất, do nhiều nguyên nhân, chính sách kinh tế mới, tư tưởng “xoá bỏ chế độ tư hữu một cách tích cực” đã không được tiếp tục thực hiện. Ở Liên Xô và hầu hết các nước xã hội chủ nghĩa sau này, do nóng vội chủ quan, bất chấp quy luật “quan hệ sản xuất phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất”, đã nhanh chóng xoá bỏ chế độ tư hữu, tiến hành công hữu hoá ồ ạt toàn bộ tư liệu sản xuất. Cách làm này, về lý luận, là không hiểu thực chất tinh thần “xoá bỏ chế độ tư hữu một cách tích cực” của C.Mác và do vậy, dẫn đến việc “xoá bỏ chế độ tư hữu một cách tiêu cực”, triệt tiêu các động lực phát triển của xã hội, đưa nền kinh tế - xã hội lâm vào khủng hoảng, còn đời sống của nhân dân thì lâm vào tình trạng khó khăn, thiếu thốn, thậm chí nghèo khổ. Chủ nghĩa cộng sản được xây dựng theo cách đó, như C.Mác đã khẳng định, không phải là “biểu hiện tích cực của sự xoá bỏ chế độ t ư hữu” và trong giai đoạn đầu, “nó biểu hiện ra là chế độ tư hữu phổ biến”; nó chỉ là thứ “chủ nghĩa cộng sản thô lỗ”, là “hình thức biểu hiện của sự ti tiện của chế độ tư hữu”, đưa con người “quay trở về tính giản dị không tự nhiên của người nghèo không có nhu cầu,… không những không vượt lên trên trình độ chế độ tư hữu mà thậm chí chưa đạt tới chế độ đó”, đưa xã hội đến tình trạng “đâu đâu cũng phủ định cá tính của con người”, hình thành “sự ghen ghét phổ biến và được cấu thành như một quyền lực là hình thức che giấu của thói tham lam” và do vậy, đó quyết không phải là chủ nghĩa cộng sản, mà “chỉ là biểu hiện nhất quán của chế độ tư hữu”(6). Đảng ta là một Đảng mácxít chân chính. Đường lối, quan điểm xây dựng chủ
  6. nghĩa xã hội của Đảng ta luôn là kết quả của sự vận dụng trung thành và sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin vào điều kiện, hoàn cảnh lịch sử - cụ thể của Việt Nam. Ngay từ những năm 20 của thế kỷ XX, khi nhận thức rõ tính đúng đắn, sáng tạo của chính sách kinh tế mới của V.I.Lênin, dưới sự hướng dẫn của Nguyễn Ái Quốc, trong Điều lệ của Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội… có ghi “áp dụng những nguyên tắc tân kinh tế chính sách để thúc đẩy sự phát triển các cơ quan sản xuất trong nước”(7). Song, nhận thức bao giờ cũng là một quá trình. Đã có thời kỳ chúng ta mắc sai lầm chủ quan, duy ý chí, nóng vội công hữu hoá toàn bộ tư liệu sản xuất trên mọi lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, kéo dài chế độ bao cấp và việc làm đó đã dẫn tới chỗ làm cho sản xuất bị đình đốn, đời sống các tầng lớp nhân dân gặp nhiều khó khăn, nền kinh tế - xã hội lâm vào khủng hoảng. Trước thực trạng đó, với bản chất khoa học và cách mạng, với bản lĩnh kiên cường, sáng tạo, trong công cuộc đổi mới đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, Đảng ta đã dũng cảm nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, thẳng thắn thừa nhận sai lầm, đồng thời nhanh chóng đưa ra những quyết sách đúng đắn nhằm “xoá bỏ chế độ tư hữu một cách tích cực”, đưa đất nước thoát khỏi khủng hoảng, từng bước xây dựng cơ sở vật chất, tinh thần cho chủ nghĩa xã hội. Tinh thần đó được mở đầu bằng Nghị quyết Đại hội VI và liên tục được phát triển, bổ sung, hoàn thiện trong các kỳ Đại hội tiếp theo. Dấu mốc quan trọng thể hiện nhận thức của Đảng ta về chủ nghĩa xã hội và con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội “ngày càng sáng tỏ hơn” trên nền tảng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là ở Văn kiện Đại hội X. Trong Văn kiện này, Đảng ta đã chỉ rõ: “Xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng là một xã hội dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh; do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao, dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất phù hợp với trình độ phát triển của lực l ượng sản xuất; có nền văn hoá tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc; con người được giải phóng khỏi áp bức, bất công, có
  7. cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tương trợ và giúp đỡ lẫn nhau cùng tiến bộ; có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với nhân dân các nước trên thế giới”(8). Đây là những đặc trưng cơ bản của chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Những đặc trưng này chứng tỏ nhận thức về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Đảng ta ngày càng sáng tỏ hơn. So với Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội được thông qua tại Đại hội VII, Đại hội X đã bổ sung thêm 2 điểm và sửa đổi một số điểm là hoàn toàn phù hợp với quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về xây dựng chủ nghĩa xã hội trên cơ sở “xoá bỏ chế độ tư hữu một cách tích cực”. Điểm bổ sung đầu tiên của Đại hội X vào đặc trưng xã hội chủ nghĩa ở nước ta là việc chỉ ra mô hình tổng quát với nội dung cơ bản, bao trùm nhất, đó là một xã hội dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh. Xã hội đó chính là kết quả của sự kế thừa, phát triển một cách có ý thức nhằm “giữ lại tất cả sự phong phú của sự phát triển trước đó” và là điều kiện cơ bản nhất để giải phóng con người, giành lại con người bởi chính con người. Chỉ có dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh mới có khả năng giải phóng con người khỏi áp bức bất công, mới là môi trường thuận lợi giúp con người phát triển toàn diện, mới đủ sức đưa con người thoát khỏi tình trạng nghèo khổ, “không có nhu cầu”, trái với tự nhiên và đưa xã hội “vượt lên trên trình độ chế độ tư hữu”. Do vậy, có thể coi đây là biện pháp xoá bỏ một cách tích cực nhất chế độ tư hữu. Điểm bổ sung thứ 2 là khẳng định sự hiện diện của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản trong xã hội xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Như vậy, có thể nói, sự khác nhau giữa chủ nghĩa xã hội (giai đoạn thấp) và chủ nghĩa cộng sản (giai đoạn cao) của hình
  8. thái kinh tế – xã hội cộng sản chủ nghĩa cũng đã được Đảng ta nhận thức ngày càng rõ hơn. Liên quan đến vấn đề này, hiện vẫn còn nhiều cách lý giải khác nhau về việc sửa đổi câu từ trong đặc tr ưng thứ 3 - đặc trưng kinh tế - trong Văn kiện Đại hội X. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội viết: “Xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng… có một nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và chế độ công hữu về các tư liệu sản xuất chủ yếu”. Còn trong Văn kiện Đại hội X, Đảng ta chỉ rõ: “Xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng… có nền kinh tế phát triển cao, dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất”. Điều này là phù hợp. Bởi lẽ, thứ nhất, theo C.Mác, “xoá bỏ chế độ tư hữu một cách tích cực ” để từ đó, xác lập chế độ công hữu là nhiệm vụ cơ bản, lâu dài của toàn bộ hình thái kinh tế - xã hội cộng sản chủ nghĩa, chứ không phải chỉ là nhiệm vụ của chủ nghĩa xã hội (giai đoạn thấp của hình thái kinh tế - xã hội cộng sản chủ nghĩa); thứ hai, tuy không nói rõ đó là chế độ công hữu về các tư liệu sản xuất chủ yếu, nhưng không phải chúng ta chủ trương xác lập, củng cố chế độ tư hữu, hoặc như một số người cho rằng, hiện nay, đối với chúng ta, công hữu, tư hữu cũng được miễn là phát triển lực lượng sản xuất, phát triển kinh tế”(9). Chúng ta vẫn tiếp tục đẩy mạnh việc “xoá bỏ chế độ tư hữu một cách tích cực” đúng theo quy luật quan hệ sản xuất phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất để “chủ nghĩa xã hội được nhận thức đúng đắn hơn, xây dựng có hiệu quả hơn”(10), nhân dân ta có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc hơn. Điều này được chứng minh trước hết ở chủ trương mang tính chiến lược, lâu dài là “phát triển nền kinh tế nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo; kinh tế nhà nước cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân”(11) và những thành tựu to lớn về sự phát triển con người Việt Nam qua sự đánh giá
  9. khách quan của bạn bè quốc tế(12). “Xóa bỏ chế độ tư hữu một cách tích cực” để xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta không chỉ là quá trình lâu dài với những khó khăn gian khổ vô cùng to lớn, mà còn ẩn chứa nhiều nguy cơ khó lường. Song, chúng ta tin tưởng rằng, với sự trung thành, vận dụng một cách sáng tạo quan điể m của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào điều kiện, hoàn cảnh lịch sử – cụ thể của Việt Nam, nhất là tư tưởng “xóa bỏ chế độ tư hữu một cách tích cực”, nhất định Đảng ta sẽ lãnh đạo nhân dân thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ thành công Tổ quốc Việt Nam Xã hội chủ nghĩa.r (*) Tiến sĩ, Phó trưởng Khoa Triết học, Học viện Chính trị – Quân sự. (1) C.Mác và Ph.Ăngghen. Toàn tập, t. 42. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, tr 183. (2) C.Mác và Ph.Ăngghen. Sđd., t.42, tr.167. (3) C.Mác và Ph.Ăngghen. Sđd., t. 42, tr.194. (4) V.I.Lênin. Toàn tập, t.34. Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1976, tr.258. (5) V.I.Lênin. Sđd., t.43, tr.247. (6) C.Mác và Ph.Ăngghen. Sđd., t.42, tr 164, 165. (7) Phạm Văn Đồng. Hồ Chí Minh và con người Việt Nam trên con đường dân giàu, nước mạnh. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1994, tr.45. (8) Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2006, tr. 68. (9) Xem: Đại học Quốc gia Hà Nội - Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng giảng viên lý luận chính trị. Kỷ yếu Hội thảo khoa học: “Quán triệt, vận dụng quan điểm Đại hội Đảng lần thứ X vào giảng dạy các môn lý luận chính trị ”, Hà Nội,
  10. tháng 1 năm 2007, tr.43. (10) Đảng Cộng sản Việt Nam. Sđd., tr. 70. (11) Đảng Cộng sản Việt Nam. Sđd., tr. 77. (12) Theo một cuộc điều tra vừa được công bố ngày 12/7, người dân Việt Nam là một trong những cư dân hạnh phúc nhất trên thế giới và là những người hạnh phúc nhất ở châu Á. Trong bảng xếp hạng “Happy Planet Index”, lần đầu tiên được Tổ chức New Economics Foundation (NEF) công bố, Việt Nam đứng thứ 12/178 nước được xếp hạng về hạnh phúc trên thế giới. Và với kết quả này, người dân Việt Nam có quyền tự hào là những người hạnh phúc nhất ở châu Á, hơn cả người Philippines ở vị trí 17, Indonesia 23... Trong khi đó, người dân Singapore rất mến khách cũng chỉ được xếp ở vị trí 131 trong bảng xếp hạng. Trong danh sách này, Nga đứng ở vị trí 172/178, Mỹ ở vị trí 150, Pháp 129, Canada 111, Anh 108, Nhật 95, Đức 81, Italia 66.... Điều này cho thấy những nước giàu có nhưng người dân nước đó chưa chắc đó hạnh phỳc.
nguon tai.lieu . vn