Xem mẫu

1

TỔNG QUAN ĐỀ TÀI NGHIÊN CỨU
1. Lý do hình thành đề tài:
Sức khoẻ là một vấn đề rất quan trọng trong việc nâng cao chất lượng dân số,
nó là một trong chiến lược phát triển con người ở mỗi quốc gia trên Thế giới. Theo
Tổ chức Y tế Thế Giới “Sức khoẻ không chỉ là trạng thái không bệnh không tật mà
còn là trạng thái hoàn toàn thoải mái về các mặt cơ thể, tâm thần và xã hội”. Sức
khoẻ giúp con người làm việc tốt và chủ động tham gia vào các hoạt động đời sống
kinh tế xã hội, cộng đồng. Vì vậy, muốn phát triển đất nước, trước hết phải quan
tâm tới yếu tố sức khỏe, lấy con người làm trung tâm.
Cùng với sự phát triển vượt bậc của khoa học kĩ thuật đã kéo theo những
biến đổi về mặt văn hóa xã hội làm ảnh hưởng đến các mối quan hệ tinh thần giữa
người và người. Do vậy, sức khỏe tâm thần đang ngày càng trở thành vấn đề quan
trọng hơn trong xã hội hiện đại.
Theo kết quả điều tra dịch tễ học năm 2001 của các chuyên gia về tâm thần
Việt Nam, chỉ tính riêng 10 bệnh tâm thần thường gặp là: tâm thần phân liệt, trầm
cảm, động kinh, rối loạn lo âu, sa sút trí tuệ ở người già, loạn thần sau chấn thương
sọ não, chậm phát triển tâm thần, rối loạn tâm thần do rượu, rối loạn hành vi ở thanh
thiếu niên, rối loạn tâm thần do ma túy đã có 14.9% dân số mắc bệnh này.[7]
Trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước ngành y tế
đã đạt được những thành tựu to lớn trong sự nghiệp chăm sóc sức khoẻ nói chung
và chăm sóc sức khoẻ tâm thần nói riêng cho nhân dân. Nghị Quyết 46-NQ-TW
ngày 23-02-2005 của Bộ Chính Trị đã nhấn mạnh cần đổi mới và hoàn thiện hệ
thống y tế theo hướng công bằng, hiệu quả và phát triển. Củng cố và hoàn thiện hệ
thống y tế cơ sở cả về cơ sở vật chất, trang thiết bị và cán bộ nhằm tạo điều kiện
thuận lợi cho mọi người dân được bảo vệ và nâng cao sức khỏe với chất lượng ngày
càng cao, phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.[4]
Với phương châm “Phòng bệnh hơn chữa bệnh” đã và đang đi sâu vào nhận
thức của mọi người. Người dân ngày càng quan tâm đến sức khỏe tâm thần của

2

mình nhiều hơn, không chỉ dừng lại ở việc khám chữa bệnh mà đã nâng lên một bậc
đó là phòng bệnh. Bệnh Viện Tâm Thần Trung Ương II là đơn vị đầu tiên của
ngành y tế Đồng Nai thực hiện nghị định 43/CP của Chính Phủ, được giao quyền tự
chủ về tài chính đối với đơn vị sự nghiệp có thu. Bệnh viện đã quán triệt nắm rõ 2
mục tiêu và 3 giải pháp của Nghị định để thay đổi tư duy: Từ hình thức phục vụ
chuyển sang hình thức cung cấp dịch vụ.[3]
Số người tìm đến Bệnh Viện Tâm Thần Trung Ương II với mục đích kiểm
tra sức khỏe định kì hay tầm soát một số bệnh ngày một tăng, các hoạt động nhằm
nâng cao hiểu biết của người dân về các vấn đề sức khỏe tâm thần cũng được thực
hiện nhiều hơn.
Trong khi nhu cầu của người dân và xã hội ngày càng tăng lên thì ngành y tế
nước ta vẫn chưa theo kịp đà phát triển của xã hội, đặc biệt là việc nâng cao chất
lượng khám chữa bệnh trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tâm thần:
- Nguồn nhân lực chăm sóc sức khỏe tâm thần thiếu trầm trọng do những
mặc cảm xã hội, nhân viên y tế không thoải mái trong quản lý người bệnh tâm thần.
- Nhiều người dân được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần
nhưng lại không thể trả được mức chi phí y tế cơ bản.
- Việc lồng ghép dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần vào chăm sóc sức khỏe
tâm thần chưa được triển khai mạnh.
Việc tìm ra các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh và
tác động đến sự hài lòng của người bệnh khi đến với bệnh viện sẽ giúp ban lãnh đạo
bệnh viện có những giải pháp đúng đắn để nâng cao: hiệu quả về kinh tế, hiệu quả
về xã hội và hiệu quả chất lượng điều trị. Đây cũng là lý do tác giả mạnh dạn chọn
đề tài “Khảo sát mức độ hài lòng của người bệnh tại Bệnh Viện Tâm Thần
Trung Ương II” để nghiên cứu.
2. Tổng quan đề tài nghiên cứu:
Định nghĩa về dịch vụ trong kinh tế học được hiểu là những thứ tương tự như
hàng hoá nhưng phi vật chất. Theo quan điểm kinh tế học, bản chất của dịch vụ là
sự cung ứng để đáp ứng nhu cầu như: dịch vụ du lịch, thời trang, chăm sóc sức
khoẻ...và mang lại lợi nhuận.

3

Philip Kotler định nghĩa dịch vụ: Dịch vụ là một hoạt động hay lợi ích cung
ứng nhằm để trao đổi, chủ yếu là vô hình và không dẫn đến việc chuyển quyền sở
hữu. Việc thực hiện dịch vụ có thể gắn liền hoặc không gắn liền với sản phẩm vật
chất.
Còn các nhà khoa học về nhu cầu tối thiểu trong cuộc sống lại có những quan
điểm như sau:
Theo quan niệm của Mác: “Nhu cầu là đòi hỏi khách quan của mỗi con
người trong những điều kiện nhất định, đảm bảo cho sự sống và phát triển của
mình”.
Theo quan điểm A.Maslow nhu cầu được chia thành 5 loại xếp heo thang
bậc từ thấp đến cao.[15]
+ Nhu cầu vật chất (sinh lý): thức ăn, không khí, nước uống...
+ Nhu cầu an toàn (bảo vệ): nhà ở, việc làm, sức khoẻ...
+ Nhu cầu giao tiếp xã hội: tình thương yêu, được hoà nhập….
+ Nhu cầu được tôn trọng: Được chấp nhận có một vị trí trong một nhóm
người...
+ Nhu cầu tự khẳng định mình: Nhu cầu hoàn thiện, được thể hiện khả năng
và tiềm lực của mình.
Dịch vụ xã hội là các hoạt động có chủ đích của con người nhằm phòng ngừa
- hạn chế và khắc phục rủi ro, đảm bảo đáp ứng được nhu cầu cơ bản và thúc đẩy
khả năng hoà nhập cộng đồng, xã hội. Đối với lĩnh vực y tế dịch vụ bao gồm các
hình thức khám chữa bệnh, điều dưỡng phục hồi chức năng về thể chất cũng như
tinh thần cho các đối tượng người bệnh. Để đáp ứng sự hài lòng của người bệnh
cần phải luôn quan tâm đến các nhu cầu của người bệnh trong từng giai đoạn từ
khâu phòng bệnh, khám bệnh cho đến chẩn đoán, điều trị và phục hồi chức năng.
[16]
3. Mục tiêu nghiên cứu:
- Xác định các mong muốn của người bệnh khi khám và chữa bệnh tại Bệnh
Viện Tâm Thần Trung Ương II.

4

- Xây dựng mô hình nghiên cứu đo lường sự hài lòng của người bệnh dựa
trên việc tìm hiểu các nhân tố tác động đến sự hài lòng của người bệnh.
- Đánh giá thực trạng mức độ hài lòng của người bệnh khi khám và chữa
bệnh tại Bệnh Viện Tâm Thần Trung Ương II.
- Đề xuất các giải pháp nhằm cải thiện và nâng cao sự hài lòng của người
bệnh khi khám chữa bệnh tại Bệnh Viện Tâm Thần Trung Ương II.
4. Ý nghĩa thực tiễn của đề tài:
Đề tài giúp đánh giá mức độ hài lòng của người bệnh khi khám và chữa bệnh
tại Bệnh Viện Tâm Thần Trung Ương II. Kết quả của việc khảo sát này sẽ giúp cho
bệnh viện có cái nhìn toàn diện hơn về các yếu tố ảnh hưởng đến mức độ hài lòng
người bệnh, những gì người bệnh đã hài lòng hoặc chưa hài lòng, từ đó ban quản lí
bệnh viện sẽ tập trung tốt hơn trong việc hoạch định, cải thiện chất lượng phục vụ
để từng bước tạo dựng được sự an tâm, tin tưởng nơi người bệnh. Đồng thời cũng
đáp ứng được 3 mục tiêu mà NĐ 43/CP đã đề ra đó là mang lại lợi ích cho Nhà
nước, lợi ích cá nhân và lợi ích cho người bệnh.
5. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu của đề tài:
- Đối tượng nghiên cứu của đề tài là mức độ hài lòng của người bệnh với
dịch vụ khám chữa bệnh của bệnh viện.
- Phạm vi nghiên cứu:
+ Về không gian: Bệnh Viện Tâm Thần Trung Ương II.
+ Về thời gian: Tiến hành khảo sát từ 1/7/ 2010 đến 31/10/2010.
6. Phương pháp nghiên cứu:
Trong phạm vi đề tài nghiên cứu này, tác giả đã sử dụng các phương pháp:
- Thu thập số liệu để có căn cứ trong việc nghiên cứu, đánh giá rút ra những
kết luận và đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao mức độ hài lòng của người bệnh
tại Bệnh Viện Tâm Thần Trung Ương II.
- Phương pháp thống kê: Xử lí các số liệu thu thập được theo thuật toán
thống kê (phần mềm SPSS 15), kiểm định thang đo bằng hệ số tin cậy Cronbach
Alpha, phân tích EFA, phân tích hồi quy tuyến tính.
7. Kết cấu của đề tài:

5

Ngoài các phần tổng quan đề tài nghiên cứu, danh mục, kết luận, tài liệu
tham khảo, phụ lục, bài nghiên cứu khoa học này được chia thành 3 chương với nội
dung như sau:
Chương 1: Cở sở lý luận.
Chương 2: Thực trạng mức độ hài lòng của người bệnh tại Bệnh viện
Tâm Thần Trung Ương II.
Chương 3: Một số giải pháp nâng cao mức độ hài lòng của người bệnh
tại Bệnh Viện Tâm Thần Trung Ương II.

nguon tai.lieu . vn