Xem mẫu

  1. BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM TRƯỜNG ĐẠI HỌC MỞ TP.HCM Độc lập - Tự do - hạnh phúc --------------- --------------- Tp. Hồ Chí Minh, ngày tháng năm 2011 ĐỀ CƯƠNG HƯỚNG DẪN HỌC TẬP MÔN THIẾT LẬP VÀ THẨM ĐỊNH DỰ ÁN ĐẦU TƯ HÌNH THỨC: ĐÀO TẠO TỪ XA ------------------ I. TÊN MÔN HỌC VÀ SỐ ĐƠN VỊ HỌC TRÌNH 1. Tên môn học: Thiết lập và thẩm định dự án đầu tư 2. Số tín chỉ: 03 II. GIỚI THIỆU VỀ MÔN HỌC 1. Vai trò của môn học đối với ngành đào tạo Thiết lập và thẩm định dự án đầu tư là môn học cung cấp những kiến thức cơ bản về kỹ năng đánh giá dự án đầu tư nhằm mục đích phát hiện và ngăn chặn những dự án xấu, không bỏ sót các dự án tốt trong điều kiện giới hạn về nguồn lực. Đối với chương trình đào tạo của các ngành kinh tế (kinh tế luật, quản trị kinh doanh, tài chính, kế toán) sẽ giúp người học tiếp cận một cách hệ thống những kiến thức cơ bản về dòng tiền của dự án, suất chiết khấu và các chỉ tiêu đánh giá dự án. Như vậy, thông qua môn học này sẽ giúp cho người học nhận diện được vai trò quan trọng của việc đánh giá dự án đầu tư trong sự phát triển của doanh nghiệp nói riêng và sự phát triển của nền kinh tế nói chung. 2. Đối tượng nghiên cứu của môn học Môn học nghiên cứu về cách thức xây dựng dòng tiền của dự án đầu tư, phương pháp lựa chọn suất chiết khấu phù hợp cho dự án đầu tư và xác định hệ thống các chỉ tiêu đánh giá dự án đầu tư. 3. Yêu cầu về kiến thức tiên quyết Những môn học tiên quyết: 1. Kinh tế vĩ mô 2. Xác suất thống kê 3. Quản trị tài chính (hay Tài chính doanh nghiệp) Đề cương hướng dẫn học tập môn thiết lập và thẩm định dự án đầu tư | 1
  2. III. NỘI DUNG TÓM LƯỢC CỦA TỪNG CHƯƠNG CHƯƠNG I TỔNG QUAN VỀ THIẾT LẬP VÀ THẨM ĐỊNH DỰ ÁN Nội dung của chương này nhằm giới thiệu các khái niệm cơ bản về dự án đầu tư và các nội dung phân tích dự án đầu tư. 1. MỤC TIÊU Sau khi học môn này, người học phải biết được: 1. Những vấn đề cơ bản về dự án đầu tư; 2. Mục đích của việc phân tích dự án đầu tư; 3. Nội dung của khung phân tích dự án 2. NỘI DUNG CHÍNH Khái quát chung về dự án đầu tư Dự án đầu tư là một tập hợp những đề xuất bỏ vốn trung và dài hạn để tiến hành các hoạt động đầu tư trên địa bàn cụ thể, trong khoàng thời gian xác định (Luật đầu tư, 2005); Để đảm bảo tính khả thi của một dự án thì phải đáp ứng được các yêu cầu sau, như: tính khoa học, tính thực tiễn, tính pháp lý và tính đồng nhất; Căn cứ vào các tiêu chí khác nhau thì dự án đầu tư được phân thành nhiều nhóm khác nhau. Nếu căn cứ vào mối quan hệ giữa các hoạt động đầu tư thì dự án được phân thành: dự án độc lập, dự án thay thế (hay loại trừ) và dự án bổ sung (hay phụ thuộc). Trong khi đó, nếu căn cứ vào quy mô và tính chất của dự án thì được phân thành hai nhóm, đó là: dự án quan trọng quốc gia và các dự án trong nước khác. Mục tiêu của việc thẩm định dự án đầu tư Việc thẩm định dự án đầu tư có ý nghĩa quan trọng nhằm: lựa chọn được những dự án tốt và ngăn chặn những dự án kém hiệu quả; nhận dạng và đánh giá những rủi ro tiềm ẩn của dự án đầu tư. Nội dung của khung phân tích dự án đầu tư Khung phân tích dự án bao gồm các nội dung sau: phân tích thị trường, phân tích kỹ thuật, phân tích nguồn lực, phân tích tài chính, phân tích kinh tế, phân tích phân phối và phân tích nhu cầu cơ bản. 3. THỜI LƯỢNG: 5 tiết Đề cương hướng dẫn học tập môn thiết lập và thẩm định dự án đầu tư | 2
  3. CHƯƠNG II XÂY DỰNG BÁO CÁO NGÂN LƯU CỦA DỰ ÁN ĐẦU TƯ Việc đánh giá dự án đầu tư thông qua các chỉ tiêu đánh giá dự án đầu tư. Các chỉ tiêu này được xác định trên cơ sở dòng tiền (ngân lưu) của dự án. Do đó, việc xây dựng dòng tiều của dự án là rất quan trọng vì nó ảnh hưởng đến quyết định đầu tư. Chính vì thế, nội dung chương này nhằm tập trung xây dựng báo cáo ngân lưu theo hai phương pháp, đó là phương pháp trực tiếp và phương pháp gián tiếp theo hai quan điểm là quan điểm tổng vốn và quan điểm vốn chủ sở hữu. 1. MỤC TIÊU Sau khi học xong chương này, người học phải biết: − Phương pháp và nguyên tắc lập báo cáo ngân lưu; − Xử lý được các biến số cơ bản trong báo cáo ngân lưu. 2. NỘI DUNG CHÍNH Phương pháp và nguyên tắc lập báo cáo ngân lưu Báo cáo ngân lưu phản ánh các dòng tiền từ các hoạt động cơ bản của dự án đầu tư. Việc ước lượng dòng tiền dựa vào hai nguyên tắc, đó là dựa vào dòng tiền chứ không dựa vào lãi ròng và chỉ có dòng tiền tăng thêm mới ảnh hưởng đến quyết định chấp nhận hay bác bỏ dự án; Về mặt cơ bản, báo cáo ngân lưu được xây dựng trên các quy ước sau, đó là: thời điểm đầu tư là thời điểm bắt đầu đầu tư; dòng tiền phát sinh đều là dòng tiền ở thời điểm cuối kỳ và thời điểm thanh lý dự án là sau khi kết thúc dự án một năm. Trên cơ sở đó, báo cáo ngân lưu được xây dựng theo hai phương pháp (phương pháp trực tiếp và phương pháp gián tiếp) theo hai quan điểm đánh giá (quan điểm tổng vốn và quan điểm vốn chủ sở hữu); Theo phương pháp trực tiếp thì dòng ngân lưu ròng của dự án chính là chênh lệch giữa dòng thu và dòng chi của dự án. Trong khi đó, phương pháp gián tiếp thì dòng tiền ròng của dự án được tổng hợp các dòng tiền từ hoạt động sản xuất kinh doanh, hoạt động đầu tư và hoạt động tài trợ; Khi dự án có tài trợ bằng vốn vay thì cần phân biệt hai quan điểm đánh giá, đó là quan điểm tổng vốn và quan điểm vốn chủ sở hữu. Quan điểm tổng vốn nhằm đánh giá hiệu quả tổng hợp của dự án căn cứ vào dòng tiền ròng trong trường hợp có tài trợ vốn; trong khi đó, quan điểm chủ sở hữu nhằm đánh giá hiệu quả và rủi ro của vốn chủ sở hữu trong trường hợp có tài trợ bằng vốn vay. Đề cương hướng dẫn học tập môn thiết lập và thẩm định dự án đầu tư | 3
  4. Xử lý các biến số cơ bản trong báo cáo ngân lưu Việc ước lượng dòng tiền của dự án là rất phức tạp do yếu tố bất định trong tương lai vì đơn giản là nó chưa xảy ra. Hơn nữa, đây là việc hoạch định mang tính chất ước lượng. Do đó, cần chú ý những yếu tố quan trọng và thường phát sinh và ảnh hưởng đến dòng tiền của dự án, chẳng hạn như: chi phí cơ hội và chi phí chìm, đất, khấu hao, thay đổi vốn lưu động; Chi phí cơ hội là phần thu nhập bị mất đi do thực hiện dự án. Mặc dù, chi phí cơ hội không phải là một khoản thực chi nhưng vẫn được tính vào dòng chi của dự án; Chi phí chìm là chi phí đã xảy ra rồi. Do đó, không thể thu hồi lại được bất luận dự án có được thực hiện hay không. Chính vì thế, chi phí chìm là khoản thực chi nhưng không được tính vào dòng tiền của dự án vì nó không có sự khác biệt trước và sau khi có dự án; Khi xác định chi phí đất, cần lưu ý các khía cạnh sau: cần có sự tách biệt giữa đầu tư vào đất so với đầu tư vào dự án, cần xử lý đất như một khoản đầu tư riêng biệt, chi phí về đất của dự án có thể là chi phí cơ hội hoặc là giá trị thuê đất hàng năm hoặc chi phí vốn cho dự án suốt thời gian sử dụng đất; Khi tính khấu hao cần xác định rõ ba nhân tố, đó là: thời gian hữu dụng (hay vòng đời hoạt động), nguyên giá (hay giá trị tận dụng) và phương pháp tính khấu hao; Hình thức thể hiện vốn lưu động sẽ khác nhau giữa hai phương pháp lập báo cáo ngân lưu. Tuy nhiên, tăng vốn lưu động sẽ làm giảm dòng tiền và giảm vốn lưu sẽ làm tăng dòng tiền của dự án. 3. THỜI LƯỢNG: 10 tiết Đề cương hướng dẫn học tập môn thiết lập và thẩm định dự án đầu tư | 4
  5. CHƯƠNG III CÁC CHỈ TIÊU ĐÁNH GIÁ DỰ ÁN ĐẦU TƯ Để đạt được mục tiêu của việc thẩm định dự án đầu tư thì cần phải tính toán cẩn thận các chỉ tiêu đánh giá dự án đầu tư. Chính vì thế, nội dung trong chương này nhằm giúp người học tính toán chính xác các chỉ tiêu đánh giá dự án đầu tư, như: hiện giá thu nhập thuần, suất thu hồi nội bộ, suất thu hồi nội bộ hiệu chỉnh, thời gian hoàn vốn có chiết khấu, tỷ số lợi ích trên chi phí và điểm hòa vốn. Trên cơ sở đó, người học có thể vận dụng vào việc lựa chọn các dự án đầu tư. 1. MỤC TIÊU Sau khi học xong chương này, người học phải biết: − Xác định chính xác và hiểu ý nghĩa của các chỉ tiêu đánh giá dự án đầu tư; − Vận dụng chính xác vào việc lựa chọn dự án đầu tư. 2. NỘI DUNG CHÍNH Chiết khấu Các chỉ tiêu đánh giá dự án đầu tư được ứng dụng từ ý nghĩa của giá trị tiền tệ theo thời gian. Về mặt cơ bản thì có ba lý do để giải thích vì sao tiền tệ có giá trị theo thời gian, đó là: tiền phải sinh lợi, yếu tố rủi ro và lạm phát. Tổng hợp ba nhân tố trên thể hiện yếu tố lãi suất trong quyết định tài chính. Có hai phương pháp thường được sử dụng để quy đổi giá trị tiền tệ theo thời gian gắn liền với hai thời điểm là hiện tại và tương lai thông qua suất chiết khấu, đó là: phương pháp tích lũy và phương pháp chiết khấu. Phương pháp tích lũy là việc quy đổi dòng tiền ở các thời điểm hiện tại về một thời điểm nào đó trong tương lai. Phương pháp chiết khấu là việc quy đổi giá trị đồng tiền ở các thời điểm trong tương lai về một thời điểm nào đó ở hiện tại Các chỉ tiêu đánh giá dự án đầu tư Trong thẩm định dự án đầu tư thì thường sử dụng các chỉ tiêu sau: hiện giá thu nhập thuần, suất sinh lợi nội bộ, suất sinh lợi nội bộ hiệu chỉnh, thời gian hoàn vốn có chiết khấu, tỷ số lợi ích trên chi phí và điểm hòa vốn. Cần lưu ý rằng, mỗi một chỉ tiêu đều có ưu và nhược điểm nhất định; chính vì thế, việc kết hợp giữa chúng là cần thiết để đảm bảo mục tiêu của việc phân tích dự án đầu tư. Hiện giá thu nhập thuần của dự án được hiểu một cách đơn giản là hiện giá của dòng thu nhập trừ đi hiện giá vốn đầu tư. Dự án (độc lập) được chấp nhận khi chỉ tiêu này là số không âm. Trong trường hợp có nhiều dự án (loại trừ lẫn nhau) thì dự án nào có giá trị này dương và lớn nhất sẽ được chấp nhận; Suất thu hồi nội bộ có thể hiểu đơn giản là tỷ suất sinh lợi hòa vốn. Hay nói một cách khác, là suất chiết khấu mà tại đó hiện giá thu nhập thuần bằng không. Dự án (độc lập) được Đề cương hướng dẫn học tập môn thiết lập và thẩm định dự án đầu tư | 5
  6. chấp nhận khi suất chiết khấu nhỏ hơn hoặc bằng suất thu hồi nội bộ. Trong trường hợp có nhiều dự án (loại trừ lẫn nhau) thì dự án nào có suất thu hồi nội bộ lớn nhất và lớn hơn suất chiết khấu thì sẽ được chấp nhận; Suất thu hồi nội bộ hiệu chỉnh là suất chiết khấu làm cho giá trị tương lai của dòng chi bằng với giá trị tương lai của dòng thu nhập với suất chiết khấu tương ứng; Tỷ số lợi ích trên chi phí hay còn gọi là khả năng sinh lợi của dự án, phản ánh khả năng sinh lợi bằng cách so sánh giá trị hiện tại của dòng thu nhập với giá trị hiện tại của dòng chi; Thời gian hoàn vốn có chiết khấu hay còn gọi là kỳ hoàn vốn, là thời gian cần thiết để giá trị hiện tại của dòng thu bù đắp cho giá trị hiện tại của các dòng chi; Điểm hòa vốn là điểm mà tại đó tổng doanh thu bằng tổng chi phí (bao gồm biến phí và định phí). Tại điểm này thì dự án không bị lỗ cũng như không lời, đó là sự hòa vốn. Cần lưu ý rằng, điểm hòa vốn thường được sử dụng trong phân tích hoạt động kinh doanh và tính cho kỳ kinh doanh (năm). Tuy nhiên, thỉnh thoảng cũng được vận dụng để phân tích cho các dự án có vòng đời ngắn, dòng sản phẩm hoặc quy mô hàng năm tương đối ổn định. Vận dụng điểm hòa vốn để phân tích rủi ro hàm ý là so sánh điểm hòa vốn với kế hoạch hoạt động trong kỳ. Trên cơ sở đó, điểm hòa vốn càng thấp thì càng ít rủi ro Đánh giá dự án khi vòng đời không bằng nhau Việc lựa chọn các dự án đầu tư được thực hiện dựa vào các chỉ tiêu đánh giá và tính chất của dự án. Tuy nhiên, nếu các dự án có vòng đời không bằng nhau thì việc lựa chọn sẽ phức tạp hơn nhiều. Bởi vì, nếu chỉ đơn thuần là so sánh các chỉ tiêu thì đôi khi sẽ đưa ra quyết định sai lầm. Trong trường hợp này, thường sử dụng hai phương pháp; đó là: phương pháp thay thế và phương pháp chuỗi thu nhập bằng nhau. Cần lưu ý rằng, mỗi một phương pháp đều có ưu và nhược điểm nhất định. Do đó, tùy thuộc vào dự án mà nên sử dụng phương pháp thích hợp. 3. THỜI LƯỢNG: 12 tiết Đề cương hướng dẫn học tập môn thiết lập và thẩm định dự án đầu tư | 6
  7. CHƯƠNG IV SUẤT CHIẾT KHẤU TRONG THẨM ĐỊNH DỰ ÁN Để có thể tính được các chỉ tiêu đánh giá dự án đầu tư thì việc lựa chọn một suất chiết khấu là rất cần thiết. Nội dung chương này nhằm giới thiệu kỹ thuật để có thể lựa chọn một suất chiết khấu hợp lý nhằm có thể đánh giá chính xác hiệu quả tài chính của dự án. 1. MỤC TIÊU Sau khi học xong chương này, người học phải biết: − Ý nghĩa của suất chiết khấu trong thẩm định dự án đầu tư; − Phương pháp lựa chọn suất chiết khấu theo từng quan điểm đánh giá dự án đầu tư. 2. NỘI DUNG CHÍNH Suất chiết khấu Suất chiết khấu là một tỷ lệ phần trăm được sử dụng để quy đổi dòng tiền của dự án. Việc ước lượng suất chiết khấu thường được dựa vào ba căn cứ sau: chi phí sử dụng vốn, tỷ lệ rủi ro và lạm phát. Suất chiết khấu và quan điểm đánh giá dự án đầu tư Về mặt cơ bản có hai quan điểm đánh giá dự án, đó là quan điểm tông vốn và quan điểm vốn chủ sở hữu. Do đó, suất chiết khấu được sử dụng cũng hoàn toàn khác nhau. Trong trường hợp dự án được tài trợ bằng hai nguồn là vốn vay và vốn cổ phần thường. Khi đó, theo quan điểm tổng vốn thì suất chiết khấu sử dụng là chi phí sử dụng vốn bình quân. Chi phí sử dụng vốn bình quân là chi phí sử dụng vốn của dự án được tính theo tỷ trọng của các chi phí sử dụng vốn thành phần. Trong khi đó, theo quan điểm vốn chủ sở hữu thì suất chiết khấu được sử dụng là chi phí sử dụng vốn cổ phần thường khi có sử dụng nợ vay. 3. THỜI LƯỢNG: 3 tiết Đề cương hướng dẫn học tập môn thiết lập và thẩm định dự án đầu tư | 7
  8. CHƯƠNG V TÁC ĐỘNG CỦA LẠM PHÁT ĐẾN DỰ ÁN ĐẦU TƯ Lạm phát là khái niệm dùng để diễn tả sự gia tăng của giá cả hàng hóa và dịch vụ của thời điểm hiện hành so với thời điểm trước đó. Lạm phát là hiện tượng bình thường, luôn xuất hiện thường trực trong mọi nền kinh tế. Tuy nhiên, thật là sai lầm khi phân tích dự án đầu tư bỏ qua sự phân tích tác động của lạm phát. Bởi vì, hầu như lạm phát tác động tiêu cực đến kết quả của dự án. Hay nói một cách khác, lạm phát có thể làm cho dự án thành công hay thất bại. Có những dự án khi có lạm phát bằng không thì tốt, nhưng khi có lạm phát dương thì dự án trở nên không tốt. 1. MỤC TIÊU Sau khi học xong chương này, người học phải biết: − Phân biệt được giá danh nghĩa và giá thực; − Phân tích được tác động của lạm phát đến dự án thông qua suất chiết khấu và dòng tiền của dự án đầu tư. 2. NỘI DUNG CHÍNH Giá danh nghĩa và giá thực Giá danh nghĩa là mức giá có thể quan sát được trên thị trường tại mỗi thời điểm cụ thể hay còn gọi là giá hiện hành; Giá thực là mức giá danh nghĩa sau khi đã khử lạm phát. Tác động lạm phát đến suất chiết khấu Cần lưu ý rằng, sử dụng suất chiết khấu danh nghĩa để tính hiện giá của dòng ngân lưu danh nghĩa và sử dụng suất chiết khấu thực để tính hiện giá dòng ngân lưu thực (tức là dòng ngân lưu đã khử lạm phát). Và cuối cùng, kết quả là thống nhất. Tác động của lạm phát đến dòng ngân lưu Bên cạnh suất chiết khấu thì lạm phát cũng ảnh hưởng đến dòng ngân lưu của dự án. Nhìn chung, sự tác động này thể hiện ở hai góc độ, đó là tác động trực tiếp và tác động gián tiếp. Lạm phát tác động trực tiếp đến những thay đổi trong tài trợ đầu tư, cân đối tiền mặt, khoản phải thu và khoản phải trả; Tác động gián tiếp là tác động của lạm phát đến khoản thanh toán thuế thông qua khoản thanh toán lãi vay, khấu hao và giá vốn hàng bán. 3. THỜI LƯỢNG: 10 tiết Đề cương hướng dẫn học tập môn thiết lập và thẩm định dự án đầu tư | 8
  9. CHƯƠNG VI PHÂN TÍCH RỦI RO CỦA DỰ ÁN ĐẦU TƯ Theo quan điểm đầu tư thì rủi ro là không có được giá trị hiện giá thu nhập thuần và suất sinh lợi nội bộ như kỳ vọng. Rủi ro của dự án chính là sự không ổn định (không chắc chắn) của các biến dự đoán trong dự án đầu tư. Chính vì thế, việc nhận dạng và đo lường rủi ro trong phân tích dự án là rất cần thiết 1. MỤC TIÊU Sau khi học xong chương này, người học phải biết: − Lý do phân tích rủi ro − Quy trình phân tích rủi ro − Phương pháp phân tích rủi ro 2. NỘI DUNG CHÍNH Tại sao phải phân tích rủi ro Phân tích rủi ro đối với các dự án đầu tư đang nghiên cứu là một công việc rất cần thiết và quan trọng. Bởi vì các lý do sau: việc dự đoán dòng tiền khó tránh khỏi sai sót và những thay đổi không mong muốn; nhu cầu đo lường độ tin cậy của các kết quả phân tích ngân lưu cảu dự án; nhận dạng những khu vực dễ gặp rủi ro; loại bỏ bớt những dự án tồi và không để sót một dự án tốt. Quy trình phân tích rủi ro Việc phân tích rủi ro được thực hiện theo các bước sau: nhận dạng biến rủi ro và biến kết quả; ước lượng phạm vi thay đổi và mức độ không chính xác (dựa vào miền biến động và phân phối xác suất) của các biến rủi ro; phân tích và đánh giá tác động của biến rủi ro đến biến kết quả; tóm tắt và trình bày các kết quả cùng với những đề nghị. Phương pháp sử dụng Có hai phương pháp thường được sử dụng trong việc phân tích rủi ro, đó là phương pháp phân tích tất định (phân tích độ nhạy và phân tích tình huống) và phương pháp phân tích bất định (hay còn gọi là phân tích mô phỏng). Phân tích tất định là dựa trên kinh nghiệm, chủ quan đưa ra các tình huống dự kiến đối với các biến rủi ro nhằm xem xét sự biến đổi của một biến kết quả nào đó, phương pháp này còn gọi là phương pháp xem xét “what if – cái gì xảy ra, nếu ?”. Phân tích mô phỏng là phân tích xác suất hay bất định. Theo đó, giá trị của mỗi biến rủi ro xuất hiện theo một cách ngẫu nhiên; trên cơ sở đó, thì giá trị của biến kết quả sẽ được tính toán lại. 3. THỜI LƯỢNG: 5 tiết Đề cương hướng dẫn học tập môn thiết lập và thẩm định dự án đầu tư | 9
  10. IV. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Nguyễn Quốc Ấn, Phạm Thị Hà, Phan Thị Thu Hương, Nguyễn Quang Thu, Thiết lập và thẩm định dự án đầu tư, NXB Thống kê, 2008 2. Nguyễn Tấn Bình, Phân tích hoạt động doanh nghiệp, NXB Thống kê, 2005 3. Nguyễn Tấn Bình, Phân tích quản trị tài chính, NXB Thống kê 2009 4. Nguyễn Minh Kiều, Tài chính doanh nghiệp căn bản, NXB Thống kê, 2009 5. Nguyễn Quang Thu, Quản trị tài chính cơ bản, NXB Thống kê, 2005 6. Trần Ngọc Thơ (Chủ biên), Tài chính doanh nghiệp hiện đại, NXB Thống kê, 2005 7. Vũ Công Tuấn, Quản trị dự án – Thiết lập và thẩm định dự án đầu tư, NXB Thống kê, 2010 8. Glenn P.Jenkins và Arnold C.Herberger, Sách hướng dẫn phân tích chi phí và lợi ích cho các quyết định đầu tư (Bản dịch của Chương trình Fulbright Việt Nam) Đề cương hướng dẫn học tập môn thiết lập và thẩm định dự án đầu tư | 10
nguon tai.lieu . vn