Xem mẫu

  1. Danh từ tiếng Việt Lê Đình Tư 1. Danh từ riêng 1.1. Khái niệm Danh từ riêng - Danh từ riêng trong tiếng Việt là từ chỉ tên người, tên đất, tên cơ quan, tổ chức, tôn giáo, phong trào, tên gọi các thời đại, tên các loại sách báo và tên gọi những ngày lễ, tết trong năm. - Danh từ riêng có thể là từ thuần Việt, như: Bông, Cám, Tèo, Bột…, nhưng cũng có thể là tên Hán-Việt, như: Nguyệt, Trường, Dũng, Đông Kinh, Kinh Bắc…, hoặc là tên phiên âm từ các thứ tiếng Ấn-Âu, như: Hêlêna, Giôn, Ađam, Pari, Béclin. - Trước đây, các danh từ riêng Ấn-Âu thường được phiên âm qua tiếng Hán nhưng ngày nay, tiếng Việt áp dụng cách phiên âm trực tiếp từ nguyên ngữ hoặc từ một ngôn ngữ Ấn-Âu khác được sử dụng rộng rãi trên thế giới (ví dụ: tiếng Anh, tiếng Pháp). 1.2 Cách viết danh từ riêng - Cách viết tên người: + Tên người Việt Nam, Trung Quốc (đọc theo âm Hán-Việt) hoặc tên người nước
  2. khác được phiên âm qua tiếng Hán: Viết hoa tất cả các chữ đầu của âm tiết và không dùng dấu nối, Ví dụ: Trần Văn Tạo; Đinh Tiên Hoàng; Lý Bạch; Lỗ Tấn; Thành Cát Tư Hãn. + Tên người nước ngoài được phiên âm trực tiếp hoặc thông qua một ngôn ngữ Ấn-Âu khác: Hiện vẫn được viết theo hai cách: 1) Viết hoa chữ cái đầu của tên gọi, các âm tiết viết liền nhau và không có gạch nối, ví dụ: Frăngxoa; Ivan; Napôlêông, Ađam; 2) Viết hoa chữ cái đầu của tên gọi, các âm tiết viết cách nhau và giữa các âm tiết có gạch nối, ví dụ: Na-pô-lê-ông, Frăng-xoa, Oa-sinh-tơn, Huy-gô. Tuy nhiên, để có thể đạt được sự thống nhất trong việc dạy viết trong các trường học, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có quy định tạm thời về việc viết tên riêng trong sách giáo khoa, theo đó cách viết thứ hai được chọn sử dụng (tạm thời) làm cách viết chuẩn. - Cách viết tên địa lí: + Tên địa lí Việt Nam, Trung Quốc (đọc theo âm Hán-Việt) và tên địa lí của các nước khác phiên âm qua tiếng Hán: Viết hoa các chữ đầu của âm tiết và không dùng dấu nối. ví dụ: Sầm Sơn, Hạ Long, Bắc Kinh, Thụy Sĩ, Nhật Bản, Phần Lan. + Tên địa lí đọc theo âm Việt hoặc âm Hán-Việt có kèm theo từ chỉ phương hướng
  3. hay vị trí đã trở thành một bộ phận của tên gọi: Viết hoa tất cả các chữ cái đầu âm tiết, ví dụ: Đông Nam Á, Tây Âu, Bắc Mỹ, Bắc Triều Tiên, Đông Âu. + Tên các nước hoặc các vùng lãnh thổ và tên địa lí của các nước khác được phiên âm trực tiếp hoặc phiên âm qua một thứ tiếng Ấn-Âu khác: Hiện vẫn tồn tại hai cách viết: 1) Viết hoa chữ cái đầu và viết liền các âm tiết, giữa các âm tiết không có dấu gạch nối, ví dụ: Chilê, Braxin, Oasinhtơn, Mátxcơva, Tôkyô (Tokyo), và 2) Viết hoa chữ cái đầu và viết cách các âm tiết, giữa các âm tiết có dùng dấu gạch nối, ví dụ: Béc-lin, Pa-ri, Mát-xcơ-va, Tô-ky-ô. Cách viết thứ hai phù hợp với quy định tạm thời của Bộ Giáo dục và Đào tạo. - Cách viết quốc hiệu, tên cơ quan, tổ chức, phong trào: Hiện vẫn tồn tại hai cách viết: + Viết hoa chữ cái đầu của âm tiết đầu. Nếu trong quốc hiệu hoặc tên tổ chức hay cơ quan bao gồm tên riêng khác thì viết hoa tên riêng đó theo nguyên tắc đã nêu trên. Ví dụ: Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chính phủ Việt Nam; Quốc hội Hoa Kỳ; Đại học bách khoa. + Viết hoa chữ cái đầu của tất cả các từ tạo nên tên gọi, ví dụ: Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam; Trường Đại học Bách khoa Hà Nội; Bộ Giao thông Vận tải. Cách viết thứ hai phù hợp với quy định tạm thời của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
  4. - Cách viết tên các sách báo: Viết hoa chữ đầu của âm tiết thứ nhất, nếu có tên riêng thì viết hoa theo những nguyên tắc nêu trên, ví dụ: Việt sử học, báo Nhân dân, tạp chí Khảo cổ học, Hồ Chí Minh toàn tập. - Cách viết tên các ngày lễ, tết trong năm: Hiện vẫn được viết theo nguyên tắc sau: Viết hoa chữ cái đầu của âm tiết thứ nhất, ví dụ: tết Nguyên đán, tết Trung thu, tiết Đại hàn, tiết Lập xuân. Tuy nhiên, trong thực tế, cũng có nhiều người viết hoa chữ cái đầu của tất cả các âm tiết. [Xem thêm: QUY TẮC VIẾT TÊN RIÊNG TIẾNG VIỆT của BỘ Giáo dục và Đào tạo]
nguon tai.lieu . vn