Xem mẫu

  1. Đặc điểm từ vựng trong ca từ cải lương ThS Đỗ Dũng
  2. Trước nay, các tác giả kịch bản Cải lương cũng như những nhà nghiên cứu về Cải lương chỉ khảo sát về nguồn gốc và lịch sử phát triển, hình thức cấu trúc kịch bản, thủ pháp dàn dựng… chưa có công trình nào nghiên cứu về đặc điểm ngôn ngữ hoặc đặc điểm từ vựng trong ca từ Cải lương. Bài viết này, xem như bước đầu nghiên cứu một số vấn đề về đặc điểm từ vựng trong ca từ Cải lương; nhằm góp phần tôn vinh những thành tựu của các tác giả Cải lương tiền bối đã xây thành; và tạo tiền đề cho những công trình nghiên cứu sau này làm rõ vấn đề từ vựng trong ca từ Cải lương nói chung, cung cấp cho các tác giả kịch bản Cải lương sau này có vốn tri thức trong xây dựng ca từ; cũng nhằm góp phần gìn giữ sự trong sáng của tiếng Việt trong loại hình nghệ thuật truyền thống này. Vấn đề từ và từ vựng Muốn nhận diện từ và từ vựng không đơn giả chút nào, cho dù chỉ trong phạm vi ngôn ngữ tiếng Việt là loại hình ngôn ngữ đơn lập. Trong các loại ca từ
  3. như ca khúc, dân ca, hát ru, Vọng cổ, kịch hát dân tộc…; từ và tiếng lại càng nhọc nhằn cho sự xác định ranh giới hơn, nếu không tìm thấy đặc điểm của chúng. Từ là một đơn vị ngôn ngữ có tổng thể hữu cơ, có tính toàn khối chuyên biểu thị thực tế khách quan, bao gồm các đặc trưng về ngữ âm, các thuộc tính ngữ nghĩa và ngữ pháp, có thể tồn tại tách rời nhau và được tái hiện trong các lời nói khác nhau; là đơn vị lớn nhất trong hệ thống ngôn ngữ: chứa đựng trong lòng nó những đơn vị của các cấp độ dưới nó; là đơn vị có sẵn, cố định, bắt buộc (có tính chất xã hội); là đơn vị nhỏ nhất trong hệ thống ngôn ngữ: độc lập về ý nghĩa và hình thức, tạo nên các đơn vị cú pháp: cụm từ và câu [13, 394]. Từ vựng được hiểu, là một tập hợp tất cả các từ và đơn vị tương đương với từ trong ngôn ngữ. Đơn vị tương đương với từ là những cụm từ cố định, cái mà người ta vẫn hay gọi là các thành ngữ, quán ngữ, như: Tốt gỗ hơn tốt sơn, Chứng nào tật nấy, Đẹp mặt nở mày… Trong cấu tạo ca từ của Cải lương, từ ngữ và âm nhạc là hai thành phần cơ bản nhất; hai thành phần này luôn có quan hệ gắn bó với nhau để tạo thành một sản phẩm âm thanh trọn vẹn, cả về mặt nội dung và hình thức. Đó là sự tương đồng về mặt âm thanh của từ và âm thanh của nhạc. Nói khác đi, ca từ Cải lương được hình thành từ từ ngữ và âm nhạc, chúng có chung một âm thanh. Ví dụ: tình, người, đời, trời, thời… là những vỏ ngữ âm tương đồng với vỏ âm thanh của nhạc: hò, xề, xàng, xừ, cồng… của nhạc Cải lương Phân loại từ xét theo kiểu cấu tạo từ trong ca từ Cải lương - Từ đơn (simple word) Từ đơn là từ chỉ có một hình vị chính tố tạo nên. Nói rõ hơn, từ đơn là từ chỉ có cấu tạo bằng một hình vị. Ví dụ: tôi, nhà, hoa, vui, buồn, gà, ngựa, đi, chạy,
  4. đẹp, vì, nếu, đã…; mà từ đơn trong tiếng Việt thông thường tương đương với một âm tiết. Từ đơn trong ca từ Cải lương xuất hiện đều khắp ở các thể điệu trong kịch bản. Ngoài những đặc điểm về nghĩa; vai trò của từ đơn rất quan trọng đối với ca từ Cải lương, không chỉ với tư cách là một từ có khả năng hoạt động độc lập, mà còn có chức năng làm chuẩn cho các loại nhịp ở các thể điệu của ca từ. Sự quan trọng của nó gần như bao hàm một chức năng tổng hợp của một đơn vị ca từ, vừa thực hiện chức năng một đơn vị của ngôn ngữ, lại vừa hiện thực hóa một đơn vị ca từ trong cấu trúc các thể điệu của âm nhạc Cải lương. Bên cạnh đó, nó còn có nét khu biệt trong âm nhạc, đó là đóng vai trò làm âm giai; và chính âm giai này là tín hiệu cho người biểu đạt ca từ làm chuẩn hơi điệu.Ví dụ, từ “nay” có khả năng làm âm giai ở các thể điệu: Lưu thủy trường, Tây Thi, Nam Ai, Phụng hoàng, Văn Thiên Tường…; từ “đời” có thể làm âm giai ở: Vọng cổ, Xang xừ líu, Xàng xê, Lưu thủy trường… Từ đơn trong ca từ Cải lương có chức năng làm chuẩn cho các loại nhịp: 2, 4, 8, 16, 32; có nghĩa là mỗi loại nhịp, khuôn nhịp, câu nhịp ở các thể điệu thì hầu hết từ đơn biểu thị ở nhịp chính. Ví dụ: Văn Thiên Tường - lớp 1(nhịp 8) Từ tám tháng nay, một bóng lẻ loi,
  5. Bâng khuâng hồn mộng luống tỉnh say, Chớ cô chỉ ở trong cảnh của tôi, Thì cô cũng ứa lệ châu mày, Nằm mà đợi tin nhau mòn mỏi tháng lại ngày. Tôi nào có tội tình gì, mà đày đoạ tôi cho cam… ( NSND Nguyễn Thành Châu. Kịch bản Vợ và tình) Trong thể điệu Văn Thiên Tường trên, từ “nay” là âm giai, còn các từ đơn khác (in đậm) là từ đơn làm chuẩn mỗi nhịp trong lòng câu và lòng bản. Như vậy, rõ ràng là từ đơn của một đơn vị ca từ có chức năng rộng và vai trò của chúng quan trọng trong ca từ Cải lương. - Từ ghép (compound word) Từ ghép là sự kết hợp của hai hoặc hơn hai chính tố. Cũng có thể nói gọn, từ ghép là từ chứa hai tiếng hoặc hơn hai từ tố. Nói cách khác, từ ghép là một tổ hợp ghép các tiếng lại, mà giữa các tiếng đó có quan hệ với nhau về nghĩa. Căn cứ tính chất này, từ ghép tiếng Việt có thể phân loại như sau: + Từ ghép đẳng lập là những từ ghép mà giữa hai từ tố có quan hệ đẳng lập. Vì mỗi từ đơn đều có nghĩa độc lập, không một từ nào lệ thuộc từ nào. Từ ghép đẳng lập trong ca từ cũng khá phổ biến trong các thể điệu Cải lương. Ngoài đặc điểm về chức năng của một đơn vị ca từ như từ đơn, nó khu biệt với từ đơn ở chỗ, nó có thể hoán vị âm tiết của nó để thích hợp với nốt nhạc chính
  6. nhịp khi thích hợp. Ví dụ, từ “nhớ thương” có thể đổi thành “thương nhớ”; “bom đạn” đổi thành “đạn bom”; “nhà cửa” đổi thành “cửa nhà”… + Từ ghép chính phụ là những từ ghép mà giữa hai từ tố có quan hệ chính phụ. Phần lớn là từ hai tiếng. Chúng được cấu tạo bằng một yếu tố chính và một yếu tố phụ, và mỗi yếu tố là một tiếng. Theo quy tắc chung, tiếng chính đặt trước và tiếng phụ đặt sau. Ví dụ: nhà máy, làm mướn, cây dừa, máy cày… Từ ghép chính phụ trong ca từ Cải lương, tuy yếu tố chính đặt trước và yếu tố phụ đặt sau; nhưng yếu tố phụ của từ ghép loại này lại là âm tiết của nhịp chính, vì yếu tố phụ kết thúc từ ghép, chính là yếu tố phụ đó rơi ngay nhịp. Ví dụ: Mẫu tầm tử Ôi thôi, cuộc đời của nó rất đổi thương tâm Ít người trải qua chưa kịp hiển vinh Sự nghiệp tan tành, thương cho nó chưa tròn lứa đôi Đã bỏ mình duyên phận dỡ dang Uổng công nó khổ cực đi thi Thương lòng ngay dạ thẳng chẳng biết chi Nên bạn bè hãm hại chẳng có hề chi Và nghe anh ấy có một dạo đui mù Ôi thôi, chuyện này thì hỏi vợ nó thì rõ hơn.
  7. (Ngọc Cung. Kịch bản Kiều Nguyệt Nga) - Từ láy (reduplicative word) Từ láy là những từ cấu tạo do phương thức láy tác động vào một số hình vị cơ sở làm xuất hiện một hình vị thứ sinh được gọi là hình vị láy. - Từ láy hoàn toàn, như: chuồn chuồn, rần rần, rộ rộ… - Từ láy bộ phận, như: hổn hển, lưa thưa, lộn xộn… Trong Cải lương, ca từ ở loại từ láy cũng xuất hiện rải rác ở các thể điệu, nhưng số lượng không nhiều như từ đơn và từ ghép. Chúng tôi đã khảo sát ở nhiều thể điệu cũng như bài Vọng cổ, dưới đây là một câu Vọng cổ có số lượng từ láy khá tiêu biểu. Vọng cổ - câu 1 Mẹ ơi! Phận cút côi tháng năm tưởng đời quên lãng, nhưng nhờ ơn Đảng cứu sống đời con trong đêm tối kinh… hoàng. Con sợ bóng đêm đói lạnh cơ hàn. Cha thì còng lưng cuốc mướn, còn mẹ thì ngập mình ở dưới đồng sâu, cho đến khi cúm núm kêu chiều, đàn chim muôn vội vàng về tổ ấm. Những đứa con khờ láo nháo chờ trông, nhưng mẹ vẫn chưa về khi màn đêm giăng đầy bóng tối. (Trọng Nguyễn. Vọng cổ Ơn Đảng) Các lớp từ vựng trong ca từ Cải lương
  8. - Các từ ngữ Hán - Việt Theo Nguyễn Công Đức và Nguyễn Hữu Chương (2004), tiếng Việt chịu sự chi phối của tiếng Hán. Từ buổi đầu, tổ tiên người Việt ở miền Bắc nước ta đã có quan hệ với cư dân Hán cổ, cho đến các cuộc đô hộ của các triều đại phong kiến nhà Hán. Có thể tính từ cuộc xâm lược Âu Lạc của Triệu Đà (179 - 111 tr. CN), đặt nền đô hộ ở Cửu Chân, Giao Chỉ; cuộc khởi nghĩa của Hai bà Trưng (40 - 43) chống quân Nam Hán; họ Khúc dấy nghiệp chống nhà Hán (905); Ngô Quyền đại thắng quân Nam Hán (938)… Đó là hoàn cảnh dẫn đến sự du nhập của các từ ngữ gốc Hán, nhưng sự tiếp xúc giữa ngôn ngữ bản địa và tiếng Hán không hoàn toàn thuần nhất, mà từng thời kỳ lịch sử có tác dụng quyết định riêng. Vì thế, các từ ngữ gốc Hán đã có trong tiếng Việt đại loại như: Hán cổ, Hán - Việt, Hán - Việt Việt hoá. Lí do ca từ Cải lương vẫn thường sử dụng từ Hán - Việt với số lượng khá nhiều, là vì tính chất trang trọng của nó, nhất là trong những tuồng tích cổ sử, dã sử, cổ trang. Ví dụ: bẩm đại quan, bẩm ngài, bạch thầy, thần xin tấu cùng bệ hạ, kính trình thượng quan, thiên triều, bệ hạ, thiên tử, thượng quan, hạ thần, trẫm, khanh, hạ dân… Trong một vở Cải lương đề tài lịch sử, chỉ ở một thể điệu mà có khoảng gần 50 % số lượng từ là gốc Hán. Đảo ngũ cung Triều trung, dập đầu kêu oan trước bệ rồng Để mong thấy được phúc hồng Ban đến người dân đen Nhưng nào ngờ đâu
  9. Những nỗi oan khúc đoạn trường Của muôn vạn dân lành Sao triều đình đều mắt lấp Được phân minh Rõ ràng hai nẻo chánh tà Nên chọn trong văn võ quần thần Chuẩn phê cử ra một thẩm phán Điều tra cho ra lẽ Ai là thủ phạm ai là kẻ vu oan Sẽ chịu tội trước triều đình Bị hình luật nghiêm minh. (Thanh Tao – Thanh Bạch. Kịch bản Tô Hiến Thành xử án) - Các từ ngữ gốc Ấn Âu Tiếng Pháp là ngôn ngữ thứ hai du nhập vào Việt Nam đứng sau tiếng Hán. Nhưng trong Cải lương, vài vở diễn chỉ dùng trong lời hội thoại, chứ không xây dựng ca từ. Bởi vì, đặc điểm ca từ Cải lương là phải những từ ngữ mang thanh điệu; còn các từ ngữ gốc Ấn Âu không mang thanh điệu nên không thể xây dựng ca từ Cải lương. Mặt khác, chúng là loại ngôn ngữ biến hình nên không ổn định về nghĩa.
  10. - Từ toàn dân Ngôn ngữ toàn dân được hiểu là, người của một dân tộc được sử dụng trong mọi tầng lớp nhân dân, khắp mọi nơi trên lãnh thổ dân tộc này cư trú trong suốt quá trình lịch sử tồn tại của dân tộc. Ngôn ngữ toàn dân mang tính chất nhất quán ở cả ba chiều: thời gian, không gian và xã hội. Từ toàn dân như vậy chính là lớp từ được toàn dân hiểu và sử dụng [8, tr. 168]. Trong ca từ Cải lương số lượng từ phổ biến nhất được sử dụng cũng là từ toàn dân. - Phương ngữ và thổ ngữ Theo Hoàng Thị Châu trong “Phương ngữ học tiếng Việt” (2004): Phương ngữ là một thuật ngữ ngôn ngữ học để chỉ sự biểu hiện của ngôn ngữ toàn dân ở một địa phương cụ thể với những nét khác biệt của nó so với ngôn ngữ toàn dân hay với một phương ngữ khác [6, tr. 29]. Còn thổ ngữ là biến thể địa phương của ngôn ngữ ở từng vùng nhỏ như: thôn, sóc, bản. Nó xuất hiện từ rất lâu đời và phát triển theo tiến trình lịch sử dân tộc. Ca từ Cải lương chủ yếu sử dụng phương ngữ Nam Bộ với những đặc trưng riêng về phát âm và từ vựng (cú pháp không thay đ ổi nhiều lắm so với ngôn ngữ văn hoá). Quan sát ở thể điệu sau: Sơn đông hướng mã Thiệt ngán ngẩm… bà giấu tui Bằng lòng cho nó theo trai
  11. Tui sầu đau bà cũng lặng thinh Mầy nói gì vậy? Đồ mắc dịch Tối ngày say lè nhè Nhìn nó khổ, tao không đành Bà xúi biểu nó bỏ tui Ông trời ngó xuống mà coi Mẹ chồng cho nàng dâu mình lấy trai Mầy lớn giọng coi chừng bị nhục Uống rượu như hủ chìm Mà đòi vợ nó chung tình. (Ngọc Linh. Kịch bản Vùng đất yêu thương) Chúng tôi đã khảo sát nhiều kịch bản Cải lương cho thấy, chỉ có những kịch bản đề tài xã hội thì các tác giả mới dùng từ địa phương với phong cách khẩu ngữ. Còn ở thể điệu Vọng cổ rất hạn chế sử dụng từ địa phương, bởi văn phong của Vọng cổ thường được các tác giả trau chuốt và chắc lọc từ ngữ hơn; hầu hết ca từ Vọng cổ là từ toàn dân. Biết rằng, loại hình ca kịch Cải lương là đặc trưng nghệ thuật truyền thống và nó sinh ra ở Nam bộ, nhưng vốn là loại hình nghệ thuật tổng hợp và từ lâu nó đã trở thành là loại hình Sân khấu ca kịch của cả nước, nên ca từ của nó cơ bản nhất vẫn là từ toàn dân. Vì lẽ, sự kiện kịch và bản chất các nhân vật kịch không dừng lại ở phạm vi Nam bộ, mà các sự kiện kịch tiêu biểu cho nhiều
  12. vùng miền, nhân vật thì có nhiều mẫu số chung trong mọi tầng lớp xã hội, nên các nhân vật kịch có đời sống rất phong phú và đa dạng. - Tiếng lóng Tiếng lóng là một biến thể đặc thù của ngôn ngữ được sử dụng trong một nhóm xã hội có giá trị nhất định trong nhóm. Ví dụ: chết/dai/ngủm, đi/biến/vọt, bắt/dọn/ẵm/hốt, ăn/tém/dứt, giết/xử/luộc… Tiếng lóng chỉ xuất hiện rải rác trong một ít kịch bản Cải lương về đề tài tâm lý xã hội, nhưng chỉ dưới dạng phát ngôn trong hội thoại, các tác giả không xây dựng thành ca từ. Bởi nó không phổ biến trong giao tiếp của cộng đồng. Mặt khác, tiếng lóng là những từ ngữ không mang tính nghệ thuật. - Từ nghề nghiệp Từ nghề nghiệp là những từ biểu thị các hoạt động, công cụ, sản phẩm… của một nghề thủ công nào đó trong xã hội. Nó chủ yếu được dùng trong khẩu ngữ. Ví dụ, trong Cải lương có những từ nghề nghiệp như: Màn, cảnh, lớp, đào, kép, mụ, lão, dàn bao, tầm bo, hậu đài, tiền đài, quân báo…; nghề thợ mộc có các từ như: bào thẩm, bào trường, cưa lộng, cưa cá mập…; nghề xây dựng như: bay, giàn giáo, móng, nền, đổ tấm, chạy chỉ… Trong ca từ Cải lương, từ nghề nghiệp xuất hiện khi chúng được gắn liền với các hoạt động nghề nghiệp của nhân vật kịch để phù hợp với kịch tính và hành động của nhân vật kịch. Tuy nhiên, từ nghề nghiệp xuất hiện trong ca từ Cải lương không nhiều, vì đặc điểm của chúng hầu hết khó đồng âm với nốt nhạc; và ca từ thông thường các tác giả hay trau chuốt cho bóng bẩy, mượt mà… như ca từ: bào, đục, cưa (nghề mộc)…; kép, mụ, hề (Cải lương)… rất khó đưa vào ca từ cho phù hợp. Ví dụ:
  13. Vọng cổ - câu 2 Biên giới đêm nay sương giăng phủ lối, gió lạnh ngoài kia nhưng không lạnh lòng người. Người chiến sĩ giữ biên cương luôn vẫn tươi cười. Anh yêu em, như em yêu từng trang giáo án, ngày qua ngày bên đàn em nhỏ thân yêu. Anh biết em yêu nghề là theo truyền thống của cha, một đời bụi phấn mà thầy chưa ngơi nghỉ. Nơi chốt tiền tiêu, anh ngày đêm tay súng để cùng thi đua giữa tiền tuyến với hậu phương… (Đỗ Dũng. Kịch bản Bản tình ca màu xanh) Các loại kết cấu cố định - Tục ngữ, là một kết cấu cố định, truyền đạt nội dung kinh nghiệm về đời sống, kinh nghiệm về xã hội, lịch sử của nhân dân lao động. Đặc điểm của tục ngữ phải là câu có mang tính thông tin (khác với thành ngữ không tròn câu và không manh tính thông tin). Trong ca từ Cải lương, các tác giả hạn chế sử dụng tục ngữ, họ chỉ sử dụng trong lời thoại, vì các từ trong tục ngữ cố định nên hầu hết chúng không trùng khớp với âm của nhạc; vì chữ nhạc trong các thể điệu cũng mang tính cố định. - Thành ngữ, là những tổ hợp từ có tính vững chắc về cấu tạo và tính hình tượng về ý nghĩa hay tính bóng bẩy về ý nghĩa, dùng để miêu tả một hình ảnh, hiện tượng, một tính cách hay trạng thái nào đó. Đối với ca từ Cải lương, thành ngữ xuất hiện cũng rất cũng hạn chế; vì từ và nghĩa cố định cũng như tục ngữ nên thanh điệu khó trùng hợp với âm của nhạc. So sánh hệ thống của ca từ Cải lương
  14. Từ (lời) nhạc (âm) = Từ trong văn bản Âm trong các điệu thức = Từ trong đoạn văn bản Âm trong các thể điệu = Từ trong câu Âm trong câu của thể điệu = Từ trong ngữ đoạn Âm trong một khuôn nhạc = Từ trong từ vựng Âm trong một nhịp của nhạc = Từ là từ đơn Âm của một chữ nhạc (nốt nhạc) = Từ ghép Âm của 2 hoặc 3 của chữ nhạc = (âm biến hoá). KẾT LUẬN Đặc điểm từ vựng của ca từ Cải lương, chúng tôi đã nghiên cứu phân loại xét theo kiểu cấu tạo và phân loại theo lớp từ vựng bằng các phương pháp lí luận, so sánh, phân tích, và miêu tả. Căn cứ vào nguyên lý ngôn ngữ học và âm nhạc học nói chung, đã giải quyết cơ bản một số vấn đề về những đặc điểm từ vựng trong ca từ Cải lương. Kết quả nghiên cứu cho thấy, vai trò của từ vựng rất quan trọng trong loại hình nghệ thuật Cải lương, từ vựng chi phối toàn bộ trong kịch bản văn học, và sự hiện diện của chúng có tính chất quyết định giá trị thẩm m ỹ của ca từ cả nội dung tư tưởng lẫn hình thức nghệ thuật. Qua đó, chúng tôi đã ghi nhận sự đóng góp đáng kể của các tác giả kịch bản Cải lương vào loại hình ca kịch truyền thống của dân tộc.
  15. Nhờ kết quả nghiên cứu, chúng tôi đã rút ra và đúc kết so sánh hệ thống của ca từ Cải lương, tạo thành văn bản bảo lưu làm cơ sở lí luận sau này. Đây là vấn đề mới được phát hiện trong nghệ thuật Cải lương. Qua đó, sẽ là tiền đề và kích thích những công trình sau nghiên cứu sâu hơn; nhằm thúc đẩy và giúp cho các tác giả Cải lương sáng tạo ca từ chuẩn xác hơn, các nghệ sĩ biểu đạt ca từ ngày càng nâng cao sự trong sáng của tiếng Việt nói chung và giá trị nghệ thuật ca kịch dân tộc nói riêng. TÀI LIỆU THAM KHẢO I. Tài liệu tiếng Việt A. Aristote (dịch), Nghệ thuật thi ca (1964), Văn hoá nghệ thuật, 1. Hà Nội. 2. Trần Bảng (1989), Sân khấu Pháp với nghệ thuật kịch hát dân tộc Việt Nam, Tạp chí sân khấu VN, Hà Nội (1 và 2).
  16. 3. Trần Bảng (1972), Phát huy truyền thống trong kịch hát dân tộc - phấn đấu cho một nền sân khấu hiện thực xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Viện nghệ thuật, Bộ Văn hoá. 4. Đỗ Hữu Châu (1998), Cơ sở ngữ nghĩa học từ vựng, Giáo dục, Hà Nội. 5. Đỗ Hữu Châu - Bùi Minh Toán (2002), Đại cương ngôn ngữ học, (tập 1 và 2), Giáo dục, Hà Nội. 6. Hoàng Thị Châu (2009), Phương ngữ tiếng Việt, ĐHQG Hà Nội. 7. Mai Ngọc Chừ - Vũ Đức Nghiệu - Hoàng Trọng Phiến (2006), Cơ sở Ngôn ngữ học và tiếng Việt, Giáo dục, Hà Nội. 8. Nguyễn Đức Dân - Hồng Vân - Nguyễn Hàm Dương - Nguyễn Công Đức (2003), Dẫn luận ngôn ngữ học, Trường ĐHKHXH&NV – Tp HCM. 9. Đỗ Dũng (2003), Sân khấu cải lương Nam bộ, Trẻ, Tp HCM. 10. Đỗ Dũng (2007), Âm nhạc cải lương, Sân khấu, Hà Nội. 11. Nguyễn Công Đức – Nguyễn Hữu Chương (2004), Từ vựng tiếng Việt, Trường ĐHKHXH & NV – Tp HCM.
  17. 12. Nguyễn Thiện Giáp (1985), Từ vựng học tiếng Việt, Đại Học & THCN, Hà Nội. 13. Mai Thị Kiều Phượng (2009), Ngôn ngữ học đại cương, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội. 14. Vũ Nhật Thanh (1998), Thang âm nhạc cải lương – tài tử, Hội Âm nhạc Hà Nội. 15. Cù Đình Tú (2001), Phong cách học và đặc điểm tu từ tiếng Việt, Giáo dục, Hà Nội. 16. Hồ Xuân Tuyên (2008), Một số phương thức định danh trong phương ngữ Nam bộ, NN số 8.
nguon tai.lieu . vn