Xem mẫu

  1. Những bào thơ xuân của Bác Hồ 40 năm về trước T.s. Chu Đức Tính Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh Thơ Xuân là một phần "đặc biệt” trong thơ của Bác Hồ. Đặc biệt bởi lời thơ ngắn gọn, ngôn từ và cách diễn đạt dễ hiểu như lời Người tâm sự, đó là: Mấy lời thân ái nôm na, Vừa là kêu gọi, vừa là mừng xuân. Đặc biệt bởi lối viết nôm na, kêu gọi ấy, trong mỗi câu, mỗi bài đều chan chứa ý thơ, tràn đầy sắc xuân, vừa độc đáo, hào hùng, vừa ấm áp thương yêu. Hơn thế, đó không chỉ vì thơ, vì Tết, vì xuân, mà là truyền thống của dân tộc, là tình cảm, là tấm lòng, là món quà đầu năm mới Người gửi tặng đồng bào và chiến sĩ cả nước, là những định hướng chiến lược, là những lời đúc kết, đánh giá những thắng lợi trong năm qua và đề ra phương hướng nhiệm vụ của năm tới, là những lời động viên, cổ vũ toàn dân tộc cùng nhau đoàn kết một lòng, vững bước tiến lên trong đấu tranh cách mạng, trong lao động và sáng tạo để xây dựng quê hương, đất nước... Xuân này, chúng ta kỷ niệm bốn mươi xuân - Xuân Bác Hồ viết nhiều thơ xuân nhất (1968 -2008). Điều đặc biệt là chùm thơ xuân ngày ấy (gồm 6 bài) được viết ở những thời khắc khác nhau, với những nội dung và cách biểu đạt khác nhau, nhưng tất cả đều khởi nguồn từ niềm tin và niềm vui chiến thắng của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu thân 1968. Có thể nói, đây là một trong những thời điểm đặc biệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta, thời điểm mà sự vươn lên của mỗi con người, mỗi chiến công, mỗi khoảng đất của Tổ quốc, mỗi bước đi của thời gian đang dần trở thành lịch sử, thành hùng văn về chủ nghĩa anh hùng cách mạng của dân tộc Việt Nam.
  2. Tháng 12-1967, Hội nghị Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá III họp dưới sự chủ toạ của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trên cơ sở phân tích tình hình trong nước và thế giới, đã quyết định mở đợt Tổng tiến công và nổi dây Tết Mậu Thân (1968). Tinh thần và quyết tâm của Bộ Chính trị chuyển cuộc chiến tranh cách mạng của nhân dân ta ở miền Nam sang một thời kỳ mới, thời kỳ tiến công và nổi dậy giành thắng lợi quyết định được Chủ tịch Hồ Chí Minh truyền tới đồng bào và chiến sĩ cả nước qua thư Chúc mừng năm mới, ngày 1 thăng 1 năm 1968. Sau khi điểm lại những thắng lợi của quân và dân ta ở cả hai miền Nam - Bắc trong năm 1967, Người chỉ rõ "Sang năm nay, bọn Mỹ xâm lược ngày càng bị động, càng lúng túng, quân và dân ta thừa thắng xông lên, nhất định giành được nhiều thắng lơi to lớn hơn nữa”. Cuối thư, Người chúc đồng bào và chiến sĩ cả nước bằng bằng những vần thơ xuân quen thuộc: "Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua, Thắng trận tin vui khắp nước nhà. Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ, Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta!" Thật tài tình! Chỉ với một bài thơ thất ngôn tứ tuyệt, vừa ngắn gọn, dễ hiểu, Bác Hồ đã cho chúng ta cả một bài ca chiến thắng, một dự đoán thiên tài về sự tất thắng của quân và dân ta trong trận đánh lịch sử mừng xuân này. Điệp khúc “thắng trận”, “toàn thắng" vừa động viên khích lệ, vừa thôi thúc lòng người, dục giã mỗi bước chúng ta đi. Ở câu cuối, sự đột ngột ngắt câu, chuyển dòng, lời thơ như một mệnh lệnh để cả dân tộc muôn người như một, cùng hăng hái tiến lên, quyết tâm
  3. đánh thắng giặc Mỹ xâm lược... Vâng lời Bác, toàn dân ta đã cùng lên đường ra trận, quyết chiến đấu và chiến thắng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã theo dõi sát và động viên kịp thời từng chiến công của quân và dân ta trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy giữa mùa xuân ấy. Đặc biệt ở Huế, ngay từ đêm 31-1-1968, quân và dân ta đã anh dũng chiến đấu, đồng loạt tiến công vào 40 mục tiêu địch trong nội và ngoại thành phố Huế, thành lập chính quyền cách mạng ở nhiều nơi... Ngay trong những ngày sôi động ấy, Người đã gửi thư khen thành tích chiến đấu của quân và dân Huế đánh giỏi, công tác giỏi, thu được nhiều thắng lợi. Khi được tin, tiểu đội nữ du kích thôn Vân Thê, xã Thanh Thuỷ, huyện Hương Thuỷ - trong Tổng tiến công Xuân Mậu Thân được giao nhiệm vụ bảo vệ Sở chỉ huy cánh Nam, tham gia chuyển thương binh và tiếp đạn - khi địch chuyển sang phản kích giải vây Huế, đã xin được trang bị vũ khí, tiếp tục chiến đấu và đã chiến đấu vô cùng anh dũng cảm, đẩy lui nhiều đợt phản kích của địch, Bác Hồ đã gửi thư khen và tặng 11cô gái sông Hương bài thơ: "Dõng dạc tay cầm khẩu súng trường, Khôn ngoan dàn trận khắp trong phường. Bác khen các cháu dân quân gái, Đánh giặc Hoa Kỳ phải nát xương". Chiến công nối tiếp chiến công. Tin thắng trận từ khắp các chiến trường miền Nam dồn dập báo về chính là những bông hoa thơm dâng Bác, làm xúc động lòng Người. Và, giữa mùa xuân chiến thắng ấy, Người đã mượn cái cớ đã lâu không làm thơ, đọc cho đồng chí thư ký chép bài thơ "Không đề” với vần "thắng" bất ngờ và thú vị, gửi một đồng chí Uỷ viên Trung ương Đảng: "Đã lâu chưa làm bài thơ nào,
  4. Đến nay thử làm xem ra sao. Lục mãi giấy tờ vẫn chưa thấy, Bỗng nghe vần thắng vút lên cao". Bài thơ đã nhanh chóng lan xa và làm xúc đ ộng lòng người. Nhà thơ Chế Lan Viên đã kể về niềm sung sướng, hạnh phúc khi được nghe bài thơ xuân "độc đáo” này: "Tôi nhớ lại một cuộc họp ở Pari năm 1968, khi bộ trưởng Hoàng Minh Giám trong diễn văn của mình đã đọc một bài thơ tứ tuyệt của Bác thì cả hội trường trí thức Pháp đã vỗ tay và đứng dậy. Hàng trăm Việt kiều và chúng tôi lúc ấy đã ràn rụa nước mắt. Tự hào và sung sướng cho dân tộc ta biết nhường nào...". Tin thắng lợi của cuộc tiến công và nổi dây đồng loạt của quân và dân ta trên khắp các chiến trường miền Nam càng khẳng định sức mạnh lớn của quân dân ta trong những thử thách vô cùng quyết liệt của cuộc chiến đấu có một không hai này. Còn có công việc nào trọng đại hơn công việc đánh giặc giữ nước và niềm vui nào lớn hơn niềm vui thắng trận. Giữa xuân này, Bác viết bài thơ bằng chữ Hán "Mậu Thân Xuân tiết" (Tết Mậu Thân): "Tháng tư hoa nở một vườn đây, Tía tía, hồng hồng đua sắc tươi. Chim trắng xuống hồ tìm bắt cá, Hoàng oanh vút tận trời. Trên trời mây đến rồi đi, Miền Nam thắng trận báo về tin vui".
  5. Hoà cùng niềm vui chiến thắng chung của dân tộc trong mùa xuân chiến thắng ấy, Bác Hồ cũng góp thêm một "chiến công" thầm lặng của mình. Đó là, từ năm 1966, khi sức khoẻ của Bác Hồ đã suy giảm nhiều so với những năm trước, thấy Người ho nhiều, để giữ gìn sức khoẻ cho Người, các bác sĩ đã đề nghị “hai chớ” (chớ hút thuốc, chớ uống rượu). Về chuyện này, theo lời kể của đồng chí Vũ Kỳ, Bác Hồ tâm sự, nếu bỏ được thì tốt, nhưng vì Bác đã hút thuốc lá đã nhiều năm, nên đó là một việc không dễ, và Người đề nghị: các chú phải giúp Bác bỏ tật xấu này. Sau đó, Bác Hồ định ra kế hoạch bỏ thuốc lá, rồi nghiêm túc thực hiện. Người giao thuốc cho đồng chí giúp việc quản lý, mỗi ngày chỉ hút ba lần và hút giảm dần: tuần đầu mỗi lần hút 2/3 điếu, tuần thứ hai hút 1/2 điếu, tuần thứ ba hút 1/3 điếu, tuần thứ tư chỉ một vài hơi. Người bỏ luôn cả cà phê sáng và nhờ đồng chí thư ký uống hộ. Người bảo: cà phê ngon, nhưng uống thì Bác lại nhớ thuốc lá. Khi bỏ thuốc, Người cũng thôi uống rượu. Vui niềm vui của riêng mình, giữa mùa xuân chiến thắng ấy, Bác Hồ đã "tự mình đề thơ làm chứng" về quá trình rèn luyện này. Đó là bài Nhị vật bằng chữ Hán: "Thuốc không, rượu chẳng có mừng xuân, Dễ khiến thi nhân hoá tục nhân, Trong mộng thuốc thơm và rượu ngọt, Tỉnh ra thêm phấn chấn tinh thần" . Từ bỏ một thói quen đã lâu năm mà nỗi nhớ đi cả vào trong mộng thì quả là bỏ không phải là điều dễ dàng. Nhưng, Người đã quyết tâm và thực hiện thành công. Đó là kết quả của ý chí và sự kiên trì. Và niềm vui phấn chấn tinh thần ấy lại được Người viết tiếp trong bài thơ "Vô đề” bằng chữ Hán:
  6. "Thuốc kiêng, rượu cữ đã ba năm, Không bệnh là tiên sướng tuyệt trần. Mừng thấy miền Nam luôn thắng lớn, Một năm là cả bốn mùa xuân" . Xuân này, đọc lại những vần thơ xuân của Bác Hồ 40 xuân trước càng thấy rõ hơn những lời tâm tình trong thơ Bác vừa tràn ngập sắc xuân, vừa toát lên tinh thần lạc quan, khoẻ khoắn của một ý chí lớn: ý chí cách mạng tiến công. Tinh thần ấy, ý chí ấy đã giúp Người vượt lên những hạn chế của tuổi tác, giữ được sự hài hoà giữa vật chất và tinh thần, chan hoà và gắn bó làm một với phong trào cách mạng, với cuộc sống mới đang dựng xây và phát triến của non sông đất nước. Vui đón Xuân về, đọc lại những vần thơ xuân của Bác để nhớ mãi ơn Người, nguyện học tập và làm theo lời Người để mỗi cuộc đời mãi mãi: Một năm là cả bốn mùa xuân! 1. Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, t10, tr.143-144. 2. Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, sđd, t.10, tr.156. 3. Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, sđd, t.10, tr.161. 4. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhà thơ lớn của dân tộc Việt Nam, Nxb Văn hoá Thông tin, H.2000, tr. 481-482. 5. Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, sđd, t.10, tr.166. 6. Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, sđd, t.10, tr.155. 7. Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, sđd, t.10, tr.163.
nguon tai.lieu . vn