Xem mẫu

  1. Chương 7 MÔ HÌNH TỔNG CUNG – TỔNG CẦU Sự biến động của nền kinh tế là vấn đề mà các nhà kinh tế cũng như các nhà lập chánh sách cần giải quyết. Thực tế cho thấy tăng trưởng kinh tế ở các nước thường không đều đặn mà lại lên xuống theo chu kỳ. Suy thoái kinh tế, là hiện tượng thu nhập giảm và thất nghiệp tăng, cũng xảy ra. Suy thoái kinh tế thường đi kèm với việc cắt giảm thời gian làm việc làm cho nhiều lao động chỉ có việc làm bán thời gian và ít lao động có việc làm đủ thời gian. Các nhà kinh tế gọi sự biến động lên xuống của sản lượng và nhân dụng theo thời gian là chu kỳ kinh tế. Mặc dù thuật ngữ chu kỳ kinh tế hàm ý rằng sự biến động của nền kinh tế là thường xuyên và có thể dự đoán được nhưng cả hai không phải luôn xảy ra. Suy thoái kinh tế cũng không phải là quá thường xuyên. Phần 3 của quyển sách này sẽ xây dựng mô hình giải thích sự biến động của nền kinh tế trong ngắn hạn. Do GDP thực là chỉ tiêu đo lường kết quả hoạt động của nền kinh tế một cách tốt nhất nên nó chính là tiêu điểm của các mô hình trong chương này. Cũng giống việc cố gắng ngăn ngừa lụt lội bằng các con đập, các nền kinh tế cố gắng kiểm soát chu kỳ kinh tế bằng các chánh sách kinh tế phù hợp. Mô hình trong chương này và các chương sau sẽ minh họa ảnh hưởng của chánh sách tài chánh và chánh sách tiền tệ đến nền kinh tế trong ngắn hạn. Ta sẽ thấy các chánh sách này có tác dụng làm bình ổn hay làm xấu đi các biến động kinh tế như thế nào. I. NGẮN HẠN, DÀI HẠN VÀ MÔ HÌNH CƠ BẢN VỀ BIẾN ĐỘNG KINH TẾ Tất cả các phân tích trước đây đều dựa trên lý thuyết kinh tế học cổ điển và sự bất lực của chánh sách tiền tệ. Lý thuyết kinh tế học cổ điển chia các biến số kinh tế thành các biến số thực (đo lường số lượng hay giá tương đối) và biến số danh nghĩa (đo lường bằng tiền). Theo lý thuyết này, sự thay đổi của số cung tiền chỉ ảnh hưởng đến các biến số danh nghĩa mà không ảnh hưởng đến các biến số thực. Kết quả của điều này là ta có thể phân tích các yếu tố quyết định các biến số thực (GDP thực, lãi suất thực, v.v.) mà không cần đến các biến số danh nghĩa (như số cung tiền hay giá). Liệu các luận điểm của lý thuyết kinh tế học cổ điển có đúng với thực tế đang diễn ra không? Câu trả lời cho câu hỏi này rất quan trọng trong việc tìm hiểu cơ chế vận hành của nền kinh tế: Hầu hết các nhà kinh tế đều tin rằng lý
  2. TỔNG CUNG – TỔNG CẦU thuyết kinh tế học cổ điển chỉ phù hợp với thực tế trong dài hạn mà không phù hợp với ngắn hạn. Trong dài hạn, sự thay đổi trong số cung tiền ảnh hưởng đến giá và các biến số danh nghĩa khác nhưng không làm thay đổi GDP thực, thất nghiệp và các biến số thực khác. Tuy nhiên, khi nghiên cứu sự thay đổi của nền kinh tế qua từng năm, giả định sự bất lực của chánh sách tiền tệ không còn đúng. Hầu hết các nhà kinh tế tin rằng trong ngắn hạn các biến số thực và danh nghĩa có quan hệ với nhau. Đặc biệt, sự thay đổi trong số cung tiền có thể làm chệch sản lượng của nền kinh tế ra khỏi sản lượng dài hạn (hay sản lượng tiềm năng). Để tìm hiểu nền kinh tế trong ngắn hạn, ta cần có mô hình mới. Mô hình này dựa trên các khái niệm đã xây dựng trước đây nhưng sẽ bỏ qua các luận điểm của kinh tế học cổ điển và sự bất lực của chánh sách tiền tệ. Mô hình biến động kinh tế ngắn hạn tập trung vào hai biến số kinh tế cơ bản, đó là GDP thực và CPI hay chỉ số điều chỉnh GDP. GDP thực là biến số thực, trong khi giá là biến số danh nghĩa. Bằng cách nghiên cứu mối quan hệ giữa hai biến số này, ta có thể thấy được khiếm khuyết của lý thuyết kinh tế cổ điển. Ta sẽ phân tích biến động kinh tế một cách tổng quát với mô hình tổng cung và tổng cầu. II. TỔNG CẦU AD Tổng cầu AD thể hiện mối quan hệ giữa số cầu đối với sản phẩm và giá cả tổng thể của nền kinh tế. Nói cách khác, đường AD cho biết số lượng hàng hóa mà người dân một quốc gia sẽ mua ở mỗi mức giá khác nhau. Ở đây, ta sẽ sử dụng lý thuyết định lượng tiền để xây dựng mô hình đơn giản về tổng cầu. II.1. Lý thuyết định lượng tiền và đường tổng cầu AD Lý thuyết định lượng tiền cho rằng: M × V = P × Y, trong đó M là số cung tiền, V là tốc độ chu chuyển tiền (giả định là cố định), P là giá và Y là sản lượng thực. Phương trình này cho thấy số cung tiền sẽ quyết định sản lượng danh nghĩa P × Y. Phương trình định lượng tiền có thể được viết lại dưới dạng cung cầu tiền thực cân bằng: M/P = (M/P)d = k × Y, trong đó: k = 1/V. Phương trình định lượng cho thấy số cung tiền thực M/P bằng với số cầu tiền thực (M/P)d và số cầu tiền thực tỷ lệ k nào đó của sản lượng thực Y. Đối với một số cung tiền M nhất định, phương trình định lượng thể hiện mối quan hệ tỷ lệ nghịch giữa giá P và sản lượng thực Y. Đồ thị 7.1 thể hiện mối Trang 2
  3. TỔNG CUNG – TỔNG CẦU quan hệ giữa P và Y thỏa mãn phương trình định lượng tương ứng với một số cung tiền M cố định. Theo định nghĩa, đường này chính là đường tổng cầu AD. Đường AD là dốc xuống từ trái sang phải. Ứng với một số cung tiền cố định nào đó, phương trình định lượng tiền ngụ ý rằng giá trị sản lượng danh nghĩa P × Y là cố định. Vì vậy, nếu giá P tăng thì Y phải giảm, nghĩa là đường tổng cầu AD phải dốc xuống. Một cách để hiểu mối quan hệ tỷ lệ nghịch giữa P và Y là nghiên cứu mối quan hệ giữa số cung tiền và giao dịch. Do giả định tốc độ chu chuyển tiền V cố định, số cung tiền sẽ quyết định giá trị của tất cả các giao dịch trong nền kinh tế. Nếu giá tăng thì mỗi giao dịch sẽ cần nhiều tiền hơn, do đó số lượng giao dịch và số lượng hàng hóa được mua sẽ phải giảm đi. P AD Y Đồ thị 7.1. Đường tổng cầu AD Để hiểu mối quan hệ tỷ lệ nghịch giữa P và Y, ta cũng có thể nghiên cứu cung cầu đối với tiền thực. Nếu sản lượng cao hơn, người ta sẽ thực hiện nhiều giao dịch hơn và cần nhiều tiền thực M/P hơn. Ứng với một số cung tiền cố định M nào đó, tiền thực nhiều hơn nghĩa là giá giảm đi. Ngược lại, nếu giá thấp hơn, lượng tiền thực sẽ cao hơn. Lượng tiền thực cao hơn cho phép thực hiện nhiều giao dịch hơn và vì vậy sản lượng sẽ cao hơn. II.2. Sự dịch chuyển của đường tổng cầu AD Đường tổng cầu AD được vẽ tương ứng với một số cung tiền M nào đó. Nói cách khác, AD cho biết mối quan hệ giữa P và Y ứng với một số cung tiền cố định M . Nếu số cung tiền thay đổi, mối quan hệ giữa P và Y sẽ thay đổi theo – nghĩa là đường AD sẽ thay đổi vị trí. Hãy nghiên cứu một số tình huống trong đó đường tổng cầu AD dịch chuyển. Giả sử ngân hàng trung ương giảm số cung tiền. Phương trình định lượng M × V = P × Y cho thấy sự giảm đi của số cung tiền sẽ dẫn đến sự giảm đi tương Trang 3
  4. TỔNG CUNG – TỔNG CẦU ứng của trị sản lượng danh nghĩa P × Y. Với một mức giá nào đó, sản lượng sẽ thấp hơn và ứng với một mức sản lượng nào đó giá sẽ thấp hơn. Như biểu thị trong Đồ thị 7.2, khi đó đường tổng cầu AD tịnh tiến sang trái. P AD1 AD2 Y Đồ thị 7.2. Sự dịch chuyển sang trái của đường tổng cầu AD Ngược lại, giả sử ngân hàng trung ương tăng số cung tiền. Phương trình định lượng cho biết khi đó sẽ có sự gia tăng của sản lượng danh nghĩa P × Y. Ứng với mỗi mức giá cố định, sản lượng sẽ cao hơn và ứng với mỗi mức sản lượng giá sẽ cao hơn. Như biểu thị trong Đồ thị 7.3, khi đó đường tổng cầu sẽ dịch chuyển sang phải. P AD2 AD1 Y Đồ thị 7.3. Sự dịch chuyển sang phải của đường tổng cầu AD Sự thay đổi trong số cung tiền là nguồn gốc của biến động trong tổng cầu. Tuy nhiên, ngay cả nếu số cung tiền được giữ cố định đường tổng cầu vẫn có thể dịch chuyển do sự thay đổi của tốc độ chu chuyển tiền. Khi nghiên cứu Trang 4
  5. TỔNG CUNG – TỔNG CẦU đường tổng cầu kỹ hơn trong các chương sau, ta sẽ biết các nguyên nhân khác nữa của sự dịch chuyển của đường tổng cầu. III. TỔNG CUNG AS Bản thân đường tổng cầu AD không thể tự quyết định giá P hay sản lượng Y của nền kinh tế mà chỉ cho biết mối quan hệ giữa hai đại lượng này mà thôi. Để đi kèm với đường tổng cầu, ta cần một mối quan hệ nữa giữa P và Y, đó là đường tổng cung AS. Đường tổng cầu AD và đường tổng cung AS sẽ cùng nhau quyết định giá và sản lượng của nền kinh tế. Nói chung, đường tổng cung AS cho biết mối quan hệ giữa số lượng hàng hóa mà nền kinh tế làm ra ở các mức giá khác nhau. Do giá linh động trong dài hạn và cứng nhắc trong ngắn hạn nên mối quan hệ này phụ thuộc vào độ dài thời gian đang xem xét. Có hai đường tổng cung: (i) đường tổng cung dài hạn LAS và (ii) đường tổng cung ngắn hạn SAS. Hai đường tổng cung này có tính chất hoàn toàn khác nhau như trình bày ở phần tiếp theo. III.1. Đường tổng cung dài hạn LAS thẳng đứng Do lý thuyết cổ điển mô tả nền kinh tế trong dài hạn nên ta thiết kế đường tổng cung dài hạn LAS dựa vào lý thuyết này. Theo Chương 3, sản lượng phụ thuộc vào số cung cố định của vốn và lao động cùng với kỹ thuật sản xuất hiện thời. Do đó, ta có thể viết: Y = F( K , L ) = Y . Theo lý thuyết cổ điển, do sản lượng không phụ thuộc vào giá nên đường tổng cung dài hạn LAS thẳng đứng như trong Đồ thị 7.4. Nói cách khác, hệ số co giãn của hàm tổng cung dài hạn LAS theo giá bằng không. P LAS Y Trang 5
  6. TỔNG CUNG – TỔNG CẦU Đồ thị 7.4. Đường tổng cung dài hạn LAS Một câu hỏi có thể được đặt ra là tại sao đường cung của một loại hàng hóa nào đó có thể dốc lên (như mô tả trong kinh tế học vi mô) nếu đường tổng cung dài hạn LAS thẳng đứng. Lý do là vì số cung của một hàng hóa riêng biệt phụ thuộc vào giá tương đối, đó là giá của hàng hóa này so với giá các hàng hóa khác của nền kinh tế. Thí dụ, khi giá của xe ô-tô tăng lên, hãng sản xuất sẽ tăng sản lượng ô-tô và giảm sản lượng xe tải, chẳng hạn. Ngược lại, tổng sản lượng của nền kinh tế phụ thuộc vào số lượng lao động, vốn và kỹ thuật sản xuất của bản thân nền kinh tế. Vì vậy, khi giá cả tổng thể của toàn bộ nền kinh tế cùng thay đổi thì sẽ không có sự thay đổi nào của sản lượng thực của nền kinh tế. Giao điểm giữa đường tổng cầu AD và đường tổng cung LAS sẽ quyết định giá của nền kinh tế trong dài hạn. Nếu đường tổng cung thẳng đứng thì sự thay đổi của tổng cầu chỉ làm thay đổi giá mà không làm thay đổi sản lượng (thu nhập). Thí dụ, nếu số cung tiền giảm đi, đường tổng cầu sẽ dịch chuyển sang trái, như trong Đồ thị 7.5. Điểm cân bằng của nền kinh tế sẽ chuyển từ A sang B. Khi đó, sự thay đổi của tổng cầu chỉ ảnh hưởng đến giá. Như vậy, trong dài hạn để làm tăng thu nhập thì nền kinh tế phải làm thay đổi số cung vốn, lao động hay nâng cao kỹ thuật sản xuất. P LAS A  AD1 B  AD2 Y Y Đồ thị 7.5. Ảnh hưởng của sự dịch chuyển của đường tổng cầu AD trong dài hạn Đường tổng cung dài hạn LAS thẳng đứng thỏa mãn lý thuyết cổ điển do nó ngụ ý rằng sản lượng không phụ thuộc vào số cung tiền. Sản lượng trong dài hạn Y được gọi là sản lượng toàn dụng lao động hay sản lượng tự nhiên (tiềm năng). Đây chính là mức sản lượng mà tại đó tất cả nguồn lực của nền kinh tế được sử dụng tối đa hay tại đó thất nghiệp là thất nghiệp tự nhiên. Bất kỳ sự thay đổi nào của nền kinh tế làm thay đổi sản lượng tự nhiên cũng sẽ làm dịch chuyển đường tổng cung dài hạn LAS. Do sản lượng trong mô Trang 6
  7. TỔNG CUNG – TỔNG CẦU hình cổ điển phụ thuộc vào số cung lao động, số cung vốn và kỹ thuật sản xuất nên sự dịch chuyển của đường tổng cung dài hạn xuất phát từ các nguồn này. Thí dụ, sản lượng của một nền kinh tế sẽ tăng lên khi có sự nhập cư của lao động nước ngoài, đường tổng cung dài hạn của nền kinh tế tịnh tiến sang phải. Nếu chánh phủ tăng tiền lương tối thiểu thì tỷ lệ thất nghiệp tự nhiên sẽ tăng lên, làm cho đường tổng cung dài hạn của nền kinh tế dịch chuyển sang trái. Ngược lại, cải cách chánh sách trợ cấp thất nghiệp tạo ra động cơ tìm việc làm của người thất nghiệp sẽ làm dịch chuyển đường tổng cung dài hạn sang phải. Tương tự, sự gia tăng số cung vốn của nền kinh tế làm tăng sản lượng của nền kinh tế sẽ làm cho đường tổng cung dài hạn dịch chuyển sang phải và ngược lại. Điều này đúng với cả trường hợp vốn bằng tiền và vốn con người. III.2. Đường cung ngắn hạn SAS dốc lên III.2. Tại sao đường tổng cung ngắn hạn SAS dốc lên? Bây giờ, ta sẽ nghiên cứu sự khác biệt cơ bản của nền kinh tế trong ngắn hạn và dài hạn, đó là sự khác nhau về hình dạng của đường tổng cung. Như đã biết, đường tổng cung dài hạn LAS là đường thẳng đứng tương ứng với sản lượng tiềm năng. Ngược lại, trong ngắn hạn, đường tổng cung SAS là đường dốc lên, như trong Đồ thị 7.6. Nghĩa là trong một khoảng thời gian ngắn nào đó, một năm chẳng hạn, sự gia tăng của giá cả của nền kinh tế sẽ có xu hướng làm tăng sản lượng của nền kinh tế và, ngược lại, nếu giá giảm thì sản lượng của nền kinh tế sẽ giảm đi. Nguyên nhân nào gây ra hiện tượng này? Các nhà kinh tế học vĩ mô cho rằng có ba lý thuyết có thể dùng để giải thích xu hướng dốc lên của đường tổng cung ngắn hạn SAS. Mỗi lý thuyết đề cập đến một khiếm khuyết của thị trường làm cho sản lượng của nền kinh tế trong ngắn hạn khác với dài hạn. Mặc dù các lý thuyết này khác nhau về chi tiết nhưng có điểm chung là sản lượng của nền kinh tế trong ngắn hạn khác với dài hạn hay khác với sản lượng tự nhiên (tiềm năng) khi giá thực tế khác với mức giá kỳ vọng. Khi giá thực tế cao hơn mức giá kỳ vọng thì sản lượng sẽ lớn hơn sản lượng tự nhiên và, ngược lại, khi giá thấp hơn mức giá kỳ vọng thì sản lượng sẽ thấp hơn sản lượng tự nhiên. Hãy lần lượt nghiên cứu ba lý thuyết này. Trang 7
  8. TỔNG CUNG – TỔNG CẦU P SAS B P1  A P2  Y O Y2 Y1 Đồ thị 7.6. Đường cung ngắn hạn SAS Lý thuyết về nhận định sai Theo lý thuyết này, sự thay đổi của giá cả tổng thể của nền kinh tế có thể làm cho các doanh nghiệp nhận định sai về thị trường sản phẩm của mình. Kết quả của nhận định sai này là các doanh nghiệp thay đổi số cung theo sự thay đổi của giá, làm cho đường tổng cung ngắn hạn SAS dốc lên. Để thấy điều này xảy ra như thế nào, giả sử giá cả của nền kinh tế xuống thấp hơn mức giá kỳ vọng. Khi doanh nghiệp thấy giá sản phẩm của mình giảm xuống, họ có thể nhìn nhận một cách sai lầm là giá tương đối của sản phẩm của mình sẽ giảm đi. Thí dụ, người trồng mía có thể nhận thấy sự giảm đi của giá mía nguyên liệu trước khi nhận thấy sự giảm đi của giá các loại hàng tiêu dùng khác. Từ nhận định này, họ có thể cho rằng trồng mía khi đó không còn có lợi cao nên sẽ giảm sản lượng mía. Tương tự, người lao động cũng có thể chú ý đến sự giảm đi của tiền lương danh nghĩa của mình trước khi chú ý đến sự giảm đi của giá cả các loại hàng hóa khác mà họ tiêu dùng. Lý thuyết tiền lương cứng nhắc Lý thuyết thứ hai giải thích xu hướng dốc lên của đường tổng cung ngắn hạn SAS là lý thuyết tiền lương cứng nhắc. Lý thuyết này cho rằng đường tổng cung ngắn hạn dốc lên do tiền lương danh nghĩa điều chỉnh chậm, hay thậm chí cứng nhắc, trong ngắn hạn (Chương 4). Ở chừng mực nào đó, tiền lương điều chỉnh chậm là do hợp đồng dài hạn giữa người lao động và doanh nghiệp với tiền lương cố định trong một khoảng thời gian nào đó, thường là ba năm. Thêm vào đó, sự điều chỉnh chậm này cũng có thể do các quy ước xã hội hay các khía cạnh khác có ảnh hưởng đến việc ấn định tiền lương chậm thay đổi. Trang 8
  9. TỔNG CUNG – TỔNG CẦU Để thấy tại sao tiền lương cứng nhắc có ảnh hưởng đến sản lượng, hãy hình dung một doanh nghiệp thỏa thuận trước trong việc trả cho người lao động một mức tiền lương danh nghĩa nào đó dựa trên giá kỳ vọng của nền kinh tế. Nếu giá P thấp hơn giá kỳ vọng và tiền lương danh nghĩa cố định ở mức W thì tiền lương thực W/P sẽ cao hơn mức tiền lương thực mà doanh nghiệp dự định trả cho người lao động. Do tiền lương chiếm phần lớn trong chi phí sản xuất nên tiền lương thực cao hơn có nghĩa là chi phí thực của doanh nghiệp cao hơn. Khi đó, doanh nghiệp sẽ giảm số lao động sử dụng và sản lượng. Nói cách khác, do tiền lương không thay đổi ngay lập tức theo giá nên giá thấp hơn làm cho việc sử dụng lao động và sản xuất ra sản phẩm thu được lợi nhuận thấp hơn, khiến cho các doanh nghiệp giảm sản lượng. Lý thuyết giá cứng nhắc Lý thuyết cuối cùng là lý thuyết giá cứng nhắc. Như vừa thấy, lý thuyết tiền lương cố định cho rằng tiền lương chậm thay đổi theo thời gian. Lý thuyết giá cố định cho rằng giá của một số hàng hóa cũng chậm thay đổi theo sự thay đổi của điều kiện kinh tế. Sự thay đổi chậm này là do chi phí thay đổi cao, mà các nhà kinh tế gọi là chi phí thực đơn. Chi phí thực đơn bao gồm chi phí in ấn và phát hành biểu giá mới và thời gian cần có để thay đổi bảng niêm yết giá. Do kết quả của các chi phí này, giá và tiền lương có thể cố định trong ngắn hạn. Để thấy tại sao giá cứng nhắc ảnh hưởng đến tổng cung, giả sử mỗi doanh nghiệp trong nền kinh tế công bố giá của mình dựa vào các điều kiện kinh tế mà doanh nghiệp kỳ vọng. Sau khi giá được công bố, chánh phủ thực thi chính sách tiền tệ thu hẹp, làm giảm giá cả của nền kinh tế trong dài hạn (Chương 5). Mặc dù một số doanh nghiệp sẽ cắt giảm giá ngay lập tức theo sự thay đổi này nhưng một số doanh nghiệp không muốn thay đổi do chi phí thực đơn và, vì vậy, chỉ đi theo sau. Do các doanh nghiệp này có giá cao quá nên doanh số sẽ giảm. Doanh số giảm sẽ khiến cho các doanh nghiệp này phải cắt giảm sản lượng và lao động. Nói cách khác, do không phải tất cả các loại giá đều điều chỉnh ngay lập tức theo sự thay đổi của điều kiện kinh tế nên sự giảm đi không mong đợi của giá cả của nền kinh tế sẽ làm cho một số doanh nghiệp phải duy trì mức giá cao hơn mong đợi và các mức giá này làm giảm doanh số của doanh nghiệp nên khiến cho doanh nghiệp cắt giảm sản lượng. III.2. Tại sao của đường tổng cung ngắn hạn SAS dịch chuyển? Đường tổng cung ngắn hạn SAS cho biết mối quan hệ giữa số cung hàng hóa và giá cả của nền kinh tế trong ngắn hạn. Ta có thể xem đường tổng cung ngắn hạn Trang 9
  10. TỔNG CUNG – TỔNG CẦU SAS cũng giống như đường tổng cung dài hạn nhưng lại dốc lên do sự nhận thức sai của doanh nghiệp, do tiền lương hay giá cứng nhắc. Vì vậy, khi phân tích sự dịch chuyển của đường SAS ta phải xem xét tất cả các yếu tố làm dịch chuyển đường LAS cộng với các biến số mới, đó là giá, yếu tố có ảnh hưởng đến nhận thức sai, tiền lương và giá cứng nhắc. Hãy bắt đầu với đường LAS. Như đã biết, sự dịch chuyển của đường LAS là do sự thay đổi trong số cung lao động, vốn, tài nguyên tự nhiên và kỹ thuật sản xuất. Các yếu tố này cũng làm dịch chuyển đường SAS. Thí dụ, vốn tăng làm tăng năng suất, do đó làm dịch chuyển cả hai đường LAS và SAS sang phải. Tiền lương tối thiểu tăng dẫn đến thất nghiệp tăng, làm cho cả hai đường LAS và SAS dịch chuyển sang trái. Biến số mới quan trọng ảnh hưởng đến vị trí đường SAS là kỳ vọng về giá. Như đã thấy, trong ngắn hạn số cung hàng hóa phụ thuộc vào nhận thức sai, tiền lương cứng nhắc hay giá cứng nhắc. Song, nhận thức, tiền lương và giá được hình thành trên cơ sở kỳ vọng về giá. Khi kỳ vọng này thay đổi, đường SAS sẽ thay đổi theo. Để làm rõ hơn lập luận này, hãy sử dụng lý thuyết tiền lương cứng nhắc. Theo lý thuyết này, khi người ta kỳ vọng giá cao thì cũng sẽ định tiền lương cao. Tiền lương cao làm tăng chi phí cho doanh nghiệp ở mỗi mức giá cố định, làm giảm số cung hàng hóa của doanh nghiệp. Vì vậy, khi mức giá kỳ vọng tăng lên, tiền lương tăng, chi phí tăng và doanh nghiệp chọn sản lượng thấp hơn ứng với mỗi mức giá nhất định. Khi đó, đường tổng cung ngắn hạn SAS dịch chuyển sang trái. Ngược lại, khi mức giá kỳ vọng giảm xuống, tiền lương giảm, chi phí giảm, doanh nghiệp sẽ chọn sản lượng cao hơn, làm cho đường tổng cung ngắn hạn dịch chuyển sang phải. Các lập luận tương tự cũng có thể được sử dụng cho các lý thuyết tổng cung khác. Lý do tổng quát là như sau: Sự gia tăng trong mức giá kỳ vọng sẽ làm giảm số cung hàng hóa nên làm cho đường tổng cung ngắn hạn SAS dịch chuyển sang trái. Sự giảm đi trong mức giá kỳ vọng sẽ làm tăng số cung hàng hóa nên làm cho đường tổng cung ngắn hạn SAS dịch chuyển sang phải. Như ta sẽ thấy trong phần tiếp theo, sự ảnh hưởng của kỳ vọng lên vị trí của đường tổng cung ngắn hạn đóng vai trò quan trọng trong việc kết hợp hành vi của nền kinh tế trong ngắn hạn với trong dài hạn. Trong ngắn hạn, kỳ vọng là cố định và nền kinh tế cân bằng ở giao điểm giữa đường tổng cầu AD và đường tổng cung ngắn hạn SAS. Trong dài hạn, kỳ vọng thay đổi, làm cho đường tổng cung ngắn hạn SAS dịch chuyển. Sự dịch chuyển này làm cho nền kinh tế cân bằng ở giao điểm của đường tổng cầu AD và đường tổng cung dài hạn LAS. IV. Nguyên nhân của biến động kinh tế trong ngắn hạn Trang 10
  11. TỔNG CUNG – TỔNG CẦU Sau khi nghiên cứu mô hình tổng cung, tổng cầu, ta sẽ sử dụng chúng để phân tích nguyên nhân của các biến động kinh tế. Đồ thị 7.7 minh họa điểm cân bằng của nền kinh tế trong dài hạn. Sản lượng cân bằng và giá cân bằng được xác định bởi giao điểm A giữa đường tổng cầu AD và đường tổng cung dài hạn LAS. Tại điểm này, sản lượng của nền kinh tế là sản lượng tiềm năng YTN. Đường tổng cung ngắn hạn SAS cũng đi qua điểm này, cho thấy rằng nhận định, tiền lương và giá điều chỉnh về điểm cân bằng dài hạn. Điều này có nghĩa là khi một nền kinh tế đang ở điểm cân bằng, nhận định, tiền lương và giá phải điều chỉnh sao cho giao điểm của đường tổng cầu AD với đường tổng cung ngắn hạn SAS phải trùng với giao điểm của đường tổng cầu AD với đường tổng cung dài hạn LAS. P LAS SAS PE A AD Y TTN O Đồ thị 7.7. Cân bằng dài hạn của nền kinh tế IV.1. Ảnh hưởng của sự dịch chuyển của đường tổng cầu AD Giả sử do một lý do nào đó, chẳng hạn như sự đổ vỡ của thị trường chứng khoán hay do chiến tranh xảy ra ở nước ngoài nhiều người trở nên bị quan về triển vọng của nền kinh tế và thay đổi kế hoạch của mình. Hộ gia đình cắt giảm chi tiêu và hoãn việc mua sắm, doanh nghiệp không trang bị thêm máy móc, thiết bị mới. Ảnh hưởng của bi quan này là gì? Nó sẽ làm giảm tổng cầu đối với hàng hóa, nghĩa là với một mức giá nào đó hộ gia đình và doanh nghiệp mua hàng hóa ít hơn. Khi đó, Đồ thị 7.8 cho thấy đường tổng cầu AD1 sẽ dịch chuyển sang trái thành AD2. Trong ngắn hạn, nền kinh tế di chuyển dọc theo đường tổng cung ngắn hạn ban đầu AS1, từ điểm A sang điểm B. Khi nền kinh tế chuyển từ điểm A sang điểm B, sản lượng giảm từ Y1 thành Y2 và giá giảm từ P1 thành P2. Sản lượng giảm đi nghĩa là nền kinh tế bị suy thoái. Mặc dù không được biểu thị qua đồ thị này nhưng các doanh nghiệp sẽ giảm sản lượng bằng cách giảm số lượng Trang 11
  12. TỔNG CUNG – TỔNG CẦU lao động sử dụng. Vì vậy, sự bi quan về triển vọng của nền kinh tế tạo ra sự dịch chuyển của đường tổng cung AD tạo ra một cơ chế tự điều chỉnh: Bi quan về tương lai dẫn đến sự giảm đi của thu nhập và tăng thất nghiệp. P LAS SAS1 SAS2 P1 A P2 B P3  C AD1 AD2 Y O Y2 Y1 Đồ thị 7.8. Ảnh hưởng của sự giảm đi của tổng cầu Các nhà lập chính sách nên làm gì khi suy thoái này xảy ra? Một khả năng là làm tăng tổng cầu. Như đề cập trước đây, gia tăng trong chi tiêu chánh phủ hay tăng số cung tiền sẽ làm tăng nhu cầu đối với hàng hóa ở mỗi mức giá và vì vậy sẽ làm dịch chuyển đường tổng cầu sang phải. Nếu các nhà lập chánh sách hành động đủ nhanh và vào thời điểm thích hợp thì có thể bù trừ sự dịch chuyển ban đầu của đường tổng cầu, đưa đường tổng cầu trở về AD1 và nền kinh tế trở về điểm A. Ngay cả khi không có hành động của chánh phủ, suy thoái trên sẽ tự điều chỉnh mình theo thời gian. Do sự giảm đi của tổng cầu AD nên giá giảm. Sau đó kỳ vọng sẽ được hình thành theo thực tế này và mức giá kỳ vọng sẽ giảm theo. Do giá kỳ vọng giảm sẽ làm thay đổi nhận định, tiền lương và giá nên nó sẽ làm cho đường tổng cung ngắn hạn dịch chuyển từ AS1 thành AS2 trong Đồ thị 7.8. Sự thay đổi của kỳ vọng này cho phép nền kinh tế thay đổi theo thời gian đến điểm C, tại đó đường tổng cầu mới AD2 cắt đường tổng cung dài hạn LAS. Ở điểm cân bằng dài hạn mới C, sản lượng quay trở về sản lượng tự nhiên. Khi bi quan làm giảm nhu cầu, giá sẽ giảm về P3 đủ để bù đắp sự giảm đi của tổng cầu. Vì vậy, trong dài hạn sự giảm đi của nhu cầu được phản ánh đầy đủ trong giá mà không phải là trong sản lượng. Nói cách khác, ảnh hưởng trong dài hạn của sự thay đổi của đường tổng cầu là thay đổi danh nghĩa (giá thấp hơn) mà không phải là thay đổi thực (sản lượng không đổi). Trang 12
  13. TỔNG CUNG – TỔNG CẦU IV.2. Ảnh hưởng của sự dịch chuyển của tổng cung Nền kinh tế đang ở trạng thái cân bằng dài hạn. Giả sử chi phí sản xuất của các doanh nghiệp bất ngờ tăng. Thí dụ, thời tiết xấu đã làm thu hoạch kém, làm tăng chi phí sản xuất. Chiến tranh ở Trung Đông làm tăng chi phí vận chuyển và sản xuất dầu thô. Ảnh hưởng của sự gia tăng chi phí sản xuất này là gì? Ở mỗi mức giá nhất định, các doanh nghiệp cung ứng sản lượng thấp hơn. Theo Đồ thị 7.9, đường cung ngắn hạn chuyển từ SAS1 thành SAS2. Tùy thuộc vào sự kiện xảy ra, đường cung dài hạn LAS cũng có thể dịch chuyển nhưng để cho đơn giản, hãy giả sử đường cung dài hạn không dịch chuyển. Trong ngắn hạn, nền kinh tế di chuyển dọc theo đường tổng cầu AD, từ điểm A sang điểm B. Sản lượng của nền kinh tế giảm từ Y1 thành Y2 và giá tăng từ P1 thành P2. Do nền kinh tế gặp suy thoái đồng thời với lạm phát nên sự kiện này đôi khi được gọi là suy thoái - lạm phát kết hợp. Khi đó, chánh phủ nên làm gì? P LAS SAS2 SAS1 B P2  P1 A AD Y O Y2 Y1 Đồ thị 7.9. Ảnh hưởng của sự dịch chuyển của đường tổng cung Như ta sẽ thấy rõ hơn trong những phần sau của quyển sách này, giải quyết hiện tượng trên là rất phức tạp. Một khả năng là không làm gì cả. Trong trường hợp này, sản lượng của nền kinh tế duy trì ở Y2 trong một thời gian nào đó. Tuy nhiên, sau đó sự suy thoái này sẽ tự điều chỉnh khi nhận định, tiền lương và giá điều chỉnh theo sự gia tăng của chi phí. Sản lượng thấp và thất nghiệp cao sẽ làm giảm tiền lương lao động. Tiền lương lao động thấp hơn đến lượt nó sẽ làm tăng sản lượng. Theo thời gian, khi đường cung ngắn chuyển trở về thành SAS1, giá sẽ giảm và sản lượng sẽ quay trở về mức sản lượng tự nhiên. Trong dài hạn, nền Trang 13
  14. TỔNG CUNG – TỔNG CẦU kinh tế quay trở lại điểm A, tại đó đường tổng cung cắt đường tổng cung dài hạn. Một phương án khác, đó là các nhà lập chánh sách, người kiểm soát chánh sách tiền tệ và chánh sách tài chánh, có thể loại trừ ảnh hưởng của sự dịch chuyển của đường tổng cung ngắn hạn bằng cách làm dịch chuyển đường tổng cầu. Khả năng này được minh họa bằng Đồ thị 7.10. Trong trường hợp này, sự thay đổi trong chánh sách làm dịch chuyển đường tổng cầu từ AD1 thành AD2, vừa đủ để bù đắp ảnh hưởng của sự dịch chuyển của đường tổng cung lên sản lượng. Nền kinh tế sẽ chuyển trực tiếp từ A thành C. Sản lượng vẫn nằm ở mức sản lượng tự nhiên và giá tăng từ P1 lên P3. Trong trường hợp này, những người lập chánh sách bị cho là thụ động đối với sự dịch chuyển của đường tổng cung do cho phép làm tăng chi phí ảnh hưởng đến giá trong dài hạn. P LAS SAS2 SAS1 P3 C P2  P1 A AD2 AD1 Y O YTN Đồ thị 7.10. Bù đắp sự thay đổi đổi của đường tổng cung THUẬT NGỮ Chu kỳ kinh tế: Business cycle Suy thoái – lạm phát: Stagflation Tổng cầu: Aggregate demand (AD) Tổng cung: Aggregate supply (AS) Bài đọc thêm Cecchetti, S.G., 1986, “The Frequency on Price Adjustment: A Study of the Newsstand Prices of Magazines,” Journal of Econometrics 31, tr. 255–274. Friedman, B.M., 1988, “Lessons on Monetary Policy from the 1980s,” Journal of Economic Perspectives 2 (Summer), tr. 51–72. Trang 14
  15. TỔNG CUNG – TỔNG CẦU Hamilton J.D., 1983, “Oil and the Macroeconomy Since World War II,” Journal of Political Economy 91 (April), tr. 228–248. Poole, W., 1988, “Monetary Policy Lessons of Recent Inflation and Disinflation,” Journal of Economic Perspectives 2 (Summer), tr. 73–100. Trang 15
nguon tai.lieu . vn