Xem mẫu

CHUẨN ĐẦU RA CHO MỘT QUÁ TRÌNH ĐÀO TẠO TS. Đoàn Hữu Hải Phòng Quản lý Đào tạo Tại Hội nghị bàn về chất lượng giáo dục đại học toàn quốc, công báo ngày 14/2/2008, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân đã có kết luận chỉ đạo: “Đến tháng 12/2008, tất cả các trường đại học phải công bố chuẩn đầu ra của quá trình đào tạo, nếu không công bố thì phải có chế tài về tuyển sinh. Trường nào đã được kiểm định chất lượng sẽ được tăng chỉ tiêu tuyển sinh,...” và “Những ngành nào đã có chương trình khung thì rà soát và công bố lại; những ngành nào chưa có thì công bố chương trình khung mới. Chậm nhất đến hết năm 2009, tất cả các trường đều phải có chương trình khung”. Tuy nhiên, phải đến hai năm sau, ngày 22 tháng 4 năm 2010, Bộ GD&ĐT mới ban hành văn bản số 2196/BGDĐT-GDĐH về việc Hướng dẫn xây dựng và công bố Chuẩn đầu ra ngành đào tạo đồng thời yêu cầu các trường thực hiện nhiệm vụ này như một điều kiện tiên quyết đối với quá trình tổ chức đào tạo. Tính đến thời điểm này, các trường đại học đã có thời gian 6 năm (2008-2014) để triển khai chủ trương có tầm quan trọng đặc biệt về chủ đề Chương trình đào tạo - Chuẩn đầu ra. Hội thảo “Chuẩn đầu ra và chương trình đào tạo” do trường Đại học Văn Hiến tổ chức tại thời điểm này, vì thế có ý nghĩa hết sức thiết thực. Đây là dịp để chúng ta rà soát, đánh giá quá trình triển khai thực hiện một chủ trương lớn của ngành GD&ĐT đồng thời qua đó tự đánh giá về chất lượng đào tạo của Nhà trường. Chắc chắn rằng, những năm gần đây hầu hết các đại học, trường đại học, học viện đã tích cực tổ chức triển khai xây dựng chương trình đào tạo, xây dựng và công bố chuẩn đầu ra cho các ngành đào tạo thuộc cơ sở giáo dục của mình. Cũng đã có không ít các hội nghị, hội thảo từ cấp Bộ đến cấp trường được tổ chức liên quan đến chủ đề này. Trong bối cảnh đó, tôi nghĩ nội dung trao đổi của hội thảo lần này sẽ không phải là vấn đề các trường đã xây dựng chương trình, chuẩn đầu ra hay chưa mà cần tập trung trao đổi các vấn đề như: Cơ sở và phương pháp được sử dụng để xây dựng các chương trình đào tạo, cơ sở xây dựng và công bố chuẩn đầu ra cho một ngành đào tạo, mối quan hệ giữa chương trình đào tạo và chuẩn đầu ra của một ngành học hay một quá trình đào tạo và đặc biệt, cần đánh giá vai trò của quá trình tổ chức hoạt động đào tạo đối với việc tiệm cận chuẩn đầu ra. Trên quan điểm đó và qua quan sát thực tế, tôi chú ý đến hai hiện tượng sau: Một là, những năm gần đây một tỷ lệ khá cao sinh viên thuộc nhiều ngành khác nhau, khi tốt nghiệp ra trường không kiếm được việc làm; một số không nhỏ khác đã gia nhập lực lượng lao động xã hội lại không đáp ứng được yêu cầu tác nghiệp của các công ty, doanh nghiệp. Hai là, hình như việc xây dựng chuẩn đầu ra cho các ngành đào tạo của phần lớn các trường vẫn còn mang tính hình thức, bị động và khiên cưỡng. Hai hiện tượng này, rõ ràng có quan hệ mật thiết với nhau. Dừng lại ở đây, ta có thể thấy rõ rằng, Chuẩn đầu ra - sản phẩm đào tạo của trường đại học và Chuẩn đầu vào - tiêu chí tuyển dụng của các cơ sở sử dụng lao động còn có sự khác biệt đáng kể. Đây, rõ ràng là kết quả mà chúng ta không mong đợi. Đã đến lúc các trường đại học cần phải tìm ra, càng sớm càng tốt, nguyên nhân dẫn đến kết quả không mong đợi này. Thực tế triển khai công tác xây dựng và phát triển chương trình đào tạo, xây dựng và công bố chuẩn đầu ra cũng như qua kinh nghiệm chỉ đạo tổ chức hoạt động đào tạo tại các trường đại học cho phép rút ra một số nguyên nhân quan trọng và có thể đó cũng sẽ là cơ sở để các trường xác định những nhiệm vụ cấp bách nhằm tạo dựng bền vững mối liên kết “Chuẩn đầu ra – Chương trình đào tạo – Tổ chức hoạt động đào tạo”. Theo tôi, cần phân tích thấu đáo một số nguyên nhân sau: - Nguyên nhân thứ nhất: Chưa làm rõ sự tương tác và chưa thể hiện được tính gắn kết giữa hai quá trình xây dựng chương trình và xây dựng chuẩn đầu ra. Thực tế, đã có nhiều cơ sở đào tạo xây dựng chương trình xong rồi mới triển khai xây dựng ‘chuẩn đầu ra’. Một số cơ sở khác thì làm ngược lại. Điều này cho thấy còn có sự tách biệt của hai quá trình này. Thậm chí, cách hiểu khái niệm chuẩn đầu ra nơi này nơi kia cũng chưa nhất quán trong quá trình xây dựng. Vậy, mối quan hệ giữa một chương trình đào tạo với chuẩn đầu ra của nó thể hiện như thế nào? Liên quan đến vấn đề này, ta hãy tham khảo một số phương pháp tiếp cận chương trình đã và đang được nhiều quốc gia trên thế giới quan tâm dưới đây: Phương pháp tiếp cận nội dung xuất phát từ quan niệm cho rằng “Giáo dục là quá trình truyền thụ các nội dung kiến thức”. Từ đó, dẫn đến cách định nghĩa “Chương trình đào tạo là bản phác thảo về nội dung đào tạo qua đó người dạy biết mình cần phải dạy những gì và người học biết mình cần phải học những gì”. Phương pháp tiếp cận mục tiêu lại xuất phát từ quan niệm “Giáo dục là công cụ để đào tạo nên các sản phẩm với các tiêu chuẩn đã được xác định trước”. Một trong những định nghĩa về chương trình đào tạo được hình thành từ quan niệm này là: “Chương trình đào tạo là một kế hoạch đào tạo phản ánh các mục tiêu đào tạo mà nhà trường theo đuổi, nó cho biết nội dung và phương pháp dạy học cần thiết để đạt được mục tiêu đề ra” (White, 1995). Phương pháp tiếp cận phát triển dựa trên quan niệm “Chương trình đào tạo là quá trình, còn giáo dục là sự phát triển”. Quan niệm này dẫn đến một cách mô tả khác về chương trình đào tạo: “Chương trình đào tạo là một bản thiết kế tổng thể cho một hoạt động đào tạo. Bản thiết kế tổng thể đó cho ta biết toàn bộ nội dung cần đào tạo, chỉ rõ ra những gì ta có thể trông đợi ở người học sau khóa đào tạo, nó phác họa ra qui trình cần thiết để thực hiện nội dung đào tạo, nó cũng cho ta biết các phương pháp đào tạo và các hình thức kiểm tra, đánh giá kết quả đào tạo. Tất cả những cái đó được sắp xếp theo một trình tự thời gian biểu chặt chẽ” (Tim Wentling, 1993). Phân biệt các phương pháp tiếp cận chương trình như trên cho phép chúng ta phân biệt rõ hơn bản chất của hai khái niệm mục tiêu đào tạo đối với một chương trình và chuẩn đầu ra cho một chương trình đào tạo. Sự khác biệt đó nằm ở đâu? Cách hiểu dưới đây được nhiều nhà nghiên cứu đồng thuận và trong văn bản hướng dẫn của Bộ GD&ĐT cũng thể hiện quan điểm này:  Mục tiêu đào tạo đối với một chương trình là những năng lực của một sinh viên sau khi tốt nghiệp (thuộc một ngành nào đó) mà nhà trường mong đợi và hướng tới. Mục tiêu này do nhà trường xây dựng và thường thể hiện quan điểm hay ý chí chủ quan và vì vậy có thể đạt được hay không đạt được sau quá trình đào tạo. Mục tiêu có khi được đánh giá là cao quá hoặc thấp quá, đạt hay không đạt và chủ yếu là tự cơ sở đào tạo đánh giá trong các kì tổng kết.  Chuẩn đầu ra cho một chương trình đào tạo là năng lực mà người học cần phải đạt được về nội dung kiến thức chuyên môn (gồm các yêu cầu về tri thức, năng lực nghề nghiệp); kĩ năng thực hành, khả năng nhận thức công nghệ, năng lực nhận thức và giải quyết vấn đề; công việc mà người học có thể đảm nhận sau khi tốt nghiệp chương trình đào tạo và các yêu cầu đặc thù khác đối với từng ngành đào tạo. Những năng lực này được đánh giá từ bên ngoài nhà trường (do cơ sở kiểm định-đánh giá thực hiện hoặc các nhà tuyển dụng đánh giá thông qua quan sát, phỏng vấn, thực tập, thi tay nghề,…). Đến đây, chúng ta có thể nhận ra phương pháp tiếp cận mà Bộ GD&ĐT đã lựa chọn khi chỉ đạo các trường xây dựng và công bố Chuẩn đầu ra. - Nguyên nhân thứ hai: Chuẩn đầu ra được xây dựng không chỉ tách biệt với quá trình xây dựng chương trình đào tạo mà còn chưa xuất phát từ nhu cầu thực tiễn. Mối quan hệ giữa cơ sở đào tạo với các doanh nghiệp rất lỏng lẻo: hiện tượng khá phổ biến hiện nay là nhà trường cung cấp cho doanh nghiệp sản phẩm đào tạo mình có chứ chưa phải sản phẩm mà các doanh nghiệp cần để đáp ứng nhu cầu kinh doanh hay sản xuất, nhà trường chưa quan tâm đúng mức đến việc nghiên cứu, tham khảo ý kiến nhà tuyển dụng. - Nguyên nhân thứ ba: Khi nói chuẩn đầu ra của một chương trình đào tạo cần hiểu theo nghĩa chuẩn đầu ra của quá trình đào tạo. Khi đó, để đạt được chuẩn đầu ra thì không chỉ cần một chương trình được xây dựng tốt mà còn phải tính đến những điều kiện khác, nhân tố khác cho phép chuyển tải chương trình một cách thuận lợi: chất lượng đội ngũ giảng viên phải chuẩn, cơ sở vật chất phục vụ đào tạo phải chuẩn, quy trình quản lý đào tạo phải khoa học và hợp lý, việc kiểm tra đánh giá phải thường xuyên và phù hợp với các tiêu chí chuẩn đầu ra v.v. Dễ thấy, tại thời điểm hiện nay, phần lớn các trường đại học của chúng ta chưa đáp ứng được những yêu cầu này. - Nguyên nhân thứ tư: Công tác kiểm định chất lượng chương trình còn rất hạn chế cả về chuyên môn lẫn cách làm (hệ thống tiêu chuẩn kiểm định chưa ổn định, chưa có những trung tâm kiểm định độc lập,...) nên chưa giúp các cơ sở đào tạo nhận thức một cách đầy đủ về vai trò của việc nghiên cứu xây dựng chương trình đào tạo và xác định chuẩn đầu ra cho ngành đào tạo và do đó chưa đầu tư hợp lý cho nhiệm vụ quan trọng này. * * * Phân tích chất lượng đào tạo tại các cơ sở giáo dục đại học cho thấy: nhìn chung chuẩn đầu ra của quá trình đào tạo vẫn chưa tiệm cận được đầy đủ với chuẩn đầu vào của các doanh nghiệp, của nhà tuyển dụng. Phân tích các nguyên nhân dẫn đến sự khác biệt này sẽ cho phép các trường, các cơ sở giáo dục đại học nhận thức đầy đủ hơn về sự cần thiết phải thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng và công bố chuẩn đầu ra cho các chương trình đào tạo. Hơn thế nữa, nó cũng cho phép củng cố và làm rõ hơn những cơ sở lý thuyết và thực tiễn của việc xây dựng chuẩn đầu ra. Đặc biệt, kết quả phân tích đã đưa ra những chỉ báo quan trọng cho việc xây dựng chuẩn đầu ra, đó là: để có thể đạt được các tiêu chí chuẩn đầu ra thì cần lựa chọn phương pháp tiếp cận phù hợp khi xây dựng chương trình cho ngành đào tạo; cần phải tăng cường chất lượng đội ngũ giảng viên; cần phải chuẩn bị những điều kiện cơ sở vật chất tốt nhất có thể cho quá trình tổ chức hoạt động đào tạo và quá trình này phải được quản lý bằng một cơ chế hợp lý thể hiện được tính khoa học. ... - tailieumienphi.vn
nguon tai.lieu . vn