Xem mẫu

CHỦ NGHĨA HẬU HIỆN ĐẠI ­ TỒN TẠI HAY KHÔNG TỒN TẠI? PGS.TS. NGUYỄN VĂN DÂN Ngày nay, có ý kiến cho rằng chủ nghĩa hiện đại đã được thay thế bằng chủ nghĩa hậu hiện đại; rằng thời kỳ hiện đại đã chấm dứt và bây giờ là thời kỳ hậu hiện đại. Tuy nhiên, thực chất cái gọi là chủ nghĩa hậu hiện đại có phải chỉ là sự ảnh hưởng hay sự nối dài của chủ nghĩa hiện đại không? Chúng tôi xin trình bày lại vấn đề này như sau. 1. Khái niệm “[chủ nghĩa] hậu hiện đại” ở Việt Nam Có lẽ thuật ngữ “hậu hiện đại” xuất hiện trên báo chí nước ta lần đầu tiên là từ năm 1991, trong bản dịch một bài viết của Antonio Blach (Tây Ban Nha), nhan đề: “Vài suy nghĩ về cái gọi là tiểu thuyết hậu hiện đại” (Tạp chí văn học, số 5­1991). Từ đó đến nay, nhiều nhà nghiên cứu, nhà văn, nhà thơ Việt Nam đã nói nhiều đến hậu hiện đại. Gần đây, trên báo Văn nghệ số 18+18 ngày 30­4­2011, PGS.TS. Lê Huy Bắc có bài viết “Khái niệm chủ nghĩa hậu hiện đại và truyện ngắn hậu hiện đại”, trong đó tác giả tiếp thu ý kiến của một số tác giả nước ngoài để khẳng định như đinh đóng cột rằng chủ nghĩa hậu hiện đại đã “bắt đầu từ thơ Đađa (1916), truyện của Franz Kafka (1883­ 1924) và kịch phi lý từ những năm 1950”. Và gần đây nhất, tháng 8­2011, GS. Phương Lựu đã cho xuất bản cuốn sách Lý thuyết văn học hậu hiện đại, trong đó ông tập hợp các bài đã viết về một số lý thuyết nghiên cứu văn học xuất hiện từ khoảng giữa thế kỷ XX mà trước đây được ông gọi là hiện đại thì nay ông lại gọi là hậu hiện đại. Có thể nói, thuật ngữ “hậu hiện đại” đang trở thànhmộtcáimốttrongcácdiễnđànvănhọc. Lý do lên ngôi của khái niệm “hậu hiện đại” một phần là do trong giới văn nghệ nước ta đang có sự hẫng hụt về chủ nghĩa hiện đại. Nhiều người không biết chủ nghĩa hiện đại có bao nhiêu trào lưu và những tác giả tiêu biểu của chúng là ai. Đến khi gần đây thấy có người nói đến hậu hiện đại, thế là người ta chỉ biết có hậu hiện đại và nghiễm nhiên coi các trào lưu hiện đại trong văn nghệ xuất hiện từ đầu thế kỷ XX là hậu hiện đại. Có người thấy người nước ngoài nói chủ nghĩa hậu hiện đại có gốc rễ từ chủ nghĩa Đađa (đầu thế kỷ XX), thế là cứ nghiễm nhiên đi dạy cho học sinh 1 rằng chủ nghĩa hậu hiện đại có từ thời Đađa... Thậm chí như GS. Phương Lựu, trong khi viết giáo trình Lý luận văn học (xuất bản lần đầu thành ba tập vào những năm 1986­1988, đến năm 1997 tái bản thành một tập và tiếp tục tái bản đến lần thứ 5 vào năm 2006) vẫn xếp “tiểu thuyết mới” và “kịch phi lý” ­ những trường phái văn học giữa thế kỷ XX ­ vào trong số các “chủ nghĩa hiện đại”, sau đó thấy nói đó là hậu hiện đại, thì trong các bài viết khác của mình từ năm 2000, ông lại quay sang nói là “hậu hiện đại”, nhưng có điều lạ là ông vẫn giữ nguyên quan điểm của mình về các chủ nghĩa hiện đại nói trên trong các lần tái bản cuốn sách lý luận kia. Tiếp đến khi viết lại bộ giáo trình lý luận này thành ba tập, với tập 1 được xuất bản lần đầu từ năm 2001 và tái bản lần ba vào năm 2009 (với tập 3 có liên quan đến vấn đề ở đây đã được xuất bản lần đầu vào năm 2005 và tái bản lần ba vào năm 2009), ông đã có ý thức cắt những hiện tượng văn học nói trên cho sang phần nói về “chủ nghĩa hậu hiện đại”, nhưng vẫn để sót “tiểu thuyết mới” ở phần nói về chủ nghĩa hiện đại trong khi đã “dán” nó vào phần “chủ nghĩa hậu hiện đại” rồi! Vậy là trong cùng một chương sách do cùng một người viết, cùng một hiện tượng vừa được gọi là “hiện đại chủ nghĩa” lại vừa được gọi là “hậu hiện đại chủ nghĩa”! Điều đó cũng chứng tỏ là khi biên soạn giáo trình lý luận văn học, nhiều tác giả Việt Nam thấy có người nước ngoài nói các trường phái kia là hiện đại thì họ cũng nói theo, bây giờ thấy người khác nói là hậu hiện đại thì họ lại quay sang nói theo là hậu hiện đại. Thế là họ phải thực hiện một thao tác cắt dán máy móc mà không hề có chủ kiến, tự mình phủ định mình một cách rất dễ dãi và hồn nhiên. Nghĩa là trong cùng một người hiện đang tồn tại đồng thời hai cách gọi khác nhau cho một hiện tượng văn nghệ, mà đều là hai cách gọi theo nước ngoài. Trong khi đó thì cũng vào thời điểm năm 2009, cuốn Từ điển thuật ngữ văn học của Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi vẫn ghi nhận “tiểu thuyết mới” là một trong những trào lưu hiện đại chủ nghĩa. Đấy là thái độ đối với các trào lưu sáng tác nghệ thuật, còn đối với các lý thuyết nghiên cứu văn học thì thái độ của các nhà nghiên cứu của nước ta cũng có những thay đổi rất hồn nhiên và dễ dãi. Ví dụ như trường hợp vẫn của GS. Phương Lựu. Năm 1995 ông cho in cuốn sách Tìm hiểu lý luận văn học phương Tây hiện đại, trong đó có giới thiệu “Lý luận phê bình của chủ nghĩa hậu cấu trúc”. Có nghĩa là lúc đó, người ta vẫn coi chủ nghĩa hậu cấu 2 trúc (hay giải cấu trúc) là một trong những lý thuyết hiện đại. Đến năm 2011, ông xuất bản cuốn sách Lý thuyết văn học hậu hiện đại, trong đó ông lại gọi chủ nghĩa giải cấu trúc là “mũi nhọn lý thuyết của chủ nghĩa hậu hiện đại”. Về cơ bản, việc giới thiệu lý thuyết giải cấu trúc giữa hai thời điểm 1995 và 2011 không khác nhau nhiều, nhưng điều kỳ lạ là tác giả không hề có một câu giải thích tại sao năm 1995 ông gọi nó là lý thuyết hiện đại, mà đến năm 2011 ông lại gọi nó là hậu hiện đại? Tình hình này có nguy cơ dẫn đến sự rối loạn trong hệ thống lý luận văn nghệ Việt Nam. Đó chính là một tình trạng cấp thiết cần giải quyết. Bản thân tôi, từ năm 2001 tôi đã viết bài “Chủ nghĩa hậu hiện đại hay là hiện tượng chồng chéo khái niệm” đăng trên Tạp chí văn học số 9. Sau đó tôi đã nhiều lần bổ sung và sửa chữa để đăng trên tạp chí Văn học nước ngoài số 3­2002 và trong sách “Văn học hậu hiện đại thế giới ­ những vấn đề lý thuyết”, Nxb. Hội Nhà văn, 2003; cuối cùng in lại có bổ sung và chỉnh lý dưới nhan đề “Cái gọi là ‘chủ nghĩa hậu hiện đại’ ­ từ khái niệm đến thực tiễn” trong sách: Nguyễn Văn Dân, Vì một nền lý luận ­ phê bình văn học chất lượng cao, Nxb. Khoa học xã hội, 2005. Trong các bài viết của tôi, tôi đã phân tích và chỉ ra sự lạm dụng khái niệm hậu hiện đại cả trên thế giới lẫn ở Việt Nam đến mức đã biến nó thành một thuật ngữ vô nghĩa. Giờ đây, tôi xin nhắc lại những diễn biến chính của cuộc tranh luận để cho thấy bản chất của khái niệm “[chủ nghĩa] hậu hiện đại” trong mối quan hệ với vấn đề của chủ nghĩa hiện đại. 2. Các quan niệm về [chủ nghĩa] hậu hiện đại trên thế giới Trên thế giới có nhiều cách hiểu về [chủ nghĩa] hậu hiện đại. Và nhìn chung, các ý kiến vẫn chưa phải là đã thống nhất. Từ các ý kiến khác nhau, tôi phân ra ba nhóm quan niệm chính về hậu hiện đại trong nghệ thuật như sau: 1. Chủ nghĩa hậu hiện đại như là đỉnh cao của chủ nghĩa hiện đại (quan điểm của Lyotard, Hassan), nói một cách khác nó là “cơn kịch phát của chủ nghĩa hiện đại”; hay là sự nối dài của chủ nghĩa hiện đại (quan điểm của Robert Hughes); 2. Chủ nghĩa hậu hiện đại như là sự quay trở về với truyền thống để chống lại chủ nghĩa hiện đại (Smith, Portoghesi, Lipovetsky...); đặc biệt là 3 trong kiến trúc và nghệ thuật tạo hình, trong đó có sự kết hợp chiết trung giữa hiện đại với quá khứ (Christopher Masters); 3. Chủ nghĩa hậu hiện đại như là một sự vượt khỏi chủ nghĩa hiện đại, một phong trào lai tạp mới và tương phản với chủ nghĩa hiện đại (Jencks, Koehler...). Đây là các quan niệm lý thuyết về bản chất của chủ nghĩa hậu hiện đại. Còn về đặc tính của chủ nghĩa hậu hiện đại thì chúng ta có thể nhận xét thấy rằng đa số các ý kiến đều nhấn mạnh đến tính phi lý tính hoặc phản lý tính, tính phi xác định, phi chủ thể, tính phân mảnh và tính đại chúng của nó. Nhưng nhìn chung, hầu hết các ý kiến đều lấy chủ nghĩa hiện đại làm yếu tố quy chiếu để xác định cái gọi là chủ nghĩa hậu hiện đại. Giả sử có sự tồn tại của chủ nghĩa hậu hiện đại như các tác giả quan niệm, thì, để hiểu thế nào là chủ nghĩa hậu hiện đại, trước hết chúng ta phải xét xem thế nào là chủ nghĩa hiện đại. Chủ nghĩa hiện đại là một khái niệm chủ yếu được dùng để chỉ các trào lưu nghệ thuật thuộc phong trào tiên phong ở nửa đầu thế kỷ XX. Đó là các trào lưu văn học ­ nghệ thuật cụ thể như: chủ nghĩa biểu hiện, chủ nghĩa Đađa, chủ nghĩa siêu thực, chủ nghĩa lập thể, chủ nghĩa vị lai, chủ nghĩa trừu tượng... Tất nhiên văn học nghệ thuật hiện đại không chỉ có các trào lưu trên đây, mà nó còn có những khuynh hướng tìm tòi độc đáo khác nữa như văn xuôi phi lý của Kafka và của Camus chẳng hạn. Còn chủ nghĩa hậu hiện đại hiện đang được nhiều người dùng để chỉ các trào lưu trong văn học và nghệ thuật ngoài chủ nghĩa hiện thực truyền thống và ngoài chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa ở nửa cuối thế kỷ XX. Nhìn chung người ta cho rằng văn học nghệ thuật hậu hiện đại mang tính phi lý tính, tính phi chủ thể, tính phân mảnh, tính phi xác định về không gian và thời gian, tính đại chúng, tính chiết trung giữa hiện đại và truyền thống. Theo nhiều người thì điển hình cho chủ nghĩa hậu hiện đại trong kiến trúc và nghệ thuật tạo hình là chủ nghĩa chiết trung mới và chủ nghĩa biểu hiện mới, là sự kết hợp giữa hiện đại với quá khứ truyền thống; trong nghệ thuật tạo hình, nhiều người còn coi op art (nghệ thuật ảo thị) và pop art (nghệ thuật bình dân) là các trào lưu hậu hiện đại; trong sân khấu là loại nghệ thuật biểu diễn happening (tạm dịch: “sân khấu ngẫu hứng”); trong âm nhạc là loại nhạc 4 rock­and­roll; trong văn học là tiểu thuyết mới, là kịch phi lý, là chủ nghĩa hiện thực huyền ảo của châu Mỹ Latin (trong đó cũng có cả sự kết hợp hiện đại với quá khứ huyền ảo) với sự tiếp nối của nhà văn Italia Umberto Eco qua tiểu thuyết Tên gọi của hoa hồng (1980), của nhà văn người Czech Milan Kundera, của nữ văn sĩ người Anh Angela Carter... John Barth (1984) coi nhà văn Columbia G.G. Marquez, nhà văn hiện thực huyền ảo nổi tiếng, tác giả của cuốn tiểu thuyết Trăm năm cô đơn và là người đoạt giải thưởng Nobel Văn học 1982, là “một ví dụ điển hình về chủ nghĩa hậu hiện đại và một bậc thầy trong nghệ thuật kể chuyện.” Bây giờ chúng ta hãy xem chủ nghĩa hậu hiện đại thực sự có khác chủ nghĩa hiện đại không. Người ta nói rằng chủ nghĩa hậu hiện đại là phi lý tính. Nhưng từ đầu thế kỷ XX, một số trào lưu hiện đại chủ nghĩa cũng đã chủ trương coi trọng trực giác và cảm tính. Điển hình là chủ nghĩa Đađa. Trong bản Tuyên ngôn Đađa 1918, Tristan Tzara đã tuyên bố: “Chúng tôi không công nhận bất cứ một lý thuyết nào.” Theo ông, đối với người sáng tạo thì tác phẩm nghệ thuật “không có căn nguyên và không có lý thuyết”. Lý trí bị chủ nghĩa Đađa phủ nhận triệt để qua lời tuyên bố của Tzara: “Nước mưa của quỷ sứ đổ xuống lý trí của tôi.” Chủ nghĩa siêu thực, trong bản Tuyên ngôn đầu tiên của chủ nghĩa siêu thực do André Breton viết năm 1924, cũng phản đối chủ nghĩa thực chứng và chủ nghĩa duy lý, nó chủ trương một kiểu “Hành vi tự động mang tính tâm lý thuần túy, (...), không có bất cứ một sự kiểm soát nào của lý trí”; và nó tin tưởng vào “sức mạnh toàn năng của mơ mộng”; nó chủ trương một phương pháp sáng tác cũng giống như của chủ nghĩa Đađa: “Các bạn hãy viết thật nhanh mà không cần có một chủ đề định trước, nhanh đến mức các bạn không thể dừng tay được và không muốn đọc lại mình.” Còn trong chủ nghĩa biểu hiện thì có trường phái dã thú và nhóm Nhịp cầu là hai trường phái phản đối chủ nghĩa thực chứng duy khoa học. Năm 1929, M. de Vlaminck, họa sĩ biểu hiện người Pháp theo trường phái dã thú, đã tuyên bố: “Khoa học giết chết hội họa.” Sau đó ít lâu ông còn thổ lộ: “Tôi thể hiện chân lý bằng bản năng của mình mà không cần phương pháp, một chân lý không phải chân lý nghệ thuật mà là chân lý nhân bản.” Nhóm Nhịp cầu cũng chủ trương thể hiện những hiện tượng cảm tính, thuộc về bản năng. 5 ... - tailieumienphi.vn
nguon tai.lieu . vn