Xem mẫu

  1. Chọn mua máy quay phim số Bài 1: Giới thiệu Có rất nhiều lý do "cám dỗ" bạn phải đi tìm mua một máy quay phim (camcorder) cho mình. Chẳng hạn, bạn và người yêu sắp làm đám cưới. Bạn muốn "tậu" một máy để mang theo trong tuần du lịch trăng mật. Hoặc vợ chồng bạn sắp có con đầu lòng, bạn thấy cần mua máy để ghi lại những ngày tháng đầu đời của con bạn. Hay đơn giản là bạn sắp đi công tác nước ngoài và muốn nhân dịp đó, mua một máy ở nước bạn sắp đến vì nghĩ rằng giá rẻ, chất lượng tốt hơn hàng trong nước,... Một điều "quyến rũ" khác là, với kỹ thuật luôn đổi mới, giá cả nhiều loại máy quay phim phổ thông không quá cao như trước, mà tính năng, chất lượng máy càng ngày càng được cải tiến, thêm thắt. Nhưng khi bạn dò tìm thông tin, kinh nghiệm, để quyết định sẽ mua máy hiệu gì, model nào, bạn bắt đầu bối rối, đau đầu vì có quá nhiều "thông số" để quyết định (tính năng kỹ thuật, giá cả, nhận xét người dùng,...) mà túi tiền mình thì cũng "vừa vừa" :-). Chú ý :chỉ trình bày thông tin về máy quay phim số loại dân dụng "amateur" chứ không bàn đến loại máy chuyên dụng cũng như loại analog camcorder. - Bài 2A: Các đặc điểm kỹ thuật Như được trình bày trong Bài 1: Giới thiệu, sau khi đã "nung nấu" trong đầu ý định mua một máy quay phim số, bạn sẽ đối diện với một "rừng" các loại máy quay phim khác nhau về hãng sản xuất và model. Trong bài này, techki sẽ giúp bạn làm quen với thế giới "digital camcorder" mà bước đầu tiên là hiểu sơ qua các đặc điểm kỹ thuật (technical features) của một máy quay phim số loại phổ thông (consumer digital camcorders). Trước hết, techki có lưu ý nhỏ về vấn đề ngôn ngữ trình bày. Vì các thuật ngữ kỹ thuật tiếng Việt (dịch từ tiếng Anh) đôi khi chưa thống nhất hoặc dân mình đã quen dùng thẳng từ tiếng Anh, cho nên trong loạt bài viết này, techki sẽ cố gắng ghi chú các thuật ngữ tiếng Anh cạnh các thuật ngữ tiếng Việt. Trong nhiều trường hợp như tốt hơn hết là nên để nguyên thuật ngữ tiếng Anh, các từ viết tắt tiếng Anh, v.v.., techki sẽ ghi trực tiếp tiếng Anh luôn để tránh nhầm lẫn. Mong các bạn thông cảm nhé.
  2. Nào, chúng ta hãy bắt đầu từ cái quan trọng nhất đối với mọi thiết bị quang học để quay phim, chụp ảnh. Bạn hãy đoán xem là gì? Vâng, chính là ống kính, "con mắt nhìn đời" của máy. 1. Ống kính Bạn hãy chú ý các thông tin kỹ thuật sau: - Loại cảm biến ảnh (Image Sensor Type): Có hai loại phổ biến là charge- coupled device (CCD) và complementary metal-oxide semiconductor (CMOS). Cả hai loại cảm biến này đều có chung chức năng là biến đổi tín hiệu ánh sáng thành tín hiệu điện. Về nguyên tắc, loại cảm biến CCD tốt hơn CMOS (và cũng thường đắt tiền hơn CMOS). Lý do? Đó là vì mỗi một điểm cảm biến trong CMOS có vài transistor nằm cạnh nó. Điều đó làm giảm độ nhạy ánh sáng của CMOS vì nhiều photon ("hạt" ánh sáng) bay vào lại đụng ngay các transistor thay vì tế bào quang điện (photodiode). Trong khi đó, nguyên lý kỹ thuật của CCD không bị hạn chế này, nên ảnh thu nhận trung thực, ít bị nhiễu hơn. Đa số các máy quay phim dùng loại CCD nhưng gần đây, nhiều model rẻ tiền sử dụng loại CMOS. Techki đề nghị bạn nên lưu ý và chỉ nên mua loại ống kính dùng cảm biến CCD. Trong loạt bài này, techki cũng chỉ đề cập đến loại dùng CCD mà thôi. Thông thường, nếu ống kính dùng CCD, nơi bán sẽ ghi rõ là cảm biến ảnh CCD (CCD image sensor). Tuy nhiên nếu thấy máy quay phim giá có vẻ rẻ (dưới 200 dollar Mỹ - 2006) mà không thấy ghi rõ là dùng CCD, bạn hãy cảnh giác và tìm hiểu thêm thông tin về model đó. Bởi vì có thể model đó sử dụng CMOS nhưng lờ không ghi loại sensor ("tốt khoe, xấu che" mà lị). (Dành cho các bạn thích tìm hiểu sâu hơn về CCD và CMOS, bấm vào đây hoặc ở đây cũng được.) - Số lượng CCD (Number of CCDs): Các máy quay phim loại thường chỉ có 1 CCD. Với loại máy đắt tiền, số lượng CCD là 3, cho chất lượng ảnh sinh động, trung thực hơn vì mỗi CCD "đặc trách" một màu cơ bản trong ba màu đỏ, xanh lá cây, xanh dương (RGB). - Kích thước CCD (CCD size): Kích thước CCD thường trong khoảng từ 1/6 inch đến 1/3 inch. Kích thước CCD càng lớn, ánh sáng nhận được vào càng nhiều, ảnh càng sáng với màu sắc rõ ràng hơn. Vì thế, kích thước của CCD càng lớn sẽ hỗ trợ chất lượng ảnh tốt hơn ở những nơi ánh sáng yếu.
  3. - Độ phân giải của CCD (CCD video resolution / pixels): Độ phân giải của CCD thể hiện bằng số phần tử cảm quang (photo-sensitive elements, hay còn gọi là pixels) trên CCD. CCD càng có nhiều pixels, ảnh càng sắc nét. Tính đến thời điểm hiện tại (2006), các máy quay phim thường có độ phân giải từ 1 Mega đến 3 Megapixels (1 Mega = 2 mũ 20, khoảng hơn 1 triệu một tí). Cũng nên biết thêm là một khung phim tiêu chuẩn (standard video frame) chỉ cần 340,000 pixels. Ngoài ra, về mặt kỹ thuật, cần chú ý là có hai số đo các pixel của CDD: "gross pixels" (hoặc có nơi ghi là "total pixels") là tổng số pixel vật lý trên CCD và "effective pixels" là số pixel trên CCD được sử dụng trên thực tế. Vì thế, bạn chỉ nên quan tâm đến "effective pixels". - Zoom: Đây là tính năng của ống kính giúp bạn có thể quay được ảnh ở xa nhưng trông như gần (tương tự ống nhòm). Chú ý là có hai loại zoom: quang học (optical zoom) và kỹ thuật số (digital zoom). Optical zoom sử dụng cơ chế dịch chuyển vật lý của các ống kính theo nguyên tắc khúc xạ và hội tụ ánh sáng (thay đổi tiêu cự ống kính). Digital zoom là phóng đại "giả" vì thực chất chỉ làm to các điểm hình ảnh thu nhận. Do đó bạn hãy "quên đi" thông số digital zoom trên máy quay phim vì đó chỉ là thông số "quảng cáo" dụ dỗ người mua. Và khi dùng máy, bạn cũng nên tắt chế độ digital zoom vì nếu không phim của bạn sẽ giống như phim "ma" vì chẳng ai thấy gì cả. Ngược lại, bạn chỉ nên chú ý thông số optical zoom khi mua máy. Các máy quay phim thông thường có optical zoom từ 5x đến 20x (nghĩa là tỷ số giữa tiêu cự lớn nhất và nhỏ nhất là 5 đến 20 lần). Nói nôm na, giá trị optical zoom càng lớn, bạn có thể quay rõ được các ảnh càng xa. Ngoài ra còn một thông số nữa là macro focus thể hiện tính năng cho phép bạn quay các vật thể nhỏ ở khoảng cách gần mà ảnh vẫn to và không bị nhòe. - Độ nhạy tối thiểu với ánh sáng yếu (Min illumination): Đây là thông số được đo bằng lux, thể hiện độ sáng tối thiểu của môi trường trong đó máy quay phim có thể "nhìn thấy" được các vật thể. Độ sáng được quy định bằng 0 lux ở nơi hoàn toàn không có ánh sáng. Để có được phim rõ nét, chất lượng cao, bạn nên quay ở nơi đủ sáng (khoảng 100 lux). Nếu bạn thường phải quay phim ở những nơi có ánh sáng yếu như trong phòng ở nhà buổi tối,... bạn nên chọn máy có thông số này càng thấp càng tốt (khoảng dưới 4 lux). Có những máy như của Sony ghi là "NightShot mode" (hoặc từ tương tự) với thông số này là 0 lux. Điều đó có nghĩa máy có thể quay được trong đêm tối bằng cách dùng cảm biến hồng ngoại
  4. (infra-red), giống như loại kính nhìn đêm dùng trong quân sự. Đoạn phim quay được ở chế độ này sẽ có màu xanh lờ mờ. Ái chà chà, đọc đến đây, bạn thấy "chóng hết cả mặt" chưa? Chưa đâu, mới chỉ là "nhập môn" thôi. Ngoài ống kính ra, một máy quay phim còn nhiều thông số kỹ thuật khác. Techki sẽ lần lượt trình bày trong các bài kế. Chọn mua máy quay phim số - Bài 2B: Các đặc điểm kỹ thuật 2. Bộ phận thu âm (microphone - "lỗ tai" của máy): Nói chung với các máy quay phim bình dân, microphone thường được gắn sẵn bên trong (phía trước máy). Âm thanh thu được có chất lượng bình thường, đủ nghe. Nếu bạn thích chuyên nghiệp hơn, bạn có thể chọn mua các loại model đắt tiền hơn một chút với lỗ cắm dùng cho microphone ngoài (microphone-in jack) và chức năng điều chỉnh mức âm thanh thu vào theo các kênh. 3. Thiết bị lưu trữ (Media): Các máy quay phim số hiện tại thường có ba dạng lưu trữ hình: dùng băng từ (tape), đĩa quang DVD hoặc các dạng thẻ bộ nhớ (flash memory). - Băng từ: Có hai loại là MiniDV digital videotape (chuẩn cho nhiều loại máy) và Digital8 (loại băng riêng của Sony). Nếu bạn không muốn phụ thuộc vào Sony, bạn có thể chọn mua loại máy dùng miniDV với nhiều hãng sản xuất băng khác nhau như Maxell, Fuji, JVC, Panasonic, v.v.., giá rẻ nhờ cạnh tranh. Đa số các loại băng từ cho phép quay 60 phút phim. - Dĩa quang DVD: Có ba loại cơ bản là DVD-R, DVD-RW và DVD-RAM. Loại DVD-R chỉ ghi được 1 lần, nhưng giá rẻ. Loại DVD-RW và DVD- RAM có thể ghi xóa nhiều lần nên giá đắt hơn (và cũng đắt hơn băng từ miniDV). Ngoài ra, nếu muốn xem lại phim trên đầu máy DVD player, DVD-RW và DVD-RAM sẽ kén chọn đầu máy hơn so với DVD-R vì số loại đầu máy DVD player có thể đọc được DVD-RW và DVD-RAM không nhiều và giá cao hơn loại DVD player bình thường. Nếu bạn định chọn mua loại máy quay phim dùng DVD-RW hoặc DVD-RAM, bạn cần có máy tính với ổ đọc/ghi DVD tương thích với DVD-RW hoặc DVD- RAM. Đa số các loại đĩa quang cho phép quay 30 phút phim.
  5. - Thẻ bộ nhớ: Có nhiều loại như SD, Compact Flash hoặc Memory Stick/ Memory Stick Duo (của riêng Sony). Tại thời điểm này (2006), các loại thẻ nhớ dùng trong máy quay phim thường có dung lượng nhỏ, nên không thể quay phim được lâu. Hiện tại, có nhiều model máy quay phim dùng băng từ hoặc đĩa DVD nhưng chứa thêm thẻ bộ nhớ để ghi lại các ảnh chụp vào thẻ bộ nhớ khi bật tính năng camera (làm như máy ảnh bình thường) của máy quay phim. Tóm lại, loại máy dùng băng từ có ưu điểm là mua được băng giá rẻ, quay được lâu (60 phút ở chế độ chuẩn - standard mode); nhưng có khuyết điểm là khi cần xem lại thì phải quay ngược băng lại, bất tiện và tốn thời gian tìm đúng chỗ cần xem. Loại máy dùng đĩa quang ghi/xóa nhiều lần hoặc dùng thẻ bộ nhớ khắc phục được khuyết điểm trên nhưng dung lượng ghi nhớ thấp hơn và giá đắt hơn.
nguon tai.lieu . vn