Xem mẫu

  1. Cho bé ăn đủ 4 nhóm thực phẩm Các bà mẹ thường than phiền con tôi không thích ăn cái này, không chịu ăn cái kia, hoặc có khi chỉ đòi ăn một hai thứ từ tuần này sang tháng khác không chịu thôi. Sự lo lắng này không phải là không có cơ sở. Một loại thực phẩm sẽ có ưu điểm nổi trội về mặt này nhưng đồng thời cũng có một số khiếm khuyết về mặt khác, trong khi đó một loại thực phẩm khác có thể bổ sung những thiếu sót trên. Vì vậy, nếu ta ăn được nhiều loại thực phẩm thì vừa có thể nhận được đủ các loại đa chất cũng như vi chất dinh dưỡng, đồng thời sự phối hợp thực phẩm đúng sẽ tạo ra một nguồn dinh dưỡng hợp lý. Thực tế để làm được điều đó cũng không phải dễ. Trong thời đại kinh tế thị trường ngày nay, có biết bao nhiêu loại thực phẩm, thì việc ăn uống "kén cá chọn canh" lại trở nên khá phổ biến. Người lớn thì có khuynh hướng ăn thịt nhiều hơn ăn cá, trẻ em thì chỉ thích ăn trứng... Vậy làm sao cho trẻ chịu ăn đa dạng thực phẩm? - Trước hết người lớn phải làm gương cho trẻ nhỏ. Bạn hãy quan niệm rằng "Không phải lúc nào cũng ăn cái mình thích mà nên ăn cái mình nghĩ là tốt cho mình hơn". Tuy nhiên, điều này không phải là “ép xác” vì may mắn thay trong vô số các loại thực phẩm, ta có thể khôn ngoan chọn cho mình một số loại "tương đối ưa thích". Mặt khác, nếu bạn tập ăn hoài một loại thức ăn không “khoái khẩu” nào đó, bạn sẽ quen dần và sau đó còn cảm thấy "ngon ngon".
  2. - Với cùng một loại thực phẩm, bạn có thể thay đổi cách chế biến để tạo nên các món ăn mùi vị khác nhau, tránh nhàm chán cho trẻ nhỏ. Ví dụ: thịt gà, bạn có thể kho, chiên, nướng, nấu soup, luộc chấm muối tiêu chanh, trộn gỏi chua, bóp gỏi với hành răm, lăn bột chiên... - Nếu bạn chịu khó đi chợ đổi món liên tục thì ngay từ những ngày trẻ còn ăn dặm thì trẻ sẽ dễ tập ăn đa dạng thực phẩm hơn. - Với một chút kiến thức về 4 nhóm thực phẩm: bột đường (cơm, cháo, nui, mì, miến, bún, bánh mì,...), chất đạm (thịt, cá, tôm, cua, trứng, đậu hũ,...), chất béo (dầu, mỡ, bơ,...), nhóm rau củ và trái cây, bạn có thể tạo ra những bữa ăn dinh dưỡng đa dạng bằng cách thay thế thực phẩm trong cùng nhóm và phối hợp cả 4 nhóm sao cho mỗi bữa ăn đều phải có sự hiện diện của đủ 4 nhóm thực phẩm. - Bạn có thể giúp trẻ phát huy khả năng tự chủ trong chọn lựa thực phẩm theo nhóm: Nhóm giúp chạy nhanh (nhóm bột đường), nhóm giúp cao lớn (nhóm đạm), nhóm giúp sáng mắt (rau củ và trái cây)... - Nếu trẻ không thích ăn thịt thì hãy băm thịt ra trộn chung với trứng làm món trứng đút thịt, trẻ không thích uống sữa thì hãy pha thêm vào sữa một ít bột ăn dặm, Milo, Ovaltine, hay chút xíu cà phê, để tủ lạnh cho hơi mát... Hãy tập dần từng ít một và pha trộn với các thực phẩm trẻ ưa thích. - Trẻ không chịu ăn một loại thực phẩm nào đó, bạn hãy cố gắng tìm hiểu nguyên nhân: Cứng quá, dai quá, khó nhai hay lợn cợn khó nuốt, mặn quá, cay quá, chua quá... để tìm cách khắc phục.
  3. - Khi thuyết phục trẻ ăn, nhớ khuyến khích và khen ngợi trẻ, cho trẻ biết giá trị dinh dưỡng và lợi ích của món ăn này bằng một cách đơn giản dễ hiểu: giúp con sáng mắt, đẹp da, có sức mạnh như siêu nhân, cao lớn... - Trường hợp trẻ đòi ăn hoài một vài món nào đó, hãy chiều theo ý thích của trẻ, đồng thời khéo léo đưa vào thêm trong bữa ăn của trẻ những thực phẩm khác: “Hãy thử một chút xem nào, món này rất ngon, món này bạn Tý cạnh nhà thường hay ăn lắm...” Công phu và rắc rối như vậy cũng để cuối cùng đạt được mục tiêu dinh dưỡng: Ăn uống đa dạng nhiều loại thực phẩm hàng ngày, không chỉ là một trong 12 lời khuyên về dinh dưỡng hợp lý do Viện dinh dưỡng Việt Nam khuyến cáo, mà còn là phương thức dinh dưỡng tối ưu cho tất cả mọi quốc gia trên thế giới.
nguon tai.lieu . vn